Aa

"VNREA góp phần kiến tạo một môi trường kinh doanh minh bạch"

Thứ Tư, 29/03/2017 - 05:49

Đó là nhận định của Luật sư Trần Tuấn Anh, Giám đốc Công ty Luật Minh Bạch (Đoàn Luật sư Hà Nội). Ông Tuấn Anh cho rằng, với đội ngũ lãnh đạo có tầm nhìn chiến lược, có “tâm” với thị trường BĐS và sự năng nổ, nhiệt tình của các hội viên, Hiệp hội BĐS Việt Nam (VNREA) đã có nhiều đóng góp to lớn trong việc xây dựng hệ thống pháp lý".

PV: Mới đây, Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã công bố kết quả bình chọn 30 quy định tốt nhất, trong đó có 8/30 quy định thuộc lĩnh vực BĐS. Ông đánh giá thế nào về kết quả này?

Luật sư Trần Tuấn Anh: Tôi cho rằng đây là chuyển biến tích cực. Thời gian qua, tình trạng “bong bóng”, “đầu cơ, lướt sóng” và việc chủ đầu tư tham gia thị trường theo cách làm ăn chộp giật đã được hạn chế, BĐS đang đi về giá trị thực của nó.

Theo cá nhân tôi, kết quả đó tạo động lực cho thị trường, đồng thời cũng thấy được vai trò, vị trí của Hiệp hội BĐS Việt Nam trong việc điều tiết, định hướng và làm minh bạch thị trường, bên cạnh các chính sách của các cơ quan quản lý Nhà nước.

Theo tôi, thời gian tới, các cơ quan quản lý Nhà nước nên giao một phần công tác tham mưu, góp ý xây dựng chính sách pháp luật cho các tổ chức xã hội nghề nghiệp có chuyên môn sâu, bởi khi đó sẽ tận dụng được chất xám của xã hội và quan trọng hơn, những kiến nghị, đề xuất xây dựng pháp luật thường xuất phát từ thực tiễn hoạt động ngay từ chính các tổ chức này.

Những khó khăn, vướng mắc của thị trường sẽ dễ dàng được tháo gỡ. Việc này giúp hạn chế được rất nhiều những “quy định trên trời”, những quy phạm pháp luật chưa ban hành đã "chết yểu", các chính sách ban hành nhưng không được thực thi trên thực tế.

PV: Dưới góc nhìn của một luật sư, ông đánh giá thế nào về vai trò phản biện chính sách cũng như những đóng góp trong việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật BĐS của Hiệp hội BĐS Việt Nam?

Luật sư Trần Tuấn Anh: Hiệp hội BĐS Việt Nam ra đời trong bối cảnh thị trường bước vào thời kỳ thời kỳ “sôi sục” nhất. Lúc này, xu thế thị trường đòi hỏi bên cạnh sự quản lý của Nhà nước, rất cần có một tổ chức xã hội nghề nghiệp tham gia vào thị trường BĐS, điều tiết và định hướng sự phát triển của nó.

Với đội ngũ lãnh đạo có tầm nhìn chiến lược, có “tâm” với thị trường BĐS và sự năng nổ, nhiệt tình của các hội viên, Hiệp hội BĐS Việt Nam đã có nhiều đóng góp to lớn trong việc góp ý xây dựng hệ thống pháp luật của Việt Nam liên quan đến hoạt động BĐS.

Không chỉ góp ý xây dựng, đề xuất các chính sách bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng cho các thành viên, Hiệp hội còn có những đề xuất, kiến nghị, sáng kiến nhằm làm trong sạch thị trường BĐS, bảo vệ tối đa quyền và lợi ích của khách hàng khi tham gia vào lĩnh vực này và góp phần vào việc kiến tạo một môi trường kinh doanh minh bạch tại Việt Nam.

Luật sư Trần Tuấn Anh.

Luật sư Trần Tuấn Anh.

