Aa

Vì sao chủ đầu tư đề nghị tạm dừng thi công cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận?

Thứ Ba, 21/04/2020 - 15:36

Tại văn bản mới đây gửi tới Bộ GTVT, chủ đầu tư dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đã đề xuất tạm dừng thi công để chờ Bộ GTVT, UBND tỉnh Tiền Giang và các cơ quan liên quan làm rõ các vi phạm về chất lượng dự án.

Công ty cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận vừa có văn bản gửi tới Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đề nghị làm rõ và hướng dẫn giải quyết các vi phạm tại Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận.

Trước đó, ngày 17/4, Văn phòng Chính phủ có văn bản số 3033 thông báo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, theo đó: "... Yêu cầu Bộ Giao thông vận tải cùng với UBND tỉnh Tiền Giang và các cơ quan đơn vị có liên quan giám sát chặt chẽ chất lượng thi công Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ thuận theo đúng quy định của pháp luật; bảo đảm tiến độ, hiệu quả, tuyệt đối không để xảy ra vi phạm tương tự như thời gian vừa qua...".

Thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Công ty cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận (chủ đầu tư) đã cùng với các chuyên gia tổ chức họp với các bên liên quan (nhà đầu tư, tư vấn giám sát, nhà cung cấp) để: Đánh giá lại quá trình triển khai và tổ chức thực hiện dự án; soát xét quy trình cung cấp vật liệu đưa vào thi công trong đó có 310m3 cấp phối đá dăm tập kết tại hiện trường gói thầu XL-10; xem xét ý kiến đánh giá của Bộ GTVT tại văn bản số 3281/BGTVT-CQLXD ngày 8/4/2020; thống nhất giải pháp tăng cường các biện pháp kiểm soát nguồn gốc và chất lượng vật liệu cung cấp cho dự án.

Trên cơ sở kết quả cuộc họp, Công ty cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận đã có báo cáo cụ thể và đề xuất kiến nghị tới Bộ GTVT.

Bộ Giao thông vận tải đã không có sự phối hợp với chủ đầu tư

Báo cáo cho biết, đối với 310m3 cấp phối đá dăm tập kết tại gói thầu XL-10 theo hợp đồng giữa nhà thầu với Công ty Khánh Cường (đơn vị cung cấp vật liệu) đã được chủ đầu tư, tư vấn giám sát phối hợp với bộ phận lấy mẫu thí nghiệm xác định chất lượng đảm bảo theo tiêu chuẩn kỹ thuật của dự án. Tuy nhiên, Công ty Khánh Cường chưa cung cấp và làm rõ nguồn gốc vật liệu không theo quy trình quản lý chất lượng, nên chủ đầu tư đã cương quyết loại bỏ, không cho phép đưa vào thi công nền đường.

Sau khi kiểm tra chứng từ, hóa đơn và kết quả thí nghiệm xác định thông tin phản ánh về nguồn gốc, chất lượng của 310m3 cấp phối đá dăm tại gói thầu này là không chính xác, mà nguyên nhân đưa ra thông tin này là do các nhà cung cấp cạnh tranh với nhau, muốn độc quyền trong việc cung cấp vật liệu.

Theo quy định chỉ dẫn kỹ thuật dự án đã được Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông (QLXD& CL CTGT) thẩm định có thể sử dụng cấp phối đá dăm để gia tải. Như vậy, việc nhà thầu sử dụng vật liệu cấp phối đá dăm để gia tải không trái với quy định và không ảnh hưởng đến chất lượng công trình, nhưng việc có hay không sử dụng lại khối lượng cấp phối đá dăm sau khi gia tải làm vật liệu lớp móng nhất thiết phải được thí nghiệm kiểm tra theo chỉ dẫn kỹ thuật mới quyết định việc đưa vật liệu vào thi công cho dự án.

Đối với gói thầu XL-10, công tác thi công đắp nền đường bằng cấp phối đá dăm chỉ được triển khai sớm nhất vào tháng 11/2020, giai đoạn hiện nay vật liệu được tập kết vào công trình chỉ để phục vụ gia tải nền đất yếu. Vì vậy, đơn vị này cho rằng, việc Bộ GTVT đã có đánh giá "... việc sử dụng cấp phối đá dăm làm vật liệu gia tải chưa thực hiện đúng quy định, gây dư luận không tốt đối với dự án" là chưa đúng.

