Aa

Vị thế pháp lý tạo đà để thị trường bất động sản Vân Đồn cất cánh

Thứ Sáu, 19/06/2020 - 13:40

Các chuyên gia cho rằng, quy hoạch chung xây dựng khu kinh tế Vân Đồn là điểm tựa pháp lý để khu vực này phát triển mạnh mẽ hơn trong tương lai. Đây là bản lề đảm bảo cho việc tạo ra mô hình du lịch tăng trưởng mới.

Quy hoạch là điểm tựa pháp lý để Vân Đồn phát triển 

"Ngày 17/2/2020, Chính phủ đã có quyết định số 266/QĐ-TTg phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Vân Đồn đến năm 2040.

Theo Quyết định, phạm vi nghiên cứu lập quy hoạch trên toàn bộ diện tích tự nhiên huyện Vân Đồn, Quảng Ninh với 2.171,33km2. Trong đó, diện tích tự nhiên là 581,83km2, diện tích vùng biển là 1.589,5km2.

Vân Đồn được quy hoạch thành khu kinh tế biển đa ngành, đa lĩnh vực, trung tâm công nghiệp giải trí có casino, du lịch biển - đảo cấp cao, dịch vụ tổng hợp; là cửa ngõ giao thương quốc tế, tạo ra những sản phẩm độc đáo, chất lượng cao, có thương hiệu và cạnh tranh quốc tế. Vân Đồn được xác định là đô thị biển đảo xanh, hiện đại và thông minh, bền vững và là khu vực có vị trí bền vững về an ninh quốc phòng.

Đây chính là điểm tựa pháp lý cơ bản để kinh tế khu vực này phát triển mạnh mẽ hơn trong tương lai, đặc biệt là lĩnh vực bất động sản du lịch khi Vân Đồn hội tụ đầy đủ các tiềm năng sẵn có và trong bối cảnh toàn nền kinh tế đang kích cầu phát triển du lịch hậu Covid-19.

Vân Đồn đã có những thay đổi đáng kể sau khi các nhà đầu tư lớn, tập đoàn lớn xuất hiện và đầu tư, khai thác tại khu vực này. Song song với phát triển kinh tế, hệ thống cơ sở hạ tầng cũng đã phát triển đồng bộ.

Với việc phê duyệt quy hoạch phát triển thành khu kinh tế biển đa ngành nghề, khu vực này sẽ tập trung được nguồn lực, được các nhà đầu tư chú ý đến, có được những chính sách ưu đãi nhất định.

Về mặt pháp lý, so với các khu vực khác thì việc định hướng phát triển Vân Đồn trở thành khu kinh tế biển đa ngành nghề là một thuận lợi rất lớn. Ví dụ như tại các khu công nghiệp lớn, dù không có ưu đãi, ưu tiên nhưng hoạt động kinh doanh vẫn phát triển rất mạnh mẽ, thì nếu được phát triển trong những điều kiện thuận lợi hơn như tại Vân Đồn, đương nhiên sẽ mang lại những giá trị tốt hơn.

Được phê duyệt phát triển theo định hướng trên là quá tốt so với các khu vực khác. Bên cạnh đó, Chính phủ hoàn toàn có thể đặt ra các mức ưu đãi, khuyến khích cao nhất thuộc thẩm quyền của Chính phủ và không trái luật để tạo điều kiện khai thác tiềm năng của khu vực kinh tế này".

(Luật sư Trương Thanh Đức, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam)

Khu Kinh tế Vân Đồn – Vị thế pháp lý để Vân Đồn cất cánh

"Giữa tháng 5/2020, tỉnh Quảng Ninh tổ chức công bố Nghị quyết số 102/NQ-CP ngày 14/11/2019 của Chính phủ về việc thí điểm thành lập Ban Quản lý Khu kinh tế Vân Đồn trực thuộc UBND tỉnh Quảng Ninh, Quyết định số 544/QĐ-TTg ngày 21/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Ban Quản lý Khu kinh tế Vân Đồn trực thuộc UBND tỉnh Quảng Ninh và các quyết định về công tác cán bộ của Ban Quản lý Khu kinh tế Vân Đồn.

Khu kinh tế Vân Đồn đã được Thủ tướng Chính phủ thành lập tại Quyết định số 120/2007/QĐ-TTg ngày 26/7/2007; phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Vân Đồn đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030; Điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Vân Đồn đến năm 2040 với nhiều điểm mới so với quy hoạch đã được phê duyệt năm 2009.

Chính phủ đã cập nhật các dự án gồm sân bay, đường cao tốc; quy mô dân số có sự thay đổi với giai đoạn 2030 là 140.000 - 200.000 người, giai đoạn 2040 là 300.000 - 500.000 người. Định hướng cấu trúc phát triển không gian Khu kinh tế Vân Đồn chia theo hai vùng gồm đảo Cái Bầu và quần đảo Vân Hải, định hướng thành năm vành đai phát triển gồm: (1) Vành đai nghỉ dưỡng sinh thái cao cấp; (2) Vành đai du lịch sinh thái gắn với bảo vệ di sản thiên nhiên; (3) Vành đai đô thị dịch vụ, văn hóa và vui chơi giải trí (khu vực phía đông đảo Cái Bầu); (4) Vành đai dịch vụ, thương mại công nghiệp công nghệ cao và dịch vụ hậu cần (khu vực phía Tây đảo Cái Bầu); (5) Vành đai dự trữ phát triển mở rộng phía Tây (thuộc địa giới TP. Cẩm Phả và huyện Tiên Yên). So với quy hoạch cũ, định hướng phát triển không gian mới của Vân Đồn ngoài khu vực đảo Cái Bầu thì ở khu vực quần đảo Vân Hải được nghiên cứu và tối đa các giá trị sinh thái đặc hữu, để tạo ra giá trị khác biệt cho Khu kinh tế Vân Đồn.

