Aa

Văn hoá chung cư ở Bỉ

Thứ Tư, 06/06/2018 - 06:01

Chung cư hay các khu tập thể là nơi thể hiện rõ nhất nét văn hoá làng xóm, sự quần tụ của nhóm cộng đồng, là nơi mà các không gian chung như vườn hoa, công viên, hay các khu vui chơi của trẻ luôn được ưu tiên, xây dựng.

Mùa hè năm ngoái, bạn ở Hà Nội sang nhà tôi chơi, khi đang ở nhà cũ bên cạnh một khu rừng nhỏ mang tên Nàng công chúa ngủ trong rừng là một khu chung cư bình thường, bạn cứ suýt xoa họ xây lâu chưa mà hiện đại và tiện nghi thế bởi có hầm với các ô nhỏ dành cho các căn hộ như nhà kho riêng, có gare trong hầm, gare ngoài trời, khu rác sinh hoạt…ở đâu cũng sạch sẽ.

Bỉ có truyền thống về làm đường ngầm cho tàu điện, các đường ngầm trong phố nên từ rất lâu rồi, nhà cửa của họ xây đều có các tầng hầm trùng trùng là thế. Hầm như là móng nhà vậy, rất chắc chắn và gọn gàng. Đặc biệt phải qua rất nhiều cửa ở các toà nhà, mà phải có chìa khoá mới vào được. Các toà nhà đều có hệ thống chuông từ xa. Khi ai đến đều phải bấm chuông, chủ nhà mở từ trong nhà chứ không bao giờ tự bước vào cửa và đi lại tự nhiên, chính vì thế rất an toàn. Rất ít các khu chung cư có các bảo vệ ở dưới cửa. Chưa kể ở các khu công cộng như bảo tàng, hay các siêu thị… thì bao giờ cũng vào một cửa, ra một cửa hoàn toàn khác nhau.

Brussels là một công trường, đi đâu cũng thấy sửa chữa nhà cửa, các toà nhà, và xây dựng mới. Có những khu mới hôm nào tôi còn thấy những cần cẩu, máy xúc dưới lòng đất sâu, chỉ vài tháng sau đã mọc lên những căn hộ mới, bởi tốc độ làm việc chóng mặt của họ. Rất nhiều khu nhà cũ xấu xí bên ngoài nhưng bên trong hoàn toàn khác về tiện nghi và chất lượng. Người Bỉ thích di sản, truyền thống, nên cái gì càng cũ họ càng giữ, họ không sơn màu cho mới, trừ ngôi nhà nào màu trắng, họ làm trắng từ đầu. Các nhà cổ, họ có sửa sang bên trong hoàn toàn mới thì họ luôn giữ cái khung của lịch sử hàng trăm năm, giữ từng khung cửa, từng viên gạch…

Và ở bất cứ khu dân cư nào cũng luôn có vườn hoa, dù nhỏ hay lớn, không gian xanh là không gian mọi người luôn tạo dựng và giữ gìn. Khi mùa xuân đến, âm thanh quen thuộc của chúng tôi là tiếng máy cắt cỏ hàng ngày và cắt cây, dọn dẹp làm vườn ở khắp nơi, từ các khu chung cư cho đến các nhà riêng. Các công viên với hồ nước, cây bụi và hoa, cây cổ thụ quanh các khu dân cư. Các cây mới luôn được thay thế bên cạnh những cây quá già hoặc đến mùa chặt lá thay cành. Trong các khu dân cư yên tĩnh, họ hay trồng những cây xanh nhỏ, tán không rộng để tạo cảnh quan. Các cây bóng mát đa phần ở những đại lộ lớn hoặc ở công viên. Rõ nhất là các mùa hoa ở đây khi mùa xuân đến. Hoa thuỷ tiên ở các bãi cỏ khắp nơi báo hiệu mùa xuân về. Mộc lan ở vườn và các công viên rộng khắp trong các mùa của tháng 4 cùng với anh đào. Từ tháng 5 đến hết mùa thu, là mùa của hoa hồng thơm ngát khắp nơi, vườn nhà ai cũng có loài hoa nữ hoàng này.

