Aa

Viglacera: Ước lãi 422 tỷ đồng sau 6 tháng, ông Nguyễn Văn Tuấn được bầu Chủ tịch

Thứ Năm, 27/06/2019 - 00:00

Công ty sẽ tận dụng cơ hội từ sự phát triển của mảng khu công nghiệp và điện mặt trời để triển khai hoạt động kinh doanh.

Sáng 26/6, Tổng CTCP Viglacera (HoSE: VGC) họp ĐHCĐ thường niên 2019. Chia sẻ tại phiên họp, ông Nguyễn Anh Tuấn, Tổng giám đốc cho biết mảng khu công nghiệp (KCN) đang phát triển thuận lợi.

Tại Quảng Ninh, KCN Đông Mai đã giải phóng xong mặt bằng sau 10 năm đầu tư. Trong 6 tháng qua, công ty cho thuê 225ha, tương đương với doanh thu 250 tỷ đồng. Ngoài ra, nhiều khách hàng cũng đang đặt hàng, 80ha còn lại dự kiến cũng sẽ cho thuê hết. Sang 2020, khu công nghiệp này sẽ đầy.

Đối với KCN tại Thái Bình, Viglacera đang tiến hành giải phóng mặt bằng khoảng 100ha. Trong 1 - 2 tháng gần đây, nhu cầu tăng lớn. Công ty đang chuẩn bị công tác đầu tư để đón khách hàng mới.

Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, 2 KCN trên có lợi thế về giá rẻ và nguồn nhân công, nên thu hút được nhiều nhà đầu tư. Bên cạnh đó, KCN Phong Điền, Huế trước đây kinh doanh khó khăn, nhưng nay có nhiều nhà đầu tư hỏi vì lý do tương tự.

Với mảng kính, CEO Viglacera nhận định gặp một số khó khăn về nhân công miền nam và yếu tố khách quan về thị trường. Tuy nhiên, với sản phẩm kính siêu trắng mới, được dùng cho các tấm pin mặt trời, có cơ hội để khai thác khi các dự án điện mặt trời đang phát triển.

Viglacera có thể cung cấp tấm kính này cho các dự án điện mặt trời áp mái, các dự án trên tầng thượng các chung cư, nhà ở, KCN… như một thị trường tiềm năng. Bên cạnh đó, công ty cũng sẽ lắp đặt trên các xưởng của chính công ty, và có thể sẽ sớm kết hợp với đối tác sản xuất pin, phối hợp với dự án điện mặt trời này.

Ông Tuấn tiết lộ, riêng 6 tháng công ty mẹ đạt lợi nhuận khoảng 422 tỷ đồng, tương đương 70% kế hoạch năm. Dự kiến 2019, lợi nhuận có thể đạt 700 - 800 tỷ đồng.

Tại cuộc họp, Viglacera cũng tiến hành bầu nhân sự HĐQT và BKS nhiệm kỳ mới. Trong số ứng viên được đề cử vào HĐQT nhiệm kỳ 2019 - 2024, có 2 cá nhân đến từ Tổng CTCP Thiết bị Điện Việt Nam (Gelex, HoSE: GEX) là ông Nguyễn Văn Tuấn, Chủ tịch HĐQT và bà Đỗ Thị Phương Lan, Phó Chủ tịch HĐQT.

Ông Nguyễn Văn Tuấn và bà Đỗ Thị Phương Lan - 2 ứng viên được nhóm Gelex đề cử vào HĐQT. Ảnh: Lê Hải.

Ông Nguyễn Văn Tuấn và bà Đỗ Thị Phương Lan - 2 ứng viên được nhóm Gelex đề cử vào HĐQT. Ảnh: Lê Hải.

Vừa qua, Bộ Xây dựng đã bán thành công qua đấu giá 69 triệu cổ phiếu VGC, tương đương 15% vốn cho 3 nhà đầu tư tổ chức. Trước phiên đấu giá, nhóm quỹ Dragon Capital cũng đã thoái gần 10% cổ phần VGC cho nhà đầu tư trong nước.

Trong khi đó, Công ty TNHH Thiết bị điện Gelex thông báo mua 27 triệu cổ phiếu VGC trong phiên 26/2 để nắm giữ hơn 6% vốn. Thiết bị điện Gelex là công ty con thuộc sở hữu của Gelex. Tổng sở hữu của nhóm Gelex sau giao dịch trên gần 44 triệu cổ phiếu, tương ứng với 9,8% vốn Viglacera.

