Aa

[VIDEO] Doanh nhân Việt Nam đồng hành cùng dân tộc

Thứ Bảy, 12/10/2019 - 10:45

Tọa đàm doanh nhân Việt Nam đồng hành cùng dân tộc đã được tổ chức với sự tham dự của các chuyên gia, nhà quản lý kinh tế, nhà văn và lãnh đạo các doanh nghiệp lớn.

Nhân dịp kỷ niệm 15 năm Ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10, Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam (Reatimes) tổ chức Tọa đàm và Giới thiệu dự án Truyền thông: Doanh nhân Việt Nam đồng hành cùng dân tộc, với sự tham dự của các chuyên gia – nhà quản lý, nhà kinh tế, nhà văn và lãnh đạo các doanh nghiệp lớn.

Phát biểu tại Tọa đàm, ông Nguyễn Trần Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam khẳng định, đội ngũ doanh nhân trong xã hội Việt Nam là lực lượng xung kích trong phát triển kinh tế xã hội đất nước. Doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam hiện đã hình thành những tên tuổi mang tầm vóc quốc gia, quốc tế, phát triển lĩnh vực công nghệ cao, cạnh tranh lớn:

"Ít có quốc gia nào mà giới doanh nhân hình thành và phát triển đi lên trong bối cảnh rất trầy trật, khó khăn, trong rừng pháp luật như chúng ta, thậm chí thời kỳ đầu họ bị coi là con buôn. Nhưng giới doanh nhân Việt Nam cũng đã từng bước vượt qua khó khăn để phát triển. Thực tế trong các kỳ khủng hoảng 1997- 1998 đến giai đoạn 2008 - 2010, khủng hoảng lớn, khó khăn nhiều nhưng đổ bể không nhiều, trừ một số lĩnh vực, còn lại doanh nhân đều tự động điều chỉnh, vượt khó.

Điều này khẳng định vai trò vị trí của đội ngũ doanh nhân trong xã hội Việt Nam. Là lực lượng xung kích trong phát triển kinh tế xã hội đất nước. Doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam hiện đã hình thành những tên tuổi mang tầm vóc quốc gia, quốc tế, phát triển lĩnh vực công nghệ cao, cạnh tranh lớn".

Cùng chung quan điểm, TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI nhấn mạnh, lực lượng doanh nhân Việt Nam đã và đang đồng hành cùng Chính phủ hoàn thành mục tiêu thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình, đưa đất nước trở nên hùng cường.

Nhiều ý kiến của các đại biểu tham gia tọa đàm cũng đặt ra câu hỏi làm thế nào để doanh nhân trở thành động lực của nền kinh tế, sự cần thiết của việc xây dựng môi trường pháp lý minh bạch, công bằng trong việc tiếp cận các nguồn lực đất đai, vốn, thị trường…

"Trong lịch sử chưa có một thành phần nào phát triển khó khăn như doanh nhân, doanh nhân luôn bị kỳ thị, bị gọi là con buôn. Các chính sách chưa tạo ra không gian tự do cho doanh nhân kinh doanh, vẫn tạo nên một khuôn khổ cứng nhắc.

Tôi cho rằng chúng ta cần đề xuất để đưa ra những chính sách cởi mở hơn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, doanh nhân phát triển.

Bên cạnh đó là phải xóa bỏ bằng được tâm lý kỳ thị người giàu của dân mình. “Phi thương bất phú”, giúp nhau phát tài nhưng dường như dư luận xã hội chúng ta lại ghét người có tiền, khi người ta hơn mình rất ghét nhưng rồi khi người ta thua mình thì lại cười chê", lời nhà văn Tạ Duy Anh.

Những vấn đề cấp thiết trong câu chuyện đưa doanh nhân trở thành động lực của nền kinh tế sẽ tiếp tục được nghiên cứu và bàn luận trong Dự án Truyền thông: Doanh nhân đồng hành cùng Dân tộc diễn ra từ ngày 10/10/2019 – 15/10/2020.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top