Aa

Vì sao đầu tư cổ phiếu khu công nghiệp còn nhiều cơ hội?

Thứ Năm, 26/09/2019 - 06:00

Không phải ngẫu nhiên mà các nhà đầu tư vẫn tiếp tục bỏ tiền vào nhóm cổ phiếu khu công nghiệp, bởi nhiều nhận định cho rằng, sóng của dòng cổ phiếu này sẽ vẫn còn tiếp tục lên và mang lại lợi nhuận tốt.

Tốc độ tăng phi mã của cổ phiếu KCN

Giới đầu tư nhận định, kể từ cuối năm 2018 đến hiện tại là thời điểm cổ phiếu khu công nghiệp bắt đầu tạo sóng. Nhiều báo cáo của các công ty nghiên cứu chứng khoán đều đưa ra những đánh giá về tiềm năng của nhóm cổ phiếu này.

Các báo cáo đều chỉ ra rằng, trước hết, tiềm năng của cổ phiếu khu công nghiệp đến từ bệ đỡ tình hình kinh tế - chính trị. Cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung là yếu tố tác động mạnh tới nhóm cổ phiếu này. Theo đánh giá, khi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung xảy ra, làn sóng dịch chuyển các cơ sở nhà máy từ phía Trung Quốc sẽ tràn vào Việt Nam. Điều này sẽ tạo ra sức hút với bất động sản khu công nghiệp khi tỷ lệ lấp đầy gia tăng kèm theo sự mở rộng về quy mô quỹ đất khu công nghiệp.

Nguồn vốn FDI đang đổ vào Việt Nam cũng được đánh giá là bệ đỡ không thể thiếu trong động thái góp nâng giá cổ phiếu khu công nghiệp. Mặc dù trong nửa đầu năm 2019, vốn FDI đăng ký chỉ đạt 18,5 tỷ USD, giảm 9,2% so với cùng kỳ năm trước nhưng nguồn vốn FDI chủ yếu đến từ Hồng Kông (5,3 tỷ), Hàn Quốc (2,75 tỷ), Trung Quốc (2,29 tỷ) và Nhật Bản (1,95 tỷ) vẫn tăng mạnh.

Ngoài ra, việc Việt Nam ký kết hợp tác FTA là bước đệm đầy hấp dẫn trong việc đẩy lực cho nhóm cổ phiếu khu công nghiệp.

(Ảnh minh họa)

Với bệ đỡ lớn từ bức tranh vỹ mô tươi sáng, kể từ đầu năm 2019 trở lại đây, giá cổ phiếu của bất động sản khu công nghiệp lọt vào danh sách nhóm cổ phiếu có mức tăng đáng ngưỡng mộ, điển hình như các mã D2D, KBC, VGC, NTC, SNZ, TIP, BAX…

Tính đến thời điểm hiện tại, cổ phiếu D2D của Công ty CP Phát triển đô thị công nghiệp số 2 tăng 2,2 lần so với thời điểm đầu năm, từ vùng giá 34.000 đồng/cổ phiếu lên 74.500 đồng/cổ phiếu.

Một trong những cổ phiếu gây ồn ào trong nhóm ngành khu công nghiệp và trở thành cái tên được nhắc đến nhiều, đó là SIP. Lên sàn từ 6/6/2019 với giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên 17.200 đồng/cổ phiếu, chỉ sau 3 tháng, giá cổ phiếu SIP đã kịp tăng gấp 6,8 lần ngày chào sàn, đóng cửa phiên giao dịch ngày 5/9 ở mức 117.000 đồng/cổ phiếu. Có thời điểm, cổ phiếu SIP đã tạo đỉnh ở mức 140.000 đồng/ cổ phiếu, tức cao hơn gấp 8 lần giá chào sàn.

Một cổ phiếu khác của ngành khu công nghiệp cũng được xếp vào nhóm cổ phiếu tăng phi mã là BAX của Công ty CP Thống Nhất. BAX đã tăng hơn gấp đôi kể từ đầu năm 2019 đến nay.

Ngoài ra, có thể kể tới cổ phiếu TIP của KCN Tín Nghĩa khi mức giá cũng tăng hơn gấp đôi, từ 13.900 đồng/cổ phiếu lên xấp xỉ 30.000 đồng/cổ phiếu.

