Aa

Vướng vòng tranh chấp hợp đồng tín dụng, Vietinbank vô tình hay sơ suất?

Thứ Ba, 26/12/2017 - 15:50

Không hiểu vì sơ suất ở khâu nào trong hồ sơ cấp vốn tín dụng mà hai khách hàng của Vietinbank phải đưa nhau ra tòa khi có dấu hiệu lừa đảo.

Mới đây, Tòa soạn nhận được đơn thư của ông Trần Quang Phú (sinh năm 1954, có địa chỉ tại Tiên Lữ, Hưng Yên) về việc ông Phú và người cháu của mình vướng vào rắc rối liên quan đến hợp đồng vay một khoản tiền lớn tại Vietinbank.

Cụ thể, ông Phú và cháu họ của mình là anh Bùi Văn Tuyên "đưa nhau ra tòa" vì anh Tuyên thì nói đã thế chấp mảnh đất của mình để vay vốn giúp gia đình ông Phú từ ngân hàng Vietinbank còn ông Phú lại một mực khẳng định không vay khoản tiền này.

Tranh chấp hợp đồng tín dụng hai bên thân tín: Vietinbank là đầu mối nắm hồ sơ pháp lý

Vụ việc đã được đưa ra Tòa án Nhân dân huyện Tiên Lữ. Cụ thể, ngày 28/9/2017, Tòa đã xét xử sơ thẩm công khai vụ án thụ lý số 5/2017/TLST-DS ngày 30/3/2017 về việc “Tranh chấp kiện đòi tài sản” giữa vợ chồng anh Bùi Văn Tuyên (SN 1973); chị Lê Thị Thanh (SN 1973) và vợ chồng ông Trần Quang Phú (SN 1954); bà Vũ Thị Mậu (SN 1958) cùng trú tại thị trấn Vương, Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên.

Ông Phú cầm trên tay những tài liệu liên quan đến vụ việc. 

Theo hồ sơ vụ việc, vợ chồng anh Bùi Văn Tuyên có quan hệ với họ hàng với nhà ông Phú. Bà Mậu là dì ruột của chị Thanh (vợ anh Tuyên).

Ngày 31/3/2014, vợ chồng anh Tuyên ký hợp đồng thế chấp BĐS số 36/2014/HĐTC/BL đứng tên vợ chồng ông Phú vay Ngân hàng Thương mại cổ phần Công thương Việt Nam (Vietinbank), chi nhánh Hưng Yên, Phòng giao dịch Tiên Lữ dùng quyền sử dụng diện tích đất 125m2 là tài sản đảm bảo, số tiền vay tối đa không quá 320 triệu đồng. Hợp đồng thế chấp được công chứng và đăng ký được chấp thuận thông qua đại diện Phòng giao dịch Tiên Lữ, Vietinbank, Chi nhánh Hưng Yên do bà Nguyễn Thị Kim Liên là trưởng phòng giao dịch.

Đến ngày 3/3/2015, vợ chồng ông Phú, bà Mậu ký hợp đồng tín dụng số 27/2015/HĐTDHM/NHC342 vay Vietinbank số tiền 320 triệu đồng với lãi suất 9,5%/năm, thời hạn vay 12 tháng. Sau khi vay tiền, hàng tháng bà Mậu vẫn đưa tiền nhờ chị Thanh đi trả lãi hộ hàng tháng. Đến tháng 8/2015 bà Mậu không đưa tiền nhờ chị Thanh đi trả lãi hộ. Sau đó, Vietinbank đến nhắc thì vợ chồng ông Phú, bà Mậu không thừa nhận ký hợp đồng tín dụng vay tiền. Đồng thời, khẳng định không nhờ vợ chồng chị Thanh thế chấp tài sản đảm bảo nghĩa vụ trả nợ.

