Aa

Xu hướng giảm dần các vật liệu gây hại môi trường trong xây dựng

An Vũ
An Vũ pvhongvu@gmail.com
Thứ Hai, 01/01/2018 - 06:18

Nhiều năm trở lại đây, các nước trên thế giới luôn ủng hộ và tạo điều kiện thuận lợi cho nhà sản xuất những loại vật liệu mới thân thiện môi trường. Tại Việt Nam, xu thế phát triển vật liệu xanh cũng là tất yếu với kỳ vọng ngành bất động sản sẽ có thêm nhiều Công trình Xanh.

Giảm dần vật liệu gây hại môi trường

Một công trình xây dựng luôn cần nhiều vật liệu khác nhau từ gỗ, đất, gạch, bê tông, thép, kính hoặc những chất dẻo khác. Ngoài những vật liệu đổ móng được chôn sâu, còn lại phần lớn là các vật liệu xây lên công trình đều được thấy hàng ngày. Những dạng vật liệu này tính từ ống dẫn nước, kính cửa sổ tới những mảnh nhỏ như bản lề, đèn chiếu sáng… Điều đó có nghĩa là khi chọn vật liệu xây dựng cho Công trình Xanh cần phải cân nhắc chuyện tổn thất môi trường.

Và khi một công trình được hoàn thiện thì vật liệu trang trí bắt đầu đóng góp vào sự hoàn thiện của ngôi nhà. Đây lại là loại vật liệu thường xuyên được thay thế. Chính vì vậy, việc chọn những vật liệu hạn chế hóa chất độc hại sẽ giúp môi trường ở, sinh hoạt, làm việc trở nên trong lành hơn.

Điển hình, trong một vài trường hợp nếu chúng ta kết hợp vật liệu gỗ trong trang trí và xây dựng sẽ giúp hấp thu những chất độc từ không khí và điều tiết nhiệt độ và độ ẩm. Các vật liệu bằng gỗ có thể dễ dàng sửa chữa, được tái chế hoặc khi đốt bỏ cũng không gây hại môi trường. Chúng ta sử dụng hàng ngàn vật liệu trong một công trình hiện đại, nhưng cần phải tuân theo một nguyên tắc chung là càng gần gũi với cuộc sống, càng thích hợp hơn.

Gạch xây không nung là xu hướng lựa chọn của các nhà đầu tư Công trình Xanh Việt Nam

Gạch xây không nung là xu hướng lựa chọn của các nhà đầu tư Công trình Xanh Việt Nam.

Thời của vật liệu xanh

Với nhu cầu sử dụng vật liệu xây dựng đang rất lớn, đáp ứng theo tốc độ đô thị hóa nhanh, Bộ Xây dựng cũng đưa ra nhiều giải pháp để khuyến khích các thành phố lớn đẩy mạnh sử dụng gạch không nung thay thế gạch đất sét nung như gạch xi măng - cốt liệu, gạch từ bê tông khí chưng áp, gạch từ bê tông bọt, tấm panel từ bê tông khí chưng áp, tấm tường thạch cao... Các sản phẩm này vừa giúp bảo vệ môi trường, vừa hạn chế khai thác cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên.

Đối với các công trình xây dựng nếu sử dụng vật liệu xây không nung (VLXKN) sẽ hạn chế được việc khai thác đất sét từ đất nông nghiệp. Bên cạnh đó còn có thể tận dụng nhiều loại phế thải công nghiệp để sản xuất vật liệu giúp tiết kiệm nhiên liệu nung, bảo vệ môi trường, tiết kiệm tài nguyên và tiết kiệm được thời gian thi công cho các công trình.

Mới đây, tại hội thảo "Vật liệu xây không nung - vật liệu xanh cho các Công trình Xanh” do Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam tổ chức, ThS. Phạm Văn Bắc - Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng cho hay, các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân đã tích cực hưởng ứng chủ trương của Chính phủ, chủ động tìm hiểu công nghệ, đầu tư sản xuất, cung cấp cho thị trường nhiều sản phẩm Vật liệu không nung (VLXKN) đạt chất lượng, từng bước đa dạng hóa sản phẩm.

Đến nay, Công ty Gạch Khang Minh (Hà Nam) đã đầu tư 6 dây chuyền sản xuất gạch bê tông với tổng công suất 270 triệu viên QTC/năm, Công ty Gạch khối Tân Kỷ Nguyên cũng đã đầu tư 2 dây chuyền sản xuất gạch bê tông khí chưng áp. Một số công trình đã sử dụng 80-100% VLXKN như Dự án khu nhà ở xã hội Ecohome, Dự án nhà ở thương mại tại ngõ 102 Trường Chinh - Hà Nội.

Sau 6 năm thực hiện Chương trình VLXKN, tổng công suất thiết kế của 3 loại sản phẩm chính đến năm 2016 đạt khoảng 7 tỷ viên QTC/năm, sản xuất đạt 6,5 tỷ viên, chiếm khoảng 24% so với tổng sản lượng vật liệu xây dựng năm 2016. Với sản lượng trên thì hàng năm chúng ta tiết kiệm được 9,5 triệu m3 đất sét (tương đương 450 ha đất khai thác ở độ sâu 2 m), 940 nghìn tấn than và giảm thải ra môi trường 3,6 triệu tấn CO2.

Khi ứng dụng VLXKN vào các công trình xây dựng có tác động rất lớn đến vấn đề hạn chế biến đổi khí hậu. Trong tương lai, sử dụng vật liệu xây dựng không nung, vật liệu thân thiện môi trường cho Công trình Xanh chính là xu hướng tất yếu của các đô thị hiện đại.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top