Lần đầu tiên nhìn xuống từ máy bay, tôi vô cùng ngạc nhiên, sao chỉ toàn cây và rừng ở đây, không thấy nhà chọc trời, không thấy nhà cao tầng. Ngồi trên oto đi giữa những vườn hồng trong thành phố, tôi vô cùng háo hức, cảm giác đó vẫn còn nguyên vẹn sau nhiều năm sống ở đây như thế vào mỗi mùa hè xanh mát. Có những dải phân cách rất lớn và rộng như đường Nguyễn Chí Thanh hay Liễu Giai với những đám cỏ xanh 4 mùa, sau đó, tôi hiểu ra rằng, thì ra họ đã tính đến lúc, ở giữa những dải phân cách rộng sẽ là một đường tàu điện mới. Chính vì thế, ngay cạnh nhà tôi bây giờ, sắp xong đường ray mới chạy kéo dài đến bảo tàng châu Phi.

Mỗi mùa thu đến, tàu điện chạy giữa những hàng lá rụng bay trong gió, dường như ai cũng như đi chậm lại để chạm vào cảm giác chuyển đổi của mùa và thời gian trôi đi. Xen kẽ giữa các công viên là các khu vui chơi của trẻ gắn liền với thiên nhiên và các con vật tự nhiên. Thời gian dành cho trẻ em ở đây với bên ngoài tự nhiên là thời gian mà các bố mẹ hay các gia đình phải luôn thu xếp để đảm bảo sự phát triển toàn diện cho sức khoẻ, cũng như sự hiểu biết về môi trường sống nên có rất nhiều các khu vui chơi dành cho trẻ em ở các công viên. 

Sắp tới, con của một chị bạn là người quen của gia đình sẽ sang bên tôi học đại học. Tôi giúp họ tìm hiểu thông tin và tìm studio cho cô bé ở trong các campus. Dù ở giữa trung tâm hay cách xa trung tâm, các campus dành cho sinh viên luôn đa dạng như studio dành cho 1 người, bao gồm khép kín nhà vệ sinh, nhà tắm và bếp hoặc bếp chung. Hay các căn hộ dành cho các gia đình nhỏ mà chồng hoặc vợ đi làm nghiên cứu sinh lâu năm… Trong các campus luôn đầy đủ các dịch vụ cũng như các khu sinh hoạt chung, vườn và không gian xanh, hệ thống siêu thị nhỏ và các dịch vụ khác như máy giặt công cộng…

Một chuyện mà tôi rất hay chia sẻ với các bạn du học sinh ở Việt Nam sang cũng như các bạn người Việt mới sang là sự sạch sẽ ở đây. Như khi thuê nhà, bạn được bước vào một căn nhà mới hoàn toàn, thơm phức, bạn chỉ cần mang đồ dùng cá nhân cần thiết rồi xếp đồ sau hoặc mua sắm sau đó, còn bếp núc luôn đầy đủ từ lò nướng đến lò vi sóng, hệ thống bếp ga hoặc bếp từ, tủ lạnh cùng nhà tắm gọn gàng sạch sẽ.

Khi bạn rời đi, bạn cũng sẽ để lại nguyên trạng mới như lúc đầu như thế, nếu có gì hỏng hóc hay cũ đi vì dùng nhiều, hay bạn không dọn dẹp để lại một đống rác, bạn phải trả rất nhiều tiền cho việc đền bù này. Vì thế, ai cũng coi nhà đi thuê như nhà của mình, đó là nơi sống, nơi gắn bó để tạo không khí gần gũi yêu thương cũng như không gian để có một sức khoẻ tốt cho giấc ngủ và sự nghỉ ngơi.

