Từ 3h sáng trước ngày cúng tiễn ông Công ông Táo chầu trời theo dân gian, chợ cá lớn nhất miền Bắc tại làng Sở Thượng (phường Yên Sở, quận Hoàng Mai, Hà Nội) tấp nập các hàng bán cá và người dân tìm tới mua cá chép đỏ.
Tờ mờ sáng, bà Hương ở Yên Sở đã mang những thùng cá chép lớn, nhỏ vào chợ để kịp giờ bán buổi sáng. Những loại cá chép này sau đó được phân phối đến các chợ lớn, nhỏ tại Hà Nội và các tỉnh lân cận trước 6h sáng để kịp phục vụ nhu cầu người dân trong dịp cúng ông Công, ông Táo. Cá chép đỏ cũng được chia thành nhiều loại như chép tam dương, chép vàng chanh, chép đỏ ớt. Do các nhà bán buôn đổ cá về đây rất nhiều nên nguồn cung khá lớn.
Để tránh cá bị kiệt sức trước khi đến tay người mua, các nhà vận chuyển thả đá lạnh vào nước hạ nhiệt độ khiến cá bớt vận động. Sau đó, cá nhanh chóng được đưa vào bể tránh bị thiếu nước, dẫn đến chết. Các máy sục nước được bố trí dày đặc, sử dụng hết công suất để duy trì sự sống cho cá.
Chợ cá Sở Thượng có khoảng hơn 100 gian hàng. Những ngày trước Tết ông Công, ông Táo chợ lại tấp nập cảnh buôn bán cá chép "phương tiện" tiễn Táo quân về trời theo tục lệ dân gian. Có 2 loại cá chép được bán chủ yếu là cá chép vàng và chép đỏ được thương lái ở các vùng Hải Dương, Nam Định, Phú Thọ,...đưa tới.
Hiện giá cá chép đỏ và cá chép vàng được bán buôn phổ biến tại trang trại từ 70.000 - 75.000 đồng/kg. Nhưng khi đã vận chuyển lên chợ đầu mối tại Hà Nội sẽ có mức giá trung bình từ 120.000 - 150.000 đồng/kg cỡ lớn 50 con/kg, và cỡ nhỏ 70 con/kg tuỳ thuộc vào từng loại và kích thước của cá.
Giá bán lẻ tại các chợ là 20 đến 30 nghìn đồng 3 con. Anh Hoàng Hà, người nuôi cá quê Nam Định chia sẻ: "Cá chép vàng đạt tiêu chuẩn để xuất bán, phải mất thời gian chăm sóc từ 4-5 tháng. Do thời tiết năm nay năm nay ấm áp, thuận lợi cho việc nuôi cá nên cá phát triển rất tốt, những giá tất cả mọi chi phí như thức ăn, điện nước, nhân công,…đều tăng cao mà giá cá không tăng nên người nuôi lãi rất ít".