Aa

8 khuyến nghị về cải cách để thu hút FDI "chất lượng"

Thứ Sáu, 26/10/2018 - 21:40

Nhằm khai thác tối đa tiềm năng FDI mang lại, cùng với chiến lược thu hút FDI thế hệ mới là kế hoạch hành động gắn với cải thiện môi trường đầu tư, chính sách và thể chế cụ thể.

Để đáp ứng được mục tiêu phát triển của đất nước trong giai đoạn tới, Việt Nam cần có những chuyển hướng chính sách. Cần có chiến lược và đi kèm là kế hoạch hành động gắn liền với việc cải cách môi trường đầu tư, chính sách và thể chế cụ thể, nhằm thu hút FDI thế hệ mới và nhằm khai thác tối đa những tiềm năng mà FDI mang lại cho Việt Nam.

Sebastian Eckardt - Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam.

Sebastian Eckardt - Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam.

Nhóm Ngân hàng Thế giới và thành viên của mình là Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) - có mục đích tập trung vào việc phát triển khu vực tư nhân - đề xuất 8 khuyến nghị dưới đây như một kế hoạch giúp Việt Nam đạt được những đột phá mới, hướng tới việc giải quyết các thách thức nội tại và thu hút FDI thế hệ mới, nhằm duy trì những mục tiêu tăng trưởng kinh tế đầy tham vọng.

Thứ nhất, cần thiết lập một cơ quan quản lý để hướng dẫn thực hiện chiến lược thu hút FDI thế mới. Cơ quan quản lý FDI thế hệ mới sẽ cần có một đội ngũ lãnh đạo có năng lực và đại diện cho khối doanh nghiệp tư nhân. Cơ quan này có thể độc lập có chức năng hoạch định và đưa ra những gói giải pháp nhằm thu hút các nhà đầu tư chiến lược.

Thứ hai,cần hiện đại hóa phương thức và các hoạt động xúc tiến đầu tư. Xúc tiến đầu tư và xây dựng thương hiệu quốc gia đòi hỏi cách tiếp cận mới. Đặc biệt phải chuyển từ phương thức xúc tiến bị động sang chủ động, đồng thời có chiến lược phát triển và chính sách rõ ràng để khai phá tiềm năng đầu tư mới áp dụng công cụ và các chỉ số hoạt động của FDI hiệu quả hơn.

Thứ ba, cần đưa ra những chính sách cụ thể nhằm tăng cường kết nối và hiệu ứng lan toả từ FDI. Các thành tố của các chính sách liên kết FDI thường bao gồm việc xây dựng cơ sở dữ liệu các nhà cung cấp, dịch vụ kết nối doanh nghiệp, chương trình phát triển và cung cấp có trọng tâm, trọng điểm, xúc tiến đầu tư nhắm vào các nhà cung ứng nước ngoài và có những chính sách ưu tiên, hỗ trợ doanh nghiệp trong nước, cũng như giúp họ tiếp cận tài chính để phát triển. Mặc dù một số yếu tố đã được thực hiện và một số chính sách đã được ban hành, nhưng việc thực thi còn yếu, thiếu kết nối, phối hợp và thiếu ngân sách.

Thứ tư, cần cải thiện kỹ năng lao động nhằm thu hút FDI thế hệ mới. Tại tất cả các lĩnh vực, các nhà đầu tư thường chỉ ra việc người lao động Việt Nam thiếu kỹ năng về công nghiệp khiến chi phí lao động tăng lên. Trong nhiều lĩnh vực, việc thiếu dữ liệu khiến việc phân tích sự thiếu hụt kỹ năng trở lên nên khó khăn. Việc cung cấp đủ lao động có kĩ năng cần thiết là một trong những vấn đề lớn cần giải quyết trong việc duy trì sức cạnh tranh và thu hút FDI thế hệ mới.