Được biết, chủ đầu tư đã báo cáo Bộ trưởng Bộ GTVT và đề nghị phối hợp với Cục QLXD& CL CTGT để kiểm tra nhằm thông tin kịp thời, khách quan trước khi báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Nhưng theo văn bản số 3821/BGTVT-CQLXD ngày 8/4/2020 của Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng Chính phủ, đã không có sự phối hợp với chủ đầu tư, nên việc báo cáo không đúng với thực tế trong quá trình quản lý chất lượng thi công dự án, mà các vướng mắc xảy ra vừa qua đã xử lý tại hiện trường là việc làm thường xuyên của chủ đầu tư, ban Quản lý dự án, tư vấn giám sát và nhà thầu, dẫn đến việc các đơn vị cho rằng dự án đã vi phạm chất lượng là không có cơ sở. Do đó, nếu không làm rõ các vi phạm trước đây sẽ dẫn đến các bên tham gia dự án không thể tiếp tục thi công các bước tiếp theo.

Mặt khác, các phương tiện truyền thông đã đưa tin về việc vi phạm của Tập đoàn Đèo Cả tại Dự án (thực tế không vi phạm) đã làm ảnh hưởng rất lớn đến uy tín và quyết tâm thực hiện dự án của nhà đầu tư. Các thành viên hội đồng cố vấn, hội đồng quản trị xét thấy cần làm rõ quá trình và nội dung sự thật của báo cáo về dự án của cơ quan chức năng là Bộ GTVT, tỉnh Tiền Giang trong thời gian qua đã nhiều lần có báo cáo cho Chính phủ nhưng chưa phối hợp với chủ đầu tư, dẫn đến thông tin báo cáo sai lệch so với thực tế triển khai, gây ảnh hưởng đến tiến độ dự án.

Tạm dừng thi công để làm rõ các vi phạm về chất lượng dự án

Để tiếp tục triển khai Dự án đảm bảo chất lượng, an toàn, tiến độ thông tuyến trong năm 2020 và hoàn thành dự án trong 2021, Công ty cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận nhận thấy, cách báo cáo không rõ ràng, đưa ra các nhận định áp đặt (như chưa có số liệu thí nghiệm chứng minh,...) cũng như việc cơ quan chuyên môn của Bộ GTVT chưa phối hợp với chủ đầu tư để xác minh cụ thể, đã dẫn đến việc thông tin sai lệch, gây tâm lý bất ổn cho các tổ chức/cá nhân đang nỗ lực thực hiện dự án. Do đó, chủ đầu tư đề xuất tạm dừng thi công để chờ Bộ GTVT, UBND tỉnh Tiền Giang và các cơ quan liên quan làm rõ các vi phạm về chất lượng dự án.

Bên cạnh đó, chủ đầu tư cũng đề xuất Bộ GTVT chỉ đạo Cục QLXD&CL CTGT là đầu mối phối hợp với chủ đầu tư làm việc với cơ quan nhà nước có thẩm quyền, Hội đồng nghiệm thu nhà nước, Bộ Công an về các vi phạm tại Dự án (nếu có) để kịp thời phòng ngừa các sai phạm, tránh tình trạng để xảy ra sự cố chất lượng dự án sau khi hoàn thành có nhiều sai phạm như Dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi. Trong trường hợp vì lý do không rõ ràng, báo cáo không trung thực cản trở tiến độ dự án, các bên liên quan chịu trách nhiệm trước Chính phủ, người dân.

Ngoài ra, Công ty cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận cũng đề xuất Bộ GTVT có ý kiến với UBND tỉnh Tiền Giang giải ngân 410 tỷ đồng phần vốn NSNN còn lại của dự án theo Thông báo kết luận số 93/TB-CPCP ngày 13/3/2020 của VPCP, bởi, sau gần 5 tháng, từ thời điểm Thủ tướng Chính phủ có Quyết định giao vốn cho dự án đến nay, vẫn còn 410 tỷ đồng vốn NSNN chưa xác định được thời điểm sẽ giải ngân.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top