PV: Tuy nhiên, thị trường thời gian qua vẫn tồn tại những vấn đề nhức nhối như vi phạm trật tự xây dựng, tranh chấp chung cư, khách hàng khiếu kiện... Theo ông, để xảy ra những hạn chế này là do đâu?

Luật sư Trần Tuấn Anh: Với quan điểm cá nhân, tôi cho rằng, những hạn chế trên không xuất phát từ quy định của pháp luật. Nguyên nhân nằm ngay trong chính các chủ đầu tư dự án - những người trực tiếp thực thi chính sách pháp luật về BĐS.

Quy định pháp luật đã chặt chẽ, hoạt động của Hiệp hội và các Hội thành viên đã đạt được những kết quả rất đáng khích lệ, điều đó không đồng nghĩa với việc thị trường BĐS của chúng ta đã hoàn toàn minh bạch. Bởi tham gia thị trường vẫn còn một bộ phận doanh nghiệp có tư tưởng làm ăn chộp giật, chỉ nghĩ đến lợi ích, lợi nhuận của doanh nghiệp mà chưa quan tâm đến lợi ích của khách hàng, lợi ích của xã hội.

Thậm chí còn có cả những doanh nghiệp bất chấp pháp luật, xâm phạm trắng trợn quyền lợi của khách hàng. Điển hình như tình trạng xây nhà chung cư không phép, trái phép; Huy động vốn trái pháp luật; Bán nhà cho người dân khi chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính với Nhà nước; Liên danh, liên kết đầu tư về BĐS trái quy định của pháp luật; Công bố thông tin về BĐS sai sự thật, trái pháp luật, quảng cáo một đằng, đến khi nhận nhà lại một kiểu….

Như vậy, rõ ràng nguyên nhân trực tiếp ở đây luôn xuất phát từ ý chí chủ quan của chủ đầu tư dự án. Vì chạy theo lợi nhuận, chạy theo tiến độ, không có vốn đầu tư ban đầu… các đơn vị này đã bỏ qua lợi ích của khách hàng, coi thường pháp luật, cố ý làm trái các quy định của Nhà nước trong vấn đề quản lý thị trường BĐS. Đây là một trong những nguyên nhân chính và chủ yếu dẫn đến tình trạng một số dự án đầu tư BĐS xảy ra “lùm xùm” trong thời gian vừa qua.

Bên cạnh đó, cũng có phần do các cơ quan quản lý Nhà nước đã không làm tốt công tác thanh kiểm tra, xử lý vi phạm còn nương nhẹ, cả nể, thậm chí còn có tình trạng bao che, dung túng cho các hoạt động trái pháp luật của các chủ đầu tư, dẫn đến những sai phạm đặc biệt nghiêm trọng và không thể khắc phục được.

PV: Trước những hạn chế trên của thị trường, ông có kỳ vọng gì về hoạt động của Hiệp hội BĐS Việt Nam trong thời gian tới?

Luật sư Trần Tuấn Anh: Với chức năng của một tổ chức xã hội nghề nghiệp, là nơi quy tụ các doanh nghiệp BĐS hàng đầu Việt Nam hiện nay, tôi mong muốn trong thời gian tới, Hiệp hội tiếp tục thể hiện vai trò là đơn vị định hướng hoạt động cho các hội viên nói riêng và thị trường BĐS nói chung, hướng tới sự minh bạch trong thị trường.

Hiệp hội với vai trò xã hội của mình sẽ góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của những người tham gia thị trường BĐS. Bên cạnh đó, tiếp tục phát huy vai trò kiến tạo, góp ý xây dựng chính sách pháp luật, tham mưu cho các cơ quan Nhà nước trong việc xây dựng hệ thống pháp luật về BĐS ngày một hoàn thiện, cùng với Nhà nước và toàn xã hội xây dựng thị trường theo tiêu chí an toàn, minh bạch và lợi ích.

- Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top