Aa

Xây Tháp Thái Bình - Nghĩ về tư duy văn hóa

Thứ Năm, 18/05/2017 - 13:31

Vậy kiến trúc Tháp Thái Bình là loại hình kiến trúc gì? Đây là điều cần suy nghĩ. Nhìn qua hình vẽ 3D, có thể dễ dàng nhận thấy chủ ý của tác giả là khai thác hình tượng tháp chùa Việt vào công trình này.

1. Mới đây, trả lời báo chí về việc Tỉnh Thái Bình quyết định xây dựng Tháp Biểu tượng với vốn đầu tư gân 300 tỷ bằng nguồn xã hội hóa (?!), Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình Nguyễn Hồng Diên đã khẳng định, việc Thái Bình xây dựng Tháp không phải để chơi?!... mà đây là công trình trọng điểm có ý nghĩa điểm nhấn về kiến trúc, cảnh quan… Đây chắc chắn sẽ là công trình tiêu biểu của Tỉnh. Dự án đang hoàn tất thủ tục để khởi công vào quý 3 năm nay.

Như vậy đã rõ, Tháp Thái Bình sẽ được xây dựng bằng quyết tâm chính trị của các nhà Lãnh đạo Tỉnh. Nhưng liệu khi công trình hoành tráng này xây dựng xong đưa vào sử dụng nó có đáp ứng được mục tiêu đề ra như  lời ông Chủ tịch?

Hình ảnh thiết kế của Tháp Thái Bình.

Hình ảnh thiết kế của Tháp Thái Bình.

Với góc nhìn của một KTS, tôi không đi sâu vào phân tích chuyên môn, bởi tôi chưa được may mắn tiếp cận với hồ sơ thiết kế, được trao đổi với tác giả đồ án, tất cả chỉ được xem qua hình vẽ và thông tin về Tháp này trên báo chí, vì vậy chỉ có thể bàn đôi điều dưới góc nhìn văn hóa về kiến trúc Tháp Thái Bình.

Trong lịch sử kiến trúc nhân loại, ngoài các kim tự tháp khổng lồ, thì kiến trúc tháp đã có từ hàng ngàn năm nay. Ban đầu là một loại hình của kiến trúc Phật giáo nguyên thủy, bắt nguồn từ các Stupa, vốn là mộ táng dành cho các tu sỹ khổ hạnh ở Ấn Độ cổ đại. Về sau, khi Phật giáo phát triển bắt đầu từ thế kỷ I, kiến trúc Tháp được biến thể từ hình vòm bán cầu sang chiều cao gồm nhiều tầng (có mái hoặc không có mái), là nơi thờ xá lỵ của Đức Phật Thích Ca Mau Ni, các vị Đại đệ tử, các Thánh nhân của Phật giáo.

Dù có nhiều tên gọi khác nhau, như Việt Nam gọi là Tháp. Nepal: Chaitya. Tây Tạng: Chortel. Siri Lanka:Dagota.Thailand: Chedi… thì Tháp vẫn là công trình tưởng niệm của Phật giáo. Sau này, theo trào lưu Kiến trúc Hiện đại, các công trình kiến trúc dạng Tháp được các nhà kiến trúc thế giới sáng tạo nên những tòa nhà chọc trời ở Mỹ, Tháp Eiffel cao 300m ở Paris (Pháp), một tuyệt phẩm của kiến trúc thép vào thế kỷ 19. Trong thế kỷ 20 và những thập niên đầu  của  thế kỷ 21, kiến trúc nhà tháp càng nở rộ, thể hiện sự phát triển như vũ bão của khoa học công nghệ xây dựng và vật liệu mới cũng như tài năng sáng tạo tuyệt vời của KTS. Đó là, tòa tháp đôi Petronas cao 413 m ở Kuala Lumburg (Malaysia), Shanghai Tower (632m) ở Thượng Hải-Trung Quốc, Lakhta Center (462m) ở St Peterspurg-Nga… hay công trình Cayan Tower (360m) ở Dubai-Các Tiểu Vương quốc Ả Rập thống nhất có thể xoay 90 độ.v.v… cùng  rất nhiều công trình dạng tháp độc đáo được xây dựng ở nhiều nước trên thế giới.

Tại Việt Nam những năm đầu của thế kỷ 21 cũng xuất hiện một số nhà dạng tháp như công trình Keangnam  Hanoi (362m), tòa nhà Lotte Center (265m) ở Hà Nội, tòa nhà Bitexco (262m) ở TP Hồ Chí Minh… Tất cả các kiến trúc tháp hiện đại đều sử dụng công nghệ kết cấu và vật liệu mới như thép, bê tông nhẹ, kim loại dẻo, kính cường lực… với khẩu độ lớn, áp dụng kỹ thuật thi công tiên tiến, trở thành điểm nhấn, biểu tượng của kiến trúc và văn hóa đô thị. Thậm chí còn trở thành biểu tượng của quốc gia như tòa tháp đôi Petronas ở Malaysia, Tháp Eiffel ở Pháp.

