Aa

Bài 1: Từ những công trình biểu tượng đến bước thụt lùi về thương hiệu

Thứ Năm, 09/08/2018 - 06:00

Ở giai đoạn đỉnh cao của thị trường bất động sản, để có được suất mua một ngôi nhà, một mảnh đất ở Hà Nội, TP.HCM, người có tiền cũng phải bốc thăm, mua chênh hàng trăm triệu đồng và xếp hàng từ lúc nửa đêm.

Khi ấy, cùng với sự nhộn nhịp của thị trường, các nhà phát triển bất động sản như Vinaconex, HUD, Sudico… cũng đồng thời được nhắc đến với các “siêu phẩm” về nhà ở, được xem như biểu tượng của cuộc sống mới. Tuy nhiên, sau hơn một thập kỷ, trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm của thị trường bất động sản, những doanh nghiệp bất động sản nhà nước từng là “ông lớn” giờ liên tiếp dính bê bối về tài chính, phải chật vật xoay sở và "không còn tiếng nói" trên thị trường.

Khu đô thị Trung Hòa Nhân Chính: “Ông hoàng” trong dĩ vãng

Do Tổng công ty xuất nhập khẩu và xây dựng Việt Nam Vinaconex làm chủ đầu tư, Trung Hòa Nhân Chính là một trong những dự án khu đô thị cao cấp đầu tiên xuất hiện trên khu đất vàng Trần Duy Hưng. Ra đời như một thử nghiệm về lối sống cao tầng, khu đô thị Trung Hòa Nhân Chính nhanh chóng trở thành một trong các điểm quy chiếu của hệ thống nhà ở thủ đô. Là một trong những tổ hợp chung cư lớn nhất Hà Nội thời bấy giờ, khu đô thị Trung Hòa Nhân Chính đã tạo nên một cơn sốt trên thị trường bất động sản Hà Nội, trở thành nơi an cư mơ ước của bao nhiêu người.

Lúc mới đi vào hoạt động hồi năm 2006, khu đô thị Trung Hòa Nhân Chính dường như là “ông hoàng” trên khu đất đắc địa, nhiều lợi thế, giá mỗi căn hộ tại đây lên đến 4 - 5 tỷ đồng/căn, chưa kể còn được đẩy lên liên tục. 

Tại thời điểm hoàn thiện, khu đô thị Trung Hòa Nhân Chính là dự án có công trình cao nhất quận Cầu Giấy và cũng là chung cư cao nhất Hà Nội. Tòa nhà 34T trở thành biểu tượng phát triển thịnh vượng, mang lại tiếng tăm cho Vinaconex trong thời hoàng kim của mình.

Lúc bấy giờ, tòa nhà 34T của Khu đô thị trở thành biểu tượng phát triển thịnh vượng, mang lại

Lúc bấy giờ, tòa nhà 34T của Khu đô thị trở thành biểu tượng phát triển thịnh vượng, mang lại "tiếng tăm" cho Vinaconex trong thời hoàng kim của mình.

Tuy nhiên, theo dòng chảy của thị trường, hơn 10 năm qua, với sự xuất hiện của hàng loạt khu đô thị mới, ngày càng vươn cao hơn thì biểu tượng ngày nào của Vinaconex dần trở nên “thấp bé” và nhạt nhòa trong bức tranh đô thị tráng lệ.

Sau hơn một thập kỷ, Khu đô thị Trung Hòa Nhân Chính đã bộc lộ nhiều sự yếu kém về quy hoạch lẫn chất lượng công trình, những công trình biểu tượng cũng dần trở nên cũ kỹ, nhếch nhác. Lớp áo ngoài nhiều tòa nhà đã bong tróc, phai màu.

Ánh hào quang của một khu đô thị cho "dân nhà giàu" Hà Nội hơn chục năm về trước đã lụi dần theo thời gian. Thay vì tranh nhau "xếp lốt" mua nhà tại khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính, nhiều khách hàng hiện lại tìm đường rút bởi nhiều bất cập vì tình trạng quá tải các nhà cao tầng, mật độ dân số đông đúc, thiếu chỗ để xe, sân chơi trẻ em,…

Anh Sơn, một giám đốc doanh nghiệp lớn ở Hà Nội cho biết anh đang rao bán căn nhà 116m2 của mình với giá 30 triệu đồng/m2 để chuyển đi nơi khác. Từ ngày dự án tại khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính mới hoàn thiện, anh Sơn đã bỏ ra gần 5 tỷ đồng mua căn nhà này với mong muốn có một nơi chốn bình yên. Đến nay, chất lượng căn nhà ngày càng đi xuống, tình trạng ồn ào của khu nhà khiến anh khó tìm được không gian sống yên tĩnh theo đúng mục tiêu ban đầu nên gia đình anh quyết định bán và chuyển ra mua nhà phía ngoại thành Hà Nội.

