Aa

Bài học về quản lý TTXD tại Hà Nội rút ra từ hàng loạt sai phạm ở quận Cầu Giấy

Thứ Bảy, 25/07/2020 - 08:20

Quyết định 04/2019/QĐ-UBND Hà Nội ghi rõ UBND cấp huyện chịu trách nhiệm toàn diện trước pháp luật và UBND TP về tình hình quản lý TTXD trên địa bàn và xử lý trách nhiệm các tổ chức, cá nhân do buông lỏng quản lý.

Lời dẫn: Nhiều năm qua, những sai phạm liên quan đến đất đai và trật tự xây dựng đã trở thành vấn đề nhức nhối tại Hà Nội. Trước tình trạng này, mới đây chính quyền thành phố đã có những động thái mạnh mẽ, yêu cầu các cơ quan, đơn vị thực hiện quyết liệt, có hiệu quả các giải pháp, biện pháp xử lý, khắc phục các vi phạm đất đai.

Với mong muốn đồng hành cùng chính quyền Thủ đô trong công cuộc chống sai phạm liên quan đến đất đai và trật tự xây dựng, chúng tôi sẽ phản ánh đến độc giả những thông tin trung thực, chính xác nhất về công tác xử lý, khắc phục các vi phạm trên tại địa bàn Hà Nội. Tin rằng, với những hành động quyết liệt từ bộ máy chính quyền thành phố, các sai phạm này sẽ được xử lý triệt để trong thời gian tới.

Trách nhiệm của UBND quận, huyện, thị xã và lãnh đạo địa phương về quản lý trật tự xây dựng (TTXD) được thể hiện vô cùng chi tiết và đầy đủ trong Quyết định 04/2019/QĐ-UBND Hà Nội về Quy định quản lý trật tự xây dựng. Cụ thể, tại Điều 5. Trách nhiệm, nhiệm vụ quản lý trật tự xây dựng của Ủy ban nhân dân cấp huyện của Quy định ghi rõ:

1. Nhiệm vụ của Ủy ban nhân dân cấp huyện

a) Chịu trách nhiệm toàn diện trước pháp luật và Ủy ban nhân dân Thành phố về tình hình quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn.

b) Chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng thực hiện việc tuyên truyền, vận động hướng dẫn các tổ chức và nhân dân chấp hành các quy định của pháp luật về trật tự xây dựng trên địa bàn.

c) Chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc Đội quản lý trật tự xây dựng đô thị, Ủy ban nhân dân cấp xã và các cơ quan liên quan thực hiện trách nhiệm quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn theo quy định của pháp luật nhằm phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật về quản lý trật tự xây dựng.

d) Chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn trực thuộc phối hợp chặt chẽ với Đội quản lý trật tự xây dựng đô thị, Ủy ban nhân dân cấp xã trong công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn; Cung cấp các thông tin về quy hoạch, giấy phép xây dựng và các thông tin liên quan phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra, thiết lập hồ sơ xử lý vi phạm về trật tự xây dựng trên địa bàn quản lý.

đ) Kiểm tra, đôn đốc và tổ chức thực hiện các kết luận thanh tra, kiểm tra, quyết định xử lý vi phạm trật tự xây dựng của cấp thẩm quyền đối với các công trình xây dựng trên địa bàn; Xem xét, giải quyết kiến nghị chuyển hồ sơ đến Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát của Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị cấp huyện.

e) Cung cấp kịp thời, đầy đủ, chính xác các thông tin, tài liệu theo đề nghị của Sở Xây dựng để phục vụ cho hoạt động thanh tra, kiểm tra chuyên ngành.

g) Cử cán bộ tham gia các hoạt động phối hợp kiểm tra, xử lý vi phạm, pháp luật về trật tự xây dựng và giải quyết khiếu nại, tố cáo trên địa bàn khi có yêu cầu của cơ quan có liên quan.

h) Tạo điều kiện thuận lợi về môi trường làm việc, cơ sở vật chất cho Đội quản lý trật tự xây dựng và các cán bộ được giao nhiệm vụ quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn quản lý.

i) Xem xét, xử lý trách nhiệm các tổ chức, cá nhân do buông lỏng quản lý, thiếu tinh thần trách nhiệm trong thực thi công vụ để xảy ra vi phạm trật tự xây dựng nghiêm trọng trên địa bàn quản lý.

k) Chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng trong việc nhận xét, đánh giá Trưởng phòng Quản lý đô thị, Đội trưởng Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị theo yêu cầu về công tác quản lý cán bộ.

l) Báo cáo định kỳ hoặc đột xuất đầy đủ và chính xác về tình hình quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn theo yêu cầu của Ủy ban nhân dân Thành phố và Sở Xây dựng.

m) Căn cứ Quyết định này, UBND cấp huyện có trách nhiệm nghiên cứu, xây dựng và ban hành Quy chế phối hợp giữa UBND cấp xã, Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị cấp huyện và các phòng, ban chuyên môn thuộc UBND cấp huyện trong công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn.

2. Trách nhiệm của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện

a) Chỉ đạo các bộ phận, cá nhân thuộc quyền quản lý thực hiện các nhiệm vụ tại khoản 1 Điều này.

b) Kiểm tra, giám sát Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã trong việc thực hiện quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn quản lý; Thực hiện thẩm quyền xử lý vi phạm theo quy định tại Khoản 2 Điều 38 của Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012, Điều 77 Nghị định số 139/2017/NĐ-CP của Chính phủ và các quy định khác có liên quan.

c) Xử lý Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, Đội trưởng Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị cấp huyện, cán bộ, công chức dưới quyền không hoàn thành chức trách, nhiệm vụ quản lý trật tự xây dựng.

d) Chịu trách nhiệm toàn diện về tình hình vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn theo quy định tại Điều 29, Điều 50 Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

đ) Đề xuất Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố ban hành biện pháp cần thiết, phù hợp thực tế nhằm quản lý trật tự xây dựng có hiệu quả.

e) Hoàn thiện hồ sơ, trình Chủ tịch UBND Thành phố ban hành các quyết định xử lý vi phạm trật tự xây dựng vượt thẩm quyền của Chủ tịch UBND cấp huyện.

Những sai phạm về TTXD thường gặp trên địa bàn Hà Nội

Về cơ bản, sai phạm về TTXD trên địa bàn Hà Nội thường thuộc 4 nhóm sau đây:

- Xây dựng công trình không có giấy phép xây dựng mà theo quy định của pháp luật phải có giấy phép xây dựng; 

- Xây dựng công trình sai giấy phép xây dựng do cấp có thẩm quyền cấp; 

- Xây dựng công trình gây lún, nứt, có nguy cơ gây sụp đổ công trình bên cạnh; 

- Xây dựng công trình sai quy hoạch chi tiết 1/500; sai thiết kế được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt (trong trường hợp được miễn giấy phép).

Trong đó, các công trình xây dựng sai quy hoạch chi tiết 1/500 và không phép thường diễn ra phổ biến nhất. Đáng chú ý, loạt sai phạm thường xảy ra mang tính hệ thống có nơi xây dựng thành các khu dân cư hàng vài trăm hộ, kéo dài từ năm này qua năm khác nhưng chính quyền cũng không thể xử lý được điển hình như tại dọc tuyến đường K2 kéo dài ven sông Nhuệ (quận Nam Từ Liêm) hay tại phường Tứ Liên (quận Tây Hồ)...

Hầu hết các công trình xây dựng này trên đất có nguồn gốc là đất nông nghiệp, đất 5% của các hộ dân từ thời kỳ hợp tác xã, đất lâm nghiệp. Điển hình như các khu dân cư ở Tứ Liên; các khu dân cư dọc đê sông Hồng Hà Nội; các khu dân cư ở các quận huyện khác trên địa bàn TP Hà Nội.

Nhiều khu dân cư theo quy hoạch đô thị được phê duyệt là đất ở, nhân dân xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà nhưng chính quyền không giải quyết được vì những khu dân cư này xây dựng vi phạm trật tự xây dựng, chưa chuyển đổi mục đích sử dụng đất, thậm chí là không được cấp giấy phép xây dựng kể cả giấy phép xây dựng tạm. Vì do nhu cầu thiếu nơi ở, người dân vẫn tiếp tục xây dựng dưới nhiều hình thức mà chính quyền cơ sở không xử lý được.

