Aa

Bản tin BĐS 24h: Hà Nội rà soát đảm bảo an toàn nhà chung cư cũ

Thứ Tư, 21/10/2020 - 18:50

Hà Nội rà soát đảm bảo an toàn nhà chung cư cũ; gỡ nút thắt trong việc giao đất dịch vụ cho các hộ dân bị thu hồi đất là những tin chính trong bản tin BĐS 24h hôm nay.

Khẩn trương rà soát hiện trạng nhà chung cư cũ nguy hiểm 

UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành Văn bản số 4995/UBND-ĐT (ngày 16-10-2020) yêu cầu đôn đốc thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố về việc bảo đảm an toàn, di dời các hộ dân ra khỏi nhà chung cư cũ nguy hiểm, nhất là trong mùa mưa bão.

Theo đó, UBND thành phố yêu cầu Sở Xây dựng, UBND các quận: Ba Đình, Đống Đa khẩn trương báo cáo kết quả thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố tại Thông báo số 461/TB-VP (ngày 6-10-2020); khẩn trương thực hiện dứt điểm việc di dời các hộ dân ra khỏi chung cư cũ nguy hiểm cấp độ D trên địa bàn.

UBND thành phố cũng giao Chủ tịch UBND các quận: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân, Cầu Giấy, Hà Đông, Hoàng Mai, Tây Hồ khẩn trương rà soát hiện trạng các nhà chung cư cũ nguy hiểm trên địa bàn; có trách nhiệm và biện pháp bảo đảm an toàn cho công trình và người dân trong mùa mưa bão.

Cải tạo chung cư cũ chỉ có thể được cải thiện nếu những nút thắt về lợi ích của người dân, chủ đầu tư và xã hội được tháo gỡ.

Thông báo 461 của Văn phòng UBND TP cho biết tập thể lãnh đạo UBND TP đánh giá công tác cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ trên địa bàn TP trong nhiều năm qua đã được Thành ủy, HĐND, UBND TP tích cực chỉ đạo.

Tuy nhiên, do vướng mắc về cơ chế, chính sách nên đến nay, số lượng nhà chung cư cũ được xây dựng lại còn quá ít và dự án đã quyết định đầu tư chậm triển khai, tư vấn lập quy hoạch còn quá chậm, không đạt yêu cầu đã đặt ra.

Qua đó, UBND TP giao Sở Xây dựng tiếp tục chủ trì, khẩn trương thực hiện chỉ đạo của Thành ủy, phối hợp khẩn trương với Bộ Xây dựng về đề xuất đề án cải tạo xây dựng lại nhà chung cư cũ. Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính chuẩn bị kế hoạch vốn để lập quy hoạch các khu chung cư cũ bằng nguồn ngân sách.

Về công tác nghiên cứu lập ý tưởng quy hoạch các khu chung cư cũ trên địa bàn TP, giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc chủ trì cùng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội rà soát, tổng hợp các hồ sơ nghiên cứu ý tưởng quy hoạch một số khu chung cư cũ do một số doanh nghiệp đề xuất đã hoàn thành để tham khảo...

Đối với những hồ sơ đề xuất ý tưởng quy hoạch các khu chung cư cũ do các doanh nghiệp chậm thực hiện, đã quá thời hạn thành phố giao (trong đó có khu chung cư cũ Giảng Võ), giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc thông báo tạm dừng thực hiện.

Đối với các nhà chung cư cũ đã được kiểm định, đánh giá mức độ nguy hiểm cấp độ D, lãnh đạo UBND thành phố giao Sở Xây dựng, UBND các quận liên quan, khẩn trương thực hiện dứt điểm việc tạm cư, di dời các hộ dân ra khỏi chung cư cũ nguy hiểm để triển khai thực hiện dự án cải tạo, xây dựng lại; báo cáo kết quả thực hiện, tham mưu đề xuất UBND thành phố...

Trước đó, ngày 4/9, Bộ Xây dựng tổ chức hội nghị góp ý "Đề án cải tạo, xây dựng mới nhà chung cư cũ trên địa bàn TP Hà Nội". Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết hiện địa bàn Hà Nội có 1.579 nhà chung cư cũ, xây dựng chủ yếu trong giai đoạn 1960 - 1990, phần lớn đã xuống cấp, không đáp ứng được nhu cầu sử dụng của người dân. Theo số liệu của Bộ Xây dựng, Hà Nội hiện có đến gần 1.600 khối nhà chung cư cũ, tất cả đều đã xuống cấp, trong đó có đến 25% số chung cư thuộc diện nguy hiểm. Tuy nhiên, đến nay việc cải tạo, xây dựng lại mới chỉ đạt khoảng... 1%.

