Aa

Việt Nam không nên "mất bò mới lo làm chuồng"

Thứ Hai, 06/02/2017 - 07:01

Trên đà phát triển kinh tế, thúc đẩy đô thị hóa và mở rộng các trung tâm lớn, những nhà quy hoạch của nhiều thành phố trên thế giới đang ngày càng để tâm hơn đến mối quan hệ giữa quy hoạch đô thị và sự bảo tồn hệ sinh thái, bảo vệ môi trường. Điều này có nghĩa là không phải khi xây dựng xong cầu đường, nhà cửa và các công trình công cộng, chúng ta mới nghĩ đến việc phải làm “xanh” mà nó phải “xanh” từ ngay trên bản vẽ quy hoạch của đô thị.

Thực tế, vấn đề quy hoạch đô thị trong mối quan hệ với bảo tồn hệ sinh thái, bảo vệ môi trường và đời sống dân cư hoàn toàn không phải là vấn đề của riêng một quốc gia, khu vực mà đó là vấn đề chung, mang tính toàn cầu. Do đó, những kinh nghiệm của các quốc gia đi trước sẽ là điều mà chúng ta cần nghiên cứu và học hỏi ngay từ bây giờ để bắt kịp thời thế.

Bài học từ Hoa Kỳ

Ở các quốc gia thuộc châu lục Mỹ - Âu, ngay từ những năm 70 của thế kỷ XX, yêu cầu bảo vệ môi trường đã được coi là điều kiện cần và đủ để quá trình quy hoạch đô thị được diễn ra suôn sẻ. Thậm chí, tại Hoa Kỳ, quy hoạch thành phố để không gây ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường còn được đưa vào luật như một nhiệm vụ bắt buộc đối với mỗi nhà quy hoạch của từng tiểu bang.

Có thể nói, Hoa Kỳ là quốc gia khá thành công trong việc kết hợp song song hai bài toán quy hoạch đô thị và bảo vệ hệ sinh thái. Để có được kết quả như vậy, có lẽ phải kể đến công đầu thuộc về ảnh hưởng của Luật “Hành động vì không khí trong lành” được đưa vào Hiến pháp Hoa Kỳ năm 1970.

Theo đó, sau khi bộ luật được đưa vào thực tiễn, Bộ Giao thông Hoa Kỳ (đồng thời cũng nắm giữ trách nhiệm quy hoạch đô thị) quy định: Mỗi khu vực có dân số trên 50.000 người phải có một cơ quan quy hoạch vùng riêng, gọi tắt là MPO. MPO có nhiệm vụ kế hoạch việc quy hoạch dài hạn (tầm nhìn 20 năm) và quy hoạch ngắn hạn (tầm nhìn dưới 3 năm). Nếu khu vực có dân số dưới mức tiêu chuẩn để thành lập MPO thì tiểu bang sẽ đảm nhiệm vai trò này.

Việc quy hoạch của mỗi MPO sẽ phải tuân theo tiêu chí tương thích với mô hình quy hoạch chung của cả tiểu bang về các mục tiêu liên quan đến bảo vệ môi trường, nhất là chất lượng không khí.

Tuy mật độ giao thông không ngừng tăng nhưng nhờ việc đặt song song bài toán quy hoạch đô thì và bài toán bảo vệ môi trường mà Hoa Kỳ không gặp phải tình trạng ô nhiễm nặng nề

Tuy mật độ giao thông không ngừng tăng nhưng nhờ việc đặt song song bài toán quy hoạch đô thì và bài toán bảo vệ môi trường mà Hoa Kỳ không gặp phải tình trạng ô nhiễm nặng nề

Trong chiến lược quy hoạch bảo vệ môi trường đó, Hoa Kỳ chú tâm vào vấn đề quy hoạch sử dụng đất và mô hình đô thị hơn là quy hoạch giao thông, vì về cơ bản, quy hoạch giao thông bị tác động bởi 2 yếu tố trước đó. Chẳng hạn, với mô hình đô thị mật độ thấp, mô hình tách biệt sử dụng đất, mô hình bất cân bằng lượng việc làm và dân số... là nguyên nhân làm tăng nhu cầu sử dụng phương tiện giao thông, tăng mật độ giao thông, gây ách tắc và tăng lượng khói thải gây ô nhiễm. Như vậy, có nghĩa rằng, Hoa Kỳ đã chọn cách “diệt cỏ tận gốc”.

Các nhà khoa học nước này nhận thấy rằng, muốn quy hoạch đô thị bảo vệ môi trường thì phải quan tâm đến 5 yếu tố: mật độ dân số, sử dụng đất đa mục đích, thiết kế, dịch vụ - việc làm và khoảng cách từ khu dân cư đến trạm/bến đỗ của phương tiện giao thông công cộng. Nếu xử lý các yếu tố trên một cách khéo léo sẽ khiến lượng (mật độ) giao thông cơ giới giảm, từ đó khiến khí thải gây ô nhiễm cũng được hạn chế.

Thực tế, tại Portland, bang Oregon, việc áp dụng mô hình quy hoạch sử dụng đất đa mục đích với các thông số hợp lý, tổng quãng đường đi lại trong một năm của các phương tiện trong vùng giảm xuống 8% (các phương tiện cơ giới di chuyển ít hơn), khí độc Nox giảm 6% và CO2 giảm 3%. Trong khi đó, Sacramento, California đang theo đuổi “ước mơ trong tầm tay” của mình khi giảm từ 4 – 7% lượng khí thải từ phương tiện cơ giới vào năm 2020.