Sau phiên Tòa sơ thẩm hội đồng xét xử tranh chấp dân sự, vợ chồng ông Phú, bà Mậu phải thanh toán cho nguyên đơn số tiền 170 triệu đồng và tiền lãi 3 tháng gốc 170 triệu đồng. Bởi trước đó, theo hợp đồng số 27/2015 thì tổng số tiền vay nợ là 310 triệu đồng được Bùi Văn Tuyên, Lê Thị Thanh đã nhận hai lần tiền. Vì khoảng tháng 3/2015, khi cần tiền, vợ chồng bà Mậu đã trả anh chị số tiền 140 triệu đồng, số tiền lãi của 3 tháng 8,9,10 trên số nợ gốc là 310 triệu đồng.

Hồ sơ tín dụng lập trên chữ ký giả?

Dù Tòa đã xét xử như trên, nhưng khẳng định với phóng viên, ông Phú, bà Mậu vẫn không thừa nhận chữ ký trong hợp đồng tín dụng, giấy nhận nợ, phiếu lĩnh tiền do ngân hàng cung cấp là của mình. Ông bà cũng không đồng ý với kết luận giám định chữ ký do Công an huyện Tiên Lữ trưng cầu.

Ông Phú khẳng định không ra ngân hàng và "không có giao dịch viên nào vào nhà tôi để làm hợp đồng. Không hiểu tại sao hợp đồng đó lại có chữ ký của vợ tôi được". Ông cũng cho biết không hề nhờ vợ chồng anh Tuyên và chị Thanh thế chấp tài sản đảm bảo nghĩa vụ trả nợ, không ký hợp đồng tín dụng và số tiền 310 triệu đồng tại Phòng giao dịch Tiên Lữ.

Hiện, gia đình ông Phú không chấp nhận kết luận tại phiên tòa sơ thẩm và sẽ làm đơn kháng cáo về vụ việc trên. 

Luật sư Hoàng Ngọc Biên, người bảo vệ quyền và lợi ích cho vợ chồng ông Phú, bà Mậu cho rằng: Không có văn bản nào chứng minh vợ chồng ông Phú, bà Mậu mượn sổ đỏ của anh Tuyên, chị Thanh để thế chấp vay tiền tại ngân hàng. Cán bộ ngân hàng đã vi phạm các thủ tục về ký hợp đồng thế chấp tài sản bảo đảm nghĩa vụ trả nợ, vì không có sự tham gia ký kết của người được vay là vợ chồng ông Phú, bà Mậu. Hợp đồng tín dụng chỉ có chữ ký của người vay tại trang số 6, không có chữ ký tại 5 trang còn lại, nên có thể sẽ bị làm giả. Hợp đồng thế chấp tài sản ký ngày 31/3/2014, nhưng đến tận ngày 3/3/2015, vợ chồng ông Phú mới ký hợp đồng tín dụng là vô lý.

Nhìn vào vụ tranh chấp này sẽ thấy, một số trường hợp có thể xảy ra: Hồ sơ và hợp đồng tín dụng của Vietinbank có một kẽ hở nào đó liên quan đến việc ủy quyền vay và thế chấp tài sản để một trong hai khách hàng có thể lợi dụng để lừa đảo hoặc thoái trách nhiệm. Rõ ràng, không phải ngẫu nhiên Vietinbank vướng vào vòng rắc rối này giữa hai khách hàng vay vốn, dù số tiền cho vay đã được thu hồi.

Để xác minh thông tin, phóng viên Reatimes đã liên hệ đặt lịch làm việc với Vietinbank chi nhánh Hưng Yên. Đại diện Vietinbank chi nhánh Hưng Yên cho biết, sẽ báo cáo xin ý kiến về việc phát ngôn từ cấp trung ương của ngân hàng này và sẽ cung cấp thông tin cho báo chí. Tuy nhiên, họ không hứa khi nào sẽ có câu trả lời cụ thể. 

Chúng tôi sẽ tiếp tục cập nhật thông tin này.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top