Tình trạng "dân nhà giàu" rời bỏ khu Trung Hoà - Nhân Chính vẫn đang diễn ra theo xu hướng gia tăng do nhiều người muốn tìm cho mình một không gian sống tốt hơn, tiện ích hơn. Trên các website về mua bán bất động sản, có không ít căn hộ được rao bán.

Một môi giới khu vực này cho biết, 4 năm trở lại đây, khi khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính bắt đầu có biểu hiện xuống cấp, cộng với việc nhiều khu đô thị mới mọc lên thì người dân không còn chuộng khu nhà này như trước nữa. Số lượng người bán ngày càng tăng còn người mua ngày càng giảm đi. Giá nhà ở đây cũng giảm dần từ hơn 40 triệu đồng/m2 còn dưới 30 triệu đồng/m2.

Khu đô thị mới kiểu mẫu Linh Đàm: “Nuôi rồng thành giun”

Ở một góc khác của Hà Nội, hơn một thập kỷ trước, cũng có nhiều ước mơ được ươm mầm và đậu thành trái ngọt tại Linh Đàm, khu đô thị nổi tiếng được quy hoạch bài bản và được gắn với mỹ danh "Khu đô thị kiểu mẫu". Những tòa chung cư xinh xắn, các khu liền kề rợp bóng cây xanh trong diện tích 200ha có tới 74ha diện tích mặt nước, những công viên có mật độ cây xanh lên tới 13m2/người,... đã trở thành niềm tự hào không chỉ của cư dân Linh Đàm mà còn là niềm tự hào của cả chủ đầu. 

Khu đô thị mới kiểu mẫu Linh Đàm cũng chính là biểu tượng đưa Tổng Công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD) từ một doanh nghiệp nhỏ trở thành “ông lớn” đầy tiếng tăm trên thị trường bất động sản.

Khu đô thị mới Linh Đàm được quy hoạch cho khoảng 4.800 người ở, sau điều chỉnh quy mô dân số đã tăng lên 10.550 người. Nhưng con số thực tế tại khu đô thị này đã gấp hơn 6 lần so với quy hoạch.

Khu đô thị mới Linh Đàm được quy hoạch cho khoảng 4.800 người ở, sau điều chỉnh quy mô dân số đã tăng lên 10.550 người. Nhưng con số thực tế tại khu đô thị này đã gấp hơn 6 lần so với quy hoạch.

Chia sẻ về khu đô thị Linh Đàm, kiến trúc sư Nguyễn Hồng Thục - một trong những người được mời thiết kế khu đô thị này từ đầu cho biết, khu nhà ở Bắc Linh Đàm nguyên bản là một mô hình rất bền vững. Một khu đô thị vẫn giữ được phố của người Việt trong khu khi cư dân vừa có phố, vừa có sân và khu sinh hoạt chung. Quy hoạch chung với 60% diện tích khu là sân chơi, sinh hoạt cộng đồng, vườn hoa; nhà ở chiếm 23%.

Tuy nhiên, thực tế hiện nay, niềm tự hào một thời của HUD đã thay đổi theo hướng tiêu cực. Dù được quy hoạch và xây dựng ban đầu rất tốt, nhưng trong quá trình triển khai các giai đoạn sau đó, chủ đầu tư chuyển nhượng lại các dự án thành phần cho nhà đầu tư thứ cấp. Các dự án này sau đó thay đổi quy hoạch, tăng mật độ xây dựng, quy mô dân số tăng vọt (9 người/m2) khiến khu đô thị kiểu mẫu một thời đã trở thành khu đô thị “chật chội nhất Hà Nội”. Kéo theo đó là hạ tầng quá tải, chất lượng nhà ở, dịch vụ, không gian sống không đảm bảo. 

Chị Ngọc Bích - người từng bán căn hộ chung cư VP6 Linh Đàm để chuyển ra nơi khác - chia sẻ: “Nghe đến khu đô thị kiểu mẫu, văn minh, hiện đại nên tôi bán nhà mặt đất để mua chung cư. Nhưng rồi có quá nhiều xáo trộn và bất tiện. Tắc đường thì diễn ra như cơm bữa. Những ngày mưa gió, chôn chân giữa dòng người trên đường trở về nhà luôn là ám ảnh của tôi đến giờ”. 

