Aa

Uống nước nhớ nguồn và ngày mùng 10 tháng 3

Thứ Bảy, 13/04/2019 - 06:01

Biến ngày giỗ như giỗ Vua Hùng trở thành ngày hội lớn của dân tộc là điều vô cùng ý nghĩa. Lưu giữ lịch sử của tiền nhân bằng sinh hoạt cộng đồng mang tính tâm linh là một nét văn hóa rất đặc sắc.

Sáng nay trời Quảng Trị mưa nhẹ, trời đẹp như đang trong khí tết xuân vậy. Chim và hoa, chim đâu về hót reo vang cả Thụy Ứng và hoa nở chen những lá xanh sức sống khắp vườn. Tôi ngồi uống trà, thấy con chim Cu về đậu trên nốc Am, hình ảnh thật đẹp!

Tôi đang viết những dòng này trong tiếng hót reo của nhiều loài chim ngoài vườn đang khoe tiếng. Chúng như đang mừng vui vì một sự kiện gì trọng đại. Không gian nơi đây yên lành!

Hôm nay, nhiều người Việt Nam đang hướng về lễ giỗ Tổ. Mùng 10 tháng 3 được nhắc đến là ngày giỗ Vua Hùng Vương.

Tôi lớn lên ở Quảng Trị. Nhiều năm tháng trôi qua của tuổi trẻ nhưng tôi không hay biết, không nhớ có ngày giỗ tổ Hùng Vương. Mãi sau này khi ra Bắc tôi mới lưu ý đến ngày này. Đó là sự thật. Đến nay, dân quê tôi vẫn ít liên tưởng đến ngày giỗ Vua Hùng. Cụ thể ở làng tôi, đến nay cũng không mấy ai biết đến sự kiện giỗ mùng 10 tháng 3.

Sự thật đó có lý do của nó.

Ở quê tôi, tôi thấy họ luôn nhớ những gì gần họ nhất. Gần họ nhất là tổ tiên được thờ trong nhà mỗi gia đình. Đó là cha và mẹ, rồi ông bà và nội ngoại xóm làng mà họ tỏ lòng tri ân hướng về. Họ hướng về đối tượng cao nhất trong từng làng của họ sinh sống là Thần Thành Hoàng Làng, là Ngài Khai canh, ngài Khai khẩn lập nên làng ấp họ sinh sống.

Họ chăm chút ở đó với truyền thống nhiều trăm năm của làng. Làng có ngày giỗ ngài Khai canh. Như ở làng Thi Ông, ngài Khai canh là người họ Võ: Võ Trạng Đầu. Có ngày giỗ tổ cao nhất của họ, tổ đứng đầu phái, tổ đứng đầu chi và khoảng 3 đời trở lại là tổ khảo tức ông nội. Tôi lúc nhỏ còn ở quê đã được theo người lớn đến nhà thờ phái, vì đó là nơi gần nhất. Con trẻ không tham dự thì được ăn lộc người lớn đem về từ những buổi lễ ở nhà thờ phái.

Ở quê tôi vẫn còn giữ nhiều truyền thống lễ và tế của làng do các bậc cao tuổi đảm nhận. Họ là Ông Hội (tức hội chủ làng) họ là các trưởng tộc, trưởng phái... ai cũng có khăn đống áo dài nghiêm chỉnh khi hành lễ. Ở làng tôi có văn sớ để tế trong đình làng riêng. Có người phụ trách văn lễ.

Lễ tế Tổ Mẫu Âu Cơ theo nghi lễ truyền thống. (Ảnh: Quý Trung/TTXVN)

Lễ tế Tổ Mẫu Âu Cơ theo nghi lễ truyền thống. (Ảnh TTXVN)

Tôi nghĩ, nhiều đời nay họ đã sống với nhau như vậy. Họ gắn bó vì quyền lợi nhưng cũng vì bà con một nhà, con một giống từ ngài khai canh, khai khẩn mà ra. Họ biết tôn trọng người cao tuổi là ông bà chú bác giữ trọng trách đầu làng hay đầu các họ phái.