Xét về tổng thể, nhờ quy hoạch đô thị bảo vệ môi trường cùng một số yếu tố phụ trợ, Hoa Kỳ đã giảm tới 90% lượng khí thải từ phương tiện giao thông so với năm 1970, mặc dù lượng xe cộ tại nước này không ngừng tăng cao.

Châu Á đã khởi động

Ngày 18/1 vừa qua, tại Hội thảo về Hệ sinh thái đô thị vùng Nam Á, được tổ chức trong khuôn viên Đại học Jinnah Auditorium, Pakistan, mối quan hệ giữa quy hoạch đô thị và bảo vệ môi trường lần đầu tiên trở thành chủ đề chính được các nhà nghiên cứu thảo luận.

Nhìn lại năm 2016, theo danh sách những thành phố ô nhiễm không khí trầm trọng nhất thế giới (năm 2016) do Tổ chức Y tế Thế giới WHO công bố, hơn một nửa các thành phố nằm trong danh sách đều thuộc về các quốc gia vùng Nam Á. Mà theo các chuyên gia tại hội thảo, nguyên nhân chính của điều này là do việc bảo vệ môi trường không được đặt cạnh quy hoạch đô thị. Do đó, quy hoạch đô thị xanh được đặt ra làm mục tiêu hướng tới của các quốc gia Nam Á.

Khói bụi bao phủ 23 thành phố của Trung Quốc

Khói bụi bao phủ 23 thành phố của Trung Quốc

Còn tại Trung Quốc, cuối tháng 12/2016, Bắc Kinh sau hai lần bật cảnh báo ô nhiễm không khí ở mức báo động đỏ, vấn đề này mới được đề cập đến một cách nghiêm túc đến như vậy tại Diễn đàn trao đổi về Hệ sinh thái và Năng lượng đô thị Trung Quốc. Tại đây, những chuyên gia kiến trúc đô thị Trung Quốc của kêu gọi Bộ Xây dựng hãy quy hoạch đô thị gắn liền với bảo vệ môi trường.

Trước đó, vào giữa tháng 12/2016, một phần chín diện tích đất liền của quốc gia có nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới này bị bao trùm bởi khói và bụi với nồng độ bụi trên 1 khối thể tích không khí vượt ngưỡng cho phép gấp gần 2 lần. Tổng cộng có tới 23 thành phố của Trung Quốc cảnh báo mức báo động đỏ vì khói bụi tràn ngập trong không khí.

Việt Nam không thể chậm trễ

Đối với Việt Nam, một quốc gia đang trên đà phát triển với sự đô thị hóa nhanh chóng, việc quy hoạch đô thị theo hướng bảo vệ môi trường là một điều cần thiết. Để làm được điều đó, những kinh nghiệm từ các quốc gia đi trước và đã thành công như Hoa Kỳ hay Châu Âu là vô cùng quan trọng. Tuy nhiên, ta cũng cần phải hiểu rằng điều kiện kinh tế, địa lý và cách tư duy của nước ta và các quốc gia này là hoàn toàn khác biệt. Vì vậy, nếu muốn áp dụng thì chúng ta cần phải có cách áp dụng một cách linh hoạt, chống máy móc.

Bên cạnh đó, Việt Nam và các quốc gia Châu Á có sự tương đồng lớn về nhiều mặt, vì vậy, những gì những người anh em láng giềng này nghiên cứu, chắt lọc được chính là món quà vô giá để những nhà quy hoạch Việt Nam học hỏi.

Việt Nam không thể

Việt Nam không thể "mất bò mới lo làm chuồng" (Ảnh: Kinh tế Đô thị)

Những chuyên gia của khu vực Nam Á cho rằng: Trước khi bắt tay vào việc xây dựng các kế hoạch phát triển đô thị, những nhà cầm quyền nên đặt vấn đề về bảo vệ hệ sinh thái, môi trường và đời sống của người dân bên cạnh bài toán quy hoạch như một điều kiện không những cần mà đó còn phải là điều kiện đủ. Hãy coi việc xem xét, để tâm đến mối quan hệ giữa quy hoạch đô thị và vấn đề sinh thái, môi trường và đời sống dân cư là trách nhiệm của mỗi nhà quy hoạch thành phố.

Điều quan trọng nhất và là mục tiêu chung mà mọi đô thị trên thế giới cần nhắm tới là quy hoạch theo hướng đô thị sinh thái, đô thị xanh.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trung Quốc, ông Wang Guangtao cho rằng: “Chỉ khi việc quy hoạch đô thị gắn liền với bảo vệ môi trường sinh thái, quá đô thị hóa của một thành phố mới bền vững”. Muốn làm được điều đó, quan trọng nhất là chính quyền thành phố phải thúc đẩy được sự phát triển của đô thị theo hướng xanh hóa và đưa kiến trúc xanh vào sâu rộng bên trong quá trình quy hoạch và phát triển đô thị.

Không những từng tòa nhà của đô thị phải “xanh” mà cả cơ sở hạ tầng cũng phải sử dụng năng lượng một cách hiệu quả. Điều này có nghĩa là không phải khi xây dựng xong cầu đường, nhà cửa và các công trình công cộng, chúng ta mới nghĩ đến việc phải làm “xanh” mà nó phải “xanh” từ ngay trên bản vẽ quy hoạch của đô thị.

Tài liệu tham khảo:

  • Environment Protection Authority (EPA) (2001). EPA Guidance: Improving Air Quality through Land Use Activities. Office of Transportation and Air Quality;
  • Guo Yiming (China.org.cn) (2016). Experts call for ecological protection in urban planning.
  • Zeeshan Azmat (International The News) (2017). ‘Poor urban planning endangering ecology,environment of megacities’.
Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top