Aa

Vì sao thị trường bất động sản vẫn được kỳ vọng tốt?

Chủ Nhật, 17/11/2019 - 10:45

Mặc dù năm 2019 ghi nhận sự giảm tốc về chỉ số cung và cầu cũng như lực hấp thụ sản phẩm, song, thị trường bất động sản vẫn được kỳ vọng tốt nhờ các bệ đỡ từ bức tranh kinh tế vĩ mô, nhu cầu nhà ở cao…

Tại Hội thảo "Tiềm năng & cơ hội đầu tư cổ phiếu bất động sản" diễn ra tại TP.HCM ngày 16/11, các chuyên gia đã có những nhận định tích cực về gam màu tươi sáng trên thị trường.

Theo ông Trương Hiền Phương, Giám đốc cấp cao Công ty CP Chứng khoán KIS Việt Nam, sự phát triển của thị trường bất động sản được cấu thành từ các yếu tố: nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng và ổn định, khả năng liên kết giữa các đô thị ngày càng mở rộng, doanh nghiệp bất động sản gia tăng tiềm lực, nhu cầu đất nền và bất động sản nghỉ dưỡng ngày càng được ưa chuộng.

Ông Trương Hiền Phương. (Ảnh: Thuonggiaonline)

Sự tăng trưởng bền vững của thị trường bất động sản còn đến từ khả năng hấp thụ tồn kho từ những dự án của các năm trước đó, đồng thời các dự án có sự chuẩn bị về mặt pháp lý tốt hơn.

Trên cơ sở đó, ông Phương cho rằng, thứ nhất, nền kinh tế Việt Nam đang tiếp tục phát triển, tốc độ tăng GDP cao hơn các năm trước. Thu nhập của người dân ngày càng tăng trưởng. Điều này đồng nghĩa với việc sẽ gia tăng nguồn thu của người dân vào bất động sản và là động lực cho các hoạt động của doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp sẽ tiếp tục mở rộng các địa phương, vùng lân cận để đa dạng hóa sản phẩm của mình. Những nhà đầu tư chuyên về bất động sản không còn đơn điệu mà có nhiều sự lựa chọn hơn. Đây là yếu tố của các doanh nghiệp sẽ có thu nhập từ các nhà đầu tư mua. Ông Phương còn nhận định, doanh nghiệp bất động sản sẽ gia tăng về tiềm lực tài chính của họ.

Ở góc độ khác, bà Dương Thùy Dung, Giám đốc cấp cao CBRE Việt Nam đã điểm lại chu kỳ bất động sản Việt Nam.

Bà Dương Thùy Dung. (Ảnh: Thuonggiaonline)

Cụ thể, giai đoạn 2007 - 2008, thị trường bất động sản đạt đỉnh, nền kinh tế thịnh vượng; giới đầu cơ thống lĩnh thị trường.

Giai đoạn 2009 - 2010 bắt đầu xuất hiện nhiều xu hướng khác nhau, nhất là năm 2009, bị ảnh hưởng nặng nề do nền kinh tế trong nước và thế giới bất ổn dẫn đến thị trường bất động sản suy thoái và giới đầu cơ dần dần rời bỏ thị trường.

Đến năm 2011 - 2012, thị trường bước vào thời kỳ suy yếu, nền kinh tế bị thắt chặt dẫn đến nguồn tiền mặt bị thiếu và căn hộ nhỏ được ưa chuộng vì ngân sách hạn hẹp.

Tuy nhiên, năm 2013 - 2014, thị trường được phục hồi, tình hình kinh tế vĩ mô cải thiện, lãi suất thấp, sản phẩm thay đổi phù hợp với khả năng chi trả của thị trường bình dân. Thị trường phục hồi mạnh mẽ vào năm 2015 - 2016 với khối lượng bán hàng kỷ lục, đặc biệt là các sản phẩm cao cấp. Các chủ đầu tư địa phương ngày càng củng cố và sự xuất hiện của các nhà đầu tư nước ngoài.

Thế nhưng, đến 2018 - 2019, thị trường lại trở về thế cân bằng, chủ đầu tư trong nước kinh nghiệm hơn và tiềm lực tài chính mạnh hơn, người mua tự tin hơn.

Tuy nhiên, thị trường bất động sản trong 9 tháng đầu năm 2019 đã chứng kiến sự giảm sút về nguồn cung trên thị trường Hà Nội và TP.HCM. Bà Dung cho rằng: “Tuy nhiên, nhìn tổng quan thị trường trong những năm gần đây thì nguồn cung và lượng tiêu thụ tăng trưởng ở mức ổn định. Trong đó, phân khúc căn hộ trung cấp có sự tăng trưởng tốt, giúp duy trì cân bằng cho thị trường; tỷ lệ lạm phát và lãi suất cho vay được kiểm soát và duy trì ở mức ổn định”.

Nhận định về những bệ đỡ của thị trường bất động sản trong thời gian tới, bà Dung cho rằng, bối cảnh kinh tế có sự tăng trưởng ổn định, Việt Nam có mức tăng trưởng GDP thuộc hàng nhanh nhất trong khu vực; GDP theo đầu người ước tính năm 2019 đạt 2.720 USD (tăng 7,7%); tổng FDI (9 tháng năm 2019) đạt hơn 25 tỷ USD.

“Thị trường chậm nhưng không có bong bóng; nhu cầu ở cao và các gói vay thế chấp giúp cân bằng thị trường và sẽ tiếp tục tăng trưởng ổn định trong năm 2020”.

 - Bà Dương Thùy Dung - 

Tầng lớp trung lưu sẽ tăng mạnh trong thời gian tới và sự gia tăng này sẽ tạo động lực cho nguồn cầu.

Trong khi đó, lãi suất cho vay mua nhà tại Việt Nam đã có xu hướng hạ và ổn định. Trong khi đó, giá bán và lợi nhuận cho thuê căn hộ tăng nhanh nhưng vẫn hấp dẫn so với các nước trong khu vực.

Bà Dung dự báo, nguồn cung căn hộ sẽ tăng trưởng trở lại, với nguồn cung chào bán và số căn bán được tại TP.HCM khoảng 35.000 căn và 40.000 căn tại Hà Nội; trong khi đó giá bán tiếp tục tăng nhờ lượng cung hạn chế. Riêng tại Khu Đông và Khu Nam của TP.HCM sẽ tiếp tục dẫn dắt thị trường (chiếm khoảng 61% tại Khu Đông và 23% tại Khu Nam).

“Thị trường chậm nhưng không có bong bóng; nhu cầu ở cao và các gói vay thế chấp giúp cân bằng thị trường và sẽ tiếp tục tăng trưởng ổn định trong năm 2020”, bà Dương Thùy Dung khẳng định.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top