Aa

Xin đừng gạt giấc mơ bay của tôi "xuống đất"

Thứ Tư, 05/04/2017 - 06:56

Trung tuần tháng 3 vừa qua, Vụ Vận tải (Bộ GTVT) đã tổ chức họp lấy ý kiến các hãng hàng không về Dự thảo Quyết định khung giá dịch vụ vận chuyển hàng không hạng vé phổ thông cơ bản trên các đường bay nội địa để thay thế quyết định 3282/QĐ-BTC ngày 19/12/2014. Ngay lập tức, hãng hàng không giá rẻ Jetstar Pacific đã "hăm hở" tham gia ý kiến bằng việc đệ trình lên cơ quan chức năng văn bản đề nghị áp giá sàn đối với giá vé máy bay nội địa.

Đầu tiên, nhiều người khá bất ngờ bởi dù sao, Jetstar cũng đang được coi là hãng hàng không giá rẻ. Đã là giá rẻ, thiết nghĩ, phải làm sao để giá thành ngày càng hạ, càng thu hút khách hàng, mà vẫn thu được lợi nhuận cho hãng càng tốt, tại sao phải áp giá sàn làm gì?

Lý giải cho hành động có vẻ "ngược đời" của mình, Jetstar đưa ra các lập luận mà càng đọc, có lẽ càng thấy... buồn cười hơn. Đầu tiên, hãng này đề xuất xác định mức giá sàn bằng cách lấy chi phí trực tiếp của chuyến bay để làm căn cứ xây dựng quy định giá sàn. Chi phí này gồm: chi phí thuê, quỹ đại tu, thuê kho vật tư khí tài, chi phí nhân công trực tiếp, chi phí phục vụ chuyến bay, chi phí bảo hiểm… Và họ dự kiến giá sàn cho 5 nhóm đường bay dao động từ 29% đến 34% giá trần.

Chỉ cần nghe cách tính chi phí để đưa ra mức giá sàn đã thấy Jetstar nực cười ở chỗ, hiện tại, lĩnh vực vận chuyển hàng không là ngành dịch vụ, hoạt động theo quy luật thị trường. Vì vậy, chi phí trực tiếp của các đơn vị hoàn toàn khác nhau, và đây cũng chính là điểm để gây ra lợi thế của các hãng khi cạnh tranh. Vậy mà Jetstar đưa ra mức chi phí của riêng mình, để muốn "áp" cho các đơn vị khác, như vậy có phải cạnh tranh lành mạnh không?

Giá sàn sẽ làm thiệt hại cho khách hàng và doanh nghiệp.

Giá sàn sẽ làm mất quyền lợi của khách hàng.

Một lý do mà Jetstar đưa ra để thuyết phục cơ quan chức năng đó là họ so sánh, giá vé vận chuyển hàng không có nhiều mức giá thấp hơn mức giá vé đường sắt, đường bộ và có thể đã tạo ra sự phát triển mất cân đối giữa ngành hàng không và các ngành vận tải đường bộ, đường sắt? Đây đúng là một cách nghĩ thuần túy kiểu "lo bò trắng răng"! Nếu sợ mất cân đối giữa các ngành vận tải, vậy Jetstar tham gia hàng không giá rẻ làm gì? Và phải chăng vì lo cho sự mất cân bằng ấy mà họ tự "lấy gạch ghè chân mình" bằng cách tăng giá vé để hạn chế bớt khách của mình lại?

Chính họ đang là một trong những nguyên nhân thực sự gây ra sự mất cân bằng, tại sao mấy năm gần đây họ liên tục thua lỗ và số nợ ngày càng tăng lên? Gom tất cả các lập luận này lại, có thể suy ra một cách logic rằng, có lẽ Jetstar muốn tăng giá sàn vì thực tế do họ đang yếu kém trong quản lý, đầu tư không đến nơi đến chốn do đó muốn tăng giá sàn chính là để "gỡ gạc" lại, thay vì phải thay đổi để bứt phá, vươn lên.

Những tưởng chỉ có Jetstar đang bị "hụt hơi" trong cuộc chạy đua giành thị phần hành khách mới đưa ra cái đề xuất ngược đời ấy. Nào ngờ sau đó, báo chí lại tiếp tục đưa tin khiến đông đảo hành khách giật mình: Người "anh cả" của dịch vụ vận chuyển hàng không trong nước là Vietnam Airline cũng tỏ ra ko biết ngại ngùng khi đưa ra đề nghị tương tự. Hãng hàng không quốc gia còn "táo bạo" hơn khi đề xuất áp dụng giá sàn và đưa ra mức thấp nhất cho vé máy bay nội địa là 1,54 triệu/lượt vé. Đây là mức giá vé cao hơn hầu hết giá vé của hãng hàng không giá rẻ Vietjet Air.

