Aa

VARs cảnh báo "sốt" đất ảo tại Vân Đồn

Thứ Tư, 14/02/2018 - 23:01

Bên cạnh sự phát triển mạnh mẽ của thị trường bất động sản Quảng Ninh, Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARs) cũng cảnh báo đang có một số hiện tượng đầu cơ, môi giới địa ốc không chuyên đẩy giá tạo "sốt" đất ảo với mức tăng khoảng 5 - 6 lần giá trị so với năm 2016, 2017.

Quảng Ninh được biết đến là địa danh nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng, bãi biển đẹp, sạch, cơ sở hạ tầng và chất lượng dịch vụ được cải thiện, thu hút lượng khách du lịch trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, nhu cầu ở thực và đầu tư sinh lời cao. Vì thế, hầu hết doanh nghiệp bất động sản đều tập trung chiến lược phát triển dài hạn ở mảnh đất đầy tiềm năng này.

Quảng Ninh có trên 500 di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh được xếp hạng; đặc biệt là Vịnh Hạ Long – Di sản thiên nhiên, kỳ quan thiên nhiên của thế giới, danh thắng Yên Tử - trung tâm Phật giáo của Việt Nam... Quảng Ninh còn có nhiều điều kiện để phát triển các loại hình du lịch biển đảo, sinh thái, văn hóa lịch sử, tâm linh...

Do được đầu tư mạnh vào hệ thống hạ tầng giao thông, đô thị, chủ trương phát triển và quy hoạch của Quảng Ninh khá hấp dẫn, hiệu quả nên trong khoảng 5 năm trở lại đây, Quảng Ninh thu hút được đông đảo các nhà đầu tư về với vùng đất này. Trong đó, có nhiều thương hiệu lớn về bất động sản của Việt Nam như FLC, Vingroup, Sun Group, CEO... đã triển khai đầu tư phát triển các dự án bất động sản nghỉ dưỡng, du lịch và nhà ở, làm thay đổi bộ mặt đô thị của Quảng Ninh.

Thống kê cho thấy, trong giai đoạn từ năm 2014 - 2015, tổng số dự án bất động sản đã và đang triển khai tại Quảng Ninh lên tới hơn 100 dự án, với tổng vốn đầu tư ước đạt hơn 100.000 tỷ đồng, đa dạng phân khúc, từ nghỉ dưỡng, giải trí, shophouse, đến chung cư.

Thế nhưng, trong vòng 2 năm trở lại đây, Quảng Ninh đang thay da đổi thịt bởi các dự án như: Quần thể du lịch nghỉ dưỡng 5 sao Vinpearl Hạ Long Bay Resort, Tổ hợp Trung tâm Thương mại Vincom Plaza Ha Long, Khu đô thị biển Vinhomes Dragon Bay, Tổ hợp Dự án Công viên Đại Dương Hạ Long, Khu đô thị Halong Marina, Tổ hợp Dự án Mon Bay Hạ Long, New Life Tower Ha Long, Sunrise Apartment Quảng Ninh, Green Bay Village... 

Dự án Vinhomes Dragon Bay đang là điểm sáng quan trọng trong thị trường bất động sản Quảng Ninh.  

Trong năm 2017, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) của Quảng Ninh tiếp tục trên 2 con số, ước đạt 10,2%.

Đặc biệt, theo thống kê của VARs, trong năm 2017 vừa qua, chỉ tính khu vực TP. Hạ Long, có khoảng 14 dự án bất động sản với quy mô lớn đã cung cấp ra thị trường khoảng 6.000 sản phẩm bao gồm nhà ở, shophouse và condotel.

“Nhìn chung, tính hấp thụ của thị trường Quảng Ninh cũng rất tốt, với tỉ lệ giao dịch thành công tại các dự án trên đều ở mức 70 - 80%. Đặc biệt là shophouse ở tất cả các dự án đều có lượng bán lên đến trên 85”, VARs đánh giá.

Cũng theo VARs, tại Vân Đồn, hiện cũng có trên 10 dự án bất động sản quy lớn đã đăng đầu tư, đã có nhiều nhà đầu tư chính thức triển khai đầu tư xây dựng. Trong tương lai, Vân Đồn chắc chắn sẽ là một vùng đất có nhiều tiềm năng cho các nhà đầu tư bất động sản. 

Ăn theo thông tin thành lập đặc khu, Vân Đồn bị ‘thổi’ giá đất tăng 5 – 6 lần.  (Ảnh: Zing.vn) 

Tuy nhiên, VARs cũng cảnh báo, các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư nhỏ lẻ, khi đến với Vân Đồn cần hết sức chú ý.

Bởi, Vân Đồn chưa có quy hoạch xây dựng chi tiết nên trước khi quyết định đầu tư vào đất đai Vân Đồn, phải làm việc với các cơ quan quản lý địa phương để tránh rủi ro gặp đất quy hoạch giao thông, công cộng. 

Tiếp nữa, về giá trị đất đai, do chưa có sự đầu tư lớn về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội ở khu vực này nên giá trị đất đai thực sự chưa cao, giá trị tăng lên chủ yếu nhờ vào thông tin Nhà nước đưa Vân Đồn thành đặc khu kinh tế. Với yếu tố này, đất đai chỉ có thể tăng giá trị khoảng 10 - 20% so với 2016, 2017.

"Thực tế hiện tại, đang có một số hiện tượng đầu cơ, môi giới bất động sản không chuyên thổi đẩy giá tạo giá trị ảo. Với mức tăng khoảng 5 - 6 lần giá trị so với năm 2016, 2017", VARs nhấn mạnh.

Trước đó, theo Báo cáo của UBND huyện Vân Đồn cho biết, trong 10 tháng đầu năm 2017, địa bàn có gần 1.100 trường hợp làm thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng đất, riêng trong tháng 7 có hơn 200 trường hợp, sang tháng 10 có đến 350 trường hợp. Lượng hồ sơ giao dịch nhiều nhất là tại thị trấn Cái Rồng và các xã Hạ Long, Đông Xá vì nơi đây được xác định là trung tâm hành chính kinh tế Vân Đồn.

Trước tình trạng sốt đất tại Vân Đồn, UBND tỉnh Quảng Ninh đã liên tục ban hành các chỉ đạo cấp bách để “siết chặt” quản lý đất đai trên địa bàn huyện Vân Đồn. Cụ thể, UBND tỉnh từng gửi văn bản yêu cầu UBND huyện Vân Đồn, Ban Quản lý khu kinh tế và Công an tỉnh theo dõi nắm bắt thông tin của địa phương về tình hình an ninh trật tự, thu thập xác minh thông tin về việc tổ chức cá nhân nhận chuyển nhượng đất trái quy định trên địa bàn.

Sau đó, ông Nguyễn Đức Long, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh phải đưa ra cảnh báo "sốt" ảo bất động sản Vân Đồn tại phiên bế mạc Kỳ họp thứ 7, HĐND tỉnh khóa XIII vào ngày 13/12. Còn Chủ tịch UBND tỉnh cũng khẳng định tỉnh đang tiến hành lập quy hoạch chung xây dựng khu kinh tế Vân Đồn trở thành đặc khu kinh tế, do vậy thời điểm này, việc mua bán đất khả năng sẽ trở nên lạc hậu, không phù hợp./. 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top