Aa

Vướng Nghị định 20, HAGL Agrico sẽ lỗ thêm 192 tỷ

Chủ Nhật, 01/09/2019 - 13:47

HAGL Agrico cho biết quy định tại Khoản 3, Điều 8, Nghị định 20 về quản lý thuế với doanh nghiệp có giao dịch liên kết còn nhiều điểm bất hợp lý.

Công ty Nông nghiệp Hoàng Anh Gia Lai - HAGL Agrico  (mã HNG) vừa có giải trình về loạt ý kiến ngoại trừ của kiểm toán viên trong báo cáo soát xét bán niên 2019.

Theo đó, các ý kiến ngoại trừ liên quan đến việc HAGL Agirco ghi nhận 192 tỷ đồng thu nhập khác từ hoàn nhập chi phí dự phòng liên quan thuế thu nhập doanh nghiệp trong các năm trước và gần 60 tỷ đồng không ghi nhận thêm chi phí dự phòng liên quan thuế cho nửa đầu năm 2019. Nếu công ty ước tính chi phí thuế này, lỗ trước thuế sẽ tăng 192 tỷ đồng tại này 30/6.

HAGL Agrico cho biết quy định tại Khoản 3, Điều 8, Nghị định 20 về quản lý thuế với doanh nghiệp có giao dịch liên kết còn nhiều điểm bất hợp lý, nhiều cách hiểu khác nhau gây khó khăn trong việc áp dụng trong thực tiễn và chưa đúng bản chất của Nghị định là chống chuyển giá.

"Ban Giám đốc vẫn đang trao đổi và kiến nghị với Kiểm toán Nhà nước, Tổng Cục thuế, Bộ Tài chính và Văn phòng Chính phủ xem xét điều chỉnh hay thay đổi Nghị định 20.

Tại ngày lập báo cáo tài chính tổng hợp soát xét bán niên 2019, Nghị định 20 vẫn chưa được sửa đổi hoặc thay thế và Ban giám đốc công ty cũng như công ty mẹ HAGL vẫn đang tiếp tục làm việc với cơ quan chức Năng nhà nước về vấn đề này.

Tuy nhiên, Thủ tướng cũng có Chỉ thị số 09 về các giải pháp tập trung tháo gỡ cho sản xuất kinh doanh. Trong đó giao Bộ Tài chính rà soát, đánh giá sự phù hợp của quy định và hạn mức lãi vay được khấu trừ với Luật Thuế TNDN; đề xuất nội dung và thời điểm sửa đổi, bổ sung Nghị định 20 để quản lý thuế hiệu quả đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết. HAGL Agrico bày tỏ tin tưởng Nghị định này sẽ được sửa đổi trong thời gian sớm nhất", HNG cho biết. 

Kiểm toán viên cũng nhấn mạnh đến việc công ty đã vi phạm một số điều khoản trong hợp đồng vay và trái phiếu. HAGL Agrico cho rằng tại thời điểm lập báo cáo, công ty vẫn đang tiến hành làm việc với ngân hàng về việc điều chỉnh các điều khoản bị vi phạm của các hợp đồng vay. Đồng thời, dựa vào nguồn tiền từ việc chuyển nhượng phần vốn góp vào các công ty con, công ty sẽ trả bớt nợ vay và phân bổ lại tài sản đảm bảo cho các khoản vay.

Theo kết quả từ báo cáo hợp nhất soát xét giữa niên độ, doanh thu thuần của HNG tăng thêm 3 tỷ đồng và lỗ thêm 15 tỷ đồng so với báo cáo tự lập, đạt lần lượt 782 tỷ đồng và 744 tỷ đồng. Công ty cho biết trong kỳ đã chuyển từ trồng cây ngắn ngày sang cây dài này và điều tiết mùa vụ nên doanh thu từ ớt, chanh dây và trái cây giảm.

HAGL Agrico cho rằng, nếu công ty ước tính chi phí thuế theo Khoản 3, Điều 8, Nghị định 20, lỗ trước thuế sẽ tăng 192 tỷ đồng tại này 30/6.

Trên thực tế, kể từ khi được ban hành vào tháng 2/2017, Nghị định 20/2017/NĐ-CP về quản lý thuế đối với các doanh nghiệp có giao dịch liên kết là một trong những quy định về thuế gây tranh cãi và ảnh hưởng nhiều nhất cũng như gây ra nhiều vướng mắc nhất trong việc triển khai đối với các doanh nghiệp.

