Aa

Bản chất vụ gian lận điểm thi, nỗi đau thí sinh và phát ngôn của quan chức

Thứ Bảy, 27/04/2019 - 00:01

Không thể nói khác được, vụ gian lận kỳ thi quốc gia được phát hiện tại Sơn La, Hà Giang, Hòa Bình chính là vụ đưa và nhận hối lộ.

Thủ phạm gồm 2 nhóm chính rõ ràng. Một là một số cán bộ, thầy cô giáo "cầm cân nẩy mực" trong Hội đồng thi Quốc gia. Hai là các ông bố, bà mẹ có tiền hoặc có quyền ban phát lợi ích cho những người ở nhóm 1.

Vật hối lộ là tiền của và lợi ích vật chất khác, kể cả con đường thăng tiến của người nhận hối lộ. Và hậu quả là đặc biệt nghiêm trọng.  Nghiêm trọng không chỉ trong đánh giá vụ án theo luật định, mà sâu rộng hơn thì di hại vô cùng. 

Di hại không chỉ trong 3 tỉnh mà khắp cả nước, không chỉ trong một ngành giáo dục mà là nghiều ngành, không chỉ một thế hệ mà là nhiều thế hệ, không chỉ lũng đoạn kỳ thi mà là nhiễu loạn quốc gia...

Chỉ riêng việc dư luận phẫn nộ trong suốt thời gian dài và phủ khắp đất nước đã cho thấy tính chất đặc biệt nghiêm trọng của vụ án này.

Tuy nhiên, cho đến nay chưa có một ai bị khởi tố về tội đưa - nhận hối lộ, mà mới chỉ khởi tố về tội lợi dụng chức vụ quyền hạn gây ảnh hưởng với người khác để trục lợi, hoặc tội lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ quyền hạn để trục lợi...

Sở GD-ĐT Hà Giang. Ảnh: VietNamNet.

Sở GD-ĐT Hà Giang. Ảnh: VietNamNet.

Với số lượng hơn 200 thí sinh gian lận điểm thi được phát hiện (có trường hợp gian lận tới 26,55 điểm cho 3 bài thi, có trường hợp là thủ khoa) tương ứng có hơn 400 ông bố, bà mẹ liên quan đến việc "mua điểm" nhưng vẫn chưa tìm ra được người đưa và nhận hối lộ. 

Kết quả đó đang khó thuyết phục dư luận.

Với những tội danh và những người đã bị khởi tố, rõ là cơ quan điều tra chỉ mới sờ được "phần nổi của tảng băng chìm". 

Một nửa sự thật không thể là sự thật - mong cơ quan điều tra không dừng lại như vậy.

Về nỗi đau thí sinh. Bên cạnh dòng dư luận chủ lưu là lên án, bức xúc với hành vi gian lận, đòi hỏi minh bạch mọi chuyện; phái sinh dòng ý kiến phải nhân văn với các em được nâng điểm, rằng các em chỉ là nạn nhân, rằng không được công bố danh tính các em vì sẽ nảy sinh hành động dại dột.

Có cả một lãnh đạo tỉnh còn phát biểu, công bố để làm gì? Tính nhân văn để đâu? Các em tự tử thì sao?

Tính nhân văn để đâu ư?

Với việc bố mẹ đưa hối lộ để "mua điểm" cho con, có thể không phải tất cả các em đều biết.

Nhưng việc dùng kết quả gian lận điểm thi để bước chân vào trường đại học, thì chắc chắn tất cả các em đều biết. Biết mình gian lận, biết mình chiếm chỗ của một bạn khác...

Ở góc độ đạo đức, đó là độc ác. 

Ở góc độ pháp luật, hành vi của các em không khác gì hành vi "tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có" được pháp luật qui định.. 

Trong khi đó, các em đang ở độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

Nền tảng của pháp lý là đạo lý. Vậy che dấu danh tính cho các em thì nhân văn ở chỗ nào? Bởi các em là nạn nhân sao?

Đúng! Các em là nạn nhân của những ông bố bà mẹ quyết định tương lai thay con mình bằng hành vi gian dối, phạm tội.

