Aa

Việt Nam mong đợi gì từ WEF 2019?

Thứ Sáu, 25/01/2019 - 06:00

Bên thềm WEF 2019, theo Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Việt Nam đặt mục tiêu trở thành một nền kinh tế xuất khẩu phát triển nhanh chóng.

Trong một bài phỏng vấn hãng tin Bloomberg ngày 20/1 trước khi tham dự Diễn đàn Kinh tế thế giới WEF tại Davos, Thụy Sĩ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết, "Việt Nam đặt mục tiêu trở thành một nền kinh tế xuất khẩu phát triển nhanh chóng và cung cấp nhiều việc làm hơn, với thu nhập cao hơn cho người dân''.

Với chủ đề: “Toàn cầu hóa 4.0: Định hình cấu trúc toàn cầu trong thời đại Cách mạng công nghiệp lần thứ tư”, trọng tâm thảo luận tại Hội nghị WEF Davos 2019 nhằm đánh giá tác động, triển vọng và thảo luận việc hợp tác, đối thoại để xử lý các vấn đề địa chính trị; đánh giá, thúc đẩy cải cách các khuôn khổ thể chế toàn cầu hiện nay để thích ứng với bối cảnh mới về chính trị, kinh tế và xã hội; định hình các quy định, khuôn khổ thể chế mới nhằm thúc đẩy hợp tác toàn cầu trong các lĩnh vực…

Davos 2019 là cơ hội Việt Nam giới thiệu quá trình hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng

Davos 2019 là cơ hội Việt Nam giới thiệu quá trình hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng

Kể từ khi tham gia Diễn đàn Kinh tế Thế giới vào năm 1989, quan hệ giữa Việt Nam và WEF đã phát triển nhanh chóng trên nhiều mặt. WEF đã trở thành diễn đàn đối thoại quan trọng của Lãnh đạo Chính phủ Việt Nam với các tập đoàn hàng đầu thế giới, mang lại cho Việt Nam các cơ hội đầu tư và phát triển.

Tháng 1/2017, bên lề Hội nghị WEF Davos, Việt Nam và WEF đã ký Thỏa thuận hợp tác về “Phát triển nền kinh tế Việt Nam tự cường trước tương lai”. Hiện thỏa thuận này đang được Việt Nam triển khai một cách tích cực.

Việt Nam và WEF cũng đã phối hợp tổ chức nhiều Hội nghị của WEF ở khu vực, mới nhất việc Việt Nam đăng cai tổ chức Hội nghị Diễn đàn Kinh tế Thế giới về ASEAN (WEF ASEAN 2018) tại Hà Nội. Sự kiện này đã ghi những dấu ấn đậm nét đối với cộng đồng quốc tế.

Theo ông Justin Wood - Giám đốc WEF khu vực Châu Á Thái Bình Dương, hiện nay, WEF và Việt Nam cũng đang cùng hợp tác trên rất nhiều lĩnh vực với nhiều dự án đang được triển khai, đặc biệt trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng hay tài chính.

Bên cạnh đó, WEF và Việt Nam cũng hợp tác trong các lĩnh vực liên quan tới cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nhằm tìm kiếm các giải pháp để chuyển thể các ứng dụng công nghệ, công nghệ số và nội hàm của cuộc cách mạng hiện nay đối với Việt Nam.

Đề cập tới vấn đề hợp tác trong khuôn khổ Thỏa thuận Đối tác công tư (PPP) được WEF và Bộ Ngoại giao Việt Nam ký kết dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại WEF ở Davos hồi năm 2017, Giám đốc WEF khu vực châu Á - Thái Bình Dương cho biết hợp tác hiện nay giữa Việt Nam và WEF trong khuôn khổ PPP đã được triển khai sang năm thứ 3 và WEF sẽ tiếp tục làm việc với Việt Nam để gia hạn hoạt động hợp tác tới năm 2020.

Ông Justin Wood nhấn mạnh PPP là thỏa thuận đặt nền tảng cho tất cả những gì WEF có thể hợp tác với Việt Nam và thỏa thuận này đã được hai bên triển khai hiệu quả với nhiều dự án như đã đề cập ở trên.

Tại Diễn đàn Davos năm nay, ông Justin Wood cho biết WEF sẽ mở rộng lĩnh vực hợp tác với Việt Nam và đó sẽ là bước đà để hai bên có thể xây dựng quan hệ đối tác mạnh mẽ hơn trong tương lai.

Chính vì thế, việc Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tham dự WEF Davos 2019 sẽ quảng bá thành tựu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế của Việt Nam; truyền tải thông điệp về đường lối, chính sách, biện pháp lớn của Chính phủ Việt Nam về phát triển kinh tế - xã hội năm 2019.

Đây cũng là cơ hội Việt Nam giới thiệu quá trình hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, nhất là việc triển khai các Hiệp định Thương mại Tự do thế hệ mới mà Việt Nam ký kết và đang đàm phán, trong đó có Hiệp định CTTPP và sắp tới là Hiệp định EVFTA.

WEF là “sân chơi” của các “ông lớn”. Nhưng các doanh nghiệp Việt Nam có thể tiếp cận và học hỏi được những bài học lớn. Theo Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành, điều mà Việt Nam cần hướng tới là làm sao “không chỉ “săn” được “cá voi” mà phải tiến tới “chơi” được với “cá voi”.

Theo ông Thành, để làm được điều này, doanh nghiệp Việt Nam cần đặt tính hiệu quả, tính thực dụng cao hơn vì đây là câu chuyện kinh doanh, câu chuyện thị trường và là câu chuyện cạnh tranh. Doanh nghiệp Việt Nam cần chân thành, thẳng thắn và phải đưa ra những yêu cầu cụ thể, đi thẳng vào vấn đề.

Muốn bước ra sân chơi lớn, thu hút được sự quan tâm và đầu tư của các doanh nghiệp hàng đầu thế giới, bên cạnh việc tạo dựng uy tín, doanh nghiệp Việt cần phải thể hiện được điểm hấp dẫn, khác biệt của mình. Có như vậy, Việt Nam mới thực sự “chơi” được với “cá voi”.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top