Aa

Vì sao khối ngoại bán ròng?

Thứ Ba, 22/05/2018 - 06:01

Trong bối cảnh kinh tế Việt Nam tăng trưởng tốt, nhiều doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán có kết quả kinh doanh rất khả quan, là cơ sở để “giữ chân” nhà đầu tư khối ngoại. Tuy nhiên, diễn biến trên thị trường thì đang hoàn toàn ngược lại, trong những phiên giao dịch gần đây, khối ngoại lại liên tục bán ròng, đặc biệt ở các cổ phiếu Bluechips, khiến giới đầu tư lo ngại.

Theo dữ liệu của Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM, chỉ trong 5 phiên giao dịch đầu tháng 5/2018 khối ngoại đã bán ròng 2.327 tỷ đồng trên sàn HOSE. Nếu tính cả dữ liệu của UpCom và HNX, giá trị bán ròng còn lớn hơn. Nếu chỉ tính riêng giao dịch khớp lệnh (giao dịch thỏa thuận không tác động nhiều đến chỉ số cũng như biến động thị trường), con số bán ròng của khối ngoại trên HOSE lên đến gần 3.000 tỷ đồng.

f

 Tình trạng bán ròng của khối ngoại ở góc nhìn khác lại báo hiệu một chỉ báo đáng e ngại cho VN-Index

Trước đó trong tháng 4, họ đã bán ròng theo giao dịch khớp lệnh hơn 3.000 tỷ đồng. Còn tính từ tháng 2/2018, khối ngoại bán ròng 8.400 tỷ đồng, cao hơn hẳn giá trị mua ròng trong tháng 1 - 2/2018 cộng lại là 5.300 tỷ đồng. Có nhiều nguyên nhân được chỉ ra cho hoạt động bán ròng của khối ngoại, tuy nhiên theo các chuyên gia có 4 lí do:

Chốt lời, cơ cấu lại danh mục

Trong một tháng qua, chứng khoán Việt Nam là thị trường có đà giảm mạnh, khi ghi nhận mức giảm 10,85%. Đà giảm của thị trường được cho là do làn sóng bán tháo, chốt lời mạnh tại nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, nhóm ngân hàng, chứng khoán và bất động sản…

Bên cạnh đó, các quỹ đầu tư nước ngoài cũng liên tục bán ròng khiến thị trường càng lao dốc, ảnh hưởng đến tâm lý của nhà đầu tư. Đây có thể coi là một nguyên nhân khiến cổ phiếu vốn hóa lớn nhất thị trường giảm điểm, tạo áp lực lên thị trường chung.

Theo ông Huỳnh Anh Tuấn - Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán SJC, các quỹ đầu tư vào một cổ phiếu khi đạt được mức lãi kỳ vọng thì họ sẽ bán ra, hoặc khi kết thúc chu kỳ đầu tư, quỹ buộc phải thanh lý cổ phiếu.

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến trái chiều cho rằng động thái bán ròng của khối ngoại trong thời gian qua là do bị tác động bởi các biến động ngắn hạn, ảnh hưởng từ thị trường thế giới như chiến tranh thương mại Mỹ – Trung.

FED tăng lãi suất

Thông tin Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) sẽ tăng lãi suất nhanh hơn so với dự kiến và có thể FED sẽ nâng lãi suất vào tháng 6. Điều này ít nhiều tác động đến dòng vốn của khối ngoại với thị trường chứng khoán.

Ông Trương Hiền Phương - Giám đốc Chi nhánh TP.HCM, Công ty Chứng khoán KIS Việt Nam, nhận định: Nếu FED tăng lãi suất sẽ ảnh hưởng tới các thị trường trên thế giới, nhất là thị trường cận biên hoặc mới nổi - được đánh giá là thị trường có rủi ro cao hơn. Trong khi đó, lãi suất trái phiếu kho bạc Mỹ đang tăng nên xuất hiện hiện tượng rút vốn từ các thị trường cận biên, mới nổi về Mỹ.

