Aa

Xanh - Xu hướng tất yếu của một đô thị hạnh phúc và giàu có

An An
An An pvhongvu@gmail.com
Thứ Tư, 20/05/2020 - 05:55

Biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, dịch bệnh xuất hiện đang buộc các nhà quy hoạch, doanh nghiệp bất động sản, xây dựng xem xét nghiêm túc hơn đến việc kiến tạo không gian sống xanh trong đô thị hiện đại.

Không gian xanh là tiêu chí hàng đầu trong xây dựng đô thị

Với tốc độ tăng trưởng xây dựng nhanh thứ tư ở Đông Á, 45% người Việt Nam dự kiến sẽ sống trong các thành phố vào năm 2030. Các tòa nhà sử dụng hơn 30% tổng năng lượng tiêu thụ của cả nước. Hơn nữa, với đường bờ biển dài và thấp, Việt Nam hiện là một trong 5 quốc gia dễ bị tổn thương nhất bởi biến đổi khí hậu.

Vì vậy, việc phải đảm bảo các đô thị và thành phố phát triển bền vững là điều tất yếu. Trong đó, các tòa nhà xanh là nền tảng và là chìa khóa cho sự bền vững lâu dài của các đô thị hiện đại. Mặt khác, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, không gian xanh đem lại rất nhiều giá trị về sức khoẻ, tinh thần, vật chất và một loạt các yếu tố tích cực khác liên quan đến xã hội, môi trường… Dù đó là nhà ở, văn phòng, trường học, cửa hàng thì đều cần có các không gian xanh góp phần đảm bảo chất lượng cuộc sống tốt nhất cho tất cả mọi người.

Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, nhu cầu của người dân về không gian xanh ngày càng lớn hơn cũng tạo ra áp lực cho các đô thị mới, đặc biệt là các dự án nhà ở bình dân, giá rẻ. Đó còn chưa kể, nhiều khu đô thị xây dựng từ 10 - 20 năm trước đang trải qua sự xuống cấp và cắt xén loại bỏ không gian xanh. 

Các tòa nhà xanh là nền tảng và là chìa khóa cho sự bền vững lâu dài của các đô thị hiện đại. 

Do đó, việc cung cấp không gian xanh đầy đủ trong các khu vực đô thị là điều rất quan trọng. Hơn nữa, khi xây dựng các đô thị mới, nhà phát triển dự án cần bảo tồn, tăng cường và thúc đẩy các không gian xanh hiện có và tạo ra các không gian xanh mới.

Diện mạo của các không gian xanh trong đô thị cũng rất đa dạng và phong phú tùy thuộc vào tính chất, chức năng của chúng như công viên, cây xanh đường phố, các mảng xanh gắn với không gian mặt nước (ven sông, hồ, kênh, bờ biển,..). Không gian xanh làm tăng tính thẩm mỹ, tạo ra sự phong phú về hình khối, màu sắc cảnh quan đô thị. Hơn thế nữa, các công trình kiến trúc vốn là do con người làm ra, khi được kết hợp với cảnh quan tự nhiên, sẽ tạo nên sự hài hòa và tăng yếu tố sinh thái trong kiến trúc cảnh quan đô thị.

Một báo cáo gần đây của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã tổng kết các biện pháp làm tăng không gian xanh, từ những hàng cây trên đường phố, các vườn nhỏ đến những khoảng không lớn hơn như công viên và các vành đai xanh. 

Báo cáo cho thấy các nhà quy hoạch đô thị cần có tầm nhìn vượt ra ngoài các công viên truyền thống, nhằm đáp ứng nhu cầu về không gian xanh tại các đô thị đang phát triển. Báo cáo cho thấy việc mở rộng không gian xanh đô thị sẽ có hiệu quả nhất khi hoạt động cải tạo môi trường có sự tham gia của cộng đồng dân cư.  