Nhà ở đâu, hợp đồng ở đó thì cũng chính là nơi bạn có ID hay chứng minh thư mà không cần sổ đỏ hay sổ vàng gì hết. Nhà không phải là nơi để thể hiện sự giàu có mà thể hiện sự ổn định, ấm cúng. Bởi thế, người Bỉ luôn trân trọng mỗi căn nhà họ có, kể cả căn nhà chỉ để ở vài tháng mùa hè hay các kỳ nghỉ. Ở đâu họ cũng sạch sẽ, ngăn nắp. Họ sử dụng không gian rất tiết kiệm, ví dụ thay vì làm một cái thang máy quá lớn với hành lang rộng, họ làm một thang máy đủ cho 4 - 8 người, hành lang hẹp đủ để đi lại thoải mái chứ hành lang không phải là nơi để chơi hay sinh hoạt chung.

Ở các khu chung cư, các nguyên tắc cũng khá rõ ràng đảm bảo sự trật tự và tôn trọng người khác như tối sau 10h không ai được tắm và sử dụng máy giặt, máy sấy quần áo vì ảnh hưởng tiếng ồn đến người khác. Không bao giờ được phơi quần áo hay đồ dùng ngoài ban công. Không được hút thuốc trong các toà nhà, các tầng hầm và gare. Ban công ngoài cây và hoa, bàn nhỏ ra, không bao giờ để các vật dụng gia đình bên ngoài… để tạo cảnh quan. Xe đạp, xe đẩy của bé để đúng nơi quy định. Thang máy là nơi di chuyển dành cho người chứ không phải là nơi chuyển đồ khi đổi nhà hay dời nhà đi. Vì thế, mỗi lần chuyển vào nhà mới ở chung cư, bạn phải dùng một dịch vụ thang máy cần cẩu chuyển từ bên ngoài qua ban công và xếp đồ vào nhà. Việc này, khi bạn báo cho ban quản lý và bên vận chuyển, họ sẽ có trách nhiệm báo cho quận biết, ngày này, tháng này, vị trí này hoàn toàn không được đỗ xe hay có chướng ngại vật ở đó để việc di chuyển đồ đạc được an toàn và đảm bảo với tấm pano thông báo.

Một chị bạn làm trong ngành kiến trúc sang đây, cứ thắc mắc sao họ lại có nhiều những phòng nhỏ hay sảnh lớn trong nhà là bởi sảnh là nơi đầu tiên bước vào nhà tạo không khí chào đón nên là không gian rất quan trọng ở nhà và căn hộ ở đây, chứ không phải bước vào nhà là bước thẳng vào phòng khách. Vì đến nhà ai cũng phải tháo giày ra, cởi áo khoác, quần áo chỉnh tề lịch sự nên có sảnh bên ngoài phòng khách là một không gian tối thiểu trong nhà hay căn hộ.

Ngoài các phòng ngủ, phòng khách lớn bao gồm sảnh ăn ra thì họ luôn có 1 hoặc 2 phòng nhỏ bên cạnh phòng tắm để đồ dùng dọn dẹp trong nhà hay làm khu vực giặt riêng. Có những căn hộ lớn là luôn có phòng làm việc riêng. Phòng đó luôn là phòng để cho khách hoặc bố mẹ, người nhà ở lại chơi.

Ở Bỉ nhà nào cũng có bàn làm việc để giải quyết giấy tờ cho gia đình như một văn phòng đầy đủ các file từ sức khoẻ đến bảo hiểm, các loại hợp đồng… Phòng tắm ở đây đúng theo nghĩa là một cái nhà tắm, nhiều khu vực khác nhau chia ra, có tủ đựng đồ riêng cho các vật dụng như khăn tắm, dầu gội… đồ dùng cá nhân của phụ nữ… nên phòng tắm là nơi gắn bó thường xuyên của mọi người, luôn sạch và khô.

