Aa

Vụ 18 người chạy thận và "chân dung" Giám đốc BVĐK tỉnh Hòa Bình

Thứ Tư, 31/05/2017 - 17:24

Liên quan đến vụ 7 bệnh nhân tử vong khi chạy thận tại Bệnh viện đa khoa (BVĐK) tỉnh Hòa Bình, nhiều người đang đang có những hoài nghi khi Bệnh viện này từng bị phát hiện có sai phạm liên quan đến chính những chiếc máy lọc thận.

Trong buổi họp báo sáng ngày 30/5, bác sĩ Trương Quý Dương, Giám đốc BVĐK tỉnh Hòa Bình đã gửi lời xin lỗi và chia buồn tới gia đình các bệnh nhân bị tai biến khi chạy thận.

“Tôi xin nhận trách nhiệm trong sự cố này. Dù không cố ý nhưng tai biến đã xảy ra. Đây là bài học đau đớn với chúng tôi”, bác sĩ Dương nói. Bác sĩ Dương mong người dân hiểu tấm lòng của các y bác sĩ. "Từ lúc xảy ra sự việc đến nay, các y bác sĩ mất ăn, mất ngủ", ông nói.

Tuy nhiên, đằng sau sự cố và những lời xin lỗi đó, nhiều người đang nhớ lại những sai phạm tại BVĐK Hòa Bình và cá nhân ông Dương.

Trương Quý Dương, Giám đốc BVĐK tỉnh Hoà Bình.

Bác sĩ Trương Quý Dương, Giám đốc BVĐK tỉnh Hoà Bình.

Được biết, cách đây 3 năm, Sở Y tế tỉnh Hòa Bình đã có kết luận những nội dung tố cáo của công dân đối với ông Trương Quý Dương, Giám đốc BVĐK tỉnh Hòa Bình. Theo đó, Sở Y tế Hòa Bình đã vạch ra hàng loạt sai phạm của ông Trương Quý Dương khi đảm nhiệm chức vụ Giám đốc BVĐK tỉnh này.

Cụ thể, BVĐK tỉnh Hòa Bình đã thuê máy, trang thiết bị y tế của các doanh nghiệp, trả chi phí cho doanh nghiệp bằng việc mua các hóa chất, vật tư tiêu hao, chất chuẩn đi theo máy do chính các doanh nghiệp này cung cấp. Việc làm này, Sở Y tế Hòa Bình khẳng định là chưa đúng theo hướng dẫn tại Thông tư 15/2007/TT-BYT ngày 12/12/2007 của Bộ Y tế.

BVĐK tỉnh Hòa Bình đã ký hợp đồng thuê 2 máy xét nghiệm sinh hóa tự động của Công ty TNHH Bình Mai, 1 máy xét nghiệm miễn dịch tự động của Cty TNHH thiết bị Minh Tâm, 1 máy xét nghiệm nước tiểu 11 thông số của Cty CP thiết bị y tế Thịnh Phát, 1 máy xét nghiệm huyết học tự động của Cty YNHH thiết bị y tế Phương Đông và 8 máy chạy thận nhân tạo của Công ty cổ phần dược phẩm Thiên Sơn.

Để trang trải các khoản phí thuê máy móc, trang thiết bị, BVĐK tỉnh Hòa Bình đã trả phí cho các công ty trên bằng việc mua các hóa chất, vật tư tiêu hao, chất chuẩn đi theo máy do các công ty này cung cấp.

Những sai phạm của Giám đốc BVĐK tỉnh Hòa Bình Trương Quý Dương được chỉ ra rất rõ, song, điều dư luận băn khoăn là những kiến nghị theo kiểu “giơ cao, đánh khẽ” của Sở Y tế Hòa Bình. Việc ông Trương Quý Dương với tư cách Giám đốc BVĐK tỉnh Hòa Bình triển khai liên doanh, liên kết không đúng theo hướng dẫn tại Thông tư 15 của Bộ Y tế, thay vì kiến nghị xử lý sai phạm, Sở Y tế Hòa Bình chỉ kiến nghị ông Dương “cần rút kinh nghiệm”.

Đối với việc thuê khoán máy móc, trang thiết bị y tế, mua hóa chất, vật tư tiêu hao mà chưa báo cáo Sở Y tế, Sở Y tế Hòa Bình cũng chỉ “nhắc” BVĐK tỉnh Hòa Bình phải tiến hành đấu thầu, xây dựng đề án theo hướng dẫn tại Thông tư 15 Bộ Y tế.

Trước đó, một số cơ quan báo chí đã phanh phui nhiều sai phạm của ông Trương Quý Dương trong việc chi tiêu công quỹ. Theo các bài báo này, “càng sai phạm, càng thăng quan”, ông Dương đã từ chức Giám đốc Trung tâm y tế huyện Kim Bôi lên Giám đốc Trung tâm Bảo vệ sức khoẻ bà mẹ trẻ em - Kế hoạch hóa gia đình; và sau đó được “cất nhắc” giữ chức vụ Giám đốc BVĐK tỉnh Hòa Bình. Ở cương vị nào, ông Dương cũng có những sai phạm trong chi tiêu công quỹ. Các sai phạm này đều đã được Công an tỉnh và Thanh tra tỉnh Hòa Bình vạch ra.