Ngày giỗ, chính là ngày sinh hoạt cộng đồng. Đó là ngày mà một cộng đồng thu nhỏ từ những người thân ruột thịt có họ hàng thân thích rất gần. Từ đó tính cộng đồng được ươm mầm trong con người.

Giỗ là gì? Là ngày mà người sống, được nhắc nhớ để không quên người đã qua đời. Người qua đời đó có liên hệ với mình, nên mình cần nhớ, và nhắc nhau nhớ về họ. Giỗ, đó là dịp người sống có cơ hội ngồi xuống bên nhau để nhìn nhận nhau, chân thành và quý trọng yêu thương nhau hơn. Nhờ gắn kết đó mà họ nắm tay nhau đi tới dù chông gai và gian khổ từ thiên tai hay chiến tranh.

Họ cần một sự gắn kết cộng đồng. Những người đi sau không quên nhớ ơn người đi trước nên giỗ là ngày ý nghĩa lớn mang tính cộng đồng của người Việt. Trước ban thờ án hương người đã khuất, họ thấy mình quý trọng người ra đi kia mà chân thành hơn với người còn sống.

Biến ngày giỗ như giỗ Vua Hùng trở thành ngày hội lớn của dân tộc là điều vô cùng ý nghĩa. Lưu giữ lịch sử của tiền nhân bằng sinh hoạt cộng đồng mang tính tâm linh là một nét văn hóa rất đặc sắc của tộc Việt. Lịch sử là một bài học nghiêm túc vì lịch sử là một nghành khoa học. Người Việt đã nhiều ngàn năm làm điều đó, và con cháu tiếp tục gìn giữ. Nhưng biến ngày giỗ đó trở thành ngày hội nặng tính mê tín và vui chơi thiếu lành mạnh thì quả là phản lại ý nghĩa đẹp đẽ của ngày giỗ.

Khi ta thắp một cây hương trước ban thờ Vua Hùng hay thắp một cây hương trước ban thờ tổ tiên trong gia đình, là khi ta thấy tự hào về tổ tiên và giống nòi mình. Đó là khi ta thấy lòng thanh thản và trong sáng vì ta biết quên mình vì đại nghĩa dân tộc. Đại nghĩa đó bắt đầu từ nơi gia đình ta. Ta thiếu hạnh phúc từ trong gia đình, thiếu tôn trọng bố mẹ thì ta không xây được nền móng cho lòng đại nghĩa phát triển.

Tấm lòng không trong sáng, ta không gởi được khói hương mang theo lòng mình đến tổ tiên. Hôm nay, hàng vạn người thắp hương trước án hương Quốc Tổ Vua Hùng. Bao nhiêu quan chức đủ các cấp về đền Vua Hùng trong ngày này dâng hương. Hình ảnh đó rất đẹp đẽ cần được giữ gìn. Nhưng cũng thấy thật đáng xấu hổ khi lòng chúng ta không thật sự đặt tổ quốc và dân tộc lên trên hết. Ta còn nhiều thói tệ bạc do hám danh lợi mà bất chấp mọi giá. Ta làm lũng đoạn đất nước bằng bè đảng và tranh ngôi mua chức. Ta không tôn trọng người đồng bào là hành khách cùng ta chuyến xe sáng nay đi làm, thì cây hương sáng nay sao gởi đến được Vua tổ.

Ta để cho gia đình và dân tộc điêu linh vì đủ mọi thói hư tật xấu do thiếu năng lực và cái tâm của người lãnh đạo, sao cây hương ta gởi đi được Vua Tổ chứng giám.

Dùng niềm tin vào tôn giáo và tín ngưỡng để hướng dân chúng rời bỏ thực tại đang đè nặng lên dất nước bởi tham tàn và độc quyền nguy khốn là một việc ác độc.

Chắp tay hướng về Đức Tổ Vua Hùng và liệt tổ nước Việt nhiều đời che chở cho quốc dân thấy nẻo sáng đi lên!

 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top