Aa

Vốn ngoại chảy qua nhà băng nội

Thứ Ba, 11/06/2019 - 06:00

Trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung tiếp tục căng thẳng thì thị trường vốn nước ngoài tại Việt Nam, đặc biệt là thị trường cho vay hợp vốn đang trở thành mối quan tâm lớn.

Theo tổng hợp của hãng tin Bloomberg, trong 5 tháng đầu năm 2019 hoạt động cho vay hợp vốn bằng đồng USD trên thị trường Việt Nam đạt khoảng 2 tỷ USD. Mức này mặc dù không quá cao so với mặt bằng chung tại các nước trong khu vực Đông Nam Á, nhưng cũng đã có sự tăng trưởng vượt bậc 119% so với cùng kỳ năm 2018 nếu chỉ xét riêng trong cấu phần vốn nước ngoài tại thị trường nội địa.

Các chuyên gia tại Bloomberg cho rằng, trong bối cảnh cuộc chiến thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc tiếp tục diễn biến căng thẳng thì thời gian vừa qua thị trường vốn nước ngoài tại Việt Nam, đặc biệt là thị trường cho vay hợp vốn được nhiều tổ chức tài chính và các NHTM quan tâm phát triển.

Việc các doanh nghiệp lớn từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản… dịch chuyển cơ sở sản xuất sang Việt Nam đang kéo theo hàng loạt các định chế tài chính quốc tế và các ngân hàng nước ngoài cùng hợp tác với các NHTM nội địa thông qua các hợp đồng cho vay đồng tài trợ để chia sẻ lợi nhuận và khai thác triệt để các mảng thị trường.

Nguồn vốn của các định chế tài chính quốc tế giúp các ngân hàng trong nước có thêm nguồn lực cho vay trung dài hạn

Nguồn vốn của các định chế tài chính quốc tế giúp các ngân hàng trong nước có thêm nguồn lực cho vay trung dài hạn

Thực tế cho thấy, tính đến cuối năm 2018, riêng tổng khối lượng cho vay hợp vốn tại Việt Nam đã đạt khoảng 3,6 tỷ USD. Ngoài ra, hàng loạt các NHTM trong nước đã và đang tranh thủ tối đa nguồn vốn ngoại từ các đối tác tài chính quốc tế. Chẳng hạn, từ đầu năm 2018 đến nay các ngân hàng như: LienVietPostBank, SHB, OCB, VPBank, TPBank, Techcombank… đã lần lượt trở thành đầu mối giải ngân vốn cho các khoản vay chung trị giá vài trăm triệu USD do các tổ chức như JPMorgan Chase Bank, IIB, IBEC, IFC, Deutsche Bank… cùng bắt tay rót vốn.

Theo các chuyên gia tài chính, khi được các định chế tài chính nước ngoài cung cấp, dàn xếp các khoản vay hợp đồng đồng tài trợ vốn thì bản thân các NHTM nội địa ngoài việc nâng cao được hình ảnh thương hiệu và vị thế trên thị trường cũng giải tỏa được phần lớn áp lực vốn trung - dài hạn, đồng thời thu lợi nhuận khá lớn từ các khoản vay chung trị giá hàng ngàn tỷ đồng.

Ở phía các doanh nghiệp nội địa, việc nhiều nhà băng tăng cường các hợp đồng cho vay đồng tài trợ cũng tạo ra sự minh bạch đáng kể trong khâu thẩm định và xét duyệt giải ngân. Thực tế, đối với các dự án BOT, BT và các dự án bất động sản quy mô lớn, việc có nhiều bên thẩm định sẽ chia sẻ được tối đa rủi ro trong các khâu xét duyệt và dự phòng phát sinh nợ quá hạn.

Việc các hợp đồng cho vay được kết nối trực tiếp với bản thân các doanh nghiệp như trường hợp vay dài hạn 400 triệu USD từ 6 NHTM nước ngoài của Công ty TNHH Phát triển Phú Hưng Khang (TP.HCM, tháng 8/2018) hay trường hợp vay 220 tỷ đồng của Tập đoàn FLC với ICBC quý IV/2018… tạo ra những điều kiện rất thuận lợi để các doanh nghiệp thu xếp vốn cho các khâu tiền khởi công dự án như đền bù giải tỏa, tập kết vật tư và hạn chế phát sinh tổng mức đầu tư.

Trong khi đó, những khoản vay như hợp đồng vay 100 triệu USD ký giữa Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) và TPBank, hợp đồng 185 triệu USD ký giữa Cathay United, ICBC với VIB… sẽ là nguồn lực tài chính quan trọng để giúp các nhà băng nội mở rộng các hoạt động cấp vốn tín dụng dài hạn cho các DNNVV và các khách hàng cá nhân thông qua các dịch vụ tài chính số.

Những hoạt động thu xếp vốn này cho thấy, trong bối cảnh thị trường thương mại có sự dịch chuyển mạnh mẽ như hiện nay, hệ thống NHTM nội địa đã khá nhanh nhạy đón đầu các luồng vốn từ bên ngoài đổ vào thị trường trong nước. Việc các ngân hàng nội săn đón và sẵn sàng hợp tác chia sẻ lợi nhuận thông qua các hợp đồng cho vay hợp vốn và hợp đồng đồng tài trợ với các đối tác nước ngoài cho thấy sức cạnh tranh của các NHTM trong nước đã cải thiện khá mạnh.

Các chuyên gia tài chính dự báo, giao dịch cho vay hợp vốn tại thị trường Việt Nam sẽ còn là một thị trường sinh lời mạnh mẽ và hấp dẫn các TCTD trong nước và con số có thể sẽ chưa dừng lại ở mức 3 - 4 tỷ USD/năm như thời gian qua.

Cho vay hợp vốn (cho vay đồng tài trợ) là hình thức cấp tín dụng thông qua việc tham gia tài trợ vốn của từ hai tổ chức tín dụng trở lên, trong đó có một tổ chức tín dụng đứng ra làm đầu mối.

Theo thống kê của Bloomberg, ở Đông Nam Á, khối lượng cho vay hợp vốn là 58,6 tỷ USD trong năm 2018, tăng 4% so với cùng kỳ năm ngoái và đánh dấu mức cao nhất từ năm 2014 (81,6 tỷ USD). Khối lượng cho vay hợp vốn của Việt Nam ở mức 3,6 tỷ USD trong năm 2018, tăng 6% so với mức 3,4 tỷ USD của năm 2017.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top