Aa

Xuôi sông Đà lên động Thác Bờ

Thứ Tư, 15/07/2020 - 13:30

Chạm đỉnh của động Thác Bờ cho bạn cái nhìn xa hơn, rộng hơn về phía cuối sông Đà. Những con thuyền như chiếc lá lao đi, đâu đó tiếng còi tàu trầm trầm chạm bến.

Tỉnh Hòa Bình nằm ở vị trí cửa ngõ vùng Tây Bắc Việt Nam, là phên giậu của đường biên giới Việt - Lào, nơi tiếng gà không cần visa vẫn vọng qua biên giới, nơi khói bếp như chiếc khăn choàng lên bờ vai hai nước Việt - Lào. Nơi đó có động Thác Bờ, có hang Miếng phải đi thuyền nửa ngày mới tới…

Nếu lên đây lần đầu, lữ khách phải hỏi đường đến bến Kênh, hay còn gọi là bến Bích Hạ để thuê thuyền xuôi sông Đà. Chưa phải mùa nước lên, mây trắng như chiếc khăn choàng lên dòng sông hiền hòa, thật khác với mùa gió giông cuối tháng 7. Người Mường ở Hòa Bình hay tính lịch âm, họ luôn tin vào thần sông núi và tin vào việc nắng mưa có trời chứng giám. Họ gắn đuôi vây cá lên sát mái nhà để xua tà ma. Họ treo cồng chiêng để nhớ về những lễ hội, và còn đủ thứ tín vật khác mà họ tin sẽ đem lại điềm lành cho cả gia đình và bản Mường.

Bản Mường cổ Giang Mỗ. (Ảnh: HVH)
Bản Mường cổ Giang Mỗ. (Ảnh: HVH)

Bản Mường cổ Giang Mỗ (Ảnh: HVH)

Khi đặt chân đến bản Mường Giang Mỗ ở Bình Thanh (huyện Cao Phong, Hòa Bình), trên con đường vào bản với khoảng 60 nóc nhà sàn, bạn sẽ được "chạm mắt" đến những căn nhà sàn hàng trăm năm tuổi với nếp văn hóa cổ kính còn được bảo tồn nguyên vẹn. Bà con nơi đây vẫn sống bằng nghề nông và dệt vải. Không gian bếp chỉ có bếp kiềng và đun củi, chứ không có bếp ga, bếp điện hay bếp từ. Trong bản, chỉ duy nhất một nhà sàn có điều hòa. 

Một bác người bản Giang Mỗ đang kéo bừa ngay trên mảnh đất cạnh nhà mình, người vợ làm cơm dưới bếp. Ngoài vườn, các loại hoa quả nào quất hồng bì, hồng xiêm, bưởi, mít đều trĩu quả. Gà, ngan, vịt chạy đầy dưới sân. Nếp sống an nhàn, bình dị này chẳng có vẻ gì dính dáng đến thời đại công nghệ 4.0. Người Mường Giang Mỗ yên ả sống, chẳng có nhiều xe máy, mà có để giữa đường qua đêm cũng không ai lấy của ai.

Người thành phố xuống bản Mường cổ chắc hẳn sẽ cảm thấy thích thú, vì người dân nơi đây ăn ở sạch sẽ và sống rất chân thật. Nhìn vào căn bếp cũng thấy gọn gàng, ngăn nắp. Người Mường thường tự tay thêu thùa chăn chiếu thổ cẩm. "Con gái đi lấy chồng phải có chăn và đôi gối tự thêu cùng 10 bộ váy áo tự dệt cho mình, đó là của hồi môn về nhà chồng", anh Bùi Văn Thương ở bản tâm sự như thế.

Nhà anh Bùi Văn Thương, người dân tộc Mường. (Ảnh: HVH)

Cách bản Giang Mỗ không xa là Bảo tàng Di sản Văn hóa Mường Hòa Bình với từng gian nhà Lang, nhà giữ gìn cổ vật, nhà lưu trữ bộ cồng chiêng và đời sống thường nhật của người Mường cổ. Không gian nhà Lang đầy ắp quá khứ này là nơi lưu giữ, trưng bày các loại nhạc cụ dân tộc Mường, một vệt văn hóa được nâng niu và trân trọng. Lữ khách sẽ ngoảnh lại và nhớ về nơi này như một không gian chìm lắng của văn hóa Mường cổ đại và hiện đại.