Sân trước tòa nhà

Sân trước tòa nhà

Một bạn gái ở Bỉ lâu năm, một lần đến nhà tôi rón rén hỏi, chị ơi, làm sao nhà tắm nhà chị lúc nào cũng khô và thơm thế, chị rửa bằng cách nào vì ở đây không có lỗ thoát nước như ở Việt Nam trước đây. Tôi bật cười và hiểu ra, vì ở Việt nam mọi người hay dội nước để rửa và cho đó là sạch. Nhưng ở Bỉ thì không như thế, họ luôn lau chùi nhà tắm, lavabo và toilet, bồn tắm bằng khăn ướt chứ không dội nước ra ngoài tràn lan, đó cũng là cách để tiết kiệm nước mà nhà tắm lúc nào cũng khô ráo và sạch sẽ. Vì là thời tiết lạnh nên ở đây luôn có lò sưởi trong nhà tắm  để bảo đảm sức khoẻ cho mọi người. Toilet thì luôn riêng biệt chứ không dùng chung với nhà tắm trừ các căn hộ nhỏ. Khi đi học lớp công dân ở đây, tôi được dạy cách sử dụng tiết kiệm nước khi tắm, họ quy định chi tiết mỗi ngày dùng bao nhiêu nước cho việc sinh hoạt, cho việc tưới cây, trồng hoa…

Bọn trẻ ở trường cũng được dạy như thế từ nhỏ, nên ai cũng có ý thức tốt. Hay như việc tiết kiệm điện, đa phần chúng ta đều nghĩ bằng cách là ra khỏi phòng tắt điện nhưng đó chỉ là cách thủ công của đa phần các nước nghèo không có các thiết bị tiết kiệm điện. Vì thế, để tiết kiệm điện, bạn phải biết cách sử dụng và mua các dụng cụ tiết kiệm điện. Ví dụ một bóng đèn tiết kiệm điện sẽ đắt gấp 4-5 lần bóng đèn bình thường mà số điện bạn phải trả hàng tháng chỉ ở mức tối thiểu nhất hay như một cái máy giặt, tủ lạnh loại tốt mà tiết kiệm điện cũng thế… Vì thế, họ khuyến khích sử dụng các thiết bị này. Như nhà mình chỉ mua một lần lúc đầu rất đắt, sau đó thì dùng trong nhiều năm mà hàng tháng thì không phải số tiền quá nhiều với các thiết bị điện tiết kiệm từ máy giặt đến tủ lạnh và toàn bộ chiếu sáng trong nhà.

Khu chung cư nhà tôi đã được sử dụng trong nhiều năm, ở giữa một công viên với nhiều cây cổ thụ lớn và rừng nhỏ ở bên. Họ đang có kế hoạch sửa sang lại cho đẹp hơn và mới hơn. Cứ vài tháng, lại đi họp một lần để lấy ý kiến quyết định cần thay đổi gì, chọn nơi nào làm dịch vụ và thi công cho tốt hơn hiện tại.

Brussels là một thành phố đến hơn 60% là cư dân quốc tế khắp nơi về đây sinh sống, làm việc nên rất đa dạng văn hoá. Nhưng họ tổ chức rất tốt việc phổ biến kiến thức đến từng người sống ở đây bằng cách học ngôn ngữ cũng như việc giao lưu văn hoá khắp nơi đa dạng, nhiều màu sắc.

Trong lớp học của tôi đầy đủ mọi người từ khắp 5 châu, đủ màu da, giọng nói khác nhau nhưng sự hiểu biết phổ biến về đời sống ở đây thì rất cơ bản giống nhau vì chúng tôi được chia sẻ, được giáo dục và đào tạo rất nhiều về văn hoá sống, thói quen và tác phong, thực hành.

Cô giáo gốc Ý của tôi kể chuyện là dù sinh ra và lớn lên ở đây nhưng cô vẫn không khỏi ngạc nhiên về sự thân thiện của người Bỉ. Ở đâu, lúc nào họ cũng chào hỏi, tươi cười, điều này không có ở Ý đâu. Ngay cả hàng xóm cũng thế. Họ có lễ hội hàng xóm vào mỗi mùa hè để cùng nhau chia sẻ đồ cũ, bán đồ dùng và thức ăn khác nhau để ủng hộ việc thiện hay cộng đồng.

