Aa

Bài 2: Cơn "bạo bệnh" có "tàn phá" được khối tài sản của đại gia Lê Phước Vũ?

Thứ Ba, 13/11/2018 - 23:30

Với một doanh nghiệp chịu nhiều sức ép cạnh tranh từ nguyên liệu cho đến tỷ giá mà lại còn mang trong mình khối nợ vay cao gấp 3 lần vốn chủ sở hữu cộng thêm niềm tin của nhà đầu tư đã dần "cạn kiệt" thì chẳng khác gì một cơ thể đang gồng mình chống "bạo bệnh"!

Càng vùng vẫy càng lún sâu!

Theo báo cáo tài chính vừa được CTCP Tập đoàn Hoa Sen công bố, liên quan đến kết quả kinh doanh quý III/2018 (tức quý IV niên độ tài chính của Hoa Sen), mặc dù doanh thu tăng nhưng giá vốn cùng chi phí tài chính của doanh nghiệp này cũng tăng cao dẫn đến lỗ ròng.

hf

Kết quả hoạt động của HSG

Theo đó, Hoa Sen đạt doanh thu 8.565 tỷ đồng trong kỳ vừa qua, tăng 23% so với cùng kỳ năm trước. Thế nhưng, do giá vốn hàng bán cũng tăng mạnh, nên lợi nhuận gộp của Hoa Sen chỉ đạt 723,8 tỷ đồng, giảm gần 36%.Theo tính toán, biên lợi nhuận gộp của Hoa Sen từ mức 25% đầu năm 2016 đã liên tục giảm trong thời gian gần đây và chỉ còn 8,5% trong quý III/2018 vừa qua.

Doanh thu tài chính tăng hơn 30 lần, cộng thêm chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp đều giảm, nhưng biến động lớn bởi giá vốn bán hàng khiến kết quả kinh doanh của Hoa Sen lao dốc. Công ty báo lỗ sau thuế gần 102 tỷ đồng, trở thành kỳ báo cáo lỗ đầu tiên kể từ năm 2011.

Lũy kế cả niên độ, doanh thu thuần đạt trên 34.400 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế là 410 tỷ đồng. Trong khi doanh thu vượt 15% kế hoạch thì lợi nhuận sau thuế mới hoàn thành hơn 30% chỉ tiêu ban lãnh đạo công ty đề ra.

Tổng nợ phải trả giảm đáng kể so với thời điểm đầu niên độ, nhưng vẫn chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu nguồn vốn với hơn 16.000 tỷ đồng. Vay và nợ thuê tài chính chiếm đến 14.340 tỷ đồng (tăng 21%) so với đầu kỳ ngày 1/10/2017 là 11.850 tỷ đồng và cao gấp gần 3 lần vốn chủ sở hữu.

Bài toán khó của HSG chính là dư nợ tăng "khủng", đi cùng hàng tồn kho ứ đọng (hơn 6.600 tỷ đồng) khiến biên lãi giảm mạnh nhiều quý trở lại đây. Chưa hết, giá nguyên liệu và tính cạnh tranh tăng cao cũng đang là khó khăn cho toàn ngành nói chung. Cùng với đó, giá thép cuộn cán nóng HRC đầu vào trung bình 9 tháng 2018 tăng mạnh 18%, kéo theo lợi nhuận ròng HSG giảm mạnh 69% so với cùng kỳ, xuống còn 410 tỷ đồng trong năm 2018.

Biên lãi Tập đoàn Hoa Sen cũng điều chỉnh mạnh, cụ thể tỷ suất lợi nhuận gộp của HSG giảm về mức thấp nhất trong lịch sử là 8,5% trong quý IV/2018, còn trong quý III/2018 là 10%. Hơn nữa, tình trạng nợ vay ở mức cao dẫn đến tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu tăng đáng kể dường như đang khiến HSG của đại gia Lê Phước Vũ "càng vùng vẫy càng lún sâu" trong vòng xoáy nợ nần.

cgc

Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoa Sen

Đại gia bán đất cứu thua lỗ?

Mới đây, Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoa Sen vừa công bố nghị quyết về việc thông qua kết quả chuyển nhượng bất động sản tại đường Đỗ Xuân Hợp, phường Phước Long B, quận 9, TP.HCM để thu hồi vốn đầu tư.