Nhưng tại sao thay vì giúp các em thoát khỏi kiếp nạn nhân - đối diện với sự thật, chấp nhận trả giá, rồi đi tiếp trên đôi chân của mình; thì chúng ta lại bắt các em phải tiếp tục sống kiếp nạn nhân thê thảm hơn - nạn nhân của sự bao bọc gian dối, không chỉ của bố mẹ, của thầy cô, mà còn của cả xã hôi nếu thực hiện theo ý kiến "nhân văn" của một số người, trong đó có cả cán bộ có chức quyền?

Với hệ thống bao bọc gian dối dày đặc từ gia đình - thầy cô - đến cán bộ Nhà nước và cả xã hội như thế, làm sao các em sống nổi thành người?

Xin đừng "nhân văn" cảm tính, rằng các em ở "tuổi bẻ gãy sừng trâu" ấy đau đớn lắm, mong manh lắm, yếu ớt lắm, dễ tự tử lắm...

Để công bằng, và để nhân văn đúng chỗ, hãy quan tâm đến nỗi đau có thật của nhiều thí sinh trong vụ án đặc biệt nghiêm trọng này. 

Đó là nỗi đau trước hết của hơn 200 thí sinh bị gạt ra khỏi trường đại học do hơn 200 em gian lận chiếm chỗ, sau nữa là của tất cả thí sinh làm bài thi trung thực. 

Nỗi đau của họ được gọi thành tên là niềm tin bị đánh cắp. 

Bị đánh cắp bởi chính những người "cầm cân, nẩy mực" trong kỳ thì mà họ tin yêu, tôn kính. 

Bị đánh cắp bởi những ông bố bà mẹ nhiều tiền lắm của, có chức có quyền.

Nỗi đau của họ còn có tên là bất công.

Bất công bởi sự trung thực, niềm tin trong sáng học trò bị vùi dập, bị mỉa mai trước ngưỡng cửa cuộc đời.

Bất công bởi trò gian lận nhơn nhơn tồn tại ở nơi tôn nghiêm nhất khiến cho hiện tượng "cơn mưa điểm 10", "30 điểm cũng không đỗ đại học"... trở thành "điểm đen" trong niềm tin thi cử trung thực.

Cuối cùng là phát ngôn của những quan chức có trách nhiệm liên quan đến vụ gian lận kỳ thi.

Trái với mong đợi, trong "khủng hoảng gian lận" có quá ít người đứng đầu đứng ra nhận trách nhiệm tạo niềm tin cho công chúng, trong khi đó những người dám phát ngôn lại có những phát ngôn làm niềm tin khủng hoảng thêm.

Trong nhiều phát ngôn được dư luân quan tâm, có phát ngôn của Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang Triệu Tài Vinh.

Dư luân quan tâm không chỉ bởi ông có con cháu được nâng điểm, mà cái chính là bởi tại nội dung phát ngôn của ông.

Ông nói: Ông không biết việc con ông được nâng điểm. Ông buồn về việc ai đó đã nâng điểm cho con ông.

Có thể ông Vinh không biết, tôi tin thế, vì ông thể hiện điều này nhiều lần. 

Ông Vinh buồn cũng là có thật, vì làm bố ai mà vui được khi con nâng điểm bị phát hiện và bị dư luận giận dữ.

Nhưng với cương vị một người bố trong gia đình ông không thể thoái thác trách nhiệm làm cho "ra ngô ra khoai" ngay trong nhà mình.

Với cương vị cán bộ đảng viên, quyền lực cao nhất và cũng là trách nhiệm cao nhất tỉnh, ông Vinh càng phải thể hiện trách nhiệm khi có con dính vào chuyện vi phạm pháp luật.

Trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu đối với ông phải được thể hiện ở 2 cương vị - người bố trong gia đình và người Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang.

Ở cả 2 cương vị đó, rất tiếc, ông Triệu Tài Vinh đã không có được phát ngôn thuyết phục.

Dòng sông công lý đang cuộn chảy, bản chất sự thật vụ gian lận trong kỳ thi quốc gia phải được làm minh bạch từ nhiều ngóc ngách của vụ án, từ nhiều bị can, bị cáo, từ nhiều cán bộ có quyền và nghĩa vụ liên quan, kể cả cán bộ cấp cao.

Và từ vụ án lịch sử thi cử đương đại này, mong sao ngành giáo dục sẽ chấn hưng để mang lại niềm tin và sự phát triển vững bền cho quốc gia, dân tộc.

Sông ơi, hãy chảy đi!...

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top