Aa

Bãi trượt của thời gian

Thứ Tư, 30/09/2020 - 08:00

Như bãi trượt của đời người, bãi trượt của cõi tạm rộng mênh mông, ở đó vẫn luôn có một cây cầu vồng đẹp như mơ chợt xuất hiện, chợt biến mất vào hư không.

Có hai người, tóc đã như sương bất chợt gặp nhau ở chỗ cây lộc vừng đang trổ hoa bên hồ Gươm; cụ ông lý do đi mua báo, cụ bà lý do đi mua phong bì để viết thư gửi tay, họ gặp lại nhau, bước trượt dài của thời gian đã hơn nửa thế kỷ. Những đối thoại của người đứng tuổi, một thời họ từng có thời thanh xuân tươi đẹp ở bên nước Nga, và họ có ký ức để ngoảnh lại. “Anh còn nhớ cái bãi trượt tuyết Sorochany ở ngoại ô Moskva, vào ngày đông có tuyết đầu mùa không?”. 

“Lần đó thế nào nhỉ, em ngã dúi dụi vào anh còn gì, vì cái bàn trượt hay vì mưa tuyết?”. “Phải cảm ơn cái bàn trượt và cơn mưa tuyết để em ngã vào anh, còn gieo giắc đau khổ cho anh đến tận bây giờ?”. Mới đó, chớp mắt, hai ta đã già. Bà vừa đếm ngón tay. Và giờ đây gặp lại người tình cũ bên cây lộc vừng nở hoa. Chiều thu, viện cớ chàng đi mua báo ở bưu điện Bờ hồ, còn nàng thì đi mua phong bì thư, mấy tấm bưu thiếp tặng quà sinh nhật cho học trò nhỏ ở phố Tràng tiền. Cả hai người tuy đứng tuổi, dáng đi nhoăn nhoắt, ánh mắt họ ngả màu tro nhưng vẫn ánh lên vẻ trìu mến dành cho nhau. 

“Thế em sống ra sao? Lâu quá”. Cụ bà cũng nhắc lại một câu“ lâu quá”. Rồi , cụ ông nói rất thư thả: “ Cuộc sống của anh ổn thỏa và có phần tẻ nhạt, thời gian nhàm chán mỗi ngày một tý. Ngày đó anh về nước rồi cưới vợ, theo ý nguyện của mẹ anh trước khi nhắm mắt. Cũng là cưới chạy tang. Vợ anh, vốn là cô con gái mẹ anh nhận nuôi từ nhỏ”. Thật chậm rãi ông tiếp: “ cuộc hôn nhân của anh nó diễn ra suôn sẻ, không có gặp trắc trở gì, nghĩ thật kỹ, anh luôn chán chính mình. Mình không yêu đương gì người phụ nữ này, anh là đứa con ngoan nghe theo lời mẹ thôi. Con trai ngoan của mẹ. 

Anh thừa nhận vợ mình dịu dàng, nhan sắc trung bình, làm thủ thư ở thư viện thành phố. Vợ mình không dữ dội cũng chẳng mấy khi có thái độ tức giận với chồng. Nàng có một đức hạnh nhẫn nhịn thật tuyệt vời. Anh cũng có một mụn con trai, có hai đứa cháu nội sinh đôi đang sống ở tận nước Úc. Chúng xa nhà, nên hai vợ chồng anh vẫn ở căn nhà bố mẹ để lại, mạn Đuôi cá; thi thoảng anh dịch thêm cho vài tờ báo địa phương; có ngày đánh cờ, ngày đi câu cá dịch vụ. Cũng có một lần khi vào cái chòi dịch vụ câu cá, bên hồ nước có mưa nặng hạt, mưa trắng xóa. Anh thấy có hai đứa trẻ ôm nhau dưới phía đường mưa ướt lướt thướt. 

Bất chợt anh thật nhớ em. Nhớ như khêu cái bãi trượt tuyết Sorochaly em đã từng ngã chồng lên anh trong tuyết. Những cái hôn đầu đời vụng dại. Nhớ anh yêu em, chiếm đoạt em. Anh đã biến em thành người đàn bà của anh. Em không nửa lời trách cứ. Và anh luôn canh cánh: Nợ em một lời xin lỗi. Anh ân hận kể cả phút này!”. Thời gian kim giây như ngừng trôi, cả hai cùng thở dài và cùng nhìn nhau. Bà lại nói: “Không sao đã là dĩ vãng. Bãi trượt, cả anh và em đều trượt qua rồi”. Sau đó anh đi tìm em, theo địa chỉ, thì anh nhận được tin em phải về nước không một lời thanh minh. 