Thứ năm, cần xây dựng môi trường đầu tư 4.0 phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp trong kỷ nguyên số. Cách mạng công nghiệp công nghiệp 4.0 cần môi trường đầu tư 4.0. Một cách lý tưởng, môi trường đầu tư phải có bước tiến nhảy vọt, chuyển dịch từ "đuổi kịp" lên việc tạo dựng một môi trường đầu tư, kinh doanh vượt trội so với các điểm đến đầu tư khác trong khu vực. Các quy định và các hệ thống lỗi thời "dựa trên giấy tờ" cần được thay thế bằng các giải pháp số/điện tử. Các danh mục "chọn cho" lỗi thời được vốn được sử dụng làm điều kiện để cấp phép ưu đãi cũng cần được thay thế bằng các danh mục "chọn bỏ" hạn chế hơn.

Bên cạnh đó, cần dỡ bỏ những ưu tiên ngầm cho các dự án FDI đầu tư mới và hướng đến xuất khẩu vì có dự án liên doanh và 100% FDI có chuỗi cung ứng trong nước có xu hướng tác động mạnh hơn lên việc gia tăng giá trị sản xuất trong nước và chuyển giao công nghệ.

Thứ sáu, cần cải cách sâu rộng khuôn khổ ưu đãi hiện hành và tái cân bằng đối với các ưu đãi dựa trên hiệu quả hoạt động đầu tư. Việt Nam có thể cải thiện tốt hơn chính sách ưu đãi hiện hành cùng với các mục tiêu thu hút FDI thế hệ mới. Các ưu đãi dựa trên lợi nhuận được sử dụng nhằm thu hút FDI hiện hành là ít phù hợp với việc khuyến khích phát triển mạng lưới cung cấp trong nước, phát triển công nghệ xanh, gia tăng giá trị và đào tạo nhân lực.

Ở các lĩnh vực này, việc áp dụng hay tăng cường các ưu đãi dựa trên hiệu quả hoạt động đầu tư sẽ phù hợp hơn. Việc thay đổi tư duy trong lĩnh vực này cũng rất cần thiết, chuyển từ việc cạnh tranh về ưu đãi cho đến cạnh tranh về môi trường đầu tư vượt trội là các lợi thế so sánh.

Thứ bảy, cần mở cửa các lĩnh vực quan trọng hỗ trợ cạnh tranh và tăng trưởng. Các nhà đầu tư nước ngoài vẫn gặp các rào cản khi tham gia các lĩnh vực quan trọng đối với phát triển các chuỗi giá trị toàn cầu. Các hành động chính thức được đề xuất bao gồm, việc xem xét lại một cách có hệ thống thời hiệu của các hạn chế pháp lý và các rào cản về thủ tục đối với FDI trong những lĩnh vực ưu tiên. Sau đó, nới lỏng sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài và nới lỏng hạn chế về vốn nước ngoài trong những lĩnh vực chủ chốt, dựa trên việc đánh giá kỹ lưỡng về chi phí và lợi ích nhằm thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế. Cùng với đó là đánh giá lại mục tiêu và hiệu lực của việc sàng lọc dự án đầu tư trên tất cả các lĩnh vực, và cuối cùng là tạo sân chơi bình đẳng cho tất cả các nhà đầu tư.

Thứ tám, xây dựng và thực thi các chính sách mang tầm chiến lược trong xúc tiến FDI ra nước ngoài. Đầu tư ra nước ngoài có thể giúp Việt Nam đáng kể trong việc đạt được các mục tiêu và chiến lược thu hút FDI, gồm việc đa dạng hóa kinh tế, chuyển giao công nghệ, và cải thiện năng lực trong nước trong các lĩnh vực ưu tiên.

Hiện nay, việc hỗ trợ đầu tư ra nước ngoài của Việt Nam phần lớn vẫn chỉ tập trung trong việc quản lý hành chính và cấp phép. Việt Nam cần chuyển đổi từ sàng lọc và phê duyệt sang hỗ trợ thực tế các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ra nước ngoài trong các lĩnh vực ưu tiên, nhằm giúp họ giảm chi phí và rủi ro khi đầu tư ra nước ngoài.

Sebastian Eckardt - Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top