Aa

VN-Index mất gần 5 điểm, cổ phiếu họ “Vin” gây áp lực

Thứ Bảy, 18/07/2020 - 06:00

VN-Index điều chỉnh giảm trở lại trong phiên cuối tuần, trong đó, nhóm cổ phiếu họ "Vin" gây rất nhiều áp lực lên chỉ số này. HNX-Index duy trì được sắc xanh nhờ lực đẩy của ACB.

Thị trường chứng khoán điều chỉnh ngay trong khoảng thời gian đầu của phiên giao dịch ngày 17/7. Đa phần các cổ phiếu lớn đều bị kéo xuống dưới mốc tham chiếu và gây áp lực lớn lên các chỉ số thị trường. Trong đó, VN-Index giao dịch ở dưới mốc tham chiếu trong hầu hết thời gian của phiên 17/7.

Kết thúc phiên, VN-Index giảm 4,81 điểm (-0,55%) xuống 872,02 điểm. Toàn sàn có 162 mã tăng, 190 mã giảm và 77 mã đứng giá. HNX-Index tăng 1,22 điểm (1,06%) lên 116,81 điểm. Toàn sàn có 80 mã tăng, 74 mã giảm và 62 mã đứng giá. UPCoM-Index tăng 0,54 điểm (0,95%) lên 57,57 điểm.

Các cổ phiếu ảnh hưởng lớn nhất lên VN-Index phiên 17/7. Nguồn: Fialda.

Bộ ba cổ phiếu họ “Vin” gây ra áp lực lớn rất lớn lên VN-Index khi đều giảm sâu, trong đó, VIC giảm đến 1,6% xuống 91.500 đồng/cp và lấy đi của VN-Index đến 1,5 điểm (-0,17%), VHM giảm 1,2% xuống 80.500 đồng/cp và gây áp lực với 0,96 điểm (-0,1%) cho chỉ số này, VRE chốt phiên ở mức 26.850 đồng/cp, tương ứng giảm 1,6%.

Bên cạnh đó, hàng loạt cổ phiếu lớn như VCB, TCB, MSN, FPT, MWG… cũng đều lùi xuống dưới mốc tham chiếu. Trong đó, VCB giảm 0,8%, TCB giảm 1,9%, MSN giảm 1,4%, FPT giảm 1%. 

Theo thông tin từ FPT, doanh thu 6 tháng đầu năm của tập đoàn này đạt 13.611 tỷ đồng, tăng 9% và thực hiện 42% kế hoạch năm. Lợi nhuận trước thuế thu về 2.428 tỷ đồng, tăng 14% so với cùng kỳ năm trước và thực hiện 43,6% kế hoạch năm. Biên lợi nhuận trước thuế duy trì ở mức 17,8% so với 17,1% cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ tăng 14,7%, đạt 1.626 tỷ đồng. Lãi cơ bản trên cổ phiếu đạt 2.078 đồng, tăng 14,1%.

Các cổ phiếu ảnh hưởng lớn nhất lên HNX-Index phiên 17/7. Nguồn: Fialda.

Ở chiều ngược lại, lực đỡ vẫn còn và đến từ các cổ phiếu như ACB, VPB, PLX, SHB, BVH… Trong đó, ACB bất ngờ tăng đến 3,3% lên 24.800 đồng/cp và khớp lệnh 7,9 triệu cổ phiếu. ACB là nhân tố chủ chốt giúp HNX-Index tăng điểm trong phiên 17/7. Chỉ riêng ACB đã đóng góp cho chỉ số này 0,76 điểm (0,66%).

Ở nhóm cổ phiếu bất động sản, sự phân hóa diễn ra vẫn mạnh nhưng áp lực có phần nhỉnh hơn khi hàng loạt mã có yếu tố thị trường đều giảm sâu. Bên cạnh bộ 3 họ “Vin”, các mã như SHS, KOS, NTC, KDH, FDC, PDR… đều chìm trong sắc đỏ. THD giảm sâu 8,8% xuống 78.000 đồng/cp, có thời điểm trong phiên giao dịch, cổ phiếu này bị kéo xuống mức giá sàn. HTT, PVR, PVL, NVT hay CIG đều giảm sàn trong phiên 17/7.

Chiều ngược lại, sự tích cực được duy trì tốt trên các cổ phiếu bất động sản như NTB, VNI, PFL, D2D, SNZ, TIP… ITA và FLC đều tăng hơn 1% và khớp lệnh trên 6 triệu cổ phiếu.

Thanh khoản thị trường vẫn chỉ ở mức tương đương các phiên trước. Tổng khối lượng giao dịch đạt 343,6 triệu cổ phiếu, trị giá 5.400 tỷ đồng. HQC đứng đầu về khối lượng khớp lệnh toàn thị trường với 13,8 triệu cổ phiếu. Chốt phiên, HQC tăng nhẹ 0,5% lên 1.880 đồng/cp, đây cũng là cổ phiếu bất động sản duy nhất nằm trong top 10 mã khớp lệnh mạnh nhất thị trường.

Các cổ phiếu có giá trị mua (bán) ròng của khối ngoại lớn nhất phiên 17/7. Nguồn: Fialda.

Khối ngoại mua ròng trở lại hơn 1,2 tỷ đồng trên cả 3 sàn. Trên HoSE, dòng vốn ngoại tiếp tục bán ròng gần 2,8 tỷ đồng, giảm gần 89% so với phiên trước. Khối ngoại bán ròng mạnh nhất mã VHM với 31,4 tỷ đồng. Bên cạnh đó, DXG cũng là một cổ phiếu bất động sản khác bị bán ròng mạnh với 7,8 tỷ đồng. Trong khi đó, VNM đứng đầu danh sách mua ròng với 30 tỷ đồng. Trong danh sách 10 mã được khối ngoại mua ròng mạnh nhất phiên 17/7 chỉ có duy nhất VIC thuộc nhóm bất động sản với 8,9 tỷ đồng.

Theo Chứng khoán BIDV (BSC), thanh khoản thị trường không đổi, độ rộng thị trường tiêu cực và biên độ thị trường thu hẹp cho thấy tâm lý cẩn trọng vẫn đang đóng vai trò chủ đạo. BSC khuyến nghị nhà đầu tư nên giữ nguyên tỷ trọng danh mục và theo dõi thị trường cùng các thông tin vĩ mô cũng như kết quả kinh doanh quý II trước khi đưa ra quyết định đầu tư vào tuần sau.

Về thị trường chứng khoán châu Á, tại Trung Quốc, Shanghai Composite tăng 0,1% và Shenzhen Composite tăng 0,9%. Hang Seng của Hong Kong tăng 0,5%. Ngoài ra, Nikkei 225 của Nhật Bản giảm 0,3% trong khi Kospi của Hàn Quốc tăng 0,8%. ASX 200 của Australia và NZX 50 của New Zealand lần lượt tăng 0,4% và 0,7%. 

Tại Đông Nam Á, Straits Times của Singapore giảm 0,1%, Jakarta Composite của Indonesia cũng giảm 0,4% trong khi SET 50 của Thái Lan tăng 0,7%, KLCI của Malaysia tăng 1,4%.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top