Aa

Vinaconex giảm mạnh lợi nhuận trước khi “thay máu”

Thứ Năm, 31/01/2019 - 20:00

Lợi nhuận của Vinaconex giảm 60% không chỉ bởi không có doanh thu bất thường mà doanh thu thuần cũng giảm mạnh khi các chi phí thay đổi chậm hơn.

Tổng Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam - Vinaconex (VCG) có kết quả kinh doanh quý IV/2018 trượt mạnh, như dự báo của giới phân tích trước đó. 

Cụ thể, doanh thu thuần giảm 20% so với cùng kỳ năm 2017 còn 3.341 tỷ đồng. Giá vốn giảm chậm hơn khiến lợi nhuận gộp giảm 45% so với cùng kỳ.

Trong kỳ, Vinaconex không có khoản thoái vốn tại một số công ty con trong đó có công ty nước sạch Vinaconex (Viwasupco). Đó là lý do doanh thu tài chính giảm 700 tỷ đồng. Thay vào đó, lãi từ liên doanh liên kết gấp 6 lần cùng kỳ và lợi nhuận khác đột biến gần 50 tỷ đồng.

Tương lai của Vinaconex vẫn còn nhiều dấu hỏi

Tương lai của Vinaconex vẫn còn nhiều dấu hỏi

Trừ đi các khoản chi phí, Vinaconex báo lãi sau thuế gần 267 tỷ đồng, tương đương 1/4 cùng kỳ năm 2017.

Tính chung cả năm 2018, doanh thu thuần VCG giảm 10% còn 9.721 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế giảm 60% còn 636 tỷ đồng. EPS chỉ còn 1.122 tỷ đồng.

Tổng tài sản của Vinaconex giảm khoảng 1.500 tỷ đồng so với đầu năm, còn 20.083 tỷ đồng tại thời điểm cuối năm. Tổng vay nợ cuối năm của VCG ở mức 3.708 tỷ đồng, giảm khoảng 330 tỷ đồng so với đầu năm. Vốn chủ sở hữu cuối kỳ đạt 8.019 tỷ đồng, trong đó vốn điều lệ là 4.417 tỷ đồng.

Có thể nói đây là báo cáo cuối cùng của Vinaconex dưới danh nghĩa một tổng công ty có vốn Nhà nước. Kể từ ngày 13/12/2018, Vinaconex có cổ đông mới là Công ty TNHH An Quý Hưng (57,71% vốn), Công ty TNHH bất động sản Cường Vũ (21,28% vốn) và Công ty TNHH Đầu tư Star Invest (7,57%), một số cổ đông khác.

Mới đây, Vinaconex cũng vừa thông qua việc chi trả cổ tức và đưa tờ trình loại bỏ ngành nghề kinh doanh hạn chế sở hữu của khối ngoại vào cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên 2019.

15/2 sẽ là ngày đăng ký cuối cùng đối với cổ đông của VCG, để chốt danh sách chi trả cổ tức 2018 với tỷ lệ 10%, tương đương với tổng số tiền 441,7 tỷ đồng. Thời gian chi trả dự kiến tại ngày 27/2.

Về việc thay đổi ngành nghề kinh doanh, HĐQT đã thống nhất chủ trương trình ĐHĐCĐ thường niên 2019 loại bỏ ngành nghề kinh doanh quy định tỷ lệ sở hữu nước ngoài là 0%, và sửa đổi ngành nghề kinh doanh có lĩnh vực quy định tỷ lệ sở hữu khối ngoại là 0% hoặc chưa xác định.

Sau khi thực hiện giới hạn room ngoại của VCG sẽ trở về mức 49%.

Câu chuyện kết quả kinh doanh từ năm 2019 cũng như hoạch định chính sách tương lai của tổng công ty này sau cổ phần hóa vẫn sẽ là câu chuyện được giới đầu tư chờ đợi.