Với khả năng FED sẽ tiếp tục tăng lãi suất cho vay trong thời gian còn lại của năm 2018, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn sẽ biến động trong những tháng tới.

Không riêng gì Việt Nam, tại Đông Nam Á các quốc gia như Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Phillpines cũng đang chịu xu hướng rút tiền ồ ạt.

Trong trường hợp lãi suất tăng thì dòng vốn ngoại có thể bị ảnh hưởng, nhưng sẽ không quá lớn, bởi vì tính hấp dẫn của thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn còn một chuỗi dài phía trước. Bên cạnh đó, Chính phủ cam kết thoái vốn và cổ phần hóa nhiều doanh nghiệp lớn nên tiềm năng thu hút vốn ngoại mới, quỹ đầu tư nước ngoài mới vẫn còn.

Chuẩn bị “vốn” cho các thương vụ IPO

Khối ngoại thường có hai nhóm là đầu tư dài hạn và đầu cơ. Nhóm đầu cơ là các quỹ ETFs, nhóm này thường bị ảnh hưởng bởi các biến động quốc tế còn nhóm đầu tư dài hạn thường tập trung vào các thương vụ lớn. Với diễn biến lần này cũng có thể khối ngoại bán ròng để chuẩn bị tiền đón đầu các thương vụ IPO, chào bán cổ phần lớn - chuyên viên tư vấn đầu tư VND phân tích.

"Những vụ chào bán tiềm năng này cũng có thể là lý do đằng sau đợt bán tháo hiện nay, khi nhà đầu tư khối ngoại bán cổ phần hiện tại để dành vốn cho các cổ phiếu sắp tới" - ông Joshua Crabb, người đứng đầu mảng vốn cổ phần châu Á tại Old Mutual Global Investors nhận định.

Còn theo ông Nguyễn Nhật Cường - Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu (Công ty Chứng khoán VietinBank) cho rằng, các đợt IPO lớn đầu năm nay đã thu hút một lượng lớn tiền của các quỹ đầu tư như BSR, PVOil, PV Power…

Thương vụ tỷ đô VHM

Vừa qua, với đợt bán vốn tại hai doanh nghiệp lớn là Vinhomes (gần 1,3 tỷ USD) và Techcombank (gần 1 tỷ USD) các quỹ bắt buộc phải cơ cấu danh mục để dành vốn cho các cổ phiếu này. Chẳng hạn, trong phiên giao dịch ngày 18/5, khối ngoại đã mua 28.547 tỷ đồng của Vinhomes – cổ phiếu VHM, một phần nào đã giúp cân bằng lại lượng bán ròng của khối ngoại trong thời gian qua.

Đối với động thái bán ròng liên tục của khối ngoại, các chuyên gia cho rằng dòng vốn này vẫn sẽ chảy ra kể cả khi các quỹ ETFs kết thúc giao dịch. Tuy nhiên, theo góc nhìn hẹp cho thấy sức ép điều chỉnh tỷ giá có thể đã khiến khối ngoại có hành động sớm, liên tục bán ròng. Với góc nhìn rộng hơn cho thấy đó là vấn đề lớn của sự điều chuyển dòng vốn đầu tư toàn cầu, cũng như việc cơ cấu danh mục.

Tuy nhiên, tình trạng bán ròng của khối ngoại ở một góc nhìn khác lại báo hiệu một chỉ báo đáng e ngại cho VN-Index vì các cổ phiếu bị bán hầu hết nằm trong Top 10 doanh nghiệp vốn hóa lớn nhất thị trường.

Theo ông Phan Dũng Khánh - Giám đốc tư vấn đầu tư (Công ty Chứng khoán Maybank KimEng) nhận định: Thị trường chứng khoán điều chỉnh mạnh trong thời gian qua giúp giá trị của nhiều công ty trên sàn rẻ hơn, hay ít nhất trở về mức cân bằng cộng với việc kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp vẫn tốt, việc bán ròng của khối ngoại sẽ giảm bớt. Tất nhiên, trong ngắn hạn, dòng tiền của khối ngoại chưa thể quay lại mạnh mẽ.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top