Aa

“Với Công trình Xanh, khó nhất là thay đổi tư duy”

Thứ Sáu, 22/09/2017 - 06:00

Công trình Xanh (CTX) là một khái niệm còn mới ở thị trường BĐS Việt Nam. Nói đến CTX, nhiều người liên tưởng đến chi phí công trình đắt đỏ, giá thành sản phẩm cao, khó bán ra thị trường… Tuy nhiên ông Trịnh Tùng Bách, Quản lý phát triển CTX, Tập đoàn Capital House khẳng định suy nghĩ đó hoàn toàn sai.

- PV: Nhiều chủ đầu tư hiện nay rất ngại làm Công trình Xanh vì cho rằng tốn kém hơn. Tuy nhiên, Capital House lại làm CTX ngay cả dự án nhà ở xã hội như các dự án EcoHome cho dù đây là phân khúc có tỷ suất lợi nhuận thấp. Với kinh nghiệm thực tế, ông có thể chia sẻ thêm về câu chuyện làm CTX ở phân khúc nhà ở xã hội?

Ông Trịnh Tùng Bách: Đây là một quá trình nghiên cứu và phát triển của chúng tôi. Có những dự án chúng tôi đã làm có thể chưa hẳn là phân khúc nhà xã hội, nhưng chúng tôi đang tiến hành ở phân khúc thấp và trung bình. Giá bán của căn hộ chỉ vào khoảng 16,5 triệu/m2. Chúng tôi đã làm được và chứng minh được bằng những chứng chỉ xanh.Tôi nghĩ nếu là nhà ở xã hội thì cũng tương tự vậy thôi. Có thể áp dụng những giải pháp xanh mà không làm tăng thêm chi phí, vẫn giảm được tiêu thụ năng lượng, nước hay loại bỏ chất độc hại trong vật liệu xây dựng đưa lợi ích đến cho người dân, những người mua nhà của chúng ta.

Ông Trịnh Tùng Bách – Quản lý phát triển CTX – Công ty Capital House.

Ông Trịnh Tùng Bách, Quản lý phát triển CTX, Tập đoàn Capital House.

- Nếu chỉ cần giảm tiêu thụ năng lượng, giảm tiêu thụ nước, theo ông có nhất thiết phải thực hiện CTX?

Ông Trịnh Tùng Bách: Những sản phẩm của chúng tôi là 100% theo xu hướng xanh. Thật ra mục tiêu của CTX là dùng vật liệu để thực hiện mục tiêu giảm tiêu thụ năng lượng, để giảm tiêu thụ nước… Đây là xu hướng tất yếu chứ không phải là cần hay không cần CTX.

- CTX sử dụng nguồn vật liệu thay thế mới hoàn toàn, công nghệ thi công cũng phải thay đổi, xin ông chia sẻ kinh nghiệm của doanh nghiệp để các chủ đầu tư khác có thể tham khảo.

Ông Trịnh Tùng Bách: Chắc chắn là có thay đổi. Chúng tôi chỉ nói đơn giản là gạch không nung chẳng hạn. Ban đầu áp dụng chúng tôi cũng gặp rất nhiều vấn đề. Nhưng nếu chỉ nói, chỉ nghĩ thôi mà không làm thì chúng ta không đạt dược kết quả, và sẽ không bao giờ áp dụng được những cái mới.

Khi bắt tay thưc hiện mục tiêu xanh, chúng tôi đã trải qua một quá trình nghiên cứu, học hỏi trên sách vở, tham quan những nơi đã và đang thực hiện, tìm đến những nhà máy để xem, đánh giá những công nghệ của họ sử dụng như thế nào. Thậm chí là những dự án của chúng tôi luôn dành ra một số phần trăm diện tích để thử nghiệm, thực chứng những công nghệ mới, những biện pháp mới.

Tất cả các bài học kinh nghiệm ấy chúng tôi hoàn toàn muốn chia sẻ với mọi người, cũng như là với những người chủ sở hữu căn hộ của chúng tôi.

- Theo ông công nghệ thi công vật liệu xanh hiện nay có đáp ứng đủ nhu cầu của chủ đầu tư?

Ông Trịnh Tùng Bách: Hoàn toàn đủ. Chúng tôi đã thực chứng điều đó trong thực tế.

- Capital House là doanh nghiệp BĐS cam kết sẽ biến tất cả các dự án của mình thành xanh. Từ khi quyết tâm đi theo con đường làm BĐS Xanh, khó khăn lớn nhất của Capital House là gì thưa ông?

Ông Trịnh Tùng Bách: Khó khăn lớn nhất chính là tư duy. Tức là chúng ta hiểu sai về CTX. Lâu nay chúng ta hiểu CTX chỉ là nhiều cây,hoặc nó là đắt tiền, là một chi phí rất lớn mà chúng ta không thể thu hồi được…nhưng như thế là hiểu sai. Chính tư duy sai khiến chúng ta ngại làm, ngại phát triển, ngại thay đổi, nên CTX bị hạn chế.

Những Hội thảo như Phát triển CTX trong bối cảnh biến đổi khí hậu ở Việt Nam rất cần thiết, để chúng tôi - những cái người chủ đầu tư đang phát triển dự án - có nơi để chia sẻ hiểu hiết, kiến thức với nhau, giúp nhau cải thiện tư duy. Từ đó mới giúp khách hàng hiểu rõ về CTX, để hiểu khi bỏ thêm 1 đồng, nhưng trong cái quá trình 50 năm sử dụng họ sẽ tiết kiệm được không chỉ 10 đồng mà đến khi 100 đồng từ việc tiết kiệm năng lượng.

- Ông đánh giá như thế nào về việc phát triển CTX  trong thị trường BĐS Việt Nam?

Ông Trịnh Tùng Bách: Tôi nghĩ phát triển CTX là điều tất yếu. Chúng ta không còn đường lùi nữa. Như tôi đã nói, sớm hay muộn chúng ta cũng phải làm, tại sao chúng ta không làm sớm. Các bạn cũng biết một CTX hay không xanh cũng tồn tại ít nhất 50 năm. Nếu đó là CTX thì chúng ta được hưởng 50 năm, còn nếu không xanh, tốn năng lượng, chúng ta cũng phải chịu đựng nó 50 năm. Nhìn vào lợi ích lâu dài ấy, tôi nghĩ chúng ta nên thực hiện càng sớm càng tốt.

- Xin xảm ơn ông.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top