Aa

3 "luồng gió mới" thổi vào bất động sản Việt Nam

Thứ Tư, 17/01/2018 - 14:01

3 luồng gió mới thổi vào bất động sản Việt Nam; Bất động sản bờ Đông Hà Nội hứa hẹn nhiều tiềm năng cho nhà đầu tư; Thứ trưởng Bộ Xây dựng: "Một số công trình tái phạm sau thanh tra"; Đất nền vẫn là kênh đầu tư an toàn; 3 kiến nghị của Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam lên Thủ tướng… là những tin tức nổi bật về bất động sản 24 giờ qua.

Đất nền vẫn là kênh đầu tư an toàn

Theo thống kê của batdongsan.com.vn, trong năm 2017, người dân tìm kiếm bất động sản nhiều hơn các năm 2015 và 2016. Trong đó, nhà riêng được nhiều người tìm kiếm nhất với 60 triệu lượt; đất thổ cư được nhiều người quan tâm thứ hai, với trên 50 triệu lượt tìm kiếm; tiếp theo là trên 45 triệu lượt tìm kiếm đối với phân khúc căn hộ chung cư và chỉ dưới 10 triệu lượt tìm kiếm đối với sản phẩm bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng.

Điều này cho thấy, không phải là chung cư, mà đất nền là phân khúc được người dân quan tâm nhất. Một số công ty nghiên cứu thị trường như CBRE và Savills ghi nhận, giá của phân khúc này tăng từ 20 - 60% tùy từng khu vực so với năm 2016.

Các dự án đất nền pháp lý rõ ràng luôn có sức hút với người mua nhà và nhà đầu tư. Ảnh: Gia Huy.

Các dự án đất nền pháp lý rõ ràng luôn có sức hút với người mua nhà và nhà đầu tư. Ảnh: Gia Huy.

Ghi nhận từ thực tế của phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản cho thấy, giá đất khu Đông Sài Gòn đã tăng mạnh trong nhiều năm qua. Cụ thể, đất trên tuyến đường Mai Chí Thọ, khu Thanh Mỹ Lợi (quận 2, TP.HCM) có giá khoảng 40 - 80 triệu đồng/m2, tăng từ 20-40% so với năm 2016.

Tại nhiều dự án thuộc quận Thủ Đức, quận 9 và quận 2 cũng ghi nhận sự thay đổi về giá đáng kể. Đơn cử, tại Dự án Moonlight Residences, đường Đặng Văn Bi và Dân Chủ (quận Thủ Đức) do Tập đoàn Hưng Thịnh làm chủ đầu tư, cuối năm 2016 có giá bán trung bình từ 55 - 65 triệu đồng/m2, hiện đã tăng lên 80 - 90 triệu đồng/m2, nhưng không có người bán.

Hay tại Dự án Him Lam Phú Đông do Him Lam Land làm chủ đầu tư, giá chủ đầu tư bán ra cuối năm 2016 là 23 triệu đồng/m2, nay đã tăng lên mức 35 - 40 triệu đồng/m2.

Xem chi tiết tại đây.

TP.HCM nhất quyết từ chối căn hộ thương mại dưới 45m2

TP.HCM vẫn giữ quan điểm diện tích căn hộ phải tuân theo "Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 4451:2012 về Nhà ở - Nguyên tắc cơ bản để thiết kế". Dù trong năm 2017, Bộ Xây dựng đã có văn bản chấp thuận đề xuất xây dựng căn hộ 25m2 của một doanh nghiệp bất động sản tại TP.HCM.

Trước đó 3 tháng, UBND TP.HCM cũng đã ban hành văn bản 5657/UBND-ĐT về quy định diện tích tối thiểu đối với căn hộ chung cư.

Theo văn bản, diện tích tối thiểu căn hộ trong nhà ở chung cư là 30m2 đối với nhà xã hội; 45m2 đối với nhà thương mại.