Cổ phiếu SNZ của khu công nghiệp Sonadezi cũng tăng 2,4 lần so với đầu năm. Hiện giao dịch ở mức 28.000 đồng/cổ phiếu.

Một số các cổ phiếu khu công nghiệp khác như KBC, VGC… có mức tăng trưởng ổn định hơn so với các cổ phiếu khác với mức từ 20 - 30%.

Vẫn còn giàu tiềm năng

Nhiều lo ngại cho rằng, sau đà tăng nóng, cổ phiếu khu công nghiệp sẽ có xu hướng chững lại. Song ở góc nhìn khác, một số nghiên cứu đưa ra nhận định, mức tăng trưởng của các công ty khu công nghiệp sẽ còn gia tăng mạnh, khi tại Việt Nam, lĩnh vực này vẫn non trẻ. Điều này đồng nghĩa với việc cổ phiếu khu công nghiệp vẫn rất giàu tiềm năng gia tăng.

Theo SSI Research, hiệu quả hoạt động của các khu công nghiệp niêm yết sẽ tập trung vào 3 yếu tố: diện tích khai thác, giá cho thuê và tỷ lệ lấp đầy.

Căn cứ vào các tiêu chí này, các khu công nghiệp ở Việt Nam đang sở hữu nhiều lợi thế trong hoạt động kinh doanh.

Cụ thể, báo cáo của Công ty Chứng khoán ACB (ACBS) cho biết, tính đến tháng 6/2019, Việt Nam có 326 khu công nghiệp, với tổng diện tích 95.500ha, diện tích đất công nghiệp chiếm 69%, tương đương 65.500ha. Trong đó, 251 khu công nghiệp với tổng diện tích 66.200ha có tỷ lệ lấp đầy trung bình 74% và 75 khu công nghiệp với tổng diện tích 29.300ha đang trong giai đoạn giải phóng mặt bằng hoặc xây dựng cơ bản.

Bên cạnh đó, nguồn cung cho thuê bất động sản khu công nghiệp trong tương lai được dự báo sẽ dồi đào hơn khi nhiều doanh nghiệp công bố kế hoạch mở rộng quỹ đất, điển hình như PHR tuyên bố mở rộng KCN Tân An, NTC mở rộng Khu công nghiệp Nam Tân Uyên; CTI đeo đuổi dự án Cụm công nghiệp Tân An, Khu công nghiệp Phước Bình 2, 3…

Ở thời điểm hiện tại, bất động sản công nghiệp vẫn còn khiêm tốn về quỹ đất trước nhu cầu thuê cao từ các công ty nước ngoài. Điều này dẫn tới tỷ lệ cho thuê đang gia tăng cũng như tỷ lệ lấp đầy tiếp tục leo thang.

Theo JLL, cụ thể đối với khu vực phía Bắc, giá cho thuê quý I/2019 đạt 93 USD/m2/chu kỳ thuê (+7,6% YoY). Tại khu vực phía Nam, giá thuê lên đến 95 USD/m2/chu kỳ thuê (+15,8% YoY, trong đó khu vực TP.HCM có mức giá cho thuê cao nhất cả nước ở mức 162 USD/m2/chu kỳ do nhu cầu tăng mạnh trong khi nguồn cung hạn hẹp.

Tỷ lệ lấp đầy của các khu công nghiệp dao động ở mức cao. Theo thống kê, khu vực Bắc Bộ, tỷ lệ lấp đầy Qúy I/2019 đạt 72%, tập trung tại Hà Nội, Bắc Ninh và Hưng Yên. Khu vực Đông Nam Bộ, tỷ lệ lấp đầy Qúy II/2019 đạt 81%, chủ yếu tại TP.HCM, Bình Dương và Đồng Nai.

Một trong những yếu tố khác khiến các nhà đầu tư đang kỳ vọng vào sự gia tăng của cổ phiếu đó chính là báo cáo kết quả kinh doanh của nhiều doanh nghiệp khu công nghiệp đều ở mức tăng trưởng tốt. Báo cáo của Rồng Việt cho thấy, doanh thu và lợi nhuận sau thuế các doanh nghiệp KCN tăng trung bình lần lượt 20% và 39%. 

Reatimes sẽ tiếp tục thông tin./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top