Aa

Xét xử trở lại Hà Văn Thắm và đồng phạm trong vụ "đại án ở ngân hàng Oceanbank"

Thứ Hai, 28/08/2017 - 10:18

Sau gần nửa năm bị tạm hoãn để điều tra bổ sung, phiên tòa xét xử Hà Văn Thắm và đồng phạm được TAND Hà Nội xét xử trở lại từ hôm nay, 28/08/2017. Gần 730 người và pháp nhân liên quan sai phạm của cựu chủ tịch HĐQT OceanBank Hà Văn Thắm được triệu tập đến tòa.

Hôm nay, TAND Hà Nội mở phiên sơ thẩm xét xử vụ án sai phạm xảy ra tại Ngân hàng TMCP Đại Dương - OceanBank do thẩm phán Trần Nam Hà làm chủ tọa.

Ngoài ông Hà Văn Thắm (cựu chủ tịch HĐQT OceanBank) còn có 50 bị cáo khác, đa phần là cấp dưới của ông Thắm. Nữ đại gia Hứa Thị Phấn đại diện nhóm cổ đông lớn của ngân hàng Đại Tín - TrustBank cùng hai cựu lãnh đạo OceanBank xin được xử vắng mặt do sức khỏe.

Tòa triệu tập gần 730 người, pháp nhân có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan. Hơn 50 luật sư đăng ký bảo vệ cho các bị cáo, cá nhân và pháp nhân tham gia phiên tòa. Ông Thắm mời hai luật sư bào chữa. Cựu tổng giám đốc OceanBank Nguyễn Xuân Sơn có 4 luật sư bảo vệ.

mo-lai-phien-xu-dai-an-tham-nhung-xay-ra-tai-oceanbank

Ông Hà Văn Thắm (bên phải) tại phiên sơ thẩm mở cuối tháng 2.

Vụ đại án OceanBank từng được đưa ra xét xử cuối tháng 2 vừa qua. Tuy nhiên, sau gần 10 ngày thẩm vấn, tòa đã trả hồ sơ điều tra bổ sung để làm rõ hành vi liên quan của các cá nhân.

Bị truy tố bổ sung, bà Hứa Thị Phấn và ông Phạm Công Danh (cựu chủ tịch tập đoàn Thiên Thanh) được xác định đồng phạm với ông Hà Văn Thắm về tội Vi phạm quy định cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng. BàHoàng Thị Hồng Tứ (nguyên chủ tịch HĐQT công ty BSC) và Trần Văn Bình (giám đốc công ty Trung Dung) bị khởi tố về tội Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản.

Theo cáo trạng mới, ngoài tội Tham ô tài sản, Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản (tội danh cũ là lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ), Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng cùng với ông Nguyễn Xuân Sơn, ông Thắm còn bị truy tố tội Vi phạm quy định cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.

Theo cáo buộc, tháng 11/2012, ông Thắm đã chỉ đạo Nguyễn Văn Hoàn (phó tổng giám đốc OceanBank) cho Phạm Công Danh vay 500 tỷ đông thông qua công ty Trung Dung không có tài sản đảm bảo, khách sử dụng vốn không đúng mục đích. Hành vi này trái với quy định của Ngân hàng Nhà nước về quy chế cho vay, quy trình và thủ tục khiến OceanBank thiệt hại hơn 500 tỷ đồng (cả gốc lẫn lãi).

Từ năm 2010 đến năm 2014, dưới sự chỉ đạo của cựu Chủ tịch HĐQT và cựu TGĐ Oceanbank Nguyễn Thị Minh Thu, ngân hàng này đã chi trả lãi suất ngoài hợp đồng tiền gửi cho hàng trăm cá nhân, tổ chức gửi tiền.

Trong tổng số tiền gần 1.600 tỷ đồng chi trả trái quy định pháp luật, ông Sơn bị cáo buộc chiếm đoạt hơn 246 tỷ đồng. Trong đó, có hơn 49 tỷ đồng được xác định là số tiền ông Sơn tham ô. Số tiền còn lại là hơn 197 tỷ đồng, cáo trạng mới quy kết Nguyễn Xuân Sơn đã lạm dụng chức vụ, quyền hạn để chiếm đoạt.

Cáo trạng xác định, trong tổng số tiền chi lãi ngoài là hơn 1.300 tỷ động. Số tiền này được xác định có tới hơn 700 cá nhân và pháp nhân từng gửi tiền vào OceanBank được hưởng lợi không chính đáng.

Một loạt bị cáo đã tự bào chữa cho mình

Trước khi phiên tòa phải tạm hoãn vào ngày 08/03/2017, một loạt bị cáo đã tự bào chữa cho mình khi cho rằng việc họ bị truy tố về hành vi chi lãi ngoài là không thỏa đáng.