Trường hợp nhà ở xã hội là nhà chung cư thì căn hộ phải được thiết kế, xây dựng theo kiểu khép kín, bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn xây dựng, diện tích mỗi căn hộ tối thiểu 25m2 sàn, tối đa 70m2 sàn, bảo đảm phù hợp với quy hoạch xây dựng do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

Nguyên nhân được TP.HCM đưa ra là bởi hiện nay, thành phố có tốc độ đô thị hóa, tốc độ tăng dân số cơ học rất cao. Đối với việc đầu tư xây dựng nhà ở thương mại loại hình căn hộ chung cư diện tích nhỏ (dưới 45m2/căn) sẽ làm đẩy nhanh hơn nữa quá trình này.

Xem chi tiết tại đây.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng: "Một số công trình tái phạm sau thanh tra"

Theo báo cáo của Bộ Xây dựng được Thứ trưởng Lê Quang Hùng trình bày, trong năm 2017, tỷ lệ phủ kín quy hoạch xây dựng đô thị đạt 100%, quy hoạch phân khu đạt 77% (tăng 2% so với 2016). Quy hoạch chi tiết đạt 38%, quy hoạch nông thôn đạt 99,4%. Diện tích bình quân nhà ở toàn quốc đạt 23,4 m2/người - tăng 0,6 m2 so với năm 2016. 

Theo báo cáo, thị trường bất động sản cơ bản được kiểm soát, tiếp tục tăng trưởng và chưa có dấu hiệu bất thường, cực đoan lớn. Bộ Xây dựng cương quyết không để tình trạng đầu cơ bất động sản xảy ra. Thị trường du lịch nghỉ dưỡng ven biển phát triển mạnh và cần có hành lang pháp lý.

Theo Bộ Xây dựng, bên cạnh những điểm sáng, thị trường bất động sản vẫn còn một số vấn đề, trong đó có cơ cấu hàng hoá nghiêng về phân khúc cao cấp. Ảnh minh hoạ: Lê Quân.

Theo Bộ Xây dựng, bên cạnh những điểm sáng, thị trường bất động sản vẫn còn một số vấn đề, trong đó có cơ cấu hàng hoá nghiêng về phân khúc cao cấp. Ảnh minh hoạ: Lê Quân.

Nói về các hạn chế, Thứ trưởng Lê Quang Hùng cho rằng tình trạng vi phạm trật tự xây dựng vẫn còn tồn tại, một số công trình còn tái phạm sau thanh tra, xử lý. Cơ cấu hàng hóa trên thị trường bất động sản còn chưa hợp lý. Thị trường vẫn còn khan hiếm những mặt hàng có nhu cầu cao, dư thừa nhà ở cao cấp, diện tích lớn, giá thành cao nhưng lại thiếu nhà bình dân giá rẻ.

Cũng theo ông Hùng, tình hình triển khai nhà ở xã hội còn chậm. Ngoài ra, một số loại hình sản phẩm bất động sản mới chưa có quy định cụ thể. Một số chủ đầu tư có biểu hiện lợi dụng, thao túng với khách hàng. 

Tổng số dự án bất động sản đang triển khai là 3.077 dự án với tổng số vốn đầu tư 3,3 triệu đồng. Mỗi năm cả nước khởi công 90.000-100.000 công trình xây dựng lớn nhỏ khác nhau. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội ngành xây dựng là 1,2 triệu tỷ đồng. Dư nợ tín dụng bất động sản đến hết quý III/2017 đạt 447.000 tỷ đồng, chiếm 6-8% tổng dư nợ tín dụng.

Xem chi tiết tại đây.

Bất động sản bờ Đông Hà Nội hứa hẹn nhiều tiềm năng cho nhà đầu tư

Trước đây, người Hà Nội thường ưu ái các dự án nhà ở tại bờ Tây hơn bờ Đông Hà Nội bởi quan niệm đi qua cầu là ra khỏi thành phố, là đến khu vực ngoại thành kém phát triển. Các chủ đầu tư bất động sản vì vậy cũng tập trung đầu tư vào khu vực này với hơn 50% tổng lượng cung của cả thành phố được Savills ghi nhận đến từ khu vực phía Tây. 

