Aa

World Bank khuyến nghị 5 lựa chọn chính sách cần quan tâm

Thứ Tư, 18/12/2019 - 06:30

Trong điều kiện Việt Nam vẫn đứng sau hầu hết các quốc gia thị trường mới nổi, nhóm nghiên cứu World Bank khuyến nghị Chính phủ cần thận trọng cân đối giữa đổi mới sáng tạo và ổn định trong thời gian tới.

Tại Báo cáo Điểm lại cập nhật tình hình kinh tế Việt Nam năm 2019 công bố mới đây, World Bank đã khuyến nghị 5 lựa chọn chính sách cần sự quan tâm của các nhà hoạch định chính sách.

Tại khuyến nghị thứ nhất, nhóm nghiên cứu World Bank cho rằng cần hiện đại hóa nền tảng quy phạm pháp luật về thị trường vốn. 

"Khung quy phạm pháp luật vững mạnh và ổn định kết hợp với hạ tầng thị trường hiệu quả là yếu tố căn bản để các thành viên thị trường có niềm tin tham gia thị trường. Ưu tiên đặt ra bao gồm sửa đổi Luật chứng khoán và triển khai luật do hiện đang có nhu cầu cấp thiết cần cải thiện thị trường và chính sách công khai, cơ chế vận hành và thể chế, cũng như hạ tầng thị trường theo các chuẩn mực quốc tế", báo cáo nêu.

Tại khuyến nghị thứ hai, World Bank đề xuất cải thiện về quản trị và công bố thông tin. Theo đó, thách thức lớn của Việt Nam là phải xây dựng văn hóa định mức tín nhiệm ăn sâu bén rễ, qua đó rủi ro được đo lường và định giá khách quan thông qua chuẩn mực cao về công khai thông tin. 

Có thể thấy, mức độ tham gia vào thị trường trái phiếu doanh nghiệp còn rất hạn chế, một phần do thiếu công khai và minh bạch thông tin với các nhà đầu tư tiềm năng, một phần do thiếu phân tích có chất lượng đủ cao. Các tổ chức đánh giá định mức tín nhiệm có vai trò đảm bảo thị trường tài chính vận hành thỏa đáng để qua đó có thể định mức tín nhiệm và định giá trái phiếu phát hành. Tóm lại, khả năng tiếp cận thông tin đáng tin cậy về thị trường và các loại chứng khoán phát hành là điều kiện cần để nâng cao lòng tin của nhà đầu tư.

Ảnh minh họa.

Thứ ba, World Bank cho rằng cần mở rộng mạng lưới các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư ngoài ngân hàng là chìa khóa để phát triển các thị trường vốn. 

"Mạng lưới các nhà đầu tư đa dạng và mở rộng không chỉ quan trọng nhằm duy trì tăng trưởng bền vững trên thị trường mà còn nhằm tăng thanh khoản và giảm biến động", World Bank nhận định.

Theo nhóm nghiên cứu, bên cạnh xu hướng tích cực trong những năm qua, Quỹ Bảo hiểm Xã hội Việt Nam (BHXH) nên được phép và nên được nâng cao năng lực chuyên môn về đầu tư, đồng thời đa dạng hóa đầu tư, ngoài đầu tư vào chứng khoán chính phủ và tiền gửi lãi cao tại ngân hàng. Bởi, động thái này không chỉ cải thiện kết quả tài chính của Quỹ BHXH mà còn nâng cao khả năng đáp ứng các nghĩa vụ tài chính dài hạn của nhóm này, đồng thời hỗ trợ sự phát triển của thị trường cổ phiếu và trái phiếu doanh nghiệp. 

