Aa

Xuất hiện tín hiệu kích thích tiền tệ, tín dụng có thể đi vào BĐS

Thứ Hai, 19/06/2017 - 06:33

Nếu nới lỏng chính sách tiền tệ, tín dụng có thể đi vào BĐS và thúc đẩy các ngành sản xuất vật liệu xây dựng. Tuy nhiên đây là một lựa chọn đầy rủi ro.

Chỉ số sản xuất công nghiệp quý II có thể không cải thiện

Thời gian qua, mặc dù khai khoáng là ngành kéo lùi tăng trưởng chung nhưng nếu chỉ tập trung vào việc tăng khai thác dầu khí, sẽ không thấy và giải quyết được vấn đề căn bản đang tồn tại trong ngành công nghiệp chế biến chế tạo.

Trong ngành chế biến chế tạo, Sản xuất kim loại và Sản xuất xe có động cơ là 2 nhóm có tăng trưởng cao, là nhân tố thúc đẩy tăng trưởng chung nhưng hiện đang có dấu hiệu chậm lại rõ rệt. 

Cụ thể, sản xuất kim loại, ngành vốn dĩ từng có tăng trưởng rất cao và đóng góp chính cho đà tăng của toàn ngành công nghiệp đã giảm tốc mạnh từ 42,9% xuống 7,6%. Trong báo cáo tháng 4 đã cảnh báo về mức tồn kho cao của ngành này. Sang tháng 5, chỉ số tồn kho ngành sản xuất kim loại tiếp tục tăng lên 82,4% (cùng kỳ giảm -5,4%). Tồn kho cao chắc chắn sẽ làm tăng trưởng của ngành giảm sút, kéo giảm chỉ số công nghiệp nói chung trong những tháng tới.

Sản xuất xe có động cơ cũng giảm từ 7,5% xuống 1% với chỉ số tồn kho tháng 4 lên tới 158,9%. Chỉ số tồn kho của ngành Sản xuất xe có động đang có xu hướng tăng trong khi chỉ số sản xuất giảm cho thấy 2 vấn đề, một là sức cầu tiêu thụ sản phẩm và hai là sức ép cạnh tranh của hàng nhập khẩu.

Theo số liệu thống kê của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), trong 5 tháng đầu năm 2017, số xe sản xuất trong nước giảm 4% theo năm, trong khi số xe nhập khẩu nguyên chiếc tăng 18% so với cùng kỳ. Tổng lượng xe sản xuất trong nước và nhập khẩu 5 tháng chỉ tăng 1% trong khi cùng kỳ 2016 tăng 31,4%.

Như vậy có thể thấy sức ép hội nhập đang tạo ra sự bất lợi khá rõ cho ngành sản xuất xe có động cơ trong khi các ngành được cho là hưởng lợi từ FTA như dệt may, giày da lại chưa tạo ra đủ tăng trưởng để bù đắp.

Mục tiêu tăng trưởng 6,7% cho cả năm 2017 vẫn được Chính phủ quyết tâm thực hiện, tuy nhiên, tăng trưởng cao trong thời gian ngắn luôn đi kèm với rủi ro.

Thúc đẩy kinh tế từ chính sách từ tài khóa đang dịch chuyển sang chính sách tiền tệ

Đang có tín hiệu dịch chuyển thúc đẩy kinh tế từ chính sách từ tài khóa sang chính sách tiền tệ. Dù đây là giải pháp ít gây áp lực thâm hụt ngân sách và tăng hiệu quả đầu tư do nguồn vốn hướng đến khối tư nhân nhiều hơn, rủi ro lạm phát sẽ cao hơn trong dài hạn cũng như có thể xuất hiện bong bóng tài sản.

Trong ngắn hạn, lạm phát và thanh khoản trên thị trường tiền tệ đều đang tạo thuận lợi cho nới lỏng chính sách. Lạm phát tháng 5 là một số âm, đây là lần đầu tiên trong 20 tháng lạm phát giảm. Lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm nhanh chóng hạ nhiệt từ 4,53% xuống 1,8%. Cầu trái phiếu sơ cấp cải thiện nhanh, đặc biệt ở các kỳ hạn ngắn với tỷ lệ đăng ký dự thầu kỳ hạn 5 năm đã tăng từ mức bình quân 252% trong tháng 4 lên 381% trong tháng 5.

Nới lỏng tiền tệ, tín dụng có thể đi vào BĐS và thúc đẩy trở lại các ngành sản xuất vật liệu xây dựng, trong đó có ngành Sản xuất kim loại. Tuy nhiên đây là một lựa chọn đầy rủi ro. Ngược lại nếu giải ngân vốn ngân sách và hướng đầu tư tới các dự án hạ tầng sẽ vừa tăng nhu cầu vật liệu xây dựng, vừa tạo ra sức lan tỏa cao. Mâu thuẫn ở nút thắt ngân sách “có tiền mà không tiêu hết” trong khi nhu cầu đầu tư hạ tầng vô cùng lớn là điểm mấu chốt cần tập trung giải quyết để có tăng trưởng bền vững, tất nhiên với điều kiện phải kiểm soát tốt hiệu quả đầu tư.

Trong cán cân cung cầu của năm 2017, những giải pháp thúc đẩy sức cung, đặc biệt từ phía doanh nghiệp trong nước nên được chú trọng để tạo tăng trưởng. Cung sản xuất phụ thuộc lớn vào khối FDI có thể giải quyết nhu cầu tăng trưởng trước mắt nhưng lại tiềm ẩn rủi ro khó lường (ví dụ sự cố Galaxy Note 7 của Sam Sung phát nổ) cũng như rủi ro môi trường và xã hội. Gần đây có những thay đổi đáng ghi nhận như chính sách thuế theo tỷ lệ nội địa hóa đối với ô tô hay thu hồi dự án FDI giao lại cho doanh nghiệp trong nước như trường hợp dự án thép Dung Quất.

Dự kiến năm 2017 vẫn nên là năm củng cố nền tảng thông qua cải cách thể chế, tạo nội lực vững chắc để có tăng trưởng cao hơn cho các năm tiếp theo. Tạo tăng trưởng nhanh bằng thúc đẩy sức cầu thông qua chính sách tiền tệ không giải quyết được cơ bản các nút thắt của nền kinh tế, không những thế lại tiềm ẩn rủi ro cho dài hạn.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top