Hậu cổ phần hóa tại Vinaconex sẽ là định hướng gây dựng lại thương hiệu con chim đầu đàn ngành xây dựng hay được tối đa lợi ích từ đất vàng vẫn là câu chuyện được chờ đợi. Bởi, không phải ngẫu nhiên mà Vinaconex lại lại bỗng dưng trở thành miếng bánh ngon được các bên tranh giành tại phiên đấu giá dù giá trị doanh nghiệp này đã tụt dốc không phanh.

Khi nhà đầu tư lớn chấp nhận chi thêm hàng nghìn tỷ đồng để ôm cổ phần quyền lực trên 50% thì liệu có có cắt dần Vinaconex để thu tiền về?

Sự thiếu thống nhất trong nội bộ ban lãnh đạo có giúp doanh nghiệp này đứng vững hay không, thì chuyện có sửa được những “sai lầm trong quá khứ” có lẽ cần một thời gian dài?

Sáng 11/1, Vinaconex đã tổ chức ĐHĐCĐ bất thường năm 2018 với mục đích duy nhất là bầu cử thành viên HĐQT và BKS mới sau khi có sự thay đổi trong cơ cấu cổ đông của doanh nghiệp. Cũng trong buổi lễ, Vinaconex đã tiến hành miễn nhiệm nhân sự đại diện cho cổ đông lớn vừa thoái vốn.

Đây được cho là cuộc họp khiến giới đầu tư đặc biệt quan tâm bởi trước đó, nội bộ lãnh đạo của Vinaconex chưa “hòa hợp” và được chia làm nhiều phe.

Trước khi ban kiểm phiếu công bố kết quả bầu thành viên hội đồng quản trị và ban kiểm soát mới, Đại hội cũng có nhiều diễn biến “thót tim”. Phía cổ đông lớn đại diện cho An Qúy Hưng khá tự tin trả lời thắc mắc của cổ đông trong khi đó đại diện phía Cường Vũ gần như không lộ thông tin.

Dẫu vậy, ông Thân Thế Hà và ông Nguyễn Quang Trung (thuộc nhóm cổ đông Cường Vũ) lại có được số phiếu bầu cao nhất.

Cụ thể, kết quả kiểm phiếu cho thấy, hơn 418 triệu phiếu tham dự biểu quyết, 7 thành viên trúng cử HĐQT theo số phiếu bầu từ cao xuống thấp như sau:

1. Ông Thân Thế Hà (đại diện do Viettel ứng cứ, Chủ tịch HĐTV An Khánh SJC)
2. Ông Nguyễn Quang Trung (đại diện do Viettel ứng cử, Phó TGĐ BĐS Phú Long)
3. Ông Nguyễn Xuân Đông (CEO An Quý Hưng)

4. Ông Dương Văn Mậu

5. Ông Đào Ngọc Thanh, CEO Ecopark (nhóm cổ đông An Quý Hưng) được bầu làm Chủ tịch HĐQT

6. Ông Bùi Tuấn Anh

7. Ông Nguyễn Hữu Tới

5 thành viên Ban kiểm soát từ nhiệm gồm ông Đặng Thanh Tuấn, bà Kiều Bích Hoa, ông Vũ Hồng Tuấn, bà Nguyễn Thị Quỳnh Trang và ông Bùi Anh Vũ.

Kết quả, 100% cổ đông cũng tán thành phương án HĐQT cũ giới thiệu ứng viên thành viên HĐQT. Ông Nguyễn Đức Chi - Chủ tịch Hội đồng thành viên SCIC giới thiệu 6 ứng viên. Trong đó, có ông Đào Ngọc Thanh (Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Hưng - chủ đầu tư dự án Khu đô thị (Ecopark). Ngoài chức vụ Tổng giám đốc của Công ty Việt Hưng, hiện ông Đào Ngọc Thanh cũng đang là Chủ tịch HĐQT Công ty Tập đoàn Contana (CSC), Phó chủ tịch HĐQT Công ty Đầu tư châu Á - Thái Bình Dương (API).

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top