Sau 3 năm kể từ thời điểm Sở Y tế tỉnh Hòa Bình kết luận những sai phạm của ông Trương Quý Dương thì xảy ra sự cố đau lòng trên. Đáng chú ý là, Công ty cổ phần dược phẩm Thiên Sơn, đơn vị từng được Giám đốc BVĐK tỉnh Hòa Bình ký hợp đồng thuê 8 máy chạy thận nhân tạo có những dấu hiệu liên quan ít nhiều đến sự việc.

Cụ thể, ngày 30/5, CSĐT Bộ Công an và Công an tỉnh Hòa Bình đã niêm phong máy và làm việc với Công ty cổ phần dược phẩm Thiên Sơn.

Công ty cổ phần dược phẩm Thiên Sơn (đường Trung Yên 3, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội) là đơn vị cung ứng thiết bị vật tư và bảo hành, bảo trì các thiết bị y tế tại BVĐK tỉnh Hòa Bình, trong đó có các thiết bị lọc máu chạy thận.

Trụ sở Công ty cổ phần dược phẩm Thiên Sơn.

Trụ sở Công ty cổ phần dược phẩm Thiên Sơn.

Theo hồ sơ của BVĐK tỉnh Hòa Bình, ngày 28/5, một ngày trước khi xảy ra vụ tai biến y khoa, Công ty Thiên Sơn đã tiến hành bảo trì, sửa chữa hệ thống lọc nước tinh khiết liên quan đến các thiết bị lọc máu để phục vụ bệnh nhân tại Khoa điều trị lọc máu BVĐK tỉnh Hòa Bình.

Ngay sau quá trình bảo trì, sửa chữa, sáng 29/5, khi bệnh viện tiến hành lọc máu theo chu kỳ cho 18 bệnh nhân đầu tiên thì cả 18 người đều có dấu hiệu sốc phản vệ, trong đó có 7 người tử vong và 1 người vẫn đang trong tình trạng nguy kịch. 10 người khác phải chuyển về Bệnh viện Bạch Mai điều trị.

Liên quan đến vụ việc, TS. Nguyễn Cao Luận (nguyên Trưởng khoa thận nhân tạo, Bệnh viện Bạch Mai) cho rằng: “Sự việc tại Hòa Bình xảy ra có cùng lúc hàng loạt người bị thì cần chú ý đến hệ thống xử lý nước, việc rửa quả lọc, dịch truyền - dịch thấm tách... đã được vệ sinh và xử lý đúng quy trình hay chưa”.

Bên hành lang Quốc hội sáng 30/5, nhiều ĐBQH đã rất sốc trước việc 7 bệnh nhân chạy thận tại Hòa Bình bị tử vong. ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan, Ủy viên Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội chia sẻ: “Tôi rất sốc khi nghe thông tin này. Đây chắc chắn là sốc phản vệ nhưng vấn đề tại sao xảy ra sốc. Vấn đề lớn nhất là bị một lúc tới 18 người, 7 người đã tử vong. Đây là việc chưa từng có. Nếu nói sốc do rủi ro thì rất vô lý vì không thể rủi ro mà xảy ra đồng loạt trên từng ấy con người. Không loại trừ khả năng là do nước, hóa chất kháng khuẩn, đường ống có vấn đề. Nếu nói do thuốc thì khó có cơ sở vì mỗi người một loại thuốc khác nhau”.

Với một bác sĩ, công việc và cũng là sứ mệnh thiêng liêng chính là cứu người. Một trong những nội dung của Lời thề Hippocrates là: “Tôi sẽ không trao thuốc độc cho bất kỳ ai, kể cả khi họ yêu cầu và cũng không tự mình gợi ý cho họ; cũng như vậy, tôi cũng sẽ không trao cho bất cứ người phụ nữ nào những thuốc gây sẩy thai. Tôi suốt đời hành nghề trong sự vô tư và thân thiết”.

Không có nghề nào như nghề y mà một lỗi lầm hay một thiếu sót, dù nhỏ nhất, lại có thể gây nên những tác hại lớn nhất đến sức khoẻ và tính mạng của con người. Với các thầy thuốc Việt Nam, 12 điều y đức là kim chỉ nam dẫn đường cho họ trong sứ mệnh cứu người. Tất nhiên, không loại trừ đâu đó và ở bất cứ nghề nghiệp nào cũng có những thành phần chệch hướng, đi ngược lại những giá trị đạo đức nghề nghiệp mà họ phải phụng thờ.

Quay trở lại vụ việc tại BVĐK tỉnh Hòa Bình, được biết, vì tính chất nghiêm trọng của sự việc và có dấu hiệu tội phạm nên Cơ quan điều tra Công an tỉnh Hòa Bình đã khởi tố vụ án Vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế thuốc, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác.

Qua chứng kiến và sự truyền tải của báo giới có thể thấy, các y, bác sỹ trong vụ việc này cũng đang hứng chịu những lo toan và cả đau đớn quẳn quại giữa "tâm bão" Hòa Bình.

Thiết nghĩ, cần đợi kết luận của Cơ quan điều tra để làm sáng tỏ vụ việc và trách nhiệm của từng cá nhân, nhưng có một sự thật là, ngay từ lúc này, có những câu hỏi đau đớn lòng, có những sự hoài nghi và lo lắng không dễ gì giải đáp…

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top