Aa

“20% doanh nghiệp Nhà nước kinh doanh không lãi, thua lỗ”

Thứ Sáu, 16/11/2018 - 03:23

Tại hội thảo diễn ra tuần qua, đánh giá về thực trạng hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước, ông Phạm Đức Trung, Trưởng ban Cải cách và Phát triển doanh nghiệp - CIEM cho biết, so với mục tiêu, hoạt động của khu vực doanh nghiệp nhà nước chưa đáp ứng yêu cầu nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và sức cạnh tranh.

Ông Phạm Đức Trung, Trưởng ban cải cách và phát triển doanh nghiệp - Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương.

Ông Phạm Đức Trung, Trưởng ban cải cách và phát triển doanh nghiệp - Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương.

Tỷ trọng của doanh nghiệp nhà nước trong hệ thống doanh nghiệp dù giảm song tổng giá trị vốn và tài sản nhà nước đầu tư vào vẫn tăng, nhất là ở các doanh nghiệp nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ. Tốc độ tăng doanh thu của doanh nghiệp nhà nước có xu hướng chậm hơn tốc độ tăng nguồn vốn kinh doanh, chậm hơn tốc độ tăng doanh thu của doanh nghiệp ngoài nhà nước và doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài - FDI.

Năm 2017, doanh nghiệp nhà nước chiếm 29% nguồn vốn kinh doanh nhưng chỉ tạo ra 16% doanh thu thuần.

Tăng trưởng của doanh nghiệp nhà nước có đặc điểm là thâm dụng vốn, thâm dụng đất đai. Doanh nghiệp nhà nước sử dụng một khối lượng lớn đất đai có giá trị cao nhưng nguồn tài nguyên này chưa được hạch toán chi phí đầy đủ, làm giảm hiệu quả sử dụng.

Trên thực tế, lợi nhuận và hiệu quả kinh doanh của khu vực doanh nghiệp nhà nước phụ thuộc vào một vài doanh nghiệp lớn.

Xét trong doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, phần lớn nguồn lực tập trung vào 7 tập đoàn và trên 60 tổng công ty nhà nước. Riêng 7 tập đoàn đã nắm giữ 66% tài sản; 66,7% vốn chủ sở hữu, tạo ra 61,7% doanh thu; 56,5% lợi nhuận. Trong đó, 3 tập đoàn PVN, EVN và Viettel cùng tạo ra 50% doanh thu, 51% lợi nhuận.

Đây đều là những doanh nghiệp hoạt động trong ngành mức độ cạnh tranh thấp, tập trung vào khai thác tài nguyên hoặc những ngành như viễn thông, năng lượng. Còn ở những ngành có mức độ cạnh tranh cao như thương mại, xây dựng, công nghiệp chế tạo thì hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp lại rất thấp.

Cũng theo ông Trung, hiệu quả sản xuất kinh doanh doanh nghiệp nhà nước có xu hướng giảm. Tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu năm 2012 là 16,4%; 2013 là 15,8% đến năm 2017 chỉ còn 12,2%.

Đặc biệt, tỷ lệ doanh nghiệp thua lỗ hàng năm không giảm, luôn có 20% doanh nghiệp nhà nước hoạt động không có lợi nhuận.

Theo ông Phạm Đức Trung, nguyên nhân chính dẫn đến giảm hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước do yếu kém nội tại doanh nghiệp. Những hạn chế, bất cập của thể chế, quản trị doanh nghiệp tạo kẽ hở để hình thành nhóm lợi ích, thao túng hoạt động của doanh nghiệp, tham nhũng, lãng phí.

Ở góc độ quản trị kinh doanh, cơ chế hiện tại chưa tạo đủ áp lực để người quản lý doanh nghiệp nhà nước tối đa hoá giá trị tài sản, thậm chí lạm dung chi tiêu, trục lợi từ tài sản nhà nước. Có trường hợp đầu tư bằng mọi giá, bất chấp hiệu quả đầu tư bởi mua sắm càng lớn thì cơ hội tư lợi càng cao.

Điển hình là những sai phạm trong các vụ đại án như mua sắm tài sản cũ nát, công nghệ lạc hậu giá trị thanh toán gấp nhiều lần giá trị thực nhằm thu lợi bất chính hoặc thông đồng với các đối tác cung cấp nước ngoài.

Do đó, theo ông Trung, trong thời gian tới cần mở rộg tối đa diện doanh nghiệp nhà nước không nắm giữ cổ phần chi phối hoặc không cần cổ phần nhà nước. Tính đúng, tính đủ chi phí của doanh nghiệp nhà nước cả kể quyền sử dụng đất và các lợi thế kinh doanh.

Trách hoàn toàn đội ngũ cán bộ quản lý doanh nghiệp nhà nước ra khỏi chế độ công chức, viên chức, thực hiện chế độ thị trường, hợp đồng lao động đối với tẩt cả các chức danh điều hành doanh nghiệp...

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top