Mặt trái của sự phát triển ồ ạt này là một gánh nặng không nhỏ cho hạ tầng giao thông đô thị. Tuy nhiên quan niệm đặc biệt ưu ái bờ Tây đã dần thay đổi khi người mua bắt đầu quan tâm đến các khu vực mới như Long Biên, Hoài Đức, hay Thanh Trì.

Long Biên có diện tích tương đương với tổng diện tích của 5 quận nội thành, với phần lớn diện tích từng là đất nông nghiệp. Tuy nhiên, tốc độ đô thị hóa cao đang dần thay đổi bộ mặt của địa bàn nơi đây với nhiều dự án do các chủ đầu tư có tên tuổi mở ra, quy hoạch hạ tầng và kết nối giao thông đồng bộ kèm theo nhiều tiện ích cao cấp đã thu hút một lượng dân cư đáng kể, trong đó có cả tầng lớp trí thức và thượng lưu, chuyển về khu vực này. 

Đến nay chúng ta đã có 7 cây cầu bắc qua sông Hồng và trong tương lai dự kiến sẽ có thêm 4 cây cầu nữa kết nối Hà Nội và bờ Đông bao gồm quận Long Biên hay các địa bàn như Đông Anh, Hưng Yên. Giao thông thuận tiện hơn, người dân sinh sống ở khu vực phía Đông nay chỉ mất khoảng 15 – 20 phút để di chuyển đến trung tâm thành phố. 

Xem chi tiết tại đây.

3 luồng gió mới thổi vào bất động sản Việt Nam

Tại buổi báo cáo thị trường bất động sản TP HCM quý IV/2017, CBRE Việt Nam đã dành một trích đoạn ngắn giới thiệu về dòng sản phẩm mới co - living. Đây là mô hình bất động sản hiện đại với những không gian chung được chia sẻ. Dòng sản phẩm này được dự báo có thể tiếp cận thị trường Việt Nam trong một vài năm tới, nơi đang bùng nổ co - working (không gian làm việc chung).

Sở hữu căn hộ riêng không còn là tiêu chí của giới trẻ Millennials (thế hệ những người sinh ra trong giai đoạn 1980 - 2000). Thay vào đó, không gian sống chia sẻ được dự báo sẽ lên ngôi, nơi có thể kết nối những hoạt động xã hội vừa để sống, vui chơi giải trí đồng thời có thể gặp gỡ những người có cùng quan điểm. Đến năm 2020, thế hệ Millennial sẽ chiếm 50% lực lượng lao động toàn cầu theo nghiên cứu của PwC. 

Mô hình co-living được dự báo có thể du nhập vào Việt Nam sau khi thị trường bất động sản này đón nhận làn sóng bùng nổ văn phòng (không gian làm việc) chia sẻ co-working. Ảnh: treehugger.com

Mô hình co-living được dự báo có thể du nhập vào Việt Nam sau khi thị trường bất động sản này đón nhận làn sóng bùng nổ văn phòng (không gian làm việc) chia sẻ co-working. Ảnh: treehugger.com

Trong báo cáo gần đây của Jones Lang LaSalle (JLL) Việt Nam cũng cho biết, nhu cầu đối với co-living tương tự như các lý do đã tạo nên sự phổ biến của co-working - một thế hệ năng động của những người trẻ tuổi đòi hỏi tính linh hoạt, cởi mở và hợp tác. Nhiều ông lớn khách sạn đang nhìn ngó vào thị trường mới mẻ này. Cuối năm ngoái, tập đoàn Ascott, thương hiệu kinh doanh căn hộ dịch vụ, đã ra mắt co-living mới với tên gọi là LYF.

