Aa

Xây dựng 34 trạm thu phí vào trung tâm TP.HCM: Đắn đo đến tận 10 năm mà vẫn... đắn đo!

Thứ Năm, 18/07/2019 - 20:00

Có một điều rất lạ và khó hiểu là tại sao một đề xuất được đưa ra cách đây 10 năm để góp phần giải quyết sự quá tải giao thông đô thị tại các quận trung tâm TP.HCM mà cho đến nay vẫn chỉ là đề xuất?!

Theo ông Ngô Hải Đường, Trưởng phòng Quản lý khai thác hạ tầng giao thông đường bộ, Sở GTVT TP: “Đề xuất của Sở vừa gửi UBND thành phố là dựa trên nghiên cứu trước đây của Công ty CP Công nghệ Tiên Phong năm 2009. Cả 34 trạm thu phí cũng là con số trước đây. Đề xuất này là Sở xin UB chủ trương để nghiên cứu, nếu UB đồng ý, Sở mới bắt đầu nghiên cứu các phương án cụ thể”.

Ô hay, thế 10 năm đã trôi qua mà “các bác” không động chân động tay gì, không có một tiến triển gì trong tư duy và hành động, không nghiên cứu và phân tích, không biết cần hay không cần, không dự báo hậu quả và các phương án giải quyết, không có số liệu điều tra và tình huống giả định,... nay “các bác” lại vẫn y nguyên đưa lên.

Vậy UB dựa vào cái gì để đưa ra chủ trương và quyết định một lần nữa?

Rồi ông lại nói: “Dự kiến nếu được chấp thuận chủ trương, đến năm 2021 Sở sẽ nghiên cứu xong rồi mới lấy ý kiến các bên, ý kiến người dân, Trung ương… rồi đưa ra phương án giải quyết các bài toán về mặt khó khăn và thuận lợi. Lúc đó thì 34 trạm hay bao nhiêu trạm, mức phí bao nhiêu, phạm vi ảnh hưởng, giải quyết giao thông nội vùng trong khu vực thu phí như thế nào, người dân không đi ô tô thì đến đó đi bằng gì… mới được hình thành”.
Đấy, từ một cơ quan tham mưu chủ động thì Sở GTVT thành phố tự mình đã biến thành một bộ máy bị động.
Đề xuất này vốn là của Công ty CP Công nghệ Tiên Phong từ năm 2009, nay tình hình ngày càng cấp bách, “em” lấy lại và kính chuyển UB cho chủ trương thì “em” mới cho người đi nghiên cứu, nghiên cứu xong “em” lại trình UB, rồi “em” mới xin ý kiến người dân... Nếu có trục trặc gì thì “em” lại tiếp tục trình UB, “em” lại nghiên cứu tiếp...
ông Ngô Hải Đường, Trưởng phòng Quản lý khai thác hạ tầng giao thông đường bộ, Sở GTVT TP

Ông Ngô Hải Đường, Trưởng phòng Quản lý khai thác hạ tầng giao thông đường bộ, Sở GTVT TP.HCM

Theo tôi, đúng ra trong 10 năm qua, với vai trò tham mưu chủ động và với trách nhiệm chuyên ngành của mình, Sở GTVT thành phố đã phải hoàn thiện một bộ hồ sơ với những nguồn tư liệu khổng lồ, những phân tích đầy sức thuyết phục về phương án này, có thể đứng ra bảo vệ tính khả thi của chúng trước người dân và trước các nhà Lãnh đạo thành phố.

Nay đã “mất toi” 10 năm, đắn đo vẫn hoàn đắn đo, rón rén vẫn hoàn rón rén!

Thực ra, một chính quyền đô thị hoàn toàn có quyền cân nhắc lợi ích trước mắt và lợi ích lâu dài, lợi ích tổng thể và lợi ích cá biệt để đưa ra các giải pháp hạn chế sự quá tải của giao thông đô thị.

Vì thế, việc đưa ra đề xuất xây dựng 34 trạm thu phí ô tô bao quanh khu vực quận 1, 3 và giáp ranh quận 5, 10, gồm các tuyến đường: Hoàng Sa - Nguyễn Phúc Nguyên giao với Cách Mạng Tháng Tám - Ba Tháng Hai - Lê Hồng Phong - Lý Thái Tổ - Nguyễn Văn Cừ - Võ Văn Kiệt - Tôn Đức Thắng, đã gây nhiều tranh cãi trong những ngày gần đây.

Ý kiến không đồng tình thường cho rằng cách làm này sẽ không khắc phục được ùn tắc giao thông vì người cần vào trung tâm thành phố thì có tốn tiền phí họ vẫn vào, thậm chí còn có thể gây thêm 34 điểm ùn tắc tại các trạm thu phí.

Ý kiến khác lại lo lắng rằng, các xe sẽ luồn lách vào các ngõ, hẻm để tránh thu phí và gây nên các điểm ùn tắc khác. Lại có người cho rằng việc tăng thêm một loại phí nữa trong cuộc sống thường ngày của người dân thì có nên chăng...

Riêng cá nhân tôi thì ủng hộ đề xuất này và coi đây chỉ là một trong nhiều biện pháp hỗ trợ giảm tải giao thông trong khu vực trung tâm, bởi những băn khoăn nêu trên không khó khắc phục. Cùng với đó, một số nước đã áp dụng và đã thành công.

Chỉ mong muốn rằng, tất cả khoản thu phí này đều được xử lý minh bạch, dành để phục vụ lại lợi ích giao thông công cộng mà đông đảo người dân hy vọng và mỗi lần nộp phí, người dân có quyền tự hào rằng đã góp một phần nho nhỏ để khắc phục một căn bệnh nan giải của thành phố hiện nay.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top