Aa

Bất động sản 24h: Đất Bắc Vân Phong sau một năm "sốt nóng"

Thứ Năm, 14/11/2019 - 13:30

Đất Bắc Vân Phong sau một năm "sốt nóng"; Việt Nam đang thất thu thuế vì nhiều ưu đãi cho doanh nghiệp... là một số tin tức nổi bật trên thị trường bất động sản 24h qua.

Đất Bắc Vân Phong sau một năm "sốt nóng"

Quay trở lại vùng đất từng diễn ra cơn sốt đất khá "nóng bỏng" Bắc Vân Phong một tuần gần đây, điều đầu tiên đập vào mắt chúng tôi là cảnh vắng vẻ khá lạ thường. Hầu hết nhiều con đường xung quanh vùng biển đẹp Vân Phong không còn hình bóng môi giới rào quanh chào mời khách hàng, hàng loạt văn phòng "giao dịch" cũng đã tháo chạy...

Theo lãnh đạo huyện Vạn Ninh, tại địa phương đã xảy ra tình trạng sốt đất ảo cách đây một năm là có thật. Văn bản của UBND tỉnh Khánh Hòa về việc tạm dừng việc giao dịch đất tại thời điểm đó là hợp lý khi mà giá đất ở Vạn Ninh đã bị đẩy lên cao gấp hàng chục lần giá trị thật khiến việc mua bán, sang nhượng đất ở đây diễn ra hết sức phức tạp do "ăn theo" đặc khu kinh tế.

Những ngày này, dọc bờ biển thị trấn Vạn Giã không còn cảnh khách từ các tỉnh đổ về mua, bán đất. Dọc đường Trần Hưng Đạo, Đinh Tiên Hoàng, các sàn giao dịch bất động sản hầu như không có ai lai vãng. Sàn mở cửa lấy lệ, sàn thì đóng cửa im ỉm suốt ngày. Một "cò" đất lâu năm ở đây cho biết thêm, hơn nửa năm nay chẳng còn cảnh tranh mua, tranh bán gì nữa. Nhiều sàn phải đóng cửa vì chẳng có một khách hàng nào tìm đến giao dịch.

Xem chi tiết tại đây

Việt Nam đang thất thu thuế vì nhiều ưu đãi cho doanh nghiệp

Tại Diễn đàn Chính sách tài khóa và phát triển Việt Nam: Hướng tới một hệ thống thuế công bằng, bà Nguyễn Thu Hương, Quản lý Chương trình cấp cao về Quản trị Oxfam Việt Nam đã cho biết, nguồn thu ngân sách từ thuế qua các năm đang giảm dần.

Cụ thể, thu ngân sách đã giảm từ mức 27,3% GDP (2010) xuống 23,7% (năm 2016). Một trong những lý do giảm thu ngân sách và thâm hụt ngân sách của Việt Nam trong những năm qua là do sụt giảm nguồn thu từ thuế và giảm sụt giá dầu thô. Thu từ thuế thu nhập doanh nghiệp giảm mạnh từ năm 2006, từ 6,9% GDP năm 2010 xuống còn 4,3% GDP năm 2017. Điều này đặt ra những thách thức lớn cho Việt Nam.

Ước tính từ năm 2012 - 2016, tổng ưu đãi thuế Thuế thu nhập doanh nghiệp của Việt Nam cho các doanh nghiệp bằng 7% tổng thu ngân sách Nhà nước, tương ứng với 5% tổng chi ngân sách Nhà nước và luôn cao hơn số tiền mà ngân sách Nhà nước chi cho y tế, cao nhất là năm 2012 với con số bằng 1,4 lần chi cho y tế.

Đánh giá từ đại diện của Oxfam cho rằng, với việc thất thu thuế, Việt Nam đã mất đi một nguồn lớn ngân sách có thể đầu tư cho lĩnh vực y tế, trong khi số tiền túi mà người dân Việt Nam bỏ ra để khám chữa bệnh chiếm 44,6 % (2016) tổng chi tiêu cho ngành y tế. Tức là gánh nặng chịu thuế đã chuyển từ các doanh nghiệp lớn sang cho người dân, thông qua các chính sách thuế, đặc biệt là ưu đãi thuế.

