Aa

Bất chấp thị trường giảm sâu trong phiên 17/12, nhiều cổ phiếu BĐS vẫn tăng mạnh

Thứ Sáu, 18/12/2020 - 06:10

Thị trường chứng khoán điều chỉnh mạnh trong phiên đáo hạn hợp đồng tương lai phái sinh VN30. Nhiều cổ phiếu bất động sản vẫn giao dịch tích cực bất chấp diễn biến xấu của thị trường chung.

Phiên giao dịch ngày 17/12 tiếp tục đem lại những bất ngờ. Tâm lý nhà đầu tư dường như bị ảnh hưởng bởi thông tin Bộ Tài chính Mỹ xác định Việt Nam (cùng với Thụy Sĩ) thao túng tiền tệ trong báo cáo tháng 12/2020. Cùng với đó, 17/12 trùng với thời điểm hợp đồng tương lai chỉ số VN30 đáo hạn nên gây ra sự thận trọng nhất định cho nhà đầu tư.

Mở cửa phiên giao dịch, chỉ số chính VN-Index đã lao dốc trước áp lực bán mạnh ở nhiều mã trụ cột, tuy nhiên lực đỡ vẫn là rất “khỏe” và giúp thu hẹp đáng kể đà giảm của chỉ số này. Diễn biến trong phiên chiều lại đi theo chiều hướng tiêu cực hơn, các cổ phiếu trụ cột như VCB, HPG, VJC, BVH, PLX, VRE, CTG… đều giảm rất sâu. Trong đó, VCB mất 3,9% xuống 96.000 đồng/cp, HPG giảm 3% xuống 37.650 đồng/cp, VJC giảm 2,7% xuống 124.600 đồng/cp, BVH giảm 2,7% xuống 57.000 đồng/cp.

Các cổ phiếu ảnh hưởng lớn nhất đến VN-Index. Nguồn: Fialda.

Chiều ngược lại, một vài mã lớn như GVR, TPB, VCG, VEA… đi ngược lại sự rung lắc của thị trường chung và có đóng góp quan trọng trong việc kìm hãm phần nào đà giảm của VN-Index cũng như giúp HNX-Index và UPCoM-Index giữ được sắc xanh.

Các cổ phiếu ảnh hưởng lớn nhất đến HNX-Index. Nguồn: Fialda.

Ở nhóm cổ phiếu bất động sản, sự phân hóa diễn ra mạnh, trong đó, nhiều cổ phiếu vẫn giữ được đà tăng tích cực bất chấp sự rung lắc rất mạnh của thị trường chung. Đáng chú ý, CEO được kéo lên mức giá trần và khớp lệnh 9,6 triệu cổ phiếu. Tương tự, các mã như PFL, PVL, KOS, BII hay KBC cũng tăng trần. 

Về KOS, doanh nghiệp này mới có thông báo chốt danh sách cổ đông để thực hiện trả cổ tức năm 2019 bằng cổ phiếu và thực hiện quyền mua cổ phiếu chào bán cho cổ đông hiện hữu. Công ty thực hiện trả theo tỷ lệ 5% (cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu được nhận 5 cổ phiếu mới). 

Bên cạnh đó, NTC tiếp tục tăng 7,7% lên 294.500 đồng/cp, SIP tăng 6,6% lên 179.000 đồng/cp, DIG tăng 2% lên 25.900 đồng/cp.

Các cổ phiếu ảnh hưởng lớn nhất đến UPCoM-Index. Nguồn: Fialda.

Ở chiều ngược lại, so với phiên trước, số mã bất động sản giảm sâu đã tăng lên nhiều, trong đó, IDJ giảm 5,4% xuống 15.700 đồng/cp, NDN giảm 3,3% xuống 20.800 đồng/cp, HDG giảm 2,9% xuống 33.400 đồng/cp, KDH giảm 2,5% xuống 27.500 đồng/cp.

Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index giảm 15,22 điểm (-1,43%) xuống 1.051,77 điểm. Toàn sàn có 148 mã tăng, 290 mã giảm và 47 mã đứng giá. HNX-Index tăng 0,38 điểm (0,22%) lên 172 điểm. Toàn sàn có 86 mã tăng, 97 mã giảm và 54 mã đứng giá. UPCoM-Index tăng 0,04 điểm (0,06%) lên 70,29 điểm.

Thanh khoản trên hai sàn gia tăng so với phiên trước đó và tiếp tục cao hơn mức trung bình 20 phiên với giá trị giao dịch đạt 15.760 tỷ đồng, tương ứng với khối lượng giao dịch 782 triệu cổ phiếu, trong đó giao dịch thỏa thuận chiếm 886 tỷ đồng. ITA là cổ phiếu bất động sản duy nhất nằm trong top 10 mã khớp lệnh toàn thị trường với 20,6 triệu cổ phiếu.

Khối ngoại đẩy mạnh bán ròng 780 tỷ đồng trên toàn thị trường ở phiên 17/12, trong đó, VRE và NVL lọt vào danh sách 10 cổ phiếu bị khối ngoại bán ròng mạnh nhất với giá trị đều trên 30 tỷ đồng. Chiều ngược lại, NLG là mã bất động sản duy nhất nằm trong top 10 cổ phiếu được khối ngoại mua ròng với 10,4 tỷ đồng.

Theo Công ty Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS), thị trường giảm mạnh trở lại với thanh khoản khớp lệnh trên HoSE lập kỷ lục mới với gần 13.700 tỷ đồng cho thấy áp lực bán ra là thực sự mạnh. Trên khía cạnh kỹ thuật, sau chuỗi 20 phiên liên tiếp duy trì trong vùng quá mua (RSI(14)>=70) thì VN-Index đã rơi ra khỏi vùng này, qua đó kỷ lục 21 phiên liên tiếp quá mua vào tháng 11/2017 và đầu tháng 12/2017 vẫn được giữ vững. Với động thái này thì thị trường có thể sẽ còn áp lực bán trong phiên tiếp theo để tìm về vùng giá cân bằng mới. Phiên cuối tuần cũng là ngày cơ cấu danh mục cuối cùng của 2 quỹ ETF, FTSE và VNM nên nhà đầu tư cũng cần lưu ý.

Trên thị trường phái sinh, hợp đồng tương lai VN30 tháng 1/2021 giữ mức basis dương 8,05 điểm, tuy nhiên đây có thể là động thái rollover trong phiên đáo hạn hợp đồng tương lai VN30 tháng 12/2020 (short VN30F2012 và long VN30F2101) và mức basis này có thể sớm được cân bằng trở lại. SHS dự báo, VN-Index có thể sẽ kiểm định ngưỡng hỗ trợ gần nhất quanh 1.045 điểm (đỉnh tháng 6/2018). Nhà đầu tư có tỷ trọng cổ phiếu cao có thể tiếp tục tận dụng những nhịp tăng điểm trong phiên để hạ tỷ trọng cổ phiếu. Nhà đầu tư có tỷ trọng tiền mặt cao có thể canh những nhịp điều chỉnh về quanh ngưỡng 1.045 điểm và 1.030 điểm để giải ngân thăm dò từng phần./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top