Giao đất dịch vụ cho các hộ dân bị thu hồi đất, tiếp tục gỡ “nút thắt”

UBND thành phố Hà Nội giao Sở Tài nguyên và Môi trường phấn đấu hoàn thành công tác giao đất dịch vụ trong tháng 06/2019. Thế nhưng đến nay, đã quá thời hạn hơn 1 năm, vẫn còn hàng nghìn hộ dân chưa được nhận đất dịch vụ do những vướng mắc về cơ chế, chính sách... Để đẩy nhanh tiến độ giao đất dịch vụ, giúp người dân ổn định cuộc sống, rất cần có các giải pháp đồng bộ nhằm tiếp tục tháo gỡ những “nút thắt” đang đặt ra...

Việc gỡ được những “nút thắt” do vướng mắc về cơ chế, chính sách sẽ đẩy nhanh tiến độ giao đất dịch vụ, giúp người dân ổn định cuộc sống.

Theo Chi cục trưởng Chi cục Quản lý đất đai Hà Nội (Sở Tài nguyên và Môi trường) Vũ Xuân Tùng, toàn thành phố còn 9.896 hộ đủ điều kiện nhưng chưa được giao đất dịch vụ, chủ yếu tập trung tại Hoài Đức, Mê Linh, Hà Đông…

dù đã có những giải pháp nhưng Hà Nội chưa thể có mốc thời gian cụ thể hoàn thành mục tiêu giao đất dịch vụ cho các hộ bị thu hồi đất nông nghiệp.(Ảnh: Internet)

Sự chậm trễ trong công tác này có nhiều nguyên nhân, trước hết do vướng mắc về cơ chế, chính sách.

Trước những vướng mắc về cơ chế, chính sách, tại Thông báo số 2686-TB/BCSĐ-TU ngày 24/06/2020 của Ban Cán sự đảng Bộ Tài nguyên và Môi trường và Thành ủy Hà Nội về kết luận hội nghị của đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội làm việc với Ban Cán sự đảng Bộ Tài nguyên và Môi trường và các bộ, ngành liên quan vào ngày 23/05/2020 nêu rõ: “Về kiến nghị giải quyết một số vướng mắc trong việc giao đất dịch vụ trên địa bàn một số địa phương ở Hà Nội, UBND thành phố chủ động phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường để đề xuất các giải pháp giải quyết những vướng mắc trên nguyên tắc phù hợp với quy định và điều kiện thực tiễn, quan tâm tạo điều kiện cho người dân...”.

Để đẩy nhanh tiến độ giao đất dịch vụ, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội Nguyễn Trọng Đông cho biết: Sở đã tổ chức họp liên ngành thành phố, UBND các quận, huyện, thị xã để triển khai rà soát những vướng mắc, hướng dẫn tháo gỡ và báo cáo UBND thành phố những nội dung vượt thẩm quyền.

Như vậy, dù đã có những giải pháp nhưng Hà Nội chưa thể có mốc thời gian cụ thể hoàn thành mục tiêu giao đất dịch vụ cho các hộ bị thu hồi đất nông nghiệp. Công tác này đòi hỏi các cấp, ngành, địa phương phải vào cuộc quyết liệt hơn nữa để tháo gỡ những "nút thắt" vướng mắc hiện nay.

Thị trường văn phòng Hà Nội đổi xu hướng mới sau Covid - 19

Thị trường văn phòng tại Hà Nội được kỳ vọng có tốc độ phục hồi nhanh sau đại dịch, đặc biệt vào cuối năm 2021 đến đầu năm 2022. Trong đó, văn phòng chia sẻ (co-working space) sẽ có sự phát triển mạnh.

Theo báo cáo thị trường bất động sản quý III/2020 của Savills Hà Nội, tổng nguồn cung văn phòng cho thuê tại Hà Nội đạt khoảng 1,9 triệu m², tăng 5% theo quý và 4% theo năm. Trong đó, dự án hạng A Capital Place mới ra mắt tại khu vực nội thành, cung cấp 93.300 m², là tòa văn phòng lớn nhất tại Hà Nội.