Hôm vừa rồi, hàng xóm nhà tôi sang rủ tôi đi chợ hoa ở quận. Đó là người phụ nữ sống một mình với một ban công đầy hoa và trong bếp của bà và phòng khách với nhiều loại hoa lan khác nhau từ khắp nơi. Bà đã từng du lịch ở Việt Nam. Thi thoảng bà đem hoa sang tặng tôi cùng với hạt giống. Khi nào bà đi nghỉ cùng con ở châu Phi là bà nhờ tôi chăm sóc vườn ươm của bà. Dù mới đến khu này 1 năm thôi, chúng tôi đã có rất nhiều hàng xóm không chỉ chung tầng mà ngay cả khác tầng trong toà nhà, vì gặp ai ở thang máy cũng chào hỏi và chúc ngày mới tốt lành. Mùa xuân đến với nhiều ánh sáng, bọn trẻ hay chơi cùng nhau ở dưới sân lớn. Mỗi khi có em bé nào ngã và khóc, bạn lớn nhất sẽ bế lên mang về nhà, và một đoàn trẻ con đi theo sau vô cùng đoàn kết chia sẻ. Bạn lớn nhường bạn nhỏ. Bạn nhỏ nghe lời bạn lớn nên bọn chúng chơi với nhau rất hoà bình. Mỗi khi bọn trẻ nhà tôi hỏi, mẹ ơi hôm nay có chơi dưới sân không, tôi lại nhớ về thời thơ ấu ở sân tập thể nhà tôi năm nào mà bây giờ đã bao nhiêu đổi khác.

Những ký ức ẩn hiện ấy như là sự kết nối giữa 2 nơi tưởng như rất xa nhưng lại thật gần vì ở nơi này, tôi nhìn thấy lại tất cả các kỷ niệm ấu thơ vô cùng đẹp đẽ của một thời còn nguyên những giá trị vô cùng giản dị mà gắn kết giữa con người và con người, giữa các thế hệ luôn bên nhau trưởng thành.

Chung cư hay các khu tập thể là nơi thể hiện rõ nhất nét văn hoá làng xóm, sự quần tụ của nhóm cộng đồng, là nơi mà các không gian chung như vườn hoa, công viên, hay các khu vui chơi của trẻ luôn được ưu tiên, xây dựng. Ở đó, chúng ta được nhìn thấy những người mới chuyển đến và những người ở lâu sẽ ra đi hoặc không còn ở lại nữa. Sự bình yên ở những buổi chiều những người đàn bà gặp nhau cùng với những chú chó nhỏ, bọn trẻ đi học về tung tăng và cuối tuần chúng chơi cùng nhau dưới sân nhà. Hay mỗi mùa tuyết rơi, lũ trẻ nô đùa chạy trượt chân để ngã và nằm trên tuyết trắng. Và các thế hệ lớn lên ở đó, có khi một ngày trở lại, đã không còn như xưa nữa nhưng mọi người luôn nhớ, đây là nhà của chúng ta.

Với mong muốn cổ vũ những giá trị sống nhân văn, tốt đẹp; tuyên truyền về văn hóa sống mới: sống xanh – sống đẹp; nhân rộng những điển hình phát triển bất động sản biết chăm lo, hướng tới các giá trị sống đích thực cho cư dân, lấy cư dân làm trung tâm; phát hiện tôn vinh những cộng đồng cư dân, những không gian sống kiểu mẫu, những tấm gương tập thể/cá nhân có nhiều đóng góp hình thành nên các khu đô thị đáng sống đồng thời mong muốn tạo lập một diễn đàn cho mọi tầng lớp cư dân chia sẻ suy nghĩ, cảm nhận, mong đợi về “Nơi tôi sống” của chính mỗi người… Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam (www.reatimes.vn) và Tạp chí điện tử Gia Đình Mới (www.giadinhmoi.vn) quyết định tổ chức Cuộc thi mang tên: Nơi Tôi Sống.

Gửi bài dự thi kèm thông tin: Tên, tuổi, địa chỉ, số điện thoại, email, Facebook cá nhân.

Email: noitoisong2018@gmail.com

Điện thoại: 0986 321 888; 024 6666 0899

Fanpage: https://www.facebook.com/NoiToiSongPage/

Để biết thêm chi tiết và thể lệ cuộc thi, mời bạn xem tại đây.

Lễ phát động cuộc thi

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top