Aa

Vietcombank và "nỗi ám ảnh” mang tên nợ xấu

Thứ Sáu, 25/05/2018 - 01:02

Đa phần các chỉ số tài chính quý đầu năm của ngân hàng Vietcombank (VCB) tương đối khả quan. Tuy nhiên, dù nỗ lực cải thiện nhưng nợ xấu của ngân hàng này vẫn là câu chuyện còn nhiều băn khoăn, trăn trở.

Trong quý I/2018, Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank - mã VCB) đã hoàn tất thoái vốn 6,7 triệu cổ phiếu OCB với giá trung bình là 25.771 đồng/cp và 7,6 triệu cổ phiếu HVN. Tổng lợi nhuận thu về khoảng 355 tỷ đồng.

Theo quy định tại Thông tư 36, ngân hàng tiếp tục giảm tỷ lệ sở hữu tại MBB và EIB xuống dưới 5%, dự kiến thực hiện trong quý 2/2018. Về việc thoái vốn này, Công ty Chứng khoán BSC giả định ngân hàng sẽ nắm giữ 4.99% tại 2 ngân hàng trên, và giá thoái vốn lần lượt là 30.000 đồng/cp và 15.000 đồng/cp. Khi đó, tổng lợi nhuận thu được từ thoái vốn là 1.447 tỷ đồng.

Kết thúc quý đầu năm, tỷ lệ cho vay của ngân hàng này tăng 6,29% theo quý. Tiền gửi tăng 3,17%, tỷ lệ cho vay / tiền gửi tiếp tục ở mức thấp so với tỷ lệ tối đa cho phép của Ngân hàng Nhà nước, đạt 79.02%. Điều này cho phép VCB tiếp tục tăng trưởng tín dụng trong thời gian tới.

Lợi nhuận sau thuế quý vừa qua của VCB đạt 3.503 tỷ đồng, tăng 58,84% theo năm nhờ thu nhập lãi thuần tăng 17,46% lên 6.197 tỷ đồng. Thu nhập dịch vụ tăng 35,6% lên 881 tỷ đồng và thu nhập từ xử lý nợ xấu ngoại bảng đạt 1.586 tỷ đồng.

Tuy nhiên, nợ xấu và nợ quá hạn tăng nhanh trong quý I/2018, tỷ lệ nợ quá hạn và nợ xấu tăng lần lượt từ 2,02% lên 2,42% và 1.14% lên 1,37% từ quý 4/2017 đến quý 1/2018. Tỷ lệ bao nợ xấu vẫn ở mức cao, đạt 121,37%, mặc dù, giảm so với cuối năm 2017 đạt 130,67%.

Nói về câu chuyện nợ xấu, tại Đại hội cổ đông vừa qua, cổ đông VCB cũng tỏ ra nghị ngại về món nợ xấu trên sổ sách vì gần như lãi của năm 2017 đều “chôn vùi” ở đó.

Cũng tại Đại hội, lãnh đạo Vietcombank trấn an cổ đông rằng năm 2017, ngân hàng đã cải thiện đáng kể chất lượng tín dụng, tỷ lệ nợ xấu giảm về 1,11%, tương ứng hơn 6.208 tỷ đồng. Tuy nhiên, nợ xấu nhóm 4 (nợ nghi ngờ) tăng đột biến gấp gần 3 lần so với năm trước, lên 3.584 tỷ đồng. Còn nợ nhóm 3 (nợ dưới chuẩn) và 5 (nợ có khả năng mất vốn) giảm mạnh gần một nửa, lần lượt còn 684 tỷ đồng và 1.940 tỷ đồng. Tính chung, quy mô nợ xấu đã giảm được 700 tỷ đồng so với năm trước và ngân hàng đã thu hồi nợ ngoại bảng được 2.180 tỷ đồng.

Việc cơ cấu lại dư nợ trên sổ sách được triển khai theo hướng chuyển nhóm nợ ít xấu hơn thì ngay lập tức Vietcombank đã có thêm nghìn tỷ đồng lợi nhuận nhờ giảm bớt trích lập dự phòng rủi ro?!