Ngày càng "không liên quan" đến những niềm tự hào trong quá khứ, khu đô thị Linh Đàm của thời điểm hiện tại đã có nhiều khu đất bị chuyển đổi thành đất ở với hệ số chiếm đất lên tới trên 90% và chiều cao 33 tầng (vượt 8 tầng so với quy hoạch). Quy hoạch khu văn phòng trung tâm bị phá vỡ hoàn toàn cấu trúc không gian. Điểm nhấn của khu đô thị giờ tạo hình ảnh lộn xộn, không tuân theo quy hoạch và cảnh quan ban đầu được thiết kế. Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng trong một lần làm việc với Bộ Xây dựng đã dẫn ví dụ về Khu đô thị Linh Đàm xảy ra tình trạng quy hoạch bị “phá nát” và rơi vào cảnh “nuôi rồng thành giun”.

Khu đô thị mới Mỹ Đình Sông Đà: Nhạt nhòa theo năm tháng

Nằm ở phía Tây Nam TP. Hà Nội, Khu đô thị mới Mỹ Đình Sông Đà có tổng diện tích 36,86ha, thuộc địa bàn quận Nam Từ Liêm, do Công ty CP Đầu tư Phát triển Đô thị và Khu công nghiệp Sông Đà (Sudico) làm chủ đầu tư.

Khởi công từ năm 2001, vốn đầu tư hơn 400 triệu USD, dự án KĐTM Mỹ Đình Sông Đà được xây dựng tại trung tâm của khu vực có tốc độ phát triển cao nhất Thủ đô thời điểm đó.

Hơn một thập kỷ trước, tòa tháp đôi nằm trên ngã tư Phạm Hùng - Mễ Trì là công trình cao nhất nhì khu vực và là biểu tượng của Tổng Công ty Sông Đà.

Khu đô thị mới Mỹ Đình Sông Đà được ví là đô thị kiến trúc châu Âu trong lòng Hà Nội nay dần nhạt nhòa theo năm tháng.

Khu đô thị mới Mỹ Đình Sông Đà được ví là đô thị kiến trúc châu Âu trong lòng Hà Nội nay dần nhạt nhòa theo năm tháng.

Với phong cách kiến trúc châu Âu được quy hoạch đồng bộ, hiện đại với nhiều tiện ích như công viên cây xanh, các cơ quan, công sở, trường học, nhà trẻ, khu vui chơi, giải trí, bể bơi,... Khu đô thị mới Mỹ Đình Sông Đà được ví là đô thị kiến trúc châu Âu trong lòng Hà Nội, từng là niềm mơ ước của không ít gia đình.

Tuy nhiên, niềm mơ ước ấy dần vỡ vụn chỉ sau vài năm công trình đi vào hoạt động. Nhiều căn hộ của khu đô thị được đánh giá là đáng sống nhất khu vực Mỹ Đình có biểu hiện xuống cấp vì tường nhà rạn nứt, thấm dột. Có những ngày mưa hoặc khi bể nước của tòa nhà bị tràn, người dân phải mang cả chậu ra hứng nước như thời sống trong nhà mái ngói, mái tranh. 

Cùng với thời gian và sự phát triển của thị trường, nhiều công trình khổng lồ khác cũng mọc lên như nấm xung quanh KĐTM Mỹ Đình Sông Đà. Công trình kiến trúc châu Âu trong lòng Hà Nội đã dần dần phai mờ trong trí nhớ nhiều người, giá trị sản phẩm bất động sản của doanh nghiệp Công ty CP Đầu tư Phát triển Đô thị và Khu công nghiệp Sông Đà cũng không còn chiếm lợi thế như trước. Những năm gần đây, không có nhiều hoạt động xây dựng tại các dự án, hàng tồn kho và tài sản dở dang vẫn đang lớn dần, "đại gia" bất động sản Sudico năm nào giờ đây vướng nhiều bê bối và luôn trong tình trạng kinh doanh khó khăn.

Sau hơn 10 năm, với nhiều nốt thăng trầm của thị trường bất động sản, những công trình được xem là biểu tượng của cuộc sống mới năm nào đã trở nên nhạt nhòa trước hàng loạt những dự án chung cư cao cấp của các đại gia bất động sản mới. Theo dòng chảy của thị trường, trải qua các giai đoạn từ nóng sốt - đóng băng - trầm lắng - phục hồi và tăng trưởng trở lại, “sân chơi” bất động sản đã không ngừng biến động, khiến những “gã khổng lồ” xưa bị bỏ lại phía sau trong “cuộc chơi” và đến nay chỉ còn “vang bóng một thời” trong ngành bất động sản cùng những "bê bối" tài chính và công việc kinh doanh bết bát.

Reatimes sẽ tiếp tục thông tin./. 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top