Khu kinh tế Vân Đồn là khu kinh tế duy nhất nằm trong khu vực hợp tác “Hai hành lang - một vành đai” kinh tế Việt - Trung, hợp tác liên vùng Vịnh Bắc Bộ mở rộng, cầu nối ASEAN – Trung Quốc, hành lang kinh tế Nam Ninh – Singapore, trong Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh".

(Nhà báo Trần Việt Dũng, Trưởng Ban Truyền thông, Hiệp hội Du lịch Việt Nam)

Quy hoạch là cú hích để thị trường bất động sản Vân Đồn phát triển 

"Năm 2017, Vân Đồn nằm trong chủ trương trở thành đặc khu kinh tế bởi tiềm năng về vị trí và du lịch.

Tuy nhiên, đến năm 2018, Quốc hội đã biểu quyết và không thông qua Luật Đặc khu. Điều này đã tạo ra không ít sự hụt hẫng cho các nhà đầu tư về Vân Đồn.

Đến tháng 2/2020, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Vân Đồn đến năm 2040 trở thành Khu kinh tế biển đa ngành, đa lĩnh vực, trung tâm công nghiệp giải trí có casino..., một nhân tố quan trọng trong mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2025 của tỉnh Quảng Ninh.

Cụ thể, Vân Đồn được quy hoạch thành khu kinh tế biển đa ngành, đa lĩnh vực, trung tâm công nghiệp giải trí có casino, du lịch biển - đảo cấp cao, dịch vụ tổng hợp; là cửa ngõ giao thương quốc tế, tạo ra những sản phẩm độc đáo, khác biệt, hiện đại chất lượng cao, có thương hiệu và cạnh tranh quốc tế. Vân Đồn được xác định là đô thị biển đảo xanh, hiện đại và thông minh và là khu vực có vị trí bền vững về an ninh quốc phòng.

Việc Vân Đồn trở thành Khu kinh tế đặc biệt trong tương lai đã trở thành một “cú hích” cho chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Ninh nói chung, huyện đảo Vân Đồn nói riêng, có điều kiện thuận lợi để thúc đẩy sự phát triển nền kinh tế trong vùng. Điều này cho thấy, Vân Đồn đã và đang được nhìn nhận, đánh giá cao về tiềm năng sẵn có.

Nhìn từ bài học phát triển vùng kinh tế tại Mỹ, quy hoạch các khu vực sẽ đi theo tiêu chí như dân sinh, sản xuất công nghiệp hoặc du lịch. Trong khi đó, Vân Đồn lại được quy hoạch với mô hình đa ngành, đa lĩnh vực. Quy hoạch này có thể hiểu xuất phát từ tiềm năng đa dạng của Vân Đồn từ du lịch, cảng biển, giao thông thuận lợi… sẽ góp phần phát huy tối đa tiềm năng sẵn có.

Hiện nay, Vân Đồn đang nắm giữ vai trò quan trọng trong quy hoạch phát triển vành đai kinh tế ven biển Vịnh Bắc Bộ, tam giác phát triển Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh và trong chuỗi đô thị quan trọng của vùng đồng bằng sông Hồng. Hệ thống giao thông của Vân Đồn đã và đang được hoàn thiện với các kết nối liên tỉnh và quốc tế đồng bộ như cao tốc Hà Nội - Hải Phòng - Hạ Long - Vân Đồn - Móng Cái, đường hàng không quốc tế (Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn), đường biển (Cảng biển tổng hợp Hòn Nét – Con Ong có độ sâu 21m, khả năng tiếp nhận tàu có trọng tải 150.000 DTW)...

Vân Đồn còn thuộc quần thể Di sản - Kỳ quan thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long - Vịnh Bái Tử Long có điều kiện tự nhiên và hệ sinh thái phong phú, đa dạng, có tài nguyên du lịch đặc sắc và nhiều cảnh quan đẹp.

Đây cũng là quần đảo lớn nhất khu vực miền Bắc, diện tích 2.171,33km2 (đất liền 581,83km2 và mặt biển 1.589,5km2). Địa hình Vân Đồn hết sức đa dạng, có rừng, biển, đảo đá, đảo đất (tập hợp hơn 600 hòn đảo lớn nhỏ).

Đặc biệt, điểm cộng rất lớn cho Vân Đồn đó là huyện đảo này còn nguyên vẹn, chưa bị tác động nhiều bởi yếu tố con người. Thế nên, cơ hội để xây dựng huyện đảo trở thành hình mẫu về Khu kinh tế đặc biệt trong tương lai là điều hoàn toàn có khả năng xảy ra". 

(TS. Nguyễn Trí Hiếu, Chuyên gia kinh tế)


Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top