Xem chi tiết tại đây

Những bất ổn của thị trường bất động sản và định hướng tháo gỡ

Mặc dù có nhiều điểm sáng nhưng thị trường bất động sản Việt Nam những tháng đầu năm 2019 còn tồn tại một số điểm nghẽn sau:

Thứ nhất, về nguồn vốn: Năm 2018, mức tăng trưởng tín dụng tối đa mà Ngân hàng Nhà nước (NHNN) giao cho các ngân hàng thương mại (NHTM) là 14%, thấp hơn nhiều so với các năm trước (khoảng 17 - 18%), nhưng đến tháng 6/2018, nhiều ngân hàng đã dần cạn room tín dụng được cấp từ đầu năm.

Thứ hai, khó khăn về thủ tục hành chính: Hiện nay, Chính phủ đang đẩy mạnh công tác phòng chống tham nhũng nhằm làm trong sạch bộ máy, minh bạch hóa bộ máy công quyền, xử lý nghiêm khắc nhiều cán bộ, đảng viên sai phạm.

Thứ ba, về chấp thuận chủ trương đầu tư: Chấp thuận chủ trương đầu tư là bước đi đầu tiên phải đạt được để thực hiện tiếp các bước triển khai dự án.

Xem chi tiết tại đây

Khung giá đất Hà Nội và TP.HCM không hợp lý

HoREA vừa gửi Thủ tướng, Bộ Tài nguyên Môi trường và UBND thành phố văn bản góp ý về khung giá đất giai đoạn 2019-2024.

Theo đó, HoREA cho rằng cần tăng mức trần giá đất lên do khung giá đất hiện hành không phù hợp với giá đất phổ biến trên thị trường. Hiệp hội cũng cho rằng, việc phân chia vùng kinh tế hiện nay quá rộng, nên chia thành nhiều vùng hơn, mỗi vùng gồm các tỉnh tương đồng nhau.

Ngoài ra, quy định khung giá đất của Hà Nội và TP.HCM có mức giá như nhau là không hợp lý, không phù hợp với thực tiễn và sự khác biệt của hai thành phố.

Trong thời gian Luật Đất đai 2013 chưa được sửa đổi và khung giá đất hiện tại đến ngày 29/12/2019 sẽ hết hiệu lực, HoREA đề xuất Chính phủ ban hành khung giá đất (mới) áp dụng cho giai đoạn 2019-2024.

Xem chi tiết tại đây

Hà Nội thiếu 7.000 trụ nước, 300 bể lấy nước chữa cháy so với tiêu chuẩn!

Theo Đại biểu Đoàn Thị Thanh Mai thì thực tế hạ tầng kỹ thuật, giao thông phục vụ công tác PCCC còn nhiều bất cập, ví dụ như Hà Nội hiện còn thiếu tới 7.000 trụ nước, 300 bể nước lấy nước chữa cháy so với tiêu chuẩn.

"Các quy định pháp luật, quy chuẩn kỹ thuật về PCCC trong lập quy hoạch đô thị, cũng như thiết kế công trình đã được ban hành khá đầy đủ. Tuy nhiên, thực tế hạ tầng kỹ thuật, giao thông phục vụ công tác PCCC còn nhiều bất cập, các quy chuẩn chưa được tuân thủ nghiêm ngặt", đại biểu Mai đánh giá.

Đại biểu ví dụ, ở TP. Hà Nội có nhiều tuyến phố nhỏ, ngõ sâu, xe cứu hỏa không vào được, mật độ dân cư đông đúc, thường xuyên xảy ra ùn tắc vào giờ cao điểm, ảnh hưởng không nhỏ đến công tác chữa cháy, cứu hộ, cứu nạn.

Từ thực tế này, đại biểu Đoàn Thị Thanh Mai đề nghị: Trong quy hoạch đô thị cần tuân thủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn trong PCCC, từ việc bố trí đường giao thông, các họng nước chữa cháy đến bảo đảm lưu lượng nước phục vụ cho công tác chữa cháy...

Xem chi tiết tại đây 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top