Cũng theo Savills Hà Nội, trong năm năm qua, nguồn cung văn phòng hạng A và B tăng trưởng bình quân 6%/năm trong khi hạng C tăng 3%/năm. Bên cạnh đó, giá thuê gộp trung bình tăng 6% theo quý và 3% theo năm.

Một nghịch lý là giá thuê tăng ổn định, tuy nhiên công suất thuê trung bình lại giảm 4 điểm % theo quý và giảm 1 điểm % theo năm. Nguyên nhân chủ yếu do giá thuê cao tại dự án mới ra mắt thị trường là Capital Place, dự án này cũng cung cấp một lượng lớn sàn cho thuê trong thời điểm dịch bệnh trở lại, do đó khó có thể lấp đầy ngay lập tức.

Tổng diện tích cho thuê thêm tháng 9/2020 đạt 11.300 m², cao nhất tại phân khúc hạng B và thuộc về khu vực phía Tây thành phố.

Thị trường văn phòng tại Hà Nội được kỳ vọng có tốc độ phục hồi nhanh sau đại dịch, đặc biệt vào cuối năm 2021 đến đầu năm 2022.

Theo ông Lê Tuấn Bình, Trưởng bộ phận Cho thuê thương mại Savills Hà Nội, Việt Nam vẫn là điểm đến tốt nhất trong khu vực Châu Á trong dài hạn. So với các thành phố lớn trong khu vực Châu Á Thái Bình Dương, thị trường văn phòng tại Hà Nội vẫn được kỳ vọng có tốc độ phục hồi nhanh sau đại dịch, đặc biệt là vào nửa cuối năm 2021 cho đến đầu năm 2022 với nhiều dự án mới đi vào hoạt động và sự mở rộng danh mục đầu tư vào thị trường Việt Nam của các doanh nghiệp nước ngoài lớn.

Đại diện Savills Hà Nội cũng dự báo, trong thời gian tới, Hà Nội sẽ tiếp tục thu hút nguồn FDI lớn và nằm trong Top 5 tỉnh, thành phố có lượng FDI cao nhất cả nước với việc được Chính phủ xác định là địa phương đi đầu trong việc phục hồi kinh tế sau đại dịch. Một số ngành được kỳ vọng sẽ tăng trưởng mạnh mẽ trong thời điểm này gồm có: Thương mại điện tử, tài chính, ngân hàng, logistics, và công nghệ thông tin.

Dự báo đến năm 2022, Hà Nội cho ra thị trường khoảng 192.000 m² từ 17 dự án sẽ gia nhập, với phần lớn nguồn cung thuộc hạng A và nằm ở khu vực nội thành. Cùng với đó, ngày càng có nhiều diện tích văn phòng tại khối đế các tòa chung cư. Nguồn cung tương lai đáng kể có thể khiến công suất thuê trung bình giảm đi trong hai năm tới.

Co-working space trở thành sự lựa chọn hàng đầu.

Với mặt bằng văn phòng truyền thống, người thuê phải ký 1 - 2 năm, có tiền cọc với thời hạn thanh toán 3 tháng một lần. Chi phí trung bình chỗ ngồi cố định là 2,5 - 3 triệu đồng một người một tháng và chỉ còn 1 - 1,2 triệu đồng nếu thuê chỗ ngồi linh động. Hiện các co-working space nhận được khá nhiều yêu cầu thuê theo tháng cho những doanh nghiệp 2 - 6 người. Theo quan sát trên thị trường, tăng trưởng của nhóm khách hàng này khoảng 10%, không quá nhiều nhưng có thể trở thành xu hướng mới.

Với xu hướng này, việc 80% số công ty tại Việt Nam muốn sử dụng không gian làm việc chia sẻ là hoàn toàn hợp lý, bởi họ có thể linh hoạt trong bố trí cách làm việc, mở rộng được không gian cho nhân viên và tiết giảm được chi phí.

Bên cạnh đó, thị trường văn phòng sẽ có những chuyển biến nhất định. Nguồn cung văn phòng Hà Nội cũng như TP.HCM đang ngày càng đi xa khỏi trung tâm. Ở Hà Nội đã hình thành 3 khu vực trọng điểm của thị trường văn phòng: khu vực trung tâm Hoàn Kiếm, Đống Đa - Ba Đình và khu vực phía Tây.

Trong 2021 và những năm kế tiếp, thị trường sẽ xuất hiện những dự án nằm ngoài 3 khu vực truyền thống này. 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top