Và bặt tăm. Nhớ lại, hồi đó: “Mất nửa năm, tai họa ập tới với em. Một lần em đi học về sau khi nhận đi đưa hàng áo phao gió cho một người bạn Hunggary có chân ngoài chợ ở ga xép; chợ ế, với một túi hàng lớn, em mang về đến chân cầu thang của Ốp, gặp một kẻ đầu trọc lốc tấn công cướp hết túi đồ, tiền bạc. Tên trọc đầu đó tẩu thoát còn gọi cảnh sát, tố em là gái bán hoa, buôn hàng lậu. 

Em mới sang du học chưa bao lâu, chưa đủ thạo tiếng Nga, chưa đủ vốn từ để cãi thắng cảnh sát, và em đã bị dẫn về nước. Không một lời nhắn gửi cho anh. Khi em về lại miền quê trung du đẹp và rất nghèo khó năm ấy. Nhà chỉ còn có mỗi người mẹ ruột cũng không chịu nhìn mặt em. Mẹ không tin em, mẹ coi danh hão cao hơn con gái, mẹ sợ làng xóm dè bỉu, chê cười. 

Em ra khỏi nhà, khăn gói, nước mắt ra Hà Nội; từng ngủ ở nhà ga, rồi kiếm việc làm thuê ở ga Hàng cỏ; nào phe vé chợ đen, khuân hàng cho khách xuống tàu. Vai em không biết khuân bao nhiêu tải hàng hóa từ rừng núi đổ về chợ ga, rồi lại vác báo nhiêu đồ đạc cho khách trên chuyến tàu liên vận quốc tế thời đó. Thời gian nhàn rỗi em mua sách học thêm tiếng Nga, tiếng Anh khi làm chân coi kho xuất nhập cho một cửa hàng gốm sứ chợ ga. 

Chợ ga Hàng cỏ đã cứu vớt sự học của em. Rồi em đi làm hướng dẫn viên du lịch cho công ty tư nhân ở trên phố cổ. Em lấy chồng, cũng là hướng dẫn viên du lịch. Nhưng anh ấy gặp tai nạn, mất năm 49 tuổi. Em ở vậy với cô con gái, rồi cháu cũng lấy chồng ở mãi tận bên Hunggary. Em đã sang đó sống, nhưng không quen. Cứ phải lá rụng về cội, con gái mua căn hộ chung cư cũ cho mẹ, để ăn rau muống với tương bần. Có lúc nhận dạy kèm vài đứa trẻ cho vui nhà. Đến tuổi này rồi còn hy vọng gì hở anh?”.

Cụ ông kể: “Anh thì chôn chân ở cái đầm gần làng Sét, xưa kia bao nhiêu là đầm để câu cá rô. Cá rô đầm Sét nức tiếng ở chợ Mơ, làng Hoàng Mai, em có được ăn canh cải mơ với cá rô chưa? Để rồi anh mời em một bữa canh cải mơ nấu cá rô đồng. Giờ thì cá rô đầm Sét xóa sổ lâu rồi.”

Lạ nhỉ anh cũng tìm em trên thông tin mạng, mà không ra. Hai chúng ta toàn bất ngờ gặp nhau, lần đầu ở Nga; lần này là ở Việt Nam, sau nửa thế kỷ không có bão tuyết. Thở dài, cả hai người cùng thở dài. Hai người ngồi trên sân nhà Thủy Tạ - Hồ Gươm. Đôi tay cụ bà hơi run rẩy và cụ bà nhấp hụm nước, vẫn chậm rãi câu chuyện: “Ở khu tập thể chỗ em có một bà lão dành dụm tiền, không dám ăn không dám mặc, chỉ cốt mua bằng được căn hộ gần nhà người yêu cũ; ông lão ở tầng 3 còn bà lão ở tầng 2; thi thoảng cũng phải nhìn thấy nhau.

