Aa

World Bank: Cần xác định yếu tố chính trị khi thực hiện thuế tài sản

Thứ Tư, 20/06/2018 - 06:01

Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam khẳng định chính sách thuế cuối cùng phải hướng tới việc hợp lý với chính trị và có tính khả thi.

Dự thảo Luật thuế tài sản hiện đang gây tranh cãi do những tác động đối với đa số xã hội. Để có cái nhìn rõ hơn về những vấn đề xung quanh dự thảo này, TheLEADER đã có cuộc phỏng vấn với ông Sebastian Eckardt, Chuyên gia Kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới (World Bank) tại Việt Nam.

ông Sebastian Eckardt, Chuyên gia Kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới (World Bank) tại Việt Nam. Ảnh: Kiều Mai

Ông Sebastian Eckardt, Chuyên gia Kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới (World Bank) tại Việt Nam. Ảnh: Kiều Mai

PV: Trong Dự thảo Luật Thuế tài sản, Bộ Tài chính đã đưa ra kế hoạch đánh thuế 0,4% đối với nhà ở có giá trị trên 700 triệu đồng và nếu được thông qua, có khả năng sẽ tạo sự chồng lấn thuế. Ông đánh giá như thế nào về vấn đề này?

Ông Sebastian Eckardt: Tôi cho rằng việc thiết kế cụ thể luật thuế tài sản cần được đưa ra dựa trên những đánh giá rất cẩn thận, không chỉ về tác động lên nguồn thu của Chính phủ mà còn về vấn đề liên quan đến các hộ gia đình.

World Bank đang cùng với Bộ Tài chính thực hiện một số phân tích, đưa ra kết quả sơ bộ về những ngưỡng tác động khác. Tôi nghĩ rằng điều quan trọng bây giờ là cần thực hiện một phân tích toàn diện hơn để nhận thức rõ về các mức nên được thiết lập.

PV: Cuộc họp giữa World Bank và Phó thủ tướng Vương Đình Huệ liên quan đến thuế tài sản vừa qua đã có được những kết quả gì, thưa ông?

Ông Sebastian Eckardt: Trong cuộc họp vừa qua, chúng tôi đã trao đổi một số kinh nghiệm quốc tế, chia sẻ những phân tích ban đầu và World Bank cam kết sẽ tiếp tục cung cấp cho Việt Nam những thông tin về tác động mà chúng tôi đánh giá được.

Theo kinh nghiệm các quốc gia khác trên thế giới, thuế tài sản là loại thuế lũy tiến và có hiệu quả. Tuy nhiên, loại thuế này lại có chi phí hành chính cao liên quan đến đo đạc địa chính, xây dựng hệ thống thông tin hay định giá tài sản. Bên cạnh đó, loại thuế này không dễ xác định trong tổng thu thuế và điều này cần được để tâm trong quá trình xây dựng.

Đất đai là một hệ thống sẵn có và Nhà nước có thể tối ưu hóa hệ thống này nhằm tạo ra một phần ngân sách, quay trở lại giúp hệ thống hiệu quả hơn và tạo ra nhiều ưu đãi hơn.

Tuy nhiên nếu một khoản thuế khiến bạn chi trả nhiều hơn để quản lý so với mức bạn thực sự nhận được, thuế đó sẽ không hiệu quả.

PV: Xin ông chia sẻ thêm về việc áp dụng thuế tài sản tại các quốc gia khác trên thế giới?

Ông Sebastian Eckardt: Xét trên thế giới, có khá nhiều quốc gia đang hình thành và áp dụng thuế tài sản bởi loại thuế này tạo ra sự hiệu quả, công bằng và có tác động lan truyền, đặc biệt ở cấp độ địa phương do thuế được tái sử dụng đầu tư cơ sở hạ tầng.

Ví dụ như khi bạn xây dựng một con đường mới, giá trị tài sản xung quanh thường tăng lên. Trong khi Nhà nước bỏ tiền xây dựng cơ sở hạ tầng, lợi ích của việc giá trị tài sản tăng lên lại được thụ hưởng bởi những hộ gia đình sở hữu. Do đó, thuế tài sản tạo ra giá trị thông qua việc tái đầu tư hạ tầng.

Ngoài ra, những đối tượng phải chịu thuế tài sản thường mong muốn được nhận trở lại giá trị mà họ đã đóng góp, dẫn tới việc Chính phủ sẽ gia tăng những ưu đãi tại khu vực đó, như tăng cường trách nhiệm giải trình hoặc năng lực của cơ quan địa phương.

Thuế tài sản không chỉ dừng lại ở việc doanh thu tài chính, loại thuế này còn mang lại nhiều hơn nữa với những ưu đãi giúp bạn huy động vốn và có lợi nhuận từ cơ sở hạ tầng.

PV: Ông có cho rằng dự thảo Luật thuế tài sản đang đi ngược lại sứ mệnh giảm nghèo của Việt Nam khi mà khoảng 9 triệu người hiện vẫn sống dưới mức nghèo khó?

Ông Sebastian Eckardt: Tôi cho rằng thuế tài sản được thiết kế theo cách không làm ảnh hưởng tới người nghèo vì bản chất, thuế tài sản là loại thuế lũy tiến và rõ ràng, sẽ hướng nhiều hơn đến những hộ giàu.

Dự thảo luật có đưa ra ngưỡng 700 triệu đồng, đồng nghĩa với việc sở hữu nhà có giá trị cao hơn mới bị đánh thuế. Do đó, hầu hết các hộ nghèo sẽ không phải chịu thuế tài sản. Chỉ có một phần rất nhỏ các hộ nghèo có nhiều tài sản nhưng họ lại thu nhập thấp, ví dụ như sở hữu một ngôi nhà lớn nhưng không có nhiều thu nhập thường xuyên.

Nhìn chung, thuế tài sản là loại thuế dành cho người giàu và chủ yếu đánh vào những người có tài sản lớn thay vì những người nghèo.

PV: Theo ông, với tình hình thu nhập bình quân đầu người như hiện nay, đây có phải là thời điểm thích hợp để áp dụng thuế tài sản tại Việt Nam hay không?

Ông Sebastian Eckardt: Tôi cho rằng ở góc độ kinh tế, việc áp dụng hay không cần phải được đánh giá. Có rất nhiều quốc gia khác với nhiều quy mô thu nhập khác nhau vẫn sử dụng thuế tài sản.

Ngoài ra, cần xác định yếu tố chính trị khi thực hiện thuế tài sản. Dù thế nào, các chính sách thuế trên thế giới cũng hướng tới việc hợp lý với chính trị và có tính khả thi.

Tôi cho rằng đây không đơn thuần là một quyết định về kinh tế mà còn là quyết định về chính trị khi xác định đây có phải là thời điểm thích hợp hay không.

PV: Xin cảm ơn ông!

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top