Aa

Uẩn khúc việc xây chùa trên... “đất chùa”!

Thứ Sáu, 06/09/2019 - 06:00

Lâu nay, vì đất đai là công thổ quốc gia nên trong dân gian thường gọi đây là “đất chùa”, là của cộng đồng, không của riêng ai. Nhưng công thổ quốc gia lại không phải là đất chùa, vì những mảnh đất tâm linh ấy thường thiêng lắm, chẳng mấy ai dám xâm phạm.

Rồi nếu ai đã từng một lần đi chùa, dù là đi lễ hay tham quan, thì đều có thể cảm thấy sự tôn nghiêm, thanh tịnh không chỉ ở cảnh quan nơi này mà ở ngay chính trong lòng mình. Mọi sự bon chen, xô bồ, bụi bặm của cuộc sống đều bị gác lại ngoài cổng chùa.

Thế mà thời gian gần đây, nhiều ý kiến trên báo chí truyền thông đang rộ lên những khuất tất liên quan đến việc giao đất để xây dựng chùa Bái Đính (Ninh Bình) và chùa Tam Chúc (Hà Nam).

Luật Đất đai cũng như nhiều văn bản pháp lý đã quy định rất rõ ràng trong việc giao đất cho các cơ sở tôn giáo, trong đó có đất cho nhà chùa. Mà thực tiễn cho thấy, khi hai khu vực du lịch tâm linh này được đưa vào hoạt động đã đem lại hiệu quả rõ rệt, không chỉ là lĩnh vực du lịch tâm linh mà cả những góc độ kinh tế, xã hội khác nữa.

Vậy điều gì đã khiến cho dư luận cực chẳng đã phải động chạm đến một môi trường vốn đầy tôn nghiêm và thanh tịnh như vậy?

Cách đây hơn chục năm, khi khu du lịch tâm linh Bái Đính đang gấp rút hình thành để đón các đại biểu tham dự đại lễ Phật đản thế giới 2008, tôi được người bạn là chủ một doanh nghiệp tham gia đầu tư vào lĩnh vực ẩm thực ở nơi đây mời đi tham quan. Khi ấy, tôi đã thấy một điều hơi khác lạ là ngay dưới tòa Tam Thế cao nhất của chùa Bái Đính mới này có hẳn một nhà ăn chay rộng mênh mông, và người bạn giới thiệu nơi này có thể phục vụ hàng trăm người cùng một lúc và đồng thời bán những đồ lưu niệm.

Thế là chùa này đã khác nhiều chùa truyền thống rồi, mà ở đó, mọi sự mua bán xô bồ đều bị gác lại tít ở ngoài cổng chùa.

Thì ra trong câu chuyện này đang có sự lẫn lộn khái niệm, thế nào là đất nhà chùa, thế nào là đất kinh doanh; thế nào là thị trường, thế nào là tâm linh; thế nào là dịch vụ, thế nào là thiện nguyện…

Tôi cho rằng không thể gọi đây là “chùa Bái Đính” được, mà phải gọi là “khu du lịch” hoặc “quần thể du lịch tâm linh” mới chính xác, bởi lẽ không thể lẫn lộn sản phẩm của dự án này với một ngôi chùa thật sự có tên là Bái Đính (Bái Đính cổ tự) cách điện Tam Thế của khu chùa mới khoảng 800m về phía nam, nằm gần trên đỉnh của một vùng rừng núi khá yên tĩnh. Người lên thăm chùa phải bước trên 300 bậc đá, qua cổng tam quan ở lưng chừng núi. Trên đó có hang sáng thờ Phật và Thần, có động tối thờ Mẫu và Tiên. Phía trên cửa hang sáng có 4 chữ đại tự "Minh Đỉnh Danh Lam" khắc trên đá do Lê Thánh Tông ban tặng.

Trở lại vụ việc mà dư luận thời gian gần đây mong muốn làm rõ những uẩn khúc trong việc giao đất để xây dựng chùa Bái Đính (Ninh Bình) và chùa Tam Chúc (Hà Nam), rõ ràng có sự mập mờ, lợi dụng những khe hở của pháp luật để trốn tránh nghĩa vụ đóng thuế vào ngân sách Nhà nước.

Chùa Tam Chúc (Hà Nam)

Điều mập mờ này bắt nguồn từ các cơ quan có trách nhiệm của tỉnh Ninh Bình và Hà Nam. Mà đất không hề ít! Chẳng hạn, chỉ riêng khu núi chùa Bái Đính đã được UBND tỉnh phê duyệt diện tích 1.005,3ha. 

Đối tượng được giao là Sở Thương mại - Du lịch (nay là Sở VH-TT&DL) 495,3ha để thực hiện dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng khu núi chùa Bái Đính; Ban quản lý quần thể danh thắng Tràng An được giao 18,6ha để xây dựng cơ sở hạ tầng khu núi chùa Bái Đính và UBND huyện Gia Viễn được giao 4,3ha để mở rộng khu dân cư hiện hữu.

Điều đáng bàn là ở chỗ, sự mập mờ tồn tại cả chục năm trong các dự án này là do khách quan hay chủ quan? Do sự chưa hoàn thiện của hệ thống luật pháp hay sự cố tình của những “lợi ích nhóm” nào đó?

Trong một bài trả lời phỏng vấn của Reatimes, GS. Đặng Hùng Võ cho biết, hiện nay, trong Luật Đất đai chưa có khái niệm, định nghĩa về dự án tâm linh. Ông cho rằng trong lần sửa đổi Luật Đất đai tới đây, các nhà lập pháp cần suy nghĩ đến việc xây dựng các thể chế, chính sách về văn hóa, cần có quy định rõ ràng trong luật về phát triển các công trình tôn giáo một cách cụ thể, chi tiết hơn.

Trong một môi trường pháp lý chưa chặt chẽ như vậy thì việc lợi dụng sẽ dễ dàng xảy ra nếu doanh nghiệp có sự “nâng đỡ” của chính quyền địa phương. Mà họ làm cũng rất “khéo”, tức là giao đất cho các tổ chức hành chính địa phương, mà thí dụ như trường hợp của chùa Bái Đính mới là giao cho Sở VH-TT&DL, Ban quản lý quần thể danh thắng Tràng An và UBND huyện Gia Viễn. Điều đó có thể hiểu là đất vẫn nằm trong tay Nhà nước chứ không phải của cá nhân.

Họ bày biện “khéo” tới mức Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng phải bó tay mà rằng: “Việc giao đất cho 3 đơn vị như trên để thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng và xây dựng hạ tầng, xây dựng khu tâm linh là chưa thể hiện rõ đối tượng được giao đất để quản lý hay giao đất để sử dụng; không thể hiện chế độ sử dụng đất (giao có thu tiền hay không thu tiền, hay thuê đất, không xác định thời hạn sử dụng đất); không thể hiện mục đích sử dụng từng loại đất theo quy định của Luật Đất đai nên chưa đủ cơ sở để xác định diện tích phải tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, căn cứ để xác định giá đất”.

Điều mập mờ và ẩn khuất chính là ở chỗ này. Và những cái “bình phong” đầy quyền lực ấy đã bảo vệ cho doanh nghiệp Xuân Trường tung hoành kinh doanh trên hàng nghìn héc ta đất mà không phải trả một xu tiền sử dụng đất nào cho ngân sách Nhà nước trong cả chục năm trời.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top