Nghe nói chuyện tình hai người, người vợ cũng biết còn vui vẻ là khác. Nghe nói người vợ tảng lờ như không biết gì. Thế rồi đến đoạn người đàn ông chết, hai người đàn bà ấy còn thân thiết với nhau. Họ kể lại những mẩu chuyện, lôi ra ánh sáng, rằng người chồng người tình này sống rất phức tạp. Có lúc bắt cá hai tay. Và hai người đàn bà, cùng buồn bã cho người đàn ông mà họ từng đắm đuối say mê, thực sự thì ông chẳng hề không chung tình với họ. Thực sự không có sự duy nhất ở trên cõi người? 

Nhưng tuổi già phải biết học bỏ qua nhiều thứ; có thể người vợ đủ độ lượng, hiểu sự day dứt của người chồng, khi bạn tình không còn chỗ nương tựa cuối cùng. Hay thực sự họ nghĩ đến cái chết đơn giản của tuổi già?. Thực ra không thiếu cách chết đơn giản. Ví dụ khác, có một bà cụ đơn thân chọn cách bán nhà rồi lên ở chùa trên Vĩnh Phúc, vùng quê cũ của bà, tiền bạc cúng tiến từ thiện cũng là một cách lựa chọn. Mọi thứ rồi cũng hư vô cả thôi anh.” 

“Em còn biết một cụ ông, thời còn đương nhiệm cũng là một thứ trưởng, khi vợ mất , con sinh sống ở Sài Gòn, mà cụ ông thì yêu Hà Nội, nên chọn trại dưỡng lão ở mé Nhổn, nơi đi qua một vườn hồng, một bãi tha ma là tới. Ở đó cụ trồng hoa hồng cho trại cắt tỉa cây và nuôi đôi chim gáy.Nghe nói cụ thứ trưởng đó chết rất sướng, sáng ra không thấy cụ ra vườn hồng, nhân viên chăm sóc trại vào gọi thì cụ đã ra đi lúc nào. Chết thế thì ai không thương xót kia chứ; cụ ấy sống rất chan hòa hay giúp đỡ người khác tật bệnh hơn mình. 

Có lẽ chết thế lại hay. Em cũng thích được chết trong khi ngủ rồi không thức dậy nữa. Ôi, chả ai chọn được cách chết cho mình, tốt nhất là để theo thuận. Giời gọi thì ta dạ thôi. Một đợt gió mạnh lùa bao nhiều hoa lộc vừng rơi trên mép hồ. Khi ngoảnh lại cái bãi trượt tuyết năm ấy, khi cả hai từng ngã chồng lên nhau, vì bão tuyết; rồi yêu nhau, rồi đột ngột chia xa. Mối tình đầu như vùi lấp trong tuyết khá lâu, mãi đến khi về Việt Nam, xứ sở nhiệt đới có nắng, mặt trời, tuyết mới tan trong lòng. 

Tuổi già rồi ai cũng đến lượt trượt đến một mẫu số chung: đó là đoạn kết con người. Khi người ta trẻ, rủng rỉnh quỹ thời gian, còn nhiều sức lực, ít để ý tới tuổi tác. Chỉ mùa dịch Covid-19 khốc liệt năm nay, cho thấy quả đất này đã xóa sổ rất nhiều phận người ở hòn đảo nước Mỹ, bên kia đại dương, đến lúc chết cũng tập thể, đến tên người không chắc có bia mộ? Nhìn nhận những cái chết ấy, để xem nhẹ mọi thứ khi nương náu cõi nhân gian? 

Ở đâu đó con cháu trong nhà còn đối sử tệ bạc với cha mẹ, ông bà. Họ thờ ơ lãnh cảm với cha già tật ách. Người già từng trải, tinh ý, đủ khôn ngoan để thể tất với đời để mà sống đúng nghĩa độc lập, có người cô đơn tự nguyện không phiền lụy đến người thân. Rồi mai kia tuổi trẻ các con, các cháu cũng sẽ trượt dài thời gian xuống dốc người cao tuổi. Sóng trước đổ đâu, sóng sau đổ đó. Như bãi trượt của đời người, bãi trượt của cõi tạm rộng mênh mông, ở đó vẫn luôn có một cây cầu vồng đẹp như mơ chợt xuất hiện, chợt biến mất vào hư không. Lẽ nào đời người cũng vậy?

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top