Vỡ quy hoạch thành phố - nhìn từ hàng loạt những sai phạm TTXD mang tính hệ thống tại quận Cầu Giấy 

Người dân trên địa bàn Cầu Giấy đang rất mong UBND TP Hà Nội cùng các cơ quan có thẩm quyền sớm vào cuộc kiểm tra, làm rõ các công trình, dự án có dấu hiệu vi phạm TTXD để tránh làm phá vỡ quy hoạch và ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi ích của người dân. Thế nhưng đã hơn 2 tháng qua, phóng viên (PV) sau nhiều lần liên hệ làm việc, gửi công văn tới UBND quận cầu Giấy đều không nhận được phản hồi chính thức nào.

Dư luận đặt ra nhiều câu hỏi về quy trình làm việc của chính quyền. Phải chăng các UBND phường trên địa bàn quận Cầu Giấy đều có quy trình "im lặng" khi có dấu hiệu sai phạm được phản ánh? Hay UBND quận Cầu Giấy đang đùn đẩy trách nhiệm và "làm khó" phóng viên tiếp cận thông tin về sai phạm xây dựng trên địa bàn?

Công trình được xây vuông góc với 2 mặt tiền có chiều cao lên đến 8 tầng, 1 tầng hầm, 1 tum tại lô C13 D6 Khu đô thị mới Cầu Giấy.

Ngày 26/02/2020, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ cùng lãnh đạo thành phố làm việc với Ủy ban MTTQ thành phố Hà Nội đã có chỉ đạo kiên quyết xử lý và xử lý triệt để các vi phạm về đất đai, xây dựng trái phép, thu hồi các dự án có sử dụng đất nhiều năm không triển khai; có giải pháp bảo vệ môi trường trên địa bàn, giảm thiểu ô nhiễm không khí, ô nhiễm các con sông, nguồn nước, thực hiện phân loại xử lý rác thải, đẩy nhanh tiến độ di dời các cơ sở ô nhiễm môi trường ra khỏi nội thành…

Thế nhưng, tại phường Dịch Vọng (quận Cầu Giấy) hàng loạt dự án, công trình có dấu hiệu vi phạm xây dựng trái phép, phá vỡ quy hoạch đô thị, gây ô nhiễm môi trường. Nổi cộm với loạt sai phạm nghiêm trọng này tại Khu đô thị mới Cầu Giấy khiến người dân vô cùng bức xúc.

Tại công trình trong ngõ 25 phố Thọ Tháp cũng được chủ đầu tư cho xây dựng rầm rộ, với quy mô lớn, có dấu hiệu vượt quá quy hoạch. 

Theo đó các công trình dự án đã và đang xây dựng trái phép, phá vỡ không gian đô thị với chiều cao vượt trội, mật độ 100%. Cụ thể: lô C13 D6; số 94- 96 Khúc Thừa Dụ; ngõ 70, số 68 phố Trương Công Giai. Hầu hết công trình, dự án nêu trên ngày ngày thi công đều đặn, vật liệu xây dựng, rác xây dựng luôn trong tình trạng bừa bộn chiếm hết vỉa hè.

Cũng tại ngõ 25 phố Thọ Tháp là tổ hợp công trình “khủng” có dấu hiệu sai phép, sai quy hoạch với chiều cao 7 tầng, 1 tầng hầm, 1 tầng lửng, 1 tum, vượt mật độ xây dựng nhưng chủ đầu tư vẫn thản nhiên thi công nhiều tháng nay. Xung quanh công trình, vật liệu xây dựng tràn lan, gây mất mỹ quan đô thị đồng thời không đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông.

Công trình số 94- 96 Khúc Thừa Dụ với chiều cao khủng mọc nên giữa khu đô thị Cầu Giấy.

Trong buổi ghi nhận thông tin thực tế loạt sai phạm xây dựng trên địa bàn phường Dịch Vọng, PV được người dân thông tin thêm: Khu vực giáp ranh giữa phường Yên Hòa và phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội (kéo dài từ số nhà 92 đến số nhà 104A ngõ 381 Nguyễn Khang) có tòa nhà 7 tầng đã đi vào hoạt động và cho thuê thuộc Công ty cổ phần Đại Lộc Toàn Cầu. Đây là công ty được chuyển nhượng khu đất có diện tích 3.798m2 từ Công ty Phát triển Đô thị Từ Liêm ở địa chỉ số 28 đường Thành Thái (phường Dịch Vọng, Cầu Giấy, Hà Nội). 

