Aa

Vietinbank: Lúng túng trách nhiệm, lỗi hệ thống và câu chuyện đạo đức kinh doanh

Thứ Sáu, 18/08/2017 - 01:41

Bất luận trong trường hợp nào, về pháp lý, Vietinbank phải chịu trách nhiệm với khách hàng và chịu trách nhiệm về hành vi của nhân viên mình. Còn việc xin lỗi khách hàng hay không phụ thuộc vào đạo đức kinh doanh của doanh nghiệp.

Liên quan đến vụ việc sổ tiết kiệm của khách hàng bị bốc hơi gần hết tại một chi nhánh của ngân hàng Vietinbank dư luận đang quan tâm, Reatimes đã có cuộc trao đổi với hai luật sư về quyền và trách nhiệm của ngân hàng trong trường hợp này.

Luật sư Nguyễn Hồng Bách

Theo Luật sư Nguyễn Hồng Bách, về mặt nguyên tắc khi ngân hàng và khách hàng thiết lập một giao dịch tiền gửi thì quyền và nghĩa vụ của các bên đã phát sinh. Nghĩa vụ của ngân hàng là giữ tiền gửi và trả lãi cho khách hàng. Tất cả các trình tự thực hiện thì nhân viên của ngân hàng phải thực hiện theo quy định của pháp luật. Người gửi tiền được giữ một cuốn sổ tiết kiệm do chính ngân hàng nhận tiền gửi phát hành ra. Trong trường hợp này cuốn sổ sẽ là chứng cứ để chứng minh khách hàng đã gửi một khoản tiền vào ngân hàng và ngân hàng phát hành cuốn sổ đang giữ khoản tiền này. Nhiệm vụ của ngân hàng là bảo quản và sử dụng tiền gửi cộng với việc trả lãi hàng tháng cho khách hàng do các bên đã thỏa thuận.

Theo luật dân sự, pháp nhân phải chịu trách nhiệm thì trong trường hợp này khách hàng gửi tiền vào ngân hàng chứ không phải gửi tiền cho nhân viên ngân hàng. Quan hệ pháp luật phát sinh trong trường hợp này là quan hệ pháp luật giữa khách hàng và ngân hàng. Do đó bất luận trong trường hợp nào thì cuốn sổ tiết kiệm là do ngân hàng phát hành ra thì ngân hàng hoàn toàn chịu trách nhiệm và khoản tiền gửi và tính pháp lý của nó. Cuốn sổ tiết kiệm chính là chứng cớ. Nếu nhân viên của Vietinbank hay ngân hàng nào đó lấy tiền của ngân hàng thì đó là lỗi hệ thống và ngân hàng phải chịu trách nhiệm về hành vi nhân viên của mình. Ngân hàng có quyền tố cáo hoặc truy xuất đối với nhân viên của minh, nhưng đấy là việc nội bộ của ngân hàng.

Ngân hàng xin lỗi hay không xin lỗi khách hàng là hành vi ứng xử trong giao dịch và phụ thuộc vào đạo đức kinh doanh. Đó là quyền của ngân hàng khi các bên chưa khởi kiện. Tuy nhiên khi ngân hàng có lỗi gây ảnh hưởng đến nhân phẩm hoặc xét thấy hành vi của mình gây phiền phức cho khách hàng thì cũng nên xin lỗi khách hàng.

Khi một khách hàng quyết định mang tiền tiết kiệm đến gửi tại một ngân hàng hay tổ chức tín dụng, tức là họ có niềm tin với ngân hàng hay tổ chức tín dụng đó. Xét ở góc độ là là tổ chức có thẩm quyền, bản thân ngân hàng hoặc tổ chức tín dụng phải đảm bảo uy tín và giữ niềm tin đối với khách hàng. 

Luật sư Nguyễn Hồng Bách khuyên người gửi tiền nên cố gắng đến tận trụ sở hoặc các chi nhánh để gửi tiền. Ở đó tính minh bạch cao, đảm bảo rằng nếu ai đó có ý định lừa đảo cũng khó hơn. Trong trường hợp xảy ra vấn đề, khách hàng cần bình tĩnh và cách tốt nhất mời các chuyên gia luật pháp tư vấn cho mình.

