Aa

VN-Index giảm gần 10 điểm, VN30 chỉ có duy nhất HPG tăng giá

Thứ Sáu, 22/05/2020 - 18:27

Thị trường chứng khoán Việt Nam vấp phải áp lực điều chỉnh mạnh trong phiên cuối tuần ngày 22/5.

Sau 4 phiên tăng điểm liên tiếp dù vấp phải áp lực rung lắc mạnh, VN-Index đã gặp phải thử thách thực sự trong phiên 22/5. Áp lực chốt lời mạnh xuất hiện ngay từ đầu phiên giao dịch đã kéo chỉ số này xuống dưới mốc tham chiếu. VN-Index giao dịch trong sắc đỏ xuyên suốt thời gian của phiên 22/5. Các cổ phiếu trụ cột như VIC, VHM, TCB, GAS, MSN, BID, VPB, SAB… đều chìm trong sắc đỏ và gây áp lực rất lớn lên VN-Index, trong đó, VIC giảm 1,6% xuống 96.400 đồng/cp, VHM giảm 1,9% xuống 76.500 đồng/cp, TCB giảm đến 4,3% xuống 21.050 đồng/cp, GAS giảm 1,5% xuống 73.900 đồng/cp.

Các cổ phiếu có ảnh hưởng lớn nhất đến VN-Index phiên 22/5. Nguồn: VDSC.

Chiều ngược lại, nhóm cổ phiếu ngành thép có một phiên giao dịch tích cực khi cả 2 “ông lớn” là HPG và HSG đều tăng mạnh. Trong đó, HPG tăng 2,8% lên 27.250 đồng/cp và khớp lệnh 16,3 triệu cổ phiếu. HPG cũng chính là cổ phiếu duy nhất trong nhóm VN30 tăng giá, trong khi toàn bộ 29 mã còn lại đều chìm trong sắc đỏ.

HSG phiên hôm nay cũng đảo ngược tình thế và tăng 4,6% lên 9.700 đồng/cp và khớp lệnh 10,4 triệu cổ phiếu. NKG và SMC cũng tăng tốt trong phiên lần lượt 4,2% và 3,7%.

Ở sàn HNX, tâm điểm là cổ phiếu SHB, sau khi thoát khỏi mức giá sàn ở phiên hôm qua (21/5) thì cổ phiếu này đã giao dịch bùng nổ trong phiên 22/5. SHB tăng trần lên 13.200 đồng/cp và khớp lệnh đến 13,8 triệu cổ phiếu. SHB cũng chính là nhân tố chủ chốt giúp HNX-Index tăng điểm sau 2 phiên giảm liên tiếp khi đóng góp cho HNX-Index đến gần 1,8 điểm.

Tại nhóm cổ phiếu bất động sản, bên cạnh 2 cổ phiếu VIC và VHM thì VRE cũng điều chỉnh trở lại khi giảm 1,9% xuống 25.800 đồng/cp với khối lượng khớp lệnh là hơn 5,9 triệu cổ phiếu. NVL cũng giảm nhẹ trở lại 0,4% xuống 53.300 đồng/cp.

Đối với các cổ phiếu bất động sản vừa và nhỏ, sắc đỏ đã áp đảo hoàn toàn. Các mã như PPI, HRB, PFL, DTA hay FDC đều bị kéo xuống mức giá sàn. Bên cạnh đó, HDC giảm 5,4%, PWA giảm 4,4%, KDH giảm 3,2%, CCL giảm 3%...

Chiều ngược lại, số mã tăng mạnh không còn nhiều như các phiên trước, dù vậy, một số cổ phiếu như D11, PVL hay PVR vẫn được kéo lên mức giá trần. IDJ tăng 4,5%, VCR tăng 3%, HAR tăng 2,5%.

Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index giảm 9,99 điểm (-1,16%) xuống còn 852,74 điểm. Toàn sàn có 124 mã tăng, 236 mã giảm và 68 mã đứng giá. HNX-Index tăng 1,3 điểm (1,23%) lên 107,04 điểm. Toàn sàn có 62 mã tăng, 95 mã giảm và 61 mã đứng giá. UPCoM-Index giảm 0,07 điểm (-0,13%) xuống 54,24 điểm.

Thanh khoản thị trường ở mức tương đương phiên trước, tổng khối lượng giao dịch đạt 400 triệu cổ phiếu, trị giá 6.300 tỷ đồng. Các cổ phiếu khớp lệnh mạnh nhất thuộc về HPG, STB hay SHB.

Về giao dịch khối ngoại, hôm nay có phiên bán ròng nhẹ trên toàn thị trường với giá trị 14 tỷ đồng. Trên HoSE, khối ngoại đã mua ròng 24,87 tỷ đồng cổ phiếu. Trong đó, CII là cổ phiếu bất động sản duy nhất nằm trong top bán ròng của khối ngoại về giá trị với hơn 15 tỷ đồng. Chiều ngược lại, VHM và VRE được khối ngoại mua ròng mạnh với giá trị lần lượt 26 tỷ đồng và 17,5 tỷ đồng.

Các cổ phiếu được khối ngoại sàn HoSE mua - bán ròng mạnh nhất trong phiên 22/5. Nguồn: Fialda.

Tại thị trường chứng khoán châu Á, MSCI châu Á - Thái Bình Dương trừ Nhật Bản giảm gần 2,7%, giảm mạnh nhất khu vực là cổ phiếu Hong Kong với Hang Seng mất 5,5%. Shanghai Composite và Shenzhen Composite lần lượt giảm 1,9% và 2%. Nikkei 225 của Nhật Bản và Kospi của Hàn Quốc lần lượt giảm 0,8% và 1,4%. ASX 200 của Australia và NZX 50 của New Zealand lần lượt giảm 0,9% và 0,6%. Tại Đông Nam Á, Straits Times của Singapore giảm 2,1%, SET 50 của Thái Lan giảm 1,3%, Jakarta Composite giảm 0,06% và KLCI của Malaysia giảm 1%.

Theo chứng khoán MB (MBS), VN-Index đang gặp cản trở ở khu vực 863 điểm và tác động từ thị trường chứng khoán thế giới trong phiên hôm nay là nguyên nhân khiến thị trường điều chỉnh. Ở thời điểm hiện tại, thông tin trong nước không có gì mới và vẫn tích cực cho thị trường, dòng tiền luôn được duy trì trên 4.600 tỷ đồng/phiên trong 2 tuần vừa qua. Tuy vậy, thị trường chứng khoán thế giới sẽ dao động khi căng thẳng Mỹ - Trung có dấu hiệu leo thang. Nhà đầu tư nên thận trọng, tránh mua đuổi trong phiên và chốt dần các vị thế.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top