Được biết, việc xây dựng công trình trên là hoàn toán trái phép vì đây là phần đất lưu không, không được phép xây dựng nhà 100% diện tích đất. Tuy nhiên, chủ đầu tư đang tiến hành xây dựng công trình phụ trợ 4 tầng, mở nhiều cửa đi lại lấn chiếm lòng đường gây ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt, an ninh trật tự, an toàn giao thông của người dân.

Được biết, toàn bộ khu đất nằm ở vị trí giáp ranh hai phường, nằm trên địa giới tại đường Thành Thái, phường Dịch Vọng. Toàn bộ dự án nhà cao tầng mặt đường Thành Thái đang được xây dựng và đi vào hoạt động cao 7 tầng, phần đất lưu không phía sau đang được xây dựng dãy nhà 4 tầng, lấn chiếm phần đường ngõ 381 ở phường Yên Hoà.

Toàn bộ dự án nhà cao tầng thuộc Công ty cổ phần Đại Lộc Toàn Cầu nằm ở cuối đường Thành Thái đang được xây dựng và đi vào hoạt động cao 7 tầng. 

Việc trên địa bàn phường Dịch Vọng đang tồn tại các công trình quy mô khủng, có chiều cao vượt trội hơn hẳn các ngôi nhà liền kề. Người dân đặt ra nghi vấn có hay không sự buông lỏng quản lý, ưu ái đặc biệt từ chính quyền sở tại đối với các công trình khủng này? 

Theo Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 được UBND Thành phố Hà Nội phê duyệt ngày 09/01/2001, các ô đất tại Khu đô thị mới Cầu Giấy (phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy) được dành thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất gồm D2, D4, D5, D6, D7, D11, D13, D18, D21, D23; đây là vị trí được quy hoạch xây dựng biệt thự, nhà vườn. Biệt thự trong khu đô thị này phải tuân thủ các tiêu chí: Có diện tích 200-300m2, mật độ xây dựng 50-60%, chiều cao 3 tầng, chỉ giới xây dựng lùi 3m so với chỉ giới đường đỏ. 

Phần đất lưu không phía sau dự án thuộc Công ty cổ phần Đại Lộc Toàn Cầu đang được xây dựng dãy nhà 4 tầng, lấn chiếm phần đường giáp ranh ngõ 381 ở phường Yên Hoà.

Trước khi tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất, UBND Thành phố Hà Nội điều chỉnh quy hoạch các lô đất biệt thự diện tích 200 - 300m2/lô thành các lô đất nhà vườn diện tích khoảng 150m2/lô, nhưng vẫn giữ nguyên tiêu chuẩn về chiều cao, mật độ xây dựng nhằm giữ gìn cảnh quan và môi trường cho khu đô thị.

Năm 2009, UBND quận Cầu Giấy đã có văn bản gửi UBND TP Hà Nội và Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội xin điều chỉnh chiều cao các lô đất nhà vườn từ 3 tầng, lên thành 5 tầng + tum nhưng đến nay chưa được UBND thành phố chấp thuận phương án điều chỉnh, đồng nghĩa quy hoạch tỷ lệ 1/500 do UBND thành phố Hà Nội duyệt còn nguyên giá trị pháp lý cần phải được thực hiện.

Quy hoạch là vậy nhưng trên thực tế có thể thấy các dự án, công trình tại Khu đô thị mới Cầu Giấy xây dựng đi ngược lại với các tiêu chí được quy định.

Quận Cầu Giấy "đi ngược" chỉ đạo của TP Hà Nội

Ngày 25/3/2019, trước những diễn biến phức tạp trong công tác quản lý TTXD, Thường trực HĐND TP Hà Nội đã tổ chức phiên giải trình về công tác quản lý TTXD. Đây là nội dung được HĐND TP Hà Nội quan tâm giám sát, chất vấn và tái chất vấn tại ba kỳ họp liên tiếp của HĐND thành phố khóa 15. 

Theo báo cáo của Sở Xây dựng Hà Nội năm 2019, hiện vẫn còn hàng chục công trình vi phạm TTXD trên địa bàn các quận như Cầu Giấy, Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Thanh Xuân, Hoàng Mai, Thạch Thất, Hoài Đức vẫn chưa được xử lý. Trách nhiệm này thuộc về chính quyền các quận, huyện.

Loạt công trình, dự án tổng hợp tại ngõ 70 phố Trương Công Giai đã và đang xây dựng sai quy hoạch với chiều cao siêu khủng.