Những thành phố cửa ngõ như Thượng Hải, Tokyo, London và Paris thu hút nhiều tài năng trẻ cũng được dự báo là nơi có nhu cầu co-living tăng lên. Các tập đoàn đa quốc gia và các nhà khởi nghiệp cũng cần co-living chất lượng cao và văn phòng đạt chuẩn cho đội dự án và tập sự của họ ở bất cứ đâu trên thế giới.

 Xem chi tiết tại đây.

3 kiến nghị của Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam lên Thủ tướng

Theo ông Nguyễn Trần Nam, trong năm 2017, thị trường bất động sản tiếp tục tăng trưởng ổn định, thể hiện qua các chỉ số về giá cả, số lượng giao dịch. Theo số liệu của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, năm qua, lượng giao dịch tăng mạnh so với năm 2016, chỉ tính riêng tại Hà Nội và TP.HCM, có 64.263 giao dịch thành công (chưa kể đất nền dự án), chủ yếu là sản phẩm chung cư giá rẻ và trung cấp. So với năm 2016, giá chung cư tăng nhẹ khoảng 5%, đất nền tăng khoảng 10%; tồn kho tiếp tục giảm 17% so với thời điểm 12/2016 (tính đến 20/11/2017 còn hơn 25.700 tỷ đồng).

Tín dụng trong lĩnh vực bất động sản tiếp tục tăng trưởng trong giới hạn an toàn: Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, tính đến hết quý III/2017, tổng dư nợ trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản là gần 450 ngàn tỷ đồng; ước tính năm 2017, dư nợ cho vay chiếm tỷ trọng khoảng 6% tổng dư nợ nền kinh tế với tốc độ tăng trưởng cho vay bất động sản khoảng 8,5%.

Ông Nguyễn Trần Nam phát biểu và đề xuất kiến nghị tại Hội nghị Tổng kết năm 2017 và Triển khai kế hoạch năm 2018 Ngành Xây dựng.

Ông Nguyễn Trần Nam phát biểu và đề xuất kiến nghị tại Hội nghị Tổng kết năm 2017 và Triển khai kế hoạch năm 2018 Ngành Xây dựng.

Với bức tranh thị trường như trên, có thể thấy thị trường bất động sản đang được quản lý - vận hành đúng hướng, an toàn và ổn định, chưa có dấu hiệu “bong bóng bất động sản” như một số ý kiến lo ngại gần đây. Thậm chí, dư nợ tín dụng hiện nay đang diễn biến trái ngược với những năm trước đây: Thông thường tốc độ tăng trưởng cho vay bất động sản gấp 1,5 - 2 lần tốc độ tăng trưởng chung (tốc độ tăng trưởng chung 10 - 12% thì lĩnh vực bất động sản thường là 17 - 18%), trong khi năm nay tăng trưởng tín dụng khoảng 19% thì tốc độ tăng trưởng lĩnh vực bất động sản chưa bằng một nửa. Tỷ trọng cho vay lĩnh vực bất động sản chỉ đạt 6%, trong khi mức an toàn là 8 - 10%.

"Sự thiếu hụt về nguồn vốn tín dụng trong nước được bù đắp bằng nguồn vốn FDI; tuy nhiên, để thị trường bất động sản tiếp tục phát triển, làm đầu kéo các loại thị trường khác phát triển (thị trường xây dựng, vật liệu xây dựng, trang trí nội ngoại thất, thị trường vốn, nguồn lực đất đai...), góp phần tích cực phát triển kinh tế và tăng thu cho ngân sách nhà nước, đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng, Ngân hàng Nhà nước và các bộ, ngành liên quan điều hành chính sách tài chính – tín dụng linh hoạt hơn, mở rộng tín dụng hơn cho lĩnh vực kinh doanh bất động sản (lên mức 7-8%)", Chủ tịch VNREA kiến nghị.

 Xem chi tiết tại đây.

 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top