Luật sư Lê Hiếu – Công ty Luật TNHH Anh Minh – Đoàn Luật sư tỉnh Phú Thọ

Ngân hàng quản lý giờ giấc và công việc của nhân viên. Khi nhân viên đi thực hiện giao dịch trong giờ hành chính thì họ làm nhiệm vụ được ngân hàng giao và được ngân hàng đồng ý. Với vụ việc xảy ra gần đây tại Phòng Giao dịch Vietinbank Thanh Ba chi nhánh Đền Hùng, Phú Thọ, ngân hàng đang cho rằng người gửi tiền thực hiện sai quy trình nhưng theo Luật sư Lê Hiếu, ngân hàng mới là bên làm sai quy trình.

Cụ thể ông Hiếu phân tích, đầu tiên, khi đến làm việc với khách hàng tại nhà, nhân viên ngân hàng đã có sẵn sổ tiết kiệm có chữ ký và con dấu của người có thẩm quyền của Ngân hàng. Nhân viên không thể tự ý đóng con dấu, người có thẩm quyền của ngân hàng đã xem xét kỹ lưỡng hồ sơ mới ký vào sổ tiết kiệm. Do đó có thể cho rằng phía ngân hàng đang làm sai nguyên tắc, sai quy trình. Còn phía người dân, họ chỉ biết gửi tiền vào ngân hàng, không phải ai cũng nắm được quy trình thủ tục nhận tiền gửi của ngân hàng như thế nào.

Khoản tiền sau khi nhận của khách hàng đã về nộp ngân hàng và ngân hàng đã phát hành sổ tiết kiệm cho người gửi tiền. Việc gửi tiền của khách hàng và việc ngân hàng nhận tiền gửi đã được hoàn thành về mặt pháp lý. Khi vụ việc bị phát hiện thì người thực hiện giao dịch rút khoản tiền trong sổ tiết kiệm của khách hàng là cán bộ, nhân viên Ngân hàng.

Có hai quan hệ pháp luật trong vụ việc này: Một là, quan hệ giao dịch dân sự giữa người gửi tiền và Ngân hàng là đơn vị nhận tiền gửi. Hai là, quan hệ giữa nhân viên Ngân hàng với Ngân hàng khi nhân viên có hành vi trái pháp luật để chiếm dụng trái phép tiền đang thuộc sở hữu của Ngân hàng. Qua đó, có thể khẳng định Ngân hàng phải chịu trách nhiệm trả tiền cho khách hàng và việc xử lý nhân viên để thu hồi khoản tiền bị thất thoát là việc nội bộ của ngân hàng.

Luật sư Hiếu cũng khuyến nghị người dân khi gửi tiền cũng nên đến trực tiếp ngân hàng để thực hiện giao dịch, không nên xử dụng phương án linh hoạt khi nhân viên Ngân hàng đến nhà huy động vốn để giảm thiểu rủi ro như trường hợp tại Vietinbank. Khi có vấn đề xảy ra thì thiệt hại đầu tiên thuộc về khách hàng khi vướng vào tranh chấp. Thứ nữa là lợi dụng lỗ hổng của quy trình, nhân viên ngân hàng có thể sẽ chiếm dụng tiền gửi của khách hàng, gây thiệt hại cho chính ngân hàng.

Trên đây là ý kiến, nhận định của các Luật sư. Việc xem xét trách nhiệm pháp lý của các bên liên quan trong vụ việc này do các cơ quan có thẩm quyền quyết định.

Sau vụ việc này, Vietinbank cần phải thực hiện trách nhiệm cũng như thực hiện đạo đức kinh doanh với khách hàng. Để hoàn thiện hệ thống, ngân hàng cũng nên rà soát lại hệ thống nhân sự và xem xét lại quy trình thủ tục trong giao dịch.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top