Bạn sẽ có một ngày thăm thú ở bản Mường, rồi sau đó là một ngày xuôi sông theo dòng Đà Giang lên thăm đền Bà Chúa Thác Bờ. Cách đó không xa là động Thác Bờ. Có thể nói, người Hòa Bình làm du lịch đang hướng đến sự chuyên nghiệp khi họ biết bảo vệ lòng sông Đà để mặt sông không rác rến. Họ khai thác rau sạch, gà đồi và cá trên sông để mời gọi lữ khách thập phương.

Đền thờ Bà Chúa Thác Bờ. (Ảnh: HVH)

Động Thác Bờ có nhiều hang với những khối nhũ đá tự nhiên tuyệt đẹp, cũng giống như động Ngườm Ngao ở tỉnh lỵ Cao Bằng. Đó là hai hang động lớn của vùng núi Đông Bắc và vùng núi Tây Bắc với những vẻ đẹp tự nhiên được đất trời ban tặng cho non sông nước Việt. Nếu đi kỹ, đi sâu vào hang động, bạn sẽ tìm thấy một vẻ đẹp khác của ánh sáng. Đây là nơi thu hút rất nhiều nhiếp ảnh gia mê thiên nhiên,  mê sông nước và đá núi đến chụp hình. 

Đi trong hang động cũng là một cách du lịch leo núi, nó rèn giũa cho bạn đức tính cẩn trọng, luyện sức bền của hơi thở để đi được đường xa. Ở ngay ven vách núi, có một ngôi nhà khá cao, leo lên sẽ được tận mắt chạm tới tượng Phật. Cảm giác này khiến ta liên tưởng đến hơn 200 bậc thang để lên chùa Phật Ngọc ở khu quần thể du lịch Tam Chúc (Hà Nam). Nơi đó chùa nhìn xuống hồ, nơi đây động nhìn xuống sông.

Trong hang động Thác Bờ (Ảnh: HVH)

Chạm đỉnh của động Thác Bờ cho bạn cái nhìn xa hơn, rộng hơn về phía cuối sông Đà.  Những con thuyền như chiếc lá lao đi, đâu đó tiếng còi tàu trầm trầm chạm bến. Sông nước không còn thấy bè nứa xuôi dòng như ai đã từng xuôi Vạn Lý? Cái chất hoang hoải, mộng mơ, dữ dội khủng khiếp của nước, cái vóc mạnh mẽ của nước đã có đập sông Đà ngăn lại như một "dây phanh" ngăn lũ, ngăn bớt những hiểm họa. 

Sông Đà từ trên đỉnh Thác Bờ nhìn xuống (Ảnh: HVH)

Những con thuyền du lịch ở nơi đây đã nhiều hơn, hiện đại hơn trong cách chinh phục khách muôn phương. Chỉ có một điều tiếc nuối, rằng Hòa Bình còn rất ít sản phẩm du lịch địa phương. Túi xách, khăn, túi đựng thư và thú nhồi bông làm từ thổ cẩm dù đã được cải tiến, nhưng nhiều mặt hàng vẫn còn đơn điệu trong mắt du khách.

Riêng về văn hóa ẩm thực thì tàu thuyền bến Bích Hạ đã chú trọng hơn tới các món ăn dân tộc. Rượu dân tộc, rượu ngâm với cỏ cây và hoa quả hay xôi đồ trên nồi đồng, ăn trên mâm lá được rất nhiều khách du lịch quốc tế yêu thích. 

Ở bản Mường cổ còn có trình diễn ca múa dân tộc, nhưng việc truyền thông, quảng cáo cho không gian văn hóa này còn quá mỏng và đơn sơ, chỉ thông qua một chiếc bảng gỗ ven đường có số điện thoại liên hệ. Ở khu VStar Resort Hòa Bình, giá phòng và dịch vụ là khá cao - 890.000 đồng cho một đêm nghỉ và chỉ gọi điện thoại trước mới được khuyến mại. Như vậy sẽ khó có thể hút khách sau mùa dịch Covid. 

Nhưng du lịch Hòa Bình còn rất nhiều tiềm năng khai thác với những điểm đến văn hóa bản làng và tâm linh. Gần đây, du lịch tâm linh trên sông nước, đi lễ kết hợp thăm quan đền đài hang động, đền chùa cũng đang được chú trọng. 

Du lịch đến vùng sông nước, bạn nên chú trọng tới đôi giày, cần có đế bám và đi nhẹ để leo trèo dễ dàng. Bạn không nên mang giày cao hay dép lê. Trang phục cũng nên mặc gọn nhẹ và mang theo khăn choàng, áo khoác mỏng phòng lúc gió lớn.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top