Cụ thể, khối bất động sản được chuyển nhượng lần này gồm hai thửa đất có diện tích 4.156m2 và 3.000m2. Giá trị chuyển nhượng theo diện tích đo đạc thực tế là gần 139,55 tỷ đồng. Thời gian hoàn tất chuyển nhượng là ngày 6/11 vừa qua.

Động thái này diễn ra trong bối cảnh việc kinh doanh tại công ty đang sụt giảm mạnh. Trong năm 2018, khi doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ tăng mạnh 24% thì biên lợi nhuận gộp lại giảm 10,5% so với cùng kỳ. Thậm chí, quý cuối niên độ 2017 - 2018, HSG ghi nhận lỗ đến gần 102 tỷ đồng khiến lợi nhuận sau thuế lũy kế đến ngày 30/9/2018 chỉ đạt 410 tỷ đồng, giảm hơn 3 lần so với niên độ trước đó (tương đương giảm mạnh 69%).

Đáng chú ý, tổng các khoản nợ vay ngắn hạn tăng từ 9.015 tỷ đồng lên 10.879 tỷ đồng, tăng 20% so với đầu kỳ. Các khoản nợ vay dài hạn cũng tăng 22% từ 2.835 tỷ đồng lên 3.461 tỷ đồng. Như vậy tổng các khoản vay và nợ tại thời điểm 30/9/2018 đã tăng 2.491 tỷ đồng (tăng 21%) lên 14.341 tỷ đồng so với đầu kỳ ngày 1/10/2017 là 11.850 tỷ đồng.

Như vậy “phi vụ” bán đất này là nhằm giải quyết phần nào khó khăn trước áp lực dư nợ ngày càng dâng cao của HSG?

Trên thị trường, cổ phiếu HSG cũng đang rơi về vùng đáy 3 năm, hiện giao dịch quanh mức nhỉnh hơn 8.000 đồng/cổ phiếu. Nguyên nhân chủ yếu đến từ những khó khăn về nguồn nguyên liệu đầu vào tăng cao, chi phí lãi vay tăng mạnh gần 70% trong năm tài chính 2018 này. Cùng với đó khoản lỗ tỷ giá cao hơn dự kiến, tăng gần 95% từ 98 tỷ đồng trong năm 2017 lên 191 tỷ đồng trong năm tài chính 2018, do đó lợi nhuận của HSG đã bị ăn mòn cũng từ đây! 

Những lần rút khỏi dự án bất động sản để "cứu nguy" của Tập đoàn Hoa Sen

Cuối tháng 9 vừa qua, Tập đoàn Hoa Sen đã phải giải thể CTCP Hoa Sen Vân Hội, chủ đầu tư siêu dự án Khu du lịch tâm linh, sinh thái đầm Vân Hội tại huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái.

Đây là dự án được từng đại gia Lê Phước Vũ (Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoa Sen) đặt rất nhiều kỳ vọng. Theo quy hoạch chung, Khu du lịch tâm linh, sinh thái hồ Vân Hội, huyện Trấn Yên có tổng diện tích quỹ đất lập quy hoạch là 1.346ha nằm trên địa phận hai xã Việt Cường và Vân Hội, huyện Trấn Yên. Tại thời điểm 2016 khi công bố triển khai dự án, đây là dự án bất động sản, dịch vụ và du lịch đầu tiên của Tập đoàn Hoa Sen.

Việc ngừng triển khai dự án bất động sản nghỉ dưỡng quy mô lớn ở Yên Bái cũng cho thấy phần nào sự khó khăn của Tập đoàn Hoa Sen trong việc lấn sân sang lĩnh vực bất động sản.

Trước đó, Tập đoàn Hoa Sen cũng từng đã chuyển nhượng để rút hết vốn ra khỏi 3 dự án bất động sản và 1 dự án logistics là dự án Cảng Quốc tế Hoa Sen – Gemadept. Trong đó, việc thoái 45% vốn khỏi liên doanh cảng Hoa Sen – Gemadept đã thu về cho Tập đoàn Hoa Sen 102 tỷ đồng doanh thu tài chính trong quý IV/2018.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top