Theo KTS. Nguyễn Công Hào, Công ty Kiến trúc và nội thất Viet Home, người từng phụ trách thiết kế nhiều căn hộ, công trình thuộc các dự án Vinhomes Long Biên, Royal City, FLC Sầm Sơn…, với tốc độ đô thị hóa hiện nay diện tích đất ở dần thu hẹp lượng người chuyển lên ở các chung cư cao tầng ngày càng nhiều vì thế yêu cầu thiết kế không gian xanh trong các khu đô thị, nhà cao tầng, căn hộ chung cư rất quan trọng. Nhiều người mua nhà ưu tiên chọn những nơi có không gian xanh, gần công viên, gần hồ nước… Bên cạnh đó, ngôi nhà phải có thiết kế thông minh, được tối ưu hóa về diện tích và công năng sử dụng.


Các tiêu chí của của một toà nhà cao tầng xanh

Theo chia sẻ của KTS. Hào: “Hiện nay, nhu cầu khách mua căn hộ, đặc biệt là những người trẻ đang đề cao đến các dịch vụ tiện ích của dự án, không gian sống xanh. Theo đó, chủ đầu tư đã chú ý hơn đến những thiết kế kiến trúc sao cho có công dụng thiết thực, tác động trực tiếp đến cuộc sống của người ở. Đó là chất lượng dịch vụ, hạ tầng xã hội cho cư dân, chứ không đơn thuần là một căn hộ thật đẹp. Xu hướng các dự án chung cư ra mắt gần đây và trong thời gian tới sẽ lấy tiêu chí “xanh” như một giải pháp để tăng tính cạnh tranh và thu hút khách hàng”.

KTS. Nguyễn Trung Kiên, Công ty thiết kế FTF cho hay: “Thiết kế đô thị với các dự án nhà ở hướng xanh vẫn là cách thức phát triển hiệu quả trong các năm tới. Đặc biệt, trong bối cảnh quỹ đất hạn hẹp, số lượng chung cư ngày càng nhiều và tính cạnh tranh cao. Người mua căn hộ, nhà ở có nhu cầu tìm chốn ở vừa đảm bảo sức khỏe, vừa tiện nghi và an toàn".

Trong bối cảnh hiện nay, nhu cầu của người dân về không gian xanh ngày càng lớn 

Giải pháp kiến tạo không gian xanh

Trong khi Việt Nam chưa phát triển được nhiều công trình xanh tại các thành phố thì các nhà phát triển bất động sản, chủ đầu tư đã chọn việc “xanh hóa” không gian dự án nhằm đáp ứng nhu cầu bức thiết của cư dân.

Để giải bài toán kiến tạo không gian xanh một cách bền vững nhất là khi dự án có quỹ đất hạn hẹp, rất nhiều các bài báo, nghiên cứu đã chỉ ra cách thức nhằm hướng đến mục tiêu này. 

Có thể dựa trên nguyên tắc: Tuân thủ các bản quy hoạch, chỉ tiêu diện tích không gian, mặt nước, cây xanh; Tăng cường giao thông công cộng, giảm thiểu giao thông cá nhân, khuyến khích giao thông đi bộ hoặc xe đạp; Xây dựng công trình nhà ở xanh trong đô thị, trong đó khai thác chiếu sáng và thông gió tự nhiên thay vì lạm dụng thiết bị có tiêu thụ năng lượng hóa thạch hoặc điện, sử dụng các vật liệu xây dựng thân thiện môi trường, sử dụng nhiều hơn các công nghệ xanh, thiết kế “xanh”; Tạo năng lượng sạch trong đô thị (năng lượng mặt trời, năng lượng sinh học…) xử lý nguồn nước cấp nước thải và phát triển các mô hình kinh tế xanh, kinh tế dựa vào dịch vụ đô thị thay vì kinh tế khai thác…

Đặc biệt, muốn phủ xanh đô thị cần có sự quyết tâm của các chủ dự án, doanh nghiệp bằng cách thực hiện biến công viên trên bản vẽ thành công viên, cây xanh thật, thậm chí tạo ra các không gian xanh vượt xa hơn các tiêu chí xanh đã quy định trong quy hoạch.

TS. KTS. Trương Văn Quảng, nguyên Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn Quốc gia khẳng định rằng: “Các dự án bất động sản liền kề với những khu công viên cây xanh, mặt nước, có không gian xanh rộng lớn thì giá trị về đất đai, về nhà ở sẽ tăng lên gấp nhiều lần bởi những yếu tố cảnh quan môi trường, khí hậu. Nói cách khác là dự án đó đang có một vị trí đắc địa. Tuy nhiên, chúng ta dường như đang quá ư dễ dãi trong việc chấp thuận điều chỉnh quy hoạch cho các dự án, dẫn đến việc cây xanh, mặt nước ngày càng giảm đi. Các nhà quản lý quy hoạch còn mang tư tưởng nhiệm kỳ, không có trách nhiệm với tương lai lâu dài của đô thị”.

