Aa

Từ vụ phản đối Vinaconex xây cao ốc 18 tầng: “Cuộc chiến” tăng mật độ xây dựng, dân khổ vì ai?

Thứ Năm, 21/03/2019 - 06:01

Thay thế cho những công viên, trường học, khu vui chơi, cây xanh… theo bản quy hoạch ban đầu của dự án lại là những tòa nhà cao tầng mới, bãi đỗ xe rộng hay văn phòng cho thuê. Hệ lụy của việc tự điều chỉnh quy hoạch, gia tăng mật độ xây dựng đã tạo ra không gian sống bức bối cho những cư dân.

"CUỘC CHIẾN" TĂNG MẬT ĐỘ XÂY DỰNG

Ngày 14/03 vừa qua, Sở quy hoạch Kiến trúc Hà Nội đã có buổi đối thoại trực tiếp, ghi nhận những ý kiến của người dân liên quan đến vấn đề điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết Khu Đoàn ngoại giao tại Hà Nội theo hướng gia tăng mật độ xây dựng tại các khu vực vốn được quy hoạch xây dựng công viên cây xanh, công trình công cộng. Hơn một năm qua, kể từ thời điểm Quyết định số 2905/QĐ-QHKT sửa đổi quy hoạch tại Khu Đoàn ngoại giao Hà Nội được ban hành, những cư dân tại nơi đây đã liên tục kiến nghị nhưng… phản hồi của họ vẫn rơi vào vô vọng.

Theo ghi nhận, trước đó, Khu Đoàn ngoại giao tại Hà Nội do chủ đầu tư Hancorp được giới thiệu sẽ dành 70% diện tích còn lại để xây dựng trường học, công viên cây xanh, khu vui chơi… Đây là lý do mà nhiều cư dân quyết định bỏ tiền để mua dự án này. Tuy nhiên, đến năm 2017, Quyết định số 2905 đưa ra điều chỉnh quy hoạch với những ô đất vốn trước đó dành cho khu vực công cộng trở thành những tòa chung cư mới.

Thực tế, câu chuyện điều chỉnh quy hoạch tại các dự án đã không còn là mới mẻ, mà trở thành hiện tượng “như cơm bữa” ở Hà Nội. Trước đó, đại diện hơn 700 hộ dân Khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính (quận Cầu Giấy, Hà Nội) cũng đã nhiều lần lần gửi đơn kiến nghị tới các cơ quan, chính quyền địa phương về việc khu vực này bị phá vỡ quy hoạch trong suốt 20 năm qua và đến nay vẫn chưa dừng lại.

Sở Quy hoạch Kiến trúc đối thoại với cư dân ngoại giao đoàn và đại diện chủ đầu tư. Ảnh: Cư dân cung cấp.

Sở Quy hoạch Kiến trúc đối thoại với cư dân ngoại giao đoàn và đại diện chủ đầu tư. Ảnh: Cư dân cung cấp.

Theo đó, khu đô thị Trung Hoà - Nhân Chính có diện tích 32ha do Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) làm chủ đầu tư được phê duyệt lần đầu năm 1998, khởi công năm 2001, và đưa vào vận hành năm 2006. Dự án này từng được coi là một trong những khu đô thị thương mại kiểu mẫu đầu tiên tại Hà Nội.

Theo Quy hoạch chi tiết 1/500 được duyệt năm 1998, với mật độ xây dựng 34,88%, dự án có 8 tòa nhà cao trung bình 6,7 đến 7,5 tầng. Ba năm sau đó, quy hoạch đã điều chỉnh tăng gấp đôi về số toà nhà lên 16 tòa cao tầng. Chiều cao mỗi toà cũng tăng lên gấp đôi, dao động từ 9 đến 21 tầng. Tuy nhiên, sau gần 20 năm, với nhiều lần điều chỉnh quy hoạch, hiện mật độ xây dựng Khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính tăng lên hơn 50% với 16 tòa nhà cao tầng với chiều cao từ 17 - 34 tầng. 

Đại diện cư dân cho biết, trong khi chủ đầu tư điều chỉnh số toà nhà cao tầng và tầng cao các công trình nhà ở lên gấp đôi nhưng diện tích đất cây xanh, trường học, bãi đỗ xe không thay đổi trong quy hoạch chi tiết đã duyệt, thậm chí bị thu hẹp.

DÂN PHẢN ĐỐI... CHỦ ĐẦU TƯ VẪN CỐ

Điểm chung của những dự án điều chỉnh quy hoạch đó là những "trở mặt” từ phía chủ đầu tư. Trước những phản ánh của cư dân, các chủ đầu tư đều cho rằng, đã thực hiện đúng “quy trình” xin ý kiến cư dân. Như lý giải của chủ đầu tư Hancorp về điều chỉnh quy hoạch tại Khu Đoàn ngoại giao tại Hà Nội lên tiếng là đã lấy ý kiến của cư dân.

Tuy nhiên, tại buổi đối thoại với cư dân, bà Đỗ Thị Hương Chà, Chủ tịch UBND phương Xuân Tảo (quận Bắc Từ Liêm) cũng thừa nhận, có lấy tham vấn ý kiến cộng đồng cư dân về điều chỉnh quy hoạch ngày 4/11/2016, nhưng là lấy ý kiến của 10 người dân không phải là cư dân mua nhà tại Dự án Khu Ngoại giao đoàn, không đúng đối tượng. Mặc dù nhiều lần phản đối, kiến nghị song những ý kiến của cư dân vẫn không thay đổi được quyết định của chủ đầu tư.