Bị cáo Nguyễn Thị Nga, nguyên Kế toán trưởng Oceanbank, cho rằng bản thân vẫn chưa hiểu được vì sao cáo trạng của Viện KSND Tối cao khẳng định bà có vai trò đồng phạm giúp sức cho Hà Văn Thắm và Nguyễn Minh Thu (nguyên TGĐ OceanBank) trong việc chi lãi ngoài của OceanBank.

“Tôi khẳng định tôi không sai về nghiệp vụ kế toán và sẽ đối chất với cơ quan thẩm quyền chuyên môn về con số 1.576 tỷ đồng. Tôi yêu cầu xem xét kỹ lại vì kết luận của cáo trạng chỉ trình bày một cách chung chung. Nếu để xét hình sự, cần phải đi đến cùng vấn đề, phải đi đến cùng sự việc chứ không thể chung chung rồi quy kết. Vì nhìn nhận góc độ kế toán sẽ thấy đặc thù ở Oceanbank rất lạ và đáng ra phải ghi nhận, đó là không giống như các ngân hàng khác, nhiệm vụ kế toán hoạt động độc lập với các cơ quan khác trong ngân hàng. Ở đây kế toán không giúp sức cho các anh lãnh đạo. Cáo trạng cho rằng chúng tôi giúp sức là không đúng. Chúng tôi chỉ làm việc đúng chuyên môn, nếu chúng tôi cố tình che giấu thì Cơ quan điều tra đã lấy được bằng chứng ở chỗ chúng tôi”, nguyên Kế toán trưởng OceanBank trả lời Luật sư bào chữa cho mình trong ngày phiên tòa phải tạm hoãn theo yêu cầu của đại diện Viện Kiểm sát Nhân dân thành phố Hà Nội giữ quyền công tố tại phiên tòa.

Bị cáo Nguyễn Thị Nga.

Bị cáo Nguyễn Thị Nga.

Bà Nga cho rằng đây cũng chính là băn khoăn của mình bởi công tác kế toán trong được độc lập về chuyên môn, không liên quan các hoạt động kinh doanh ngoài số liệu. Về liên đới trách nhiệm đối với khoản tiền 1.576 tỷ đồng chi lãi ngoài của OceanBank, bà Nga nói:

“Bị cáo không hiểu được, đang xét ở góc độ chi, chưa có kết quả thì tại làm sao phải có trách nhiệm?”.

Cũng theo bà Nga, thời điểm đó nếu không chi lãi ngoài chắc chắn ngân hàng sẽ đổ vỡ, khi đó sẽ không chỉ ảnh hưởng đến hơn 2.000 người lao động mà còn ảnh hưởng đến an ninh tài chính nói chung.

“Nếu không chi lãi ngoài để huy động vốn, chắc chắn sẽ vỡ ngân hàng, gây ảnh hưởng đến an ninh tài chính nói chung. Bản thân NHNN khi đó còn đang rất lúng túng trong chính sách điều hành, việc ra Thông tư 02 đã nói lên điều đó. HĐXX nên có cái nhìn tổng thể để thấu hiểu được việc các bị cáo phải đứng tại đây,” bà Nga khẳng định.

Theo bà Nga, với vai trò Kế toán trưởng ngân hàng, bản thân bà Nga đã nhiều lần báo cáo với Phó TGĐ Lê Thị Thu Thủy về số dư tạm ứng lâu ngày chưa được hoàn ứng, đồng thời yêu cầu bà Thủy báo cáo Chủ tịch Hà Văn Thắm và yêu cầu sớm hòa ứng để đảm bảo công tác kế toán.

Cũng trong ngày hôm đó, bị cáo Lê Thị Thu Thủy, nguyên Phó TGĐ OceanBank phụ trách kế toán giai đoạn 2008-2015, cho biết mặc dù bản thân là Phó TGĐ nhưng bà chỉ được quyền phê duyệt tối đa 50 triệu đồng/khoản chi, đồng thời chỉ liên quan đến quy trình và chi tiền ra, chứ không trực tiếp đưa tiền cho khách hàng. Trường hợp khoản chi lớn hơn 50 triệu đồng sẽ chuyển lên cho cấp trên ký duyệt. Tuy nhiên, bị cáo Thủy cho rằng chỉ là ký liên quan đến quy trình ra, chứ không phải ký duyệt khoản chi.

Dự kiến phiên sơ thẩm diễn ra trong 20 ngày.

Chủ đề bạn có thể quan tâm

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top