Aa

Dòng tiền đầu tư đổ về đâu trước diễn tiến căng thẳng của dịch Covid-19?

Thứ Ba, 02/02/2021 - 06:00

Phân khúc đất nền và bất động sản nông nghiệp được dự báo sẽ “miễn nhiễm” với sự bùng phát trở lại của dịch Covid-19. Đây là tín hiệu sáng giữ lực cho thị trường bất động sản.

 

Đó là nhận định của TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng với Reatimes xoay quanh tác động của sự bùng phát Covid-19 đến nền kinh tế.

TS-Nguyen-Tri-Hieu
TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng.

PV: Những ca nhiễm Covid-19 đã bắt đầu gia tăng sau 55 ngày Việt Nam không ghi nhận ca lây nhiễm nào trong cộng đồng. Theo ông, thông tin này sẽ tác động thế nào đến các kênh đầu tư tại Việt Nam?

TS. Nguyễn Trí Hiếu: Nhìn lại năm 2020, khi dịch Covid-19 xuất hiện, các kênh đầu tư như chứng khoán, bất động sản, vàng, ngoại tệ đều có những chuyển biến khác nhau.

Thị trường chứng khoán có tốc độ đảo chiều nhanh chóng. Có thời điểm thị trường chứng khoán ghi nhận 700 điểm nhưng có lúc tăng lên tới 1.200 điểm. Tốc độ tăng quá nhanh khi nền kinh tế Việt Nam đang trong trạng thái sức khoẻ yếu hơn năm 2019.

Mặc dù, kết quả tăng trưởng của Việt Nam kết thúc năm 2020 đạt 2.91%, trở thành một trong những nước có tăng trưởng GDP thuộc top cao trên thế giới. Tuy nhiên, như tôi đã nói, nền kinh tế năm 2020 về bản chất đang kém hơn so với năm 2019. Chính vì vậy, thị trường chứng khoán lên điểm mạnh có thể đến từ hiện tượng đầu cơ và sự hỗ trợ từ lãi suất. Ngay khi thông tin các ca nhiễm bệnh ở Quảng Ninh, Hải Dương xuất hiện, thị trường chứng khoán trong những ngày cuối tháng 1 của năm 2021 nhanh chóng chao đảo, “đỏ lửa”.

Thị trường bất động sản cũng chịu tác động mạnh của dịch bệnh Covid-19. Đầu năm 2020, tâm lý e dè của các nhà đầu tư khiến thị trường đóng băng. Tuy nhiên, ngay sau dịch được kiểm soát, thị trường có dấu hiệu khởi sắc trên một số phân khúc. Đến thời điểm hiện tại, dịch bệnh sẽ tác động đến thị trường bất động sản theo hướng tạo ra nhiều khó khăn và thách thức. Các sàn giao dịch sẽ không thể tiếp đón khách bình thường. Tâm lý của các nhà đầu tư trở nên lo lắng và dè chừng, thận trong hơn trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn.

Trong khi đó, nhìn lại năm 2020, vàng có một năm đầy thể hiện khi biến động mạnh và đột ngột, thu hút các nhà đầu tư. Song, chính bởi tốc độ lên xuống quá lớn dẫn tới lo lắng về rủi ro trong đầu tư.

PV: Dòng tiền đầu tư sẽ có xu hướng dịch chuyển như thế nào thưa ông?

TS. Nguyễn Trí Hiếu: Khi thị trường chứng khoán và bất động sản đang khiến các nhà đầu tư lăn tăn xuống tiền thì dòng vốn sẽ đổ vào các kênh sinh lời khác. Thực tế, thị trường chứng khoán và bất động sản không liên thông với nhau nhưng lại có mối liên quan trực tiếp, đó là dòng tiền. Nếu dòng tiền đổ vào chứng khoán hạn chế thì đây sẽ là nguồn vốn dồi dào cho thị trường bất động sản.

Nhưng nếu bất động sản bị ảnh hưởng quá nặng nề bởi Covid-19 thì dòng tiền đổ vào kênh đầu tư vàng và ngoại tệ.

Nhưng nhìn dài hạn, ngoại tệ không phải là kênh đầu tư hấp dẫn do Nhà nước thực hiện chính sách bình ổn ngoại tệ. Như vậy, một kịch bản khác có thể là tiền sẽ đổ vào vàng trong ngắn hạn.

thi-truong-bat-dong-san
Thị trường bất động sản sẽ chịu ảnh hưởng trước sự bùng phát trở lại của Covid-19. 

PV: Xin ông có thể chia sẻ rõ hơn những tác động của sự bùng phát Covid-19 lần thứ 3 này đến thị trường bất động sản trong thời gian tới?

TS. Nguyễn Trí Hiếu: Nếu như dịch bệnh khó kiểm soát và diễn biến bất thường, các hoạt động giao dịch bất động sản sẽ chậm lại. Phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng sẽ chịu ảnh hưởng thiệt hại nhiều nhất. Phân khúc bất động sản cao cấp cũng bị tác động nặng nề. Các nhà đầu tư càng thận trọng rót tiền vào bất động sản. Những doanh nghiệp địa ốc và đội ngũ môi giới sẽ chịu ảnh hưởng.

Tuy nhiên, tôi cho rằng, đất nền dự án, đất thổ cư và bất động sản nông nghiệp sẽ không bị tác động xấu từ dịch bệnh. Ngược lại, dòng tiền sẽ đổ mạnh vào các phân khúc này, tạo thành lực đẩy cho toàn thị trường. 

Bên cạnh đó, phân khúc nhà ở cho người có thu nhập thấp vẫn tiếp tục được duy trì kết qủa giao dịch khả quan khi ít chịu ảnh hưởng từ dịch bệnh. Phân khúc bất động sản thương mại cũng chao đảo khi cầu của nền kinh tế xuống thấp. Còn bất động sản công nghiệp không đủ lực để tăng trưởng cho gián đoạn, đứt gãy giao thương toàn cầu.

PV: Ông dự đoán như thế nào về khả năng kiểm soát dịch của Việt Nam và kịch bản mới sẽ xuất hiện?

TS. Nguyễn Trí Hiếu: Rất khó để đưa ra một dự đoán rõ ràng. Trong nền kinh tế toàn cầu, thế giới có dịch bệnh, Việt Nam khó có thể không bị ảnh hưởng khi chúng ta có hàng ngàn đường cây số đất liền, đường biển và hệ thống đường hàng không.

Tình hình virut đang biến thể nên việc tìm vắc xin để vô hiệu hoá vẫn là một bài toán không hề đơn giản. Tuy nhiên, Việt Nam đã kiểm soát cơ bản được dịch bệnh trong năm 2020 và đây là tiền để để chúng ta thực hiện chống dịch tốt. Đó là cách tạo ra môi trường an toàn cho nền kinh tế phát triển.

- Cảm ơn chia sẻ của ông!

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top