Trong đó, Khoản 3, Điều 8 quy định: Tổng chi phí lãi vay phát sinh trong kỳ của người nộp thuế được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp không vượt quá 20% của Tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh cộng với chi phí lãi vay, chi phí khấu hao trong kỳ của người nộp thuế - tức 20% EBITDA. Khi đó, phần chi phí lãi vay vượt quá 20% sẽ bị coi là chi phí không hợp lý và bị tính thuế.

Theo thống kê từ một công ty chứng khoán, báo cáo tài chính năm 2018 của hơn 770 công ty niêm yết trên sàn chứng khoán TP.HCM và Hà Nội có thể thấy đa phần các công ty bị ảnh hưởng, con số chi phí lãi vay vượt mức khống chế 20% EBITDA. Khoản không được khấu trừ để tính thuế lên tới hơn 8.000 tỷ đồng.

Nếu tính thêm các doanh nghiệp chưa niêm yết, số tiền “mắc kẹt” có thể lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng.

Đáng chú ý, đối tượng bị ảnh hưởng có cả các doanh nghiệp, tập đoàn, tổng công ty trong nước, là những đối tượng có rất ít động cơ, khả năng để chuyển giá như mục tiêu mà Nghị định 20 nhắm đến.

Khoản 3, Điều 8, Nghị định 20 sẽ “được sửa triệt để”

Mới đây nhất, sáng 15/8, tại phiên chất vấn các thành viên Chính phủ về việc thực hiện các nghị quyết, kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ đến hết năm 2018, ĐBQH Nguyễn Thị Mai Phương (Gia Lai) đặt câu hỏi dành cho Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng:

“Ngày 24/2/2017, trên cơ sở đề nghị của Bộ Tài chính, Chính phủ đã ban hành Nghị định 20/2017/NĐ-CP quy định việc quản lý thuế với các doanh nghiệp có phát sinh giao dịch liên kết. Trong đó, Khoản 3, Điều 8 quy định về khống chế trần chi phí lãi vay khiến cho các doanh nghiệp tư nhân trong nước gặp rất nhiều khó khăn. Xin hỏi Bộ trưởng có kế hoạch sửa đổi quy định này không và bao giờ sẽ sửa?”.

Trả lời câu hỏi chất vấn của ĐBQH Nguyễn Thị Mai Phương, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, Nghị định 20 sau khi ra đời đã phát huy tác dụng rất tốt. Qua thanh tra, kiểm tra, Bộ Tài chính và cơ quan thuế đã giúp giảm lỗ 37.000 tỷ đồng trong năm 2017 và 40.000 tỷ trong năm 2018. Số giảm lỗ kỳ này sẽ phân bổ vào lãi các kỳ sau, giúp tăng thu ngân sách.

“Về kế hoạch triển khai Luật quản lý thuế, Thủ tướng đã chỉ đạo cần sửa Nghị định 20, trong đó tập trung vào Khoản 3, Điều 8. Theo kế hoạch, chúng tôi sẽ trình Chính phủ nhưng trước tình hình hiện nay, chúng tôi sẽ báo cáo Chính phủ, trình theo quy trình rút gọn để đẩy nhanh tiến độ sửa Khoản 3, Điều 8.

Khoản 3, Điều 8 sẽ được sửa triệt để khi chúng ta sửa Luật thuế TNDN”, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nói.

Đáng chú ý, trước khi ĐBQH Nguyễn Thị Mai Phương đặt câu hỏi nêu trên dành cho Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, nhiều doanh nghiệp và chuyên gia kinh tế đã bày tỏ sự bất cập của việc khống chế trần chi phí lãi vay là tác động lên hoạt động đi vay và cho vay lại giữa công ty mẹ và các công ty thành viên - vốn rất phổ biến trong các tập đoàn, tổng công ty nhà nước cũng như tư nhân.

Thậm chí, trong phần Kết luận tại Hội nghị trực tuyến sơ kết ngành tài chính cách đây hơn 1 tháng, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng đã dẫn chứng vấn đề khống chế trần chi phí lãi vay đối với các doanh nghiệp liên kết quy định tại Nghị định số 20/2017/NĐ-CP như một ví dụ.

"Thủ tướng 3 lần đều nhắc đến chuyện này rồi", Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết.

Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Văn phòng Chính phủ cũng đã từng thẩm định. Nếu chờ cho đến khi sửa đổi bổ sung theo Luật quản lý thuế thì rất chậm. Vì thế, các bộ ngành liên quan cần phối hợp để sửa đổi những bất cập tại Nghị định 20.

"Vướng đâu thì phải tính đến đó. Sắp tới, Văn phòng Chính phủ sẽ tiếp tục có thẩm định cụ thể, lắng nghe từng bộ ngành, từng vướng mắc để giải quyết", Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top