3 ứng viên còn lại vào HĐQT được cổ đông Bộ Xây dựng đề cử.

Ứng viên HĐQT nhiệm kỳ 2019-2024

Ứng viên HĐQT nhiệm kỳ 2019 - 2024

Ứng viên BKS nhiệm kỳ 2019-2024

Ứng viên BKS nhiệm kỳ 2019 - 2024

Năm 2019, Viglacera đặt mục tiêu doanh thu 9.300 tỷ đồng và lãi trước thuế hợp nhất 950 tỷ đồng, tăng lần lượt 5,5% và 12% so với năm trước. Công ty dự kiến chia cổ tức tỷ lệ 10,5%. Công ty sẽ tiếp tục thoái vốn Nhà nước và triển khai đầu tư phát triển các dự án vật liệu xây dựng và bất động sản.

Với bất động sản, tổng công ty sẽ triển khai đầu tư 2 khu công nghiệp (KCN) mới gồm KCN Yên Mỹ (Hưng Yên) với diện tích 280ha và KCN Yên Phong II-C (Bắc Ninh) với diện tích 221ha. Đồng thời, doanh nghiệp sẽ chuẩn bị thủ tục đầu tư KCN Đồng Văn IV mở rộng, KCN Thuận Thành (Bắc Ninh).

Công ty cũng đầu tư hạ tầng kỹ thuật/dịch vụ tại các KCN đang triển khai là Đồng Văn IV (Hà Nam), Yên Phong mở rộng (Bắc Ninh), Tiền Hải (Thái Bình), Hải Yên và Đông Mai (Quảng Ninh), Phú Hà (Phú Thọ), Phong Điền (Huế).

Ngoài ra, Viglacera sẽ thực hiện đầu tư hạ tầng KCN trong đặc khu kinh tế Mariel tại Cuba. Trong năm 2019, công ty dự kiến đầu tư đồng bộ khoảng 50ha hạ tầng kỹ thuật để phục vụ công tác kinh doanh.

Bên cạnh đó, Viglacera sẽ thực hiện dự án khu đô thị Đặng Xá và các khu nhà ở tại Kim Chung, Tiên Dương (Hà Nội) và Đồng Văn (Hà Nam), Phù Hà (Phú Thọ) …

Với lĩnh vực vật liệu xây dựng, công ty sẽ tiếp tục đầu tư dự án nhà máy kính nổi siêu trắng, nhà máy gia công kính tiết kiệm năng lượng… Đồng thời, Viglacera sẽ đầu tư mới 6 nhà máy sản xuất gạch bê tông khí, tấm trần thạch cao…

HĐQT cũng sẽ trình cổ đông thông qua việc chào bán 13,5 triệu cổ phiếu công ty con Viglacera Vân Hải (giai đoạn 2), nhằm tăng vốn điều lệ từ 165 tỷ đồng lên 300 tỷ đồng. Thời gian thực hiện dự kiến vào quý III. Đồng thời, cổ đông cũng sẽ thông qua kế hoạch tái cơ cấu vốn tại CTCP Chao Viglacera và CTCP ViMariel.

Về kế hoạch thoái vốn Nhà nước, đại diện Bộ Xây dựng cho biết, Nhà nước sẽ không nắm vốn tại các lĩnh vực mà Viglacera tham gia, vì vậy sẽ sớm giảm sở hữu tại doanh nghiệp.

Trong đợt thoái vốn sắp tới, khi chào bán, Viglacera sẽ phải định giá lại. Trên cơ sở thẩm định giá và giá thị trường, giá bán cuối cùng sẽ được quyết định. “Thời gian bán hiện vẫn chưa được chốt và cũng chưa thể xác định giá trị doanh nghiệp Viglacera”.

Kết thúc đại hội, toàn bộ ứng viên đều trúng cử vào HĐQT và BKS của doanh nghiệp. Các tờ trình đều được thông qua. Sau khi họp phiên đầu tiên, HĐQT nhiệm kỳ mới bầu ông Nguyễn Văn Tuấn giữ chức chủ tịch.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top