(Ảnh minh họa)

(Ảnh minh họa)

Trong khi đó, tại dự án khu đô thị Trung Hoà - Nhân Chính, đại diện chủ đầu tư đã đưa ra các lý giải như việc thay đổi đều nằm trong kế hoạch chỉnh trang 2 bên đường Lê Văn Lương, đồng thời được sự phê duyệt quy hoạch của cơ quan quản lý thì chủ đầu tư mới triển khai. Đại diện chủ đầu tư cũng cho rằng, đã phối hợp với chính quyền tổ chức xin ý kiến về công trình tòa nhà song hầu hết cư dân đều phản đối. Tuy nhiên, chủ đầu tư vẫn sẽ tiếp tục tổ chức vận động cũng như tham vấn ý kiến của cư dân về công trình này.  

Việc “cắt xén” quỹ đất công cộng, biến những lô đất đáng nhẽ phải dành cho không gian xanh hay các tiện ích của cư dân thì chủ đầu tư lại dùng để xây dựng những tòa nhà mới. Hệ lụy của việc gia tăng mật độ dân số là cuộc sống đảo lộn của cư dân khi phải đối mặt với sự bức bối trong không gian sinh hoạt, thiếu đi tiện ích cơ bản. Trong khi đó, xã hội phải đối mặt với tình trạng quá tải về trường học, bệnh viện, giao thông cũng như vấn đề về ô nhiễm môi trường...

KHI CƯ DÂN "CẦM DAO ĐẰNG LƯỠI"

Vẫn biết hệ lụy của nó song với có lẽ khoản lợi nhuận từ việc điều chỉnh quy hoạch, tăng mật độ xây dựng đã khiến những chủ đầu tư bất chấp cả “quy trình” và những lời cam kết ban đầu. Từ một khu đô thị kiểu mới, những dự án không chỉ tự phá bỏ quy hoạch ban đầu mà còn đi ngược với quy chuẩn quy hoạch đang đưa ra. Còn chính người dân đang phải chấp nhận một cuộc sống bị đẩy vào “sự đã rồi”. Rõ ràng, bỏ tiền ra để mua căn hộ để ở kèm những tiện ích xung quanh. Nhưng rồi, khu đô thị kiểu mẫu như đã quảng cáo mới chỉ dừng lại ở trên giấy tờ và chính các chủ đầu tư đã phá bỏ cam kết của mình, bỏ mặc những ý kiến của người dân. Còn chính quyền sở tại cũng “thờ ơ” trước những phản hồi của cư dân. Cuối cùng, chính người dân lại rơi vào tình cảnh “cầm dao đằng lưỡi”, không gian sống của mình lại bị phụ thuộc vào quyết sách của chủ đầu tư.

“Cũng vì lợi ích kinh tế mà một số chủ đầu tư bỏ qua các khu tiện ích cho người dân, họ tận dụng tối đa tất cả diện tích để chồng tầng, không gian bên dưới bị chiếm dụng cho thuê...”

TS. KTS. Trương Văn Quảng

Bàn về câu chuyện gia tăng mật độ xây dựng, TS. KTS. Trương Văn Quảng, Phó Tổng thư ký Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam (VUPDA) đã từng nói: “Cũng vì lợi ích kinh tế mà một số chủ đầu tư bỏ qua các khu tiện ích cho người dân, họ tận dụng tối đa tất cả diện tích để chồng tầng, không gian bên dưới bị chiếm dụng cho thuê...”

Mặc dù hiện nay, luật đã có quy định rõ ràng về mật độ xây dựng nhưng thực tế, việc tự điều chỉnh quy hoạch vẫn đang diễn ra, bất chấp tiêu chuẩn ban đầu.

“Sau quá trình được duyệt dự án, chủ đầu tư lại lách luật, chuyển nhượng những khu tiện tích thành khu đất ở. Thế nên, có rất nhiều "cái khác" xuất hiện kể từ lúc dự án được hình thành đến khi người dân chuyển vào ở. Cũng bởi sự khác biệt đó mà chính người dân rơi vào tình trạng đành "nhắm mắt đặt chân" vào nơi mình đã bỏ tiền ra mua dù trước đó họ được nghe rất nhiều lời quảng cáo mỹ miều.

Không gian sống bị thiếu đi những tiện ích cơ bản, những cư dân ở chung cư phải chấp nhận sống trong sự thiếu thốn một không gian nuôi dưỡng tinh thần, sức khỏe. Chưa kể, họ còn phải thường xuyên "đấu tranh" cho những quyền lợi của mình với chủ đầu tư. Sự khó chịu ngày càng chất chồng khiến người dân bức bối trong chính nơi mình ở”, TS. KTS. Trương Văn Quảng nhấn mạnh.

Mật độ xây dựng và hệ số sử dụng đất là một trong số những chỉ tiêu hay thông số đặc thù quan trọng của ngành xây dựng trong quản lý quy hoạch đô thị, cụ thể là tầng cao, tầng hầm các tòa nhà. Tuy nhiên, trong một thời gian dài các địa phương đã buông lỏng và bỏ qua những quy định bắt buộc. QCXDVN: 01 2008 đã không còn hệ số sử dụng đất và chỉ tiêu mật độ xây dựng giảm so với QCXDVN: 1997.

Ngoài ra, trong các quyết định phê duyệt quy hoạch của chính quyền địa phương chỉ diễn giải mật độ xây dựng hay hệ số sử dụng đất chung toàn khu mà không nói rõ hay giải thích về những lô đất có mật độ xây dựng hay hệ số sử dụng đất vượt quá quy chuẩn cho phép? Đây chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự chất tải đô thị hay giao thông chật chội và thiếu bãi đỗ xe trong các khu đô thị ngày nay.

TS. QLĐT Lý Văn Vinh – Viện kiến trúc quốc gia (VIAr)

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top