Họ cho biết hiện đang áp dụng 13 dải giá vé máy bay khác nhau cho mỗi đường bay nội địa, bao gồm 2 dải cho hạng thương gia và 11 dải cho hạng phổ thông với những điều kiện áp dụng khác nhau. Việc duy trì dải giá rộng kết hợp với việc mở bán linh hoạt các mức giá được hãng lý giải nhằm tối ưu hoá doanh thu, giúp doanh thu trung bình trên khách mạng nội địa vẫn cao hơn chi phí bình quân. Sở dĩ họ đề xuất mức giá sàn vì giá nhiên liệu và tỷ giá USD đang có chiều hướng tăng, khiến cho mức phí bình quân trên mỗi ghế cung ứng cao hơn thời điểm tháng 9/2015.

Chưa kể, Vietnam Airlines đã triển khai đầu tư đội tàu bay mới A350/B787 hiện đại, cùng với việc đầu tư nâng cao chất lượng dịch vụ đạt tiêu chuẩn 4 sao và dự kiến triển khai khoang dịch vụ phổ thông đặc biệt. Nói như vậy, chẳng cần úp mở gì cũng có thể hiểu, cách tính giá sàn của Vietnam Airline sẽ cao hơn mức giá hiện nay. Và họ sợ một mình tăng sẽ gây ra tâm lý không tốt từ phía khách hàng nên muốn đề xuất áp giá sàn chung để đưa tất cả đối thủ cạnh tranh chịu chung "hoàn cảnh".

Đây là kiểu tư duy nặng về bao cấp, kiểu làm ăn "có hội có phường". Cũng giống Jetstar, Vietnam Airline kể ra cách tính toán của mình, để rồi cho rằng cần phải thống nhất cách tính toán ấy cho tất cả các hãng. Cách nghĩ này là một kiểu triệt tiêu sự linh hoạt, sáng tạo bởi tư duy áp đặt, chủ quan, cũ kỹ.

Nếu chỉ so sánh giữa các hãng hàng không trong nước, giá vé của Vietnam Airline hiện nay đang ở mức cao hơn hẳn. Nhìn mức lương, thu nhập của cán bộ, nhân viên, đủ thấy, Vietnam Airline hiện nay vẫn đang là ước mơ được làm việc của biết bao người, dù thực tế, họ đang bị Vietjet Air "phả hơi vào gáy". Nhưng, thiết nghĩ, mỗi hãng có một đối tượng khách hàng riêng, và Vietnam Airline nên tập trung vào thế mạnh của mình, đó là phục vụ hành khách hạng sang, không nên lấn sân hoặc gây áp lực lên các hãng hàng không giá rẻ bằng sự cạnh tranh kiểu đề nghị bằng văn bản đầy lạc hậu, cổ điển ấy.

Chưa bàn đến các điều luật, chỉ xét trong cách vận hành chung của nền kinh tế thị trường, trong bối cảnh toàn cầu hóa, đã thấy những đề xuất từ những "con cưng" của Bộ GTVT sặc mùi bao cấp và ban phát như thế nào. Đây là thời của cạnh tranh lành mạnh, và nếu hiểu một cách đơn giản, chỉ cần kinh doanh đúng luật, bảo đảm an toàn, mọi doanh nghiệp đều bình đẳng như nhau. Cả doanh nghiệp nhà nước, cổ phần, liên doanh hay tư nhân cũng vậy.

Đơn vị nào chất lượng tốt, giá rẻ, phục vụ chuẩn thì sẽ được khách hàng lựa chọn. Người dân giờ được quyền lựa chọn dịch vụ, thay vì chờ vào sự ban phát của các doanh nghiệp như trước. Không hiểu sao điều đơn giản ấy Jetstar rồi cả "anh lớn" như Vietnam Airline lại không biết? Hay họ tự cho mình là "thế lực lớn" nên muốn đưa ra đề xuất gì cũng được, bất chấp quyền lợi của khách hàng, miễn là có lợi cho mình?

Có một tín hiệu vui đó là ngay từ đầu, Vietjet Air đã không nhất trí với các đề xuất trên. Họ mong được cạnh tranh tự do, lành mạnh, tử tế, với quan điểm cả hãng và khách hàng đều có lợi. Cũng phải nói nhờ có Vietjet mà đông đảo người dân Việt đã được thụ hưởng 1 nền dịch vụ vận chuyển hàng không hiện đại, văn minh, tiện lợi, hợp túi tiền. Nếu chẳng may, họ cũng bị gây áp lực hoặc từ bỏ quyền lợi khách hàng, bắt tay cùng các hãng lớn kia, chắc chắn, những thiệt thòi sẽ đổ hết  lên đầu khách hàng gánh chịu. Khi đó, giấc mơ của đông đảo người dân có mức thu nhập trung bình là được bay trên trời sẽ lập tức bị những tư duy lạc hậu, trịch thượng kia thẳng tay gạt rơi xuống đất!!!

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top