Điều đáng nói, đại biểu HĐND thành phố cũng như các cử tri đặt ra là vì sao các sai phạm dù đã rõ địa chỉ, đã được các cấp, các ngành kết luận thanh tra, thậm chí đã từng bị cưỡng chế tháo dỡ, song đến nay vẫn chưa được xử lý dứt điểm. Cá biệt, nhiều vi phạm cũ chưa được xử lý thì đã phát sinh sai phạm mới.

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung  cho rằng, việc phát hiện vi phạm TTXD ở cơ sở chậm trễ, thậm chí có biểu hiện làm ngơ, bao che cho vi phạm của cán bộ TTXD cơ sở. 

Về nguyên nhân dẫn đến những vi phạm còn kéo dài, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội bà Nguyễn Thị Bích Ngọc cũng nêu quan điểm, một phần là do lực lượng Thanh tra Xây dựng chưa làm hết trách nhiệm. Việc phối hợp với các quận, huyện, thị xã trong việc kiểm tra, đôn đốc còn lỏng lẻo, chưa rõ ràng, ý thức chấp hành của một bộ phận người dân chưa cao… Từ những nguyên nhân này, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Thị Bích Ngọc đề nghị chủ tịch, bí thư ở các địa phương phải tiếp tục thực hiện hiệu quả Chỉ thị 08-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy, các cấp ủy, chính quyền địa phương tăng cường trách nhiệm của đội quản lý trật tự xây dựng, kiên quyết xử lý triệt để sai phạm cũ, không để phát sinh vi phạm mới. 

Trước những chỉ đạo nóng từ UBND TP thì UBND quận Cầu Giấy “bình chân như vại”. Phải chăng lợi ích chung của người dân là mong mỏi một không gian sống giữa đô thị xanh đã bị UBND quận Cầu Giấy vô tình lãng quên.

Hàng loạt các công trình, dự án đã và đang xây dựng có nhiều dấu hiệu sai phạm, vi phạm xây dựng trên địa bàn quận Cầu Giấy nói chung và UBND các phường nói riêng, rất cần các cơ quan chức năng cấp cao sớm thanh tra, kiểm tra, đưa ra các biện pháp khắc phục và xử lý. Đồng thời, làm rõ trách nhiệm của từng cá nhân, tập thể đã buông lỏng quản lý khi để xảy ra sai phạm.

Bài học trong công tác quản lý đất đai

Việc quản lý trật tự xây dựng đô thị vẫn luôn được xác định là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng, được các cấp lãnh đạo các thành phố quan tâm, chỉ đạo quyết liệt. Thế nhưng, những bất cập trong việc xử lý vi phạm vẫn tồn tại, thách thức các nhà quản lý.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng vi phạm trật tự xây dựng đô thị kéo dài và lan rộng trên các địa bàn nói chung bắt nguồn từ đâu? Có thể điểm lại hàng chục đầu lý do được đưa ra để lý giải cho tình trạng chậm trễ trong xử lý dứt điểm các sai phạm về trật tự xây dựng như khung pháp lý chưa hoàn thiện; chưa có chế tài hoặc chế tài chưa hoàn thiện; hồ sơ, nguồn gốc đất phức tạp qua nhiều giai đoạn của khung chính sách pháp luật; việc xử lý đúng luật lại có thể dẫn đến phát sinh vấn đề xã hội phức tạp... thậm chí có cả những nguyên nhân do những hành vi hành chính không phù hợp, vận dụng sai quy định pháp luật hoặc vi phạm pháp luật của cơ quan, tổ chức được giao quản lý nhà nước về đất đai, xây dựng, quy hoạch...

Thực trạng về câu chuyện xử lý vi phạm trật tự xây dựng đô thị tại Hà Nội nói riêng trong nhiều năm qua đã thực hiện nhưng chưa chạm đến gốc, đến rễ vấn đề khiến các vi phạm vẫn tiếp tục phát sinh ở nhiều nơi, nhiều cấp, tồn tại như một vấn nạn, gây thiệt hại chung cho xã hội, nhiều chuyên gia cho rằng cần luật hóa các chế tài xử lý đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm nhằm khắc phục một cách cơ bản những vướng mắc, tồn tại sẵn có, đơn giản hóa những vấn đề phức tạp.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top