TS. KTS. Trương Văn Quảng, nguyên Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn Quốc gia

TS. Trương Văn Quảng cho rằng, một khu đô thị xanh đáng sống thì mỗi căn hộ sẽ phải được hưởng hết các giá trị của thiên nhiên như nắng, gió và cảnh quan của khu vực. Người dân sống ở đó phải tiếp cận được với giao thông cũng như các tiện ích có chất lượng tốt. Một khu đô thị xanh không thể chỉ bản thân đô thị đó tốt mà phải có sự hài hòa với khu vực về quy hoạch chung, số tầng, về đồng bộ hạ tầng giao thông. Đặc biệt, công trình phải được xã hội tôn vinh về chất lượng không gian sống xanh trong lành, đặc biệt là được sự công nhận từ cộng đồng khi người dân sống ở đó cảm thấy hạnh phúc.

Ông Quảng chia sẻ thêm, ở các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM, quy hoạch mảng xanh hiện nay còn rất thấp, chỉ khoảng 2 - 3m2/người, trong khi tiêu chuẩn là 10 - 12m2/người. Chính sự buông lỏng quản lý của chính quyền đã dẫn đến một bức tranh về quy hoạch đô thị với không gian xanh và hạ tầng không đồng đều. Những lỗ hổng trong quy hoạch là nguyên nhân khiến diện tích mảng xanh không được tăng lên mà còn bị cắt giảm, ngày càng thiếu hụt, gây bức xúc cho cộng đồng, xã hội.

TS. Nguyễn Ngọc Hiếu, chuyên gia phát triển đô thị bền vững Đại học Việt Đức: 

Hạ tầng xanh và không gian công cộng là nền tảng làm nên giá trị cho cuộc sống đô thị. Đó là các nhu cầu giao dịch kinh tế và xã hội, nhu cầu về cân bằng tâm lý, sức khoẻ… Đây cũng là khu vực thể hiện bộ mặt và biểu tượng của xã hội văn minh, đóng góp vào sự gắn kết các tầng lớp xã hội trong một xã hội ngày càng phân cực và cũng là giá trị tài sản được sở hữu bởi cộng đồng đô thị nói chung. Xu hướng phát triển đòi hỏi không gian công cộng xanh và hạ tầng xanh cần đảm bảo cả số lượng và chất lượng để nâng cao chất lượng sống đô thị. 

Những năm gần đây, chức năng sử dụng không gian công cộng bị biến đổi như quảng trường, công viên, nhiều không gian bị cắt xén, cơ hội tiếp cận với mặt nước, đặc biệt với môi trường tự nhiên ngày càng hạn hẹp. Cũng có một số khu đô thị mới lại thành công trong việc tạo dựng và duy trì các không gian công cộng có chất lượng như Khu đô thị Phú Mỹ Hưng, Times City, Ecopark... Chủ đầu tư được hưởng giá trị tăng từ bất động sản liền kề thông qua tổ chức không gian để khai thác có chiều sâu, từ nhà ở cho đến tiện ích, dịch vụ xã hội, giải trí, thương mại. 

Các khu vực này có điểm chung là được đầu tư bởi chủ đầu tư có năng lực nhưng quan trọng hơn là họ đã xây dựng giá trị tài sản thương mại từ giá trị của không gian công cộng liền kề. Nhìn chung, hạ tầng xanh và không gian công cộng chỉ "sống tốt" khi chủ đầu tư ở lại và khai thác tốt giá trị của không gian.

Xu hướng dịch chuyển của thị trường các dự án trung và cao cấp gần đây cho thấy các chủ đầu tư có năng lực ngày càng chú ý hơn vào việc tạo dựng giá trị tài sản bên ngoài các toà nhà. Người mua nhà sẵn sàng trả giá cao hơn cho các bất động sản có không gian xanh, không gian mở quy mô lớn. 


Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top