Kiến trúc tuyệt đẹp của tháp Eiffel nổi tiếng của Pháp

Kiến trúc tuyệt đẹp của Tháp Eiffel nổi tiếng của Pháp

2. Vậy kiến trúc Tháp Thái Bình là loại hình kiến trúc gì? Đây là điều cần suy nghĩ. Nhìn qua hình vẽ 3D, có thể dễ dàng nhận thấy chủ ý của tác giả là khai thác hình tượng tháp chùa Việt vào công trình này. Một phần đế hình vuông 5  tầng đỡ 19 tầng và đỉnh  tháp. Các tầng tháp có kiến trúc thượng thu, hạ thách và kết thúc là tầng đỉnh hình tròn. Theo thuyết minh đồ án, thì các tầng có chức năng  riêng biệt. Như từ tầng 1 đến tầng 7 là dịch vụ thương mại; từ tầng 8 đến tầng 12 là không gian trưng bày triển lãm, từ tầng 13 đến tầng 19 là dịch vụ văn hóa-du lịch, tầng 20 là tầng kỹ thuật, tầng 21 và tầng 22 là tháp chuông thông tầng kết hợp tham quan, ngắm cảnh, tầng 23 đến tầng 25 đỉnh tháp là không gian trưng bày và phục vụ văn hóa.

Tuy nhiên, việc khai thác kiến trúc tháp chùa truyền thống cho một công trình có tính biểu tượng hiện đại với nội dung sử dụng đa năng (thương mại, dịch vụ, du lịch, bảo tàng, văn hóa…) đã không thành công, tạo nên sự chắp vá rất khập khiễng các loại hình kiến trúc, như phần đế (có phong cách kiến trúc hiện đại), thì phần thân tháp lại có kiến trúc nhại cổ. Hình thức kiến trúc không phản ánh được công năng sử dụng là điều tối kỵ trong kiến trúc. Thêm nữa, việc đưa tháp chuông (chỉ dùng trong công trình tôn giáo, nghi lễ) vào một công trình đa năng là khó chấp nhận.

Kiến trúc là văn hóa, là tấm gương trung thực phản ánh thời đại. Vì vậy, tháp Thái Bình phải đáp ứng được yêu cầu đó. Và đó cũng là trách nhiệm của chủ đầu tư, của  tác giả đồ án trước xã hội và nhân dân Thái Bình.  

Bảo tháp lục độ đài sen ở chùa Trấn Quốc

Bảo tháp lục độ đài sen ở chùa Trấn Quốc

3. Ngày hôm nay, Thái Bình còn chưa phát triển bằng nhiều tỉnh thành trong cả nước, nhưng so với cái thời chiến tranh gian khó thì Thái Bình sau 30 năm đổi mới đã thực sự khởi sắc trên con đường CNH, HĐH. Đời sống người dân đã được cải thiện và từng bước nâng cao. Dẫu còn nhiều khó khăn, nhưng Thái Bình cũng đang quyết tâm với khát vọng lớn vươn về phía trước, đồng hành cùng cả nước trong thời kỳ phát triển mới. Vì vậy, theo tôi, kiến trúc Tháp Thái Bình phải thể hiện được sự khát vọng đó, kiến trúc phải hiện đại, phải phản ánh cái mới, chứ không phải là sao chép, hay áp đặt khiên cưỡng kiến trúc nào đó cho dù khoác cái vỏ “truyền thống”.  Một công trình dù cao bao nhiêu, lớn bao nhiêu, hoành tráng bao nhiêu, vốn đầu tư bao nhiêu… nhưng không phản ánh được sự phát triển, không có bản sắc văn hóa của nơi sinh ra nó, thì đó chỉ là điểm nhấn hình học bằng bê tông gạch đá vô hồn và lãng phí!

Thái Bình là mảnh đất giàu truyền thống cách mạng và văn hóa. Đây là nơi đã khởi nguồn của phong trào nông nghiệp 5 tấn/ha ở miền Bắc những năm đánh Mỹ. Thái Bình cũng nổi tiếng với di sản đình, chùa miếu mà chùa Keo Thái Bình là ví dụ. Xây dựng Tháp Biểu tượng hay điểm nhấn thì càng phải thể hiện được khát vọng và ý chí của nhân dân Thái Bình trong thế kỷ 21. Và nó càng có ý nghĩa hơn khi công trình được đầu tư xây dựng bằng sự đóng góp tình nguyện của những người con Thái Bình trên mọi miền của Tổ quốc và ở nước ngoài. Sử dụng một số tiền lớn 300 tỷ dù là tiền xã hội hóa thì cũng là của dân, mà không mang lại hiệu quả về văn hóa sẽ là một sai lầm đáng tiếc!

Trước khi khép lại bài viết nhỏ này, tôi lại thảng thốt đến xót xa khi biết ở nơi này, nơi kia người ta cũng đang say sưa với những dự án tượng đài, biểu tượng, “cổng”… có quy mô to, cao, hoành tráng với nguồn đầu tư cũng hàng trăm rồi đến cả ngàn tỷ đồng mà không biết có đem lại lợi ích gì cho nhân dân, cho nền văn hóa dân tộc. Không biết cái bệnh “sỹ” này sẽ còn lây lan và kéo dài bao lâu trong khi ngân khố nhà nước và của dân chẳng mấy dư dả gì.

Và Tháp Thái Bình liệu có là như thế?!

                                          (Hà Nội, gần ngày sinh của Bác, tháng 5/2017)

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top