Aa

Vị thế kinh tế tư nhân sẽ được nâng tầm

Chủ Nhật, 09/02/2020 - 10:30

Nếu thay đổi tư duy khu vực kinh tế tư nhân là động lực quan trọng thành động lực chủ yếu sẽ đưa đến thay đổi vị thế của khu vực kinh tế tư nhân.

Đây là chia sẻ của TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) về phát triển kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM)

PV: Ông đánh giá thế nào về tầm quan trọng của các nghị quyết trung ương về kinh tế tư nhân thời gian qua?

TS. Nguyễn Đình Cung: Chúng ta có thể nhìn lại suốt hơn 30 năm trước, vào năm 1988 Bộ Chính trị có ra Nghị quyết số 16 về phát triển hộ kinh doanh cá thể. Tôi cho rằng, đây là nghị quyết đầu tiên mở đầu cho khu vực kinh tế tư nhân phát triển.

Sau đó chúng ta lại đề ra chủ trương là xây dựng nền kinh tế nhiều thành phần, vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước.

Đây chính là nền tảng cho sự xuất hiện của khu vực kinh tế tư nhân với luật đầu tiên về phát triển kinh tế tư nhân ở Việt Nam, đó là Luật Công ty và Luật Doanh nghiệp tư nhân vào năm 1990.

Sau 10 năm, vào năm 1999 thì có Luật Doanh nghiệp, sau năm 1999 chúng ta có nghị quyết về phát triển kinh tế tư nhân vào năm 2002. Từ đây đưa đến sự “bùng nổ” của khu vực tư nhân trong nước, phát triển và có đóng góp rất to lớn cho đất nước.

Qua thực tiễn đó, Đảng đã thừa nhận và đánh giá cao khu vực kinh tế tư nhân. Từ nhận thức kinh tế tư nhân là bộ phận không thể thiếu chuyển thành động lực chính của phát triển kinh tế, tôi đánh giá rất cao chủ trương đổi mới của Đảng về phát triển kinh tế tư nhân, đã tạo hành lang và cơ chế cho sự phát triển kinh tế tư nhân trong hơn 30 năm qua.

PV: Xác định được tầm quan trọng của kinh tế tư nhân, tại văn kiện Đại hội X của Đảng năm 2006 đã nhận định kinh tế tư nhân có vai trò quan trọng, là một trong những động lực của nền kinh tế. Đến Đại hội XI năm 2011 đã coi kinh tế tư nhân là động lực của nền kinh tế. Và tại Đại hội XII năm 2017, Đảng xác định phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế. Theo ông, điều này có ý nghĩa như thế nào về phát triển kinh tế tư nhân của Việt Nam?

TS. Nguyễn Đình Cung: Vai trò của khu vực kinh tế tư nhân được đánh giá ngày càng cao và rõ nét đối với sự phát triển của đất nước. Và để triển khai nghị quyết hay chủ trương đó thì phải thay đổi luật lệ, thực thi pháp luật, tạo ra những thiết chế để bảo vệ lợi ích của nhà đầu tư.

Trước hết là khu vực kinh tế tư nhân, cụ thể phải tăng số lượng doanh nghiệp lên. Hiện nay Việt Nam có hơn 700.000 doanh nghiệp, thì cần nâng lên 1 triệu hoặc 2 đến 3 triệu doanh nghiệp trong thời gian tới, để mật độ doanh nghiệp bình quân trên 100 người dân cũng tương xứng như với các nước phát triển.

Bên cạnh đó, không chỉ tăng về số lượng mà phải tăng cả về chất lượng doanh nghiệp. Chất lượng doanh nghiệp trong nước đầu tiên là sức cạnh tranh của từng doanh nghiệp cũng như của từng khu vực doanh nghiệp.

Chỉ khi nâng cao năng lực cạnh tranh của khu vực này thì khi đó mới nâng cao được năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

Từ đó, không chỉ là thu hút đầu tư, tạo thêm nhiều việc làm mà GDP đóng góp cho nền kinh tế cũng phải tăng lên. Chúng ta đặt mục tiêu khu vực kinh tế tư nhân sẽ đóng góp 65% cho GDP, hiện nay khu vực này đang đóng góp hơn 40% vào GDP.

Tại các nước, thông thường khu vực kinh tế Nhà nước chỉ đóng góp khoảng từ 10 đến 15%, còn lại là khu vực kinh tế tư nhân, bao gồm tư nhân trong nước và tư nhân nước ngoài, nhưng tư nhân trong nước là chủ yếu. Tôi tin rằng, cơ cấu như vậy cũng sẽ có ở Việt Nam, chỉ như thế mới làm cho nền kinh tế phát triển lành mạnh và bền vững.

PV: Năm 2020 sẽ tiến hành Đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025 tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Sau mỗi văn kiện, nghị quyết của Đảng sẽ trở thành chủ trương đường lối cho sự phát triển của đất nước, trong đó Đảng cũng xác định lại vai trò của khu vực kinh tế tư nhân. Ông có thể chia sẻ về sự thay đổi này?

TS. Nguyễn Đình Cung: Tôi có theo dõi và trải nghiệm cùng với những thay đổi trong đường lối của Đảng, và nhận thấy chỉ cần thay đổi một từ cũng đã tạo ra một nội dung và tư duy hoàn toàn khác. Ví dụ, khu vực kinh tế tư nhân là động lực quan trọng và sắp tới sẽ nhìn nhận khu vực này là động lực chủ yếu, thì sẽ có sự thay đổi vị thế của khu vực kinh tế tư nhân.

Từ thay đổi vị thế và được thừa nhận bằng nghị quyết của Đảng, thì các luật lệ cũng sẽ thay đổi theo, như cách thức quản lý Nhà nước, thái độ làm việc của công chức… Tôi cho rằng đây chính là lực đẩy cho sự phát triển cho một Việt Nam hùng cường và sự thịnh vượng của người dân.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top