Nợ xấu cao là một trong những

Nợ xấu cao là một trong những "bằng chứng" cho thấy quy trình xét duyệt hồ sơ cho vay còn vấn đề.

Chưa hết, đến cuối năm 2017, Vietcombank ghi nhận số dư quỹ dự phòng rủi ro hơn 8.113 tỷ đồng với tỷ lệ DPRR/nợ xấu duy trì ở mức cao 130,7%. Đây chính là nguồn lợi nhuận tích tụ hàng năm mà ngân hàng phải dành để dự phòng rủi ro nợ xấu.

Ngoài ra, năm qua, Vietcombank đã xử lý toàn bộ nợ xấu bán cho VAMC sớm trước 3 năm. Số nợ thu hồi ngoại bảng trong 5 năm (2013 - 2017) đạt trên 9.700 tỷ đồng.

Thực tế, vấn đề nợ tại Vietcombank vẫn là dấu hỏi trắc ẩn đối với nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán. Nhất là hồi cuối năm ngoái, khi có Thông báo số 3216/TB-TTCP của Thanh tra Chính phủ ngày 29/12 về Kết luận thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật tại Vietcombank.

Thanh tra Chính phủ yêu cầu VCB chấn chỉnh công tác liên quan đến hoạt động cho vay, bán nợ: Chấn chỉnh công tác phê duyệt tín dụng; rà soát, xem xét việc thu hồi vốn vay trước hạn đối với những khách hàng có vi phạm trong việc không thực hiện các điều kiện cấp tín dụng, sử dụng vốn vay không đúng mục đích; rà soát, trích lập dự phòng cụ thể đối với các khoản nợ có điều chỉnh nhóm nợ; kiểm soát chặt chẽ các khoản vay, giảm dần dư nợ đối với một số khách hàng có tình hình kinh doanh không hiệu quả.

Thanh tra Chính phủ đã yêu cầu VCB bổ sung, sửa đổi các quy định nội bộ về quy trình, hồ sơ tín dụng trong quản lý đối với tài sản hình thành từ vốn vay, hướng dẫn chi tiết việc chấm điểm xếp hạng tín dụng nội bộ đối với các chỉ tiêu phi tài chính.

Phía Thanh tra Chính phủ cũng yêu cầu VCB rà soát, sửa đổi các quy định của VCB về bán nợ, cần tách bạch việc bán nợ với việc bán tài sản để thu nợ; bán nợ phải đảm bảo công khai, minh bạch, cạnh tranh, đạt hiệu quả cao nhất, đặc biệt là các khoản nợ được Công ty quản lý tài sản VAMC ủy quyền.

Liên quan tới hoạt động đầu tư tài chính và mua sắm tài sản, Thanh tra Chính phủ yêu cầu VCB phải sửa đổi, bổ sung quy định về đầu tư nhằm bảo đảm được nguyên tắc thị trường khách quan, minh bạch trong hoạt động đầu tư. Đối với các khoản đầu tư, nếu thấy không hiệu quả thì cần sớm thoái vốn trước hạn.

Thanh tra Chính phủ yêu cầu VCB ban hành quyết định thông báo cấm 2 Công ty (Công ty cổ phần công nghệ thông tin và truyền thông-Tecapro và Công ty cổ phần Thông tin Tiên Tiến tinh hoa nay là Công ty Cpauraca) không được tham gia đấu thầu đối với các dự án, dự toán mua sắm trong toàn hệ thống VCB theo đúng quy định.

Mặc dù kết luận thanh tra chưa cụ thể hóa sơ suất trong công tác phê duyệt hồ sơ cho vay của Vietcombank; tuy nhiên, vấn đề này đang được cảnh báo và chấn chỉnh.

Thực tế, đối với hoạt động cho vay của ngân hàng, việc để lỗ hổng trong công tác phê duyệt hồ sơ cho vay hay chuẩn quy trình xét duyệt hồ sơ rất quan trọng. Bài học cho Vietcombank có thể từ vụ đại án Phạm Công Danh và Ngân hàng Xây dựng. Hàng loạt ngân hàng và cán bộ lãnh đạo đã liên lũy pháp lý cũng chỉ vì lý do làm ẩu với quy trình cho vay.

Reatimes sẽ tiếp tục thông tin./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top