Quá trình phát triển và sự tham gia của các doanh nghiệp bảo hiểm và quỹ hưu trí tư nhân cũng tạo ra những phương tiện tiết kiệm dài hạn mới cho cá nhân, qua đó tiếp tục đẩy mạnh phát triển thị trường vốn trong nước. Việc nâng cấp lên vị trí thị trường mới nổi trong các chỉ số toàn cầu về trái phiếu và cổ phiếu được đánh giá rằng sẽ thu hút các nhà đầu tư quốc tế đến với Việt Nam, đồng thời hỗ trợ các thị trường tăng trưởng bền vững và đa dạng hóa sự tham gia trên thị trường; vì vậy, World Bank cho rằng, cải cách nhằm hỗ trợ những nỗ lực này phải được ưu tiên.

Thứ tư, World Bank đề xuất phát triển các sản phẩm đổi mới sáng tạo. Theo đó, nhu cầu tài chính dài hạn đặc biệt dành cho hạ tầng vẫn còn cao khi Việt Nam tiếp tục đi theo quỹ đạo tăng trưởng hiện nay với quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh chóng. Thực tế thì nợ huy động từ khu vực ngân hàng thường không đủ để thanh toán cho các dự án hạ tầng, hơn nữa, các ngân hàng thường hiếm khi đáp ứng được đầy đủ nhu cầu ngày càng tăng về nguồn tài chính dài hạn, do hạn chế về vốn và thanh khoản cũng như bất cân đối về kỳ hạn cho những khoản vay dài hạn.

"Trong bối cảnh đó, những công cụ mới - như trái phiếu hạ tầng, chứng khoán có tài sản đảm bảo (bao gồm cả đảm bảo bằng thế chấp nhà đất) và các công cụ được cơ cấu khác trở nên cần thiết để hỗ trợ huy động tài chính cho hạ tầng và các hoạt động đầu tư dài hạn khác ở Việt Nam", báo cáo nêu.

Thứ năm, World Bank cho rằng cần tăng cường vai trò của Chính phủ nhằm tạo ra nền tảng để phát triển nguồn tài chính dài hạn. 

Với tỷ trọng lớn chứng khoán chính phủ trong thị trường vốn mới nổi (trên 2 lần so với quy mô trái phiếu doanh nghiệp ở Việt Nam vào giữa năm 2019), cách thức tổ chức hoạt động của Chính phủ có ảnh hưởng đến nhiều tham số như kỳ hạn, thanh khoản và rủi ro. 

Do đó, theo World Bank, bằng cách cải thiện thanh khoản trên đường cong lợi suất, Chính phủ có thể tạo ra các mốc lãi suất tham chiếu đáng tin cậy để các tổ chức phát hành khác trong khu vực doanh nghiệp sử dụng. 

"Chính phủ cũng có thể tác động đến thanh khoản trên thị trường bằng cách đảm bảo phát hành trong khả năng dự liệu sao cho các nhà đầu tư tiềm năng có thể lên kế hoạch đầu tư từ sớm. Hơn nữa, phát triển được thị trường có thanh khoản về các công cụ tự bảo hiểm rủi ro còn có thể tăng cường chiều sâu và duy trì tăng trưởng bền vững trên thị trường, vì qua đó các nhà đầu tư nước ngoài có thể quan tâm hơn đến trái phiếu trong nước", World Bank phân tích. 

Trong điều kiện Việt Nam vẫn đứng sau hầu hết các quốc gia thị trường mới nổi và quốc gia công nghiệp về phát triển thị trường vốn, nhóm nghiên cứu World Bank khuyến nghị Chính phủ cần thận trọng cân đối giữa đổi mới sáng tạo và ổn định trong thời gian tới. 

"Kinh nghiệm cho thấy phát triển nhanh các thị trường vốn có thể đẩy mạnh cơ hội huy động vốn cho nền kinh tế, nhưng cũng làm tăng rủi ro lây nhiễm. Hơn nữa, phát triển các thị trường vốn cũng có ảnh hưởng đến khu vực ngân hàng, nhất là đến các nỗ lực huy động vốn của ngân hàng", báo cáo nêu.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top