Aa

Và Hành Trình Tri Ân

Thứ Bảy, 07/07/2018 - 06:01

Mỗi chúng ta hôm nay được sống bình yên là nhờ triệu triệu những máu xương, những chia xa, mất mát, nhờ triệu triệu tiếng khóc than và nỗi đau xé ruột gan của ông cha mình năm nào... Quảng Trị, mỗi một tấc đất còn đó là để cho chúng ta biết sống với nhau nhân nghĩa, hiền hòa hơn...

Những ngày này ở Quảng Trị nắng nóng lên đến cực điểm. Nắng ở đây vốn đã nổi tiếng để miền đất này thành ra... nghèo khó. Khắc nghiệt lại càng khắc nghiệt hơn khi mùa hè về. Nắng lên như muốn thiêu rụi mọi thứ dưới mặt đất. Nắng như vậy thì chỉ có ai ở Quảng Trị mới hiểu. Hiểu rằng, hễ hè về, là đến cả không khí cũng không đủ để thở.

Xưa, dòng sông là nơi ngâm mình không chỉ của lũ trẻ mà còn cả người lớn. Nay, sông không còn như xưa, cây thì không ai để tâm trồng lấy bóng che mát. Quê vốn sơ xác lại càng tiêu điều hơn.

Nhưng lạ, là giữa hoang vu của tầm nhìn cho một hướng đi phát triển mong trù phú, thì lòng người lại khác hơn. Nơi đây, vào mùa này, người ta nhắc nhiều đến ơn nghĩa đền đáp cho người nằm xuống, tháng thương binh liệt sĩ. Có lẽ như dòng nước Cam Lộ của Quan Thế Âm làm dịu lại những cằn cỗi, những gắt gao. Cũng tại cái khô cằn và nghiệt ngã của đất trời nó làm nên tính cách cho người với người nơi đây thêm trọng tình trọng nghĩa.

Quên làm sao được những nỗi đau của những mùa hè đỏ lửa năm nào...

“Sự chết trên 9 cây số đường này là 9 cây số trời chết, đất chết, chết trên mỗi hạt cát, chết trên đầu ngọn lá, chết vương vãi từng mảnh thịt, chết từng cụm xương sống, đốt xương sườn, chết lăn lóc đầu lâu, chết rã rời từng bàn tay cong cong đen đúa… Nhiều quá, 9 cây số hay 9000 thước, mỗi thước trung bình hai bộ xương tung tóe, vậy tất cả là bao nhiêu? Chỉ lấy con số trung bình vì có chiếc xe hồng thập tự chổng bánh vỡ sườn để lộ những bàn chân đen thòng ra ở cửa đằng sau…

Chiếc xe Honda gẫy đôi, còn sót lại hai đôi dép Nhật, người ở đâu? Không làm sao phân biệt được tay này, chân kia, đầu lâu người nọ… Chiếc xe công binh ủi một đường dài, những xác chết, không, phải nói những bó xương bị dồn cùng áo quần, vật dụng, chạm vào nhau nghe lóc cóc, xào xạc, ”đống rác” người ùn ùn chuyển dịch, một chất nhờn đen đen ươn ướt lấp lánh trên mặt nhựa – nhựa thịt người!! Trời nắng, đồng trắng, con đường im lìm, động cơ chiếc xe ủi đất – phải gọi xe ủi người mới đúng – vang đều đều, hơi nắng bốc lên từng đường trên mặt nhựa, hơi nặng mùi… Vạn vật chết trong lòng ánh sáng. Ánh sáng có mùi người.”(*)

“Chiến trường có diện tích Hai ngàn năm trăm thước vuông đó đã được 15 tiểu đoàn bộ chiến bao vây và quét sạch từng thước đất, phải nói từng tấc đất nếu muốn giữ độ chính xác trong 68 ngày, 15 tiểu đoàn hay 7500 người phải đi qua 2500 thước vuông, vậy mỗi người có bao nhiêu thước chiến trận? - Con số trung bình cho thấy 3 người lính có 1 thước vuông mục tiêu. Một thước vuông để tác chiến trong 68 ngày!! Quân sử thế giới trước và sau Quảng Trị, không còn một nơi nào, không thể có một chiến trường nào chật cứng đứt hơi bằng Quảng Trị, Việt Nam… Chắc chắn như thế. Trong 68 ngày đó, 6 tiểu đoàn pháo của hai sư đoàn Dù và Thủy Quân Lục Chiến đã bắn bao nhiêu trái đạn, dàn hải pháo của Hạm Đội số 7, phi cơ Việt Nam đã đánh 7 phi tuần xuống góc đông bắc cổ thành, mở đường cho Tiểu Đoàn 5 Dù ; 7 phi tuần gồm 14 phi xuất, một phi cơ trong một phi xuất đánh 12 trái bom từ 250 ký đến 500 ký… Vậy trong 68 ngày, bao nhiêu bom đã rơi xuống trên mỗi phần đất của thành phố chiều dài không quá 15 phút Honda đó?!!”(*)

(*Trích: Mùa hè đỏ lửa – Phan Nhật Nam)

Lễ hoa đăng tri ân các anh hùng liệt sỹ tại Thành Cổ Quảng Trị

Lễ hoa đăng tri ân các anh hùng liệt sỹ tại Thành Cổ Quảng Trị

Trước thiên nhiên và khí hậu càng khắc nghiệt thì con người, để thích nghi, họ càng phải đoàn kết gắn bó với nhau nhiều hơn. Đó gần như là quy luật, là điều kiện tất yếu cần có cho cuộc tồn sinh.

Am Thụy Ứng là một minh chứng như thế về ân nghĩa.

Thụy Ứng ẩn mình hiền hòa giữa miền quê nghèo, mọi thứ còn thiếu thốn, nhưng từ năm 2008 đã cố gắng duy trì thành một nếp sinh hoạt cố định hàng tháng ở hai nghĩa trang quốc gia Trường Sơn và Đường 9. Chúng tôi ý thức rõ là mình có được bình yên hôm nay, là bao lớp cha ông đã trả bằng quá nhiều máu xương. Nên ai cũng ngạc nhiên khi thấy Am Thụy Ứng thực hiện việc cúng cầu siêu hàng tháng đều đặn hơn 10 năm qua.

Đó là HÀNH TRÌNH TRI ÂN hướng về anh linh anh hùng liệt sĩ mà chúng tôi đã tạo thành được truyền thống trong sinh hoạt HIẾU NGHĨA của mình. Chúng tôi có một CỘNG ĐỒNG HIẾU NGHĨA với người tham dự khắp nơi, ai cũng thành tâm và ý thức rất sâu sắc về đạo lý UỐNG NƯỚC NHỚ NGUỒN của người Việt.

Tháng 7 lại về cùng cái nắng chói chang. Viết những dòng này, tôi không mong gì hơn một lần nhắc nhớ, cho mình và cho mọi người. Mỗi chúng ta hôm nay được sống bình yên là nhờ triệu triệu những máu xương, những chia xa, mất mát, nhờ triệu triệu tiếng khóc than và nỗi đau xé ruột gan của ông cha mình năm nào... Quảng Trị, mỗi một tấc đất còn đó là để cho chúng ta biết sống với nhau nhân nghĩa, hiền hòa hơn. Mỗi tấc đất còn đó, là để chúng ta cùng học bài học về lòng biết ơn và nếp sống hiếu nghĩa của dân tộc.

Nếu ai về Quảng Trị, xin một lần dặn lòng, xin nhớ bước từng bước chân